Tài sản bị đánh rơi, bỏ quên là những tài sản có chủ sở hữu nhưng do những lý do khách quan hoặc chủ quan từ chính chủ sở hữu hoặc người đang quản lý mà tài sản không còn nằm trong sự chi phối, chiếm hữu của các chủ thể đó. Nếu tài sản được phát hiện trên đường đi, vỉa hè.. thì thường được xác định là tài sản bị đánh rơi. Ngược lại, nếu tài sản được xác định ở những vị trí thường được lựa chọn để đồ thì thường được xác định là tài sản bị bỏ quên. Hành vi nhặt được tài sản bỏ quên không trả lại người đánh mất phạm tội gì, có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Pháp luật quy định về xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên như thế nào? Tất cả sẽ được NPlaw tư vấn giải đáp cụ thể trong bài viết sau đây.
Pháp luật đã có những quy định đối với người nhặt được tài sản của người khác bị đánh rơi, bỏ quên. Điều 230 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về việc cần làm khi nhặt được tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên như sau:
- Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi; bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên; thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó. Ví dụ: Trường hợp người rơi ví trên đường, hoặc căn cứ vào giấy tờ tùy thân mà xác định được chủ sở hữu.
- Nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo; hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất; để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.
Như vậy, trong tình huống nhìn thấy tài sản bị bỏ quên, dù là tài sản ít giá trị hay có giá trị lớn, thì việc cần làm lúc này là phải thông báo hoặc giao nộp ngay cho cơ quan có thẩm quyền biết để công khai tìm lại chủ sở hữu tài sản đó. Điều đó nhằm mục đích giúp chủ nhân của những tài sản bị đánh rơi hoặc bỏ quên đó có thể tìm được phần tài sản của mình. Đây cũng là truyền thống tốt đẹp của nhân dân Việt Nam, nhặt được của rơi trả người đã mất.
Việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản bị bỏ quên phải tuân thủ nguyên tắc quy định tại Điều 160 Bộ luật dân sự 2015:
- Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản được xác lập, thực hiện trong trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định. Quyền khác đối với tài sản vẫn có hiệu lực trong trường hợp quyền sở hữu được chuyển giao, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
- Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được trái với quy định của luật, gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
- Chủ thể có quyền khác đối với tài sản được thực hiện mọi hành vi trong phạm vi quyền được quy định tại Bộ luật này, luật khác có liên quan nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản hoặc của người khác.
Căn cứ xác lập quyền sở hữu đối với một tài sản được quy định tại Điều 221 Bộ luật dân sự 2015. Cụ thể:
Quyền sở hữu được xác lập đối với tài sản trong trường hợp sau đây:
- Do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, do hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.
- Được chuyển quyền sở hữu theo thỏa thuận hoặc theo bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.
- Thu hoa lợi, lợi tức.
- Tạo thành tài sản mới do sáp nhập, trộn lẫn, chế biến.
- Được thừa kế.
- Chiếm hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu; tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy; tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên; gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên.
- Chiếm hữu, được lợi về tài sản theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.
- Trường hợp khác do luật quy định.
Như vậy, căn cứ xác lập quyền sở hữu đối với tài sản bị bỏ quên được quy định tại khoản 6 Điều 211 Bộ luật dân sự 2015. Căn cứ xác lập quyền sở hữu được quy định tại Điều 221 Bộ luật này chỉ có thể áp dụng với các tài sản là động sản vì chỉ có động sản mới có thể dịch chuyển, di dời mà không làm ảnh hưởng đến tính năng, công dụng của nó. Kể từ thời điểm tài sản bị đánh rơi, bỏ quên, chủ sở hữu chưa mất quyền sở hữu của mình đối với tài sản. Việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản bị bỏ quên được quy định chi tiết tại Điều 230 Bộ luật dân sự 2015.
Điều 230 Bộ luật dân sự 2015 quy định chi tiết về trình tự, thủ tục xác lập tài sản bỏ quên như sau:
- Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.
- Sau 01 năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:
+ Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người nhặt được được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp tài sản có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước;
+ Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì tài sản đó thuộc về Nhà nước; người nhặt được tài sản được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 3 Nghị định 29/2018/NĐ-CP quy định: “ Tài sản bị đánh rơi, bỏ quên không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận được xác lập quyền sở hữu toàn dân (sau đây gọi là tài sản bị đánh rơi, bỏ quên)”
Như vậy, với tài sản bị bỏ quên thuộc sở hữu toàn dân, trình tự thủ tục xác lập quyền sở hữu được quy định tại Điều 9 Nghị định 29/2018/NĐ-CP:
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành thủ tục xác định chủ sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật về dân sự, cơ quan đã tiếp nhận thông tin về tài sản bị đánh rơi, bỏ quên (Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an sở tại) có trách nhiệm lập 01 bộ hồ sơ gửi Phòng Tài chính Kế hoạch đối với tài sản bị đánh rơi, bỏ quên thuộc về Nhà nước.
- Đối với tài sản bị đánh rơi, bỏ quên thuộc thẩm quyền quyết định xác lập sở hữu toàn dân về tài sản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quy định tại Khoản 7 Điều 7 Nghị định này, trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ quy định tại Khoản 1 Điều này, Phòng Tài chính Kế hoạch có trách nhiệm lập Tờ trình kèm hồ sơ quy định tại Khoản 1 Điều này trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản.
- Đối với tài sản bị đánh rơi, bỏ quên thuộc thẩm quyền quyết định xác lập sở hữu toàn dân về tài sản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại điểm a Khoản 6 Điều 7 Nghị định này, trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ quy định tại Khoản 1 Điều này, Phòng Tài chính Kế hoạch có trách nhiệm lập Tờ trình kèm hồ sơ quy định tại Khoản 1 Điều này, gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện để gửi Sở Tài chính trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người có thẩm quyền được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ do Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi, Sở Tài chính trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người có thẩm quyền được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản.
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người có thẩm quyền được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp ban hành Quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản theo Mẫu số 01-QĐXL tại Phụ lục kèm theo Nghị định này.
Để người nhặt được phần tài sản này phải trả lại cho người là chủ tài sản hoặc giao cho cơ quan có thẩm quyền và không thực hiện hành vi chiếm hữu phần tài sản của người khác. Đối với những hành vi cố ý giữ tài sản của người khác khi nhặt được mà có giá trị thấp thì sẽ bị xử phạt hành chính còn đối với việc cố tình không trả đối với tài sản trị giá từ 10 triệu trở lên thì sẽ bị xử lý theo pháp luật hình sự như sau:
Từ quy định về việc xử phạt đối với những hành vi nhặt được tài sản bị đánh rơi, bỏ quên mà cố ý không trao trả cho người đánh mất hoặc không giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền thì sẽ bị xử phạt hành chính theo điểm d, khoản 2 Điều 15 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi “chiếm giữ trái phép tài sản của người khác” sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.0000 đồng.
Đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.( Khoản 3 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Không chỉ quy định về xử phạt hành chính, pháp luật còn có quy định về xử lý hình sự đối với hành vi nhặt được tài sản người khác bỏ quên nhưng cố tình không trả về tội chiếm giữ tài sản trái phép theo quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:
- Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
- Phạm tội chiếm giữ tài sản tội giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”
Như vậy, có thể thấy rằng hệ thống pháp luật nước ta đã quy định rất chặt chẽ về vấn đề tài sản bị đánh rơi, bỏ quên để nhằm mục đích người có tài sản bị đánh rơi bỏ quên này có thể tìm lại phần tài sản bị mất của mình.
Khoản 1 Điều 230 Bộ luật dân sự 2015 quy định khi nhặt được tài sản của người bỏ quên như sau: “...nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.”
Như vậy, trường hợp không biết thông tin người bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất.
Điều 230 Bộ luật dân sự 2015 quy định: Người nhặt được tài sản bị đánh rơi, bỏ quên chỉ được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó khi:
Sau 01 năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015.
Như vậy, nếu sau 1 năm kể từ ngày thông báo nếu tài sản bị đánh rơi mà không có ai đến nhận thì người nhặt được sẽ được xác lập quan hệ sở hữu đối với tài sản. Trường hợp tài sản là thuộc di sản Nhà nước thì tài sản sẽ thuộc về Nhà nước và người nhặt được sẽ được hưởng một khoản tiền thưởng. Thời gian xác lập quyền sở hữu tài sản bỏ quên sau khi công khai là 01 năm.
Theo quy định tại Điều 230 Bộ luật dân sự 2015, NPLaw tình huống trên như sau:
Khoản 1 Điều 230 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.”
Như vậy, bạn đã làm đúng theo quy định đối với việc liên hệ với công an phường để liên hệ đến người mất đồng hồ.
Tuy nhiên, sau 01 năm kể từ ngày thông báo, không ai đến nhận lại chiếc đồng hồ. Như vậy, chiếc đồng hồ được xử lý theo quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 230 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
“- Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người nhặt được được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Trường hợp tài sản có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước.”
Ngoài ra, theo Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 38/2019/NĐ-CP của Chính Phủ quy định về mức lương cơ sở từ ngày 01/ 7/2019 mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng.
Đối với chiếc đồng hồ trên, do giá trị đồng hồ là 10.000.000 đồng nên không vượt quá 10 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định.
Chính vì vậy, trong tình huống trên, bạn hoàn toàn có quyền sở hữu chiếc đồng hồ và có thể đưa cho bố bạn sử dụng.
Nhặt được tài sản bỏ quên không còn là hiếm gặp trong xã hội ngày nay. Nhưng thực tế, không phải ai cũng biết cách xử lý đối với tình huống như vậy cho đúng quy định của pháp luật. Chính vì vậy, việc tìm luật sư tư vấn là nên làm. Đến với NPlaw, chúng tôi sẽ giải đáp mọi thắc mắc của quý đọc giả một cách nhanh chóng và chi tiết nhất. Trên đây, là nội dung tư vấn của NPlaw về quy định của pháp luật về tài sản bỏ quên. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý đọc giả.
Công ty Luật TNHH Ngọc Phú – Hãng luật NPLaw
Hotline: 0913449968
Email: legal@nplaw.vn
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn