Hối phiếu đòi nợ là giấy tờ có giá do người ký phát lập, yêu cầu người bị ký phát thanh toán không điều kiện một số tiền xác định khi có yêu cầu hoặc vào một thời điểm nhất định trong tương lai cho người thụ hưởng. Người thụ hưởng hối phiếu đòi nợ được coi là người thụ hưởng hợp pháp cần đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật.
Sau đây, NPLAW sẽ tư vấn cho quý khách hàng quy định pháp luật về người thụ hưởng hối phiếu đòi nợ.
Người thụ hưởng hối phiếu đòi nợ là người được chỉ định nhận tiền từ người phát hành hối phiếu (người ký phát) khi đến hạn thanh toán. Hối phiếu đòi nợ là một công cụ tài chính thể hiện cam kết của người phát hành (người ký phát) về việc trả một khoản tiền cho người thụ hưởng vào thời điểm xác định.
Tại Việt Nam, hối phiếu đòi nợ và quyền của người thụ hưởng được điều chỉnh chủ yếu tại Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005.
Căn cứ khoản 1 Điều 40 Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005, người thụ hưởng hối phiếu đòi nợ được coi là người thụ hưởng hợp pháp khi có đủ những điều kiện sau đây:
- Cầm giữ hối phiếu đòi nợ chưa quá hạn thanh toán và không biết hối phiếu đòi nợ này đã có thông báo về việc bị từ chối chấp nhận, từ chối thanh toán;
- Xác lập quyền sở hữu đối với hối phiếu đòi nợ một cách hợp pháp. Trường hợp người thụ hưởng nhận chuyển nhượng hối phiếu thông qua ký chuyển nhượng thì các chữ ký chuyển nhượng trên hối phiếu phải liên tục, không ngắt quãng;
- Không có thông báo về việc những người ký chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ trước đó đã cầm giữ hối phiếu đòi nợ bằng cách gian lận, cưỡng bức, ép buộc hoặc cách thức không hợp pháp khác.
Căn cứ khoản 1 Điều 41 Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005 quy định quyền của người thụ hưởng như sau:
- Xuất trình hối phiếu đòi nợ để chấp nhận hoặc để thanh toán khi hối phiếu đòi nợ đến hạn;
- Yêu cầu những người có liên quan thanh toán hối phiếu đòi nợ khi đến hạn;
- Chuyển nhượng hối phiếu đòi nợ theo các quy định của Luật này;
- Chuyển giao để cầm cố hoặc chuyển giao để nhờ thu hối phiếu đòi nợ;
- Truy đòi, khởi kiện về hối phiếu đòi nợ.
- Quyền của người thụ hưởng cầm giữ hối phiếu đòi nợ theo quy định tại Điều 40 của Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005 vẫn được đảm bảo ngay cả khi những người có liên quan trước đó cầm giữ hối phiếu không hợp pháp.
Căn cứ khoản 1 Điều 18 Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005, người thụ hưởng phải xuất trình hối phiếu đòi nợ để yêu cầu chấp nhận trong những trường hợp sau đây:
Hối phiếu đòi nợ có thể được xuất trình để chấp nhận dưới hình thức thư bảo đảm qua mạng bưu chính công cộng. Ngày xuất trình hối phiếu đòi nợ để chấp nhận trong trường hợp này được tính theo ngày trên dấu bưu điện nơi gửi thư bảo đảm.
Theo khoản 1 Điều 43 Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005, người thụ hưởng có quyền xuất trình hối phiếu đòi nợ tại địa điểm thanh toán để yêu cầu người bị ký phát thanh toán vào ngày hối phiếu đòi nợ đến hạn thanh toán hoặc trong thời hạn năm ngày làm việc tiếp theo.
Theo Khoản 2 Điều 43 Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005, người thụ hưởng có thể xuất trình hối phiếu đòi nợ sau thời hạn ghi trên hối phiếu đòi nợ, nếu việc chậm xuất trình do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan gây ra. Thời gian diễn ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan không tính vào thời hạn thanh toán.
Người thụ hưởng huỷ bỏ hối phiếu đòi nợ hoặc từ bỏ quyền đối với hối phiếu đòi nợ khi việc huỷ bỏ hoặc từ bỏ này được ghi rõ trên hối phiếu đòi nợ bằng cụm từ “huỷ bỏ”, “từ bỏ” hoặc cụm từ khác có ý nghĩa tương tự, ngày huỷ bỏ, từ bỏ và chữ ký của người thụ hưởng (theo Khoản 3 Điều 46 Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005)
Khi hối phiếu đòi nợ bị từ chối thanh toán toàn bộ hoặc một phần số tiền ghi trên hối phiếu đòi nợ, người thụ hưởng có quyền truy đòi ngay số tiền chưa được thanh toán đối với người chuyển nhượng trước mình, người ký phát và người bảo lãnh theo quy định tại Điều 48 của Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005
Theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật Các công cụ chuyển nhượng 2005, trường hợp công cụ chuyển nhượng bị mất chưa đến hạn thanh toán, người thụ hưởng có quyền yêu cầu người phát hành, người ký phát phát hành lại công cụ chuyển nhượng có cùng nội dung với công cụ chuyển nhượng bị mất để thay thế sau khi người thụ hưởng đã thông báo về việc công cụ chuyển nhượng bị mất và có văn bản cam kết sẽ trả thay cho người bị ký phát hoặc người phát hành nếu công cụ chuyển nhượng đã được thông báo bị mất lại được người thụ hưởng hợp pháp xuất trình để yêu cầu thanh toán.
Khi một cá nhân qua đời, tất cả tài sản, quyền và nghĩa vụ liên quan đến người đó đã ký kết sẽ trở thành di sản thừa kế. Khi đó, di sản của người chết để lại sẽ được chia thừa kế theo pháp luật và cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo Điểm a Khoản 1 Điều 650 và Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Khi người thụ hưởng hối phiếu là cá nhân qua đời trước khi nhận thanh toán và có để lại di chúc, quyền thừa kế nhận số tiền hối phiếu sẽ được chia theo di chúc theo Khoản 1 Điều 659 Bộ luật Dân sự 2015. Nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản thừa kế sẽ được chia đều cho những người thừa kế được chỉ định trong di chúc. Lưu ý một số đối tượng mặc dù không được chia di sản thừa kế theo di chúc nhưng vẫn được hưởng ít nhất là ⅔ suất của người thừa kế theo pháp luật (Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015).
Trên đây là tất cả các thông tin chi tiết mà NPLaw của chúng tôi tư vấn liên quan đến người thụ hưởng hối phiếu đòi nợ. Trường hợp Quý Khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề nêu trên hoặc các vấn đề pháp lý khác thì hãy liên hệ ngay cho NPLaw để được trực tiếp tư vấn và hướng dẫn giải quyết.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn