Hiện nay, những sản phẩm thực phẩm chức năng đã được đăng ký lưu hành sản phẩm trên thị trường Việt Nam rất đa dạng và phong phú. Nhưng đây vẫn là bài toán khó cho người tiêu dùng bởi họ chỉ có thể nhận biết được các sản phẩm thực phẩm chức năng thông qua nhãn hàng hóa, mẫu mã bao bì. Việc tạo ra nhãn thực phẩm chức năng để cung cấp thông tin cho người tiêu dùng là điều bắt buộc trước khi được tung ra thị trường. Để tránh tình trạng hàng giả, hàng nhái được bày bán khắp nơi nên doanh nghiệp thực phẩm chức năng cần có nhãn thực phẩm chức năng riêng biệt theo đúng theo quy định của pháp luật và củng cố lòng tin của khách hàng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa nắm được hết quy định về nhãn thực phẩm chức năng, đặc biệt là những quy định trong cách ghi nhãn thực phẩm chức năng thế nào. Trong bài viết dưới đây, NPLaw xin giải đáp thắc mắc của khách hàng về những vấn đề pháp lý đối với nhãn thực phẩm chức năng.
I. Thực trạng về nhãn thực phẩm chức năng hiện nay
Trong những năm gần đây, cụm từ “thực phẩm chức năng” được người dân biết tới và sử dụng ngày càng phổ biến. Đây là các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên hoặc là thực phẩm trong quá trình chế biến được bổ sung thêm một số chất; nhằm hỗ trợ điều trị bệnh và phòng ngừa bệnh vì nó có khả năng phục hồi tất cả các cấu trúc tế bào trong cơ thể đang bị tổn thương. Ghi nhãn thực phẩm chức năng nhằm bảo đảm quyền được thông tin của người tiêu dùng và phục vụ cho công tác quản lý nhà nước cũng như thể hiện trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mặt hàng thực phẩm chức trước pháp luật và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp, các cơ quan chức năng, đặc biệt là người tiêu dùng hiện đang phải đối mặt với vấn đề “nhìn hình, đoán chữ” hoặc “nhìn bao bì, đoán nội dung” mỗi khi xem hàng hóa. Không ít trường hợp người dùng phải mò mẫm học cách sử dụng vì các nhà nhập khẩu khi dịch các thông tin từ tiếng nước ngoài rồi dán chồng lên nhãn chính với kích thước nhỏ khiến người dùng khó đọc.
Hơn nữa, để trục lợi cá nhân, nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh đã có những hành vi trái quy định pháp luật về nhãn thực phẩm chức năng: ghi sai hạn sử dụng nhằm gian lận để tiếp tục đưa thực phẩm hết hạn sử dụng vào lưu thông; ghi sai, giả về nguồn gốc xuất xứ, nhằm lừa dối người tiêu dùng để dễ tiêu thụ và bán với giá cao hơn; quảng cáo gây nhầm lẫn vẫn diễn ra công khai, nhưng không bị xử lý, ngăn chặn;....
Nhu cầu của người tiêu dùng càng cao, kéo theo mức độ trầm trọng của hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ghi nhãn thực phẩm chức năng đang ngày càng nhiều với mức độ tinh vi. Điều này đã và đang đặt ra thách thức lớn đối với cơ quan có thẩm quyền trong việc sửa đổi, bổ sung những quy định chặt chẽ hơn về xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật, cũng như công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong xã hội nhằm nâng cao nhận thức của chính người tiêu dùng.
Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định về khái niệm nhãn hàng hóa như sau:
“ Nhãn hàng hóa là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa.”
Như vậy, từ định nghĩa trên, có thể hiểu nhãn thực phẩm chức năng là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên thực phẩm chức năng, bao bì thương phẩm của thực phẩm chức năng hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên thực phẩm chức năng, bao bì thương phẩm của thực phẩm chức năng
Việc tạo ra nhãn sản phẩm để cung cấp thông tin cho người tiêu dùng là điều tất yếu của một sản phẩm trước khi được tung ra thị trường. Để tránh tình trạng hàng giả, hàng nhái nên tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng phải ghi nhãn cho sản phẩm của mình. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải tạo nhãn thực phẩm chức năng do:
- Nhãn thực phẩm chức năng là điều bắt buộc theo quy định của nhà nước để cung cấp thông tin cụ thể rõ ràng cho sản phẩm đến tay người tiêu dùng: Điều 123 Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH Luật sở hữu trí tuệ quy định chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền:
+ Chủ sở hữu sẽ được độc quyền sử dụng nhãn hiệu cho sản phẩm của mình, mọi hành vi sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự nhãn hiệu đã đăng ký có thể xác định là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu( theo quy định tại khoản 1 Điều 129 Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH Luật sở hữu trí tuệ).
+ Chủ sở hữu có quyền định đoạt với nhãn hiệu của mình theo quy định tại chương X Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH Luật sở hữu trí tuệ.
+ Chủ sở hữu có nhãn hiệu bị xâm phạm có thể yêu cầu cơ quan chức năng tiến hành xử lý hành vi vi phạm quyền đối với nhãn hiệu.
+ Chủ sở hữu có tiền đề phát triển nhãn hiệu đối với thực phẩm chức năng trên cơ sở đã đăng ký độc quyền nhãn hiệu.
- Nhãn sản phẩm chức năng còn tăng tính thẩm mỹ cho sản phẩm của doanh nghiệp để giúp sản phẩm dễ dàng được đón nhận hơn. Một bao bì cũng như nhãn hiệu đẹp sẽ giúp sản phẩm tạo ấn tượng mạnh cho khách hàng ngay lần đầu tiên trông thấy.
- Nhãn chỉnh chu và kỳ công cũng giúp cho khách hàng cảm thấy sự tôn trọng khi cầm trên tay sản phẩm được đầu tư về chất lượng. Một thiết kế độc đáo còn là cách để những người bạn, người thân lựa chọn sản phẩm của công ty để dành tặng những người yêu thương nhất.
Việc công bố nhãn thực phẩm chức năng được thực hiện theo quy định tại Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH Luật sở hữu trí tuệ như sau:
- Bước 1: Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm thực phẩm chức năng:
Sau khi chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, người nộp đơn có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho một đơn vị đại diện nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục sở hữu trí tuệ.
- Bước 2: Thẩm định hình thức đơn đăng ký nhãn hiệu theo quy định tại Điều 109 Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH Luật sở hữu trí tuệ
+ Cục sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành đánh giá tính hợp lệ của đơn đăng ký nhãn hiệu. Thời gian thẩm định hình thức là 30 ngày kể từ ngày nộp đơn.
+ Nếu đơn đáp ứng các yêu cầu về hình thức như: Cục sở hữu trí tuệ ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ. Ngược lại, nếu đơn đăng ký nhãn hiệu có thiếu sót: Cục sẽ ra thông báo dự định từ chối và yêu cầu khắc phục các thiếu sót đó.
- Bước 3: Công bố đơn đăng ký nhãn hiệu thực phẩm chức năng theo quy định tại Điều 110 Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH Luật sở hữu trí tuệ:
Đơn đăng ký nhãn hiệu nếu được chấp thuận hợp lệ về hình thức sẽ được Cục sở hữu trí tuệ công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp trong thời gian 2 tháng. Kể từ thời điểm công bố bên thứ ba sẽ biết được thông tin về đơn đăng ký nhãn hiệu và có quyền có ý kiến phản đối cấp gửi Cục sở hữu trí tuệ xem xét.
- Bước 4: Thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu thực phẩm chức năng
Đây chính là việc Cục sở hữu trí tuệ xem xét đánh giá nhãn hiệu có khả năng bảo hộ hay không dựa theo các điều kiện bảo hộ theo nội dung quy định tại Điều 105 Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH Luật sở hữu trí tuệ.
Thời hạn thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu là 9 tháng kể từ ngày công bố đơn. Kết thúc việc thẩm định nội dung, Cục sở hữu trí tuệ sẽ ra:
+ Thông báo Dự định cấp văn bằng bảo hộ và thông báo nộp phí cấp Văn bằng bản hộ hoặc
+ Thông báo Dự định từ chối cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn có quyền có ý kiến bằng văn bản gửi Cục sở hữu trí tuệ xem xét dự định từ chối và thực hiện quyền khiếu nại sau khi Cục sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.
- Bước 5: Nhận văn bằng bảo hộ nhãn hiệu thực phẩm chức năng
Các đơn đăng ký nhãn hiệu đã được Cục sở hữu trí tuệ thông báo cấp văn bằng và người nộp đơn đã nộp lệ phí cấp văn bằng bảo hộ.
Thông thường, sau 02 – 03 tháng kể từ ngày nộp lệ phí cấp văn bằng Cục sở hữu trí tuệ sẽ cấp văn bằng bảo hộ cho người nộp đơn. Kể từ thời điểm nhãn hiệu được cấp văn bằng, người nộp đơn chính thức trở thành chủ sở hữu nhãn hiệu.
Trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa thực phẩm chức năng được quy định chi tiết tại Điều 9 Nghị định 43/2017/NĐ-CP như sau:
- Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa thực phẩm chức năng kể cả nhãn phụ phải bảo đảm ghi nhãn trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa.
- Hàng hóa sản xuất để lưu thông trong nước thì tổ chức, cá nhân sản xuất phải chịu trách nhiệm thực hiện ghi nhãn hàng hóa.
Trong trường hợp tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa yêu cầu tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc ghi nhãn thì tổ chức, cá nhân đó vẫn phải chịu trách nhiệm về nhãn hàng hóa của mình.
- Trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường thì tổ chức, cá nhân đưa hàng hóa ra lưu thông phải ghi nhãn theo quy định của Nghị định này.
- Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam phải ghi nhãn theo quy định về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa nhập khẩu tại Nghị định này.( khoản 4 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP).
Ghi nhãn hàng hóa là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa lên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.( Khoản 2 Điều 3 Nghị định 43/2017/NĐ-CP)
Nội dung và cách ghi nhãn hàng hóa thực phẩm chức năng là điều bắt buộc và phải tuân theo quy định pháp luật:
Nội dung của nhãn hàng hóa thực phẩm chức năng phải tuân theo quy định về nhãn hàng hóa tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP:
- Đối với nhãn hàng hóa của các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt:
+ Tên hàng hóa;
+ Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;
+ Xuất xứ hàng hóa.
Trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này;
+ Các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa thực phẩm chức năng quy định tại Phụ lục 1 Nghị định này:
- Đối với nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt khi làm thủ tục thông quan:
+ Tên hàng hóa;
+ Xuất xứ hàng hóa. Trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này;
+ Tên hoặc tên viết tắt của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài.
Việc ghi nhãn hàng hóa phải tuân theo quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP như sau:
- Tên hàng hóa: Điều 11 Nghị định 43/2017/NĐ-CP
- Tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa: Điều 12 Nghị định 43/2017/NĐ-CP
- Định lượng hàng hóa: Điều 13 Nghị định 43/2017/NĐ-CP
- Ngày sản xuất, hạn sử dụng: Điều 14 Nghị định 43/2017/NĐ-CP
- Xuất xứ hàng hóa: Điều 15 Nghị định 43/2017/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP
- Thành phần, thành phần định lượng: Điều 16 Nghị định 43/2017/NĐ-CP sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP
- Thông số kỹ thuật, thông tin cảnh báo: Điều 17 Nghị định 43/2017/NĐ-CP
- Các nội dung khác thể hiện trên nhãn hàng hóa: vị trí nhãn hàng hóa, Kích thước nhân hàng hóa, kích thước của chữ và số trên nhãn, Màu sắc của chữ, ký hiệu và hình ảnh trên nhãn hàng hóa, ngôn ngữ trình bày,... được ghi theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6 và Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP.
Ngoài các quy định về ghi nhãn thực phẩm, việc ghi nhãn thực phẩm chức năng còn cần tuân theo các quy định sau đây:
- Tên thực phẩm chức năng: Tên của sản phẩm ghi trên phần chính của nhãn phải có kèm theo tên nhóm thực phẩm như Thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe hay thực phẩm dinh dưỡng y học.
- Trường hợp sản phẩm chưa có thử nghiệm lâm sàng: Nội dung nhãn cần phải ghi dùng để “hỗ trợ chức năng cơ thể”, “tăng sức đề kháng”, “giảm bớt nguy cơ mắc bệnh”, không được ghi “hỗ trợ điều trị”.
- Trường hợp sản phẩm đã có thử nghiệm lâm sàng hoặc thành phần chính của sản phẩm đã được công bố trong dược điển thì sản phẩm được ghi “Hỗ trợ điều trị” cho một hoặc một số bệnh cụ thể.
- Hạn sử dụng, ngày sản xuất cần ghi rõ ràng trên nhãn.
- Đối với thực phẩm bổ sung: Khi hàm lượng vitamin hay khoáng chất bổ sung vào thực phẩm dưới tiêu chuẩn thì không có tên nhóm “Thực phẩm bổ sung” trên nhãn.
- Đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thực phẩm dinh dưỡng y học: Phải ghi rõ định lượng hoặc tỷ lệ phần trăm của các thành phần trong sản phẩm trên nhãn. Phải ghi cụm từ: “Chú ý: Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” ngay sau phần công dụng của sản phẩm hoặc cùng vị trĩ với các khuyến cáo khác.
- Các cụm từ thể hiện tên nhóm thực phẩm, và cụm từ “Chú ý: Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” phải có kích thước lớn gấp hai lần kích thước ghi công dụng trên nhãn. Đồng thời, màu cũng phải tương phản với màu nền của nhãn.
Như vậy, nếu không đạt các yêu cầu trên, sản phẩm thực phẩm chức năng sẽ không được cấp phép, không được phân phối ra thị trường.
Ngoài ra, khi ghi nhãn thực phẩm chức năng, cần chú ý một số nội dung sau:
- Vị trí nhãn hàng hoá: quy định tại Điều 4 Nghị định 43/2017/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Điều 4 Thông tư 05/2019/TT-BKHCN:
+ Những nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hóa không cần thể hiện tập trung trên nhãn, có thể ghi trên vị trí khác của hàng hóa, bảo đảm khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa. Những nội dung bắt buộc đó là một phần của nhãn hàng hóa.
+ Hàng hóa có cả bao bì trực tiếp và bao bì ngoài:
+ Trường hợp bao bì ngoài trong suốt có thể quan sát được nội dung ghi nhãn sản phẩm bên trong thì không bắt buộc ghi nhãn cho bao bì ngoài.
- Kích thước nhãn hàng hoá, kích thước của chữ và số trên nhãn:
Điều 5 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định: Tổ chức, cá nhân tự xác định kích thước của nhãn hàng hoá, kích thước của chữ số và thể hiện trên nhãn hàng hoá nhưng phải đảm bảo các yêu cầu sau:
+ Ghi đầy đủ nội dung bắt buộc theo quy định;
+ Kích thước của chữ và số phải đảm bảo đủ để đọc bằng mắt thường và đáp ứng các yêu cầu như: Kích thước của chữ và số thể hiện đại lượng đo lường thì phải tuân thủ đại lượng đo lường.
- Màu sắc của chữ, ký hiệu và hình ảnh trên nhãn hàng hoá (Điều 6 Nghị định 43/2017/NĐ-CP):
Màu sắc của chữ, chữ số, hình vẽ, hình ảnh, dấu hiệu, ký hiệu ghi trên nhãn hàng hoá phải rõ ràng. Đối với nội dung bắt buộc theo quy định thì chữ, chữ số phải có màu tương phản với màu nền của nhãn hiệu hàng hoá.
- Ngôn ngữ trình bày nhãn hàng hoá quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ/CP sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP:
Những nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa lưu thông tại thị trường Việt Nam phải ghi bằng tiếng Việt, trừ hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ trong nước và trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
V. Giải đáp một số câu hỏi về nhãn thực phẩm chức năng
Đã là nhãn hàng hóa thì phải có đầy đủ nội dung như quy định tại Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP) và phụ lục kèm theo văn bản này. Nếu nhãn in thiếu thông tin thì bắt buộc phải hủy in nhãn mới theo đúng quy định pháp luật.
Nếu làm không đúng thì sẽ phải chịu rủi ro bị phạt hành chính theo Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP; khoản 48, khoản 49 Điều 2 Nghị định 126/2021/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2022, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa:
- Đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp hàng hóa thực phẩm chức năng vi phạm có giá trị dưới 5.000.000 đồng, trừ trường hợp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đã có nhãn gốc nhưng không đọc được các nội dung trên nhãn theo quy định pháp luật mà các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa không khắc phục được, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam đã có nhãn gốc nhưng chưa có nhãn phụ khi làm thủ tục thông quan thì phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng ( khoản 48 Điều 2 Nghị định 126/2021/NĐ-CP)
- Điểm h khoản 49 Điều 2 Nghị định 126/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền gấp 02 lần mức tiền phạt quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g khoản này trong trường hợp hàng hóa vi phạm thực phẩm chức năng. Như vậy, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm là thực phẩm chức năng có giá trị từ 5.000.000 đồng trở lên được quy định như sau:
+ Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
+ Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
+ Phạt tiền từ 14.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
+ Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
+ Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 70.000.000 đồng;
+ Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
+ Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên;
Như vậy, tùy theo giá trị hàng hóa thực phẩm chức năng vi phạm, mà pháp luật có các mức xử phạt khác nhau. Chủ thể có hành vi vi phạm có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 60.000.000 đồng. Ngoài ra, chủ thể vi phạm phải áp dụng biện pháp khắc phục theo quy định tại khoản 54 Điều 2 Nghị định 126/2021/NĐ-CP.
* Lưu ý: Mức phạt tiền theo quy định này là áp dụng đối với tổ chức. Đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền được giảm đi một nửa.
Thiết kế và in nhãn thực phẩm chức năng là một trong những việc làm quan trọng đối với các công ty sản xuất thực phẩm chức năng. Trong quá trình thiết kế luôn cần chú trọng các yếu tố về màu sắc phù hợp với sản phẩm dược; cũng như nội dung đảm bảo đầy đủ nội dung cần thiết mà một sản phẩm cần có theo quy định của Bộ y tế. Ngoài những yêu cầu bắt buộc đối với bao bì thực phẩm chức năng thì cũng cần có những yêu cầu về thẩm mỹ, màu sắc sản phẩm phù hợp, bắt mắt tạo được sự tin tưởng.
Chi phí đăng ký nhãn hiệu bao gồm phần lệ phí nộp cho nhà nước (Cục sở hữu trí tuệ) và phí dịch vụ cho đơn vị tư vấn và thực hiện đăng ký.
- Pháp luật không quy định mức giá cụ thể đối với chi phí làm nhãn thực phẩm chức năng. Tùy thuộc vào tính chất sử dụng của sản phẩm mà quý khách hàng tự lựa chọn chất liệu in sao cho phù hợp nhất. Quý khách hàng có thể tham khảo giá trên các website in nhãn hàng thực phẩm chức năng uy tín nhằm đảm bảo quyền lợi cho mình.
- Tuy nhiên, chi phí cố định phải nộp cho nhà nước khi đăng ký nhãn hiệu nộp tại Cục sở hữu trí tuệ được pháp luật quy định tại Thông tư 263/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp như sau: Đối với mỗi đơn đăng ký nhãn hiệu thông thường (đăng ký bảo hộ cho một nhóm hàng hóa, dịch vụ gồm 06 sản phẩm hàng hóa, dịch vụ):
+ Lệ phí nộp đơn: 150.000 đồng/đơn;
+ Phí thẩm định nội dung: 550.000đ;
+ Lệ phí cấp giấy chứng nhận: 120.000đ;
+ Lệ phí công bố nhãn hiệu: 120.000đ;
+ Lệ phí đăng bạ: 120.000đ;
Theo quy định tại Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH hợp nhất Luật sở hữu trí tuệ thì: Kể từ ngày được Cục sở hữu trí tuệ tiếp nhận, đơn đăng ký nhãn hiệu thực phẩm chức năng được xem xét theo trình tự sau:
- Thẩm định hình thức: 01 tháng
- Công bố đơn: trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày đơn đăng ký nhãn hiệu có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ
- Thẩm định nội dung: không quá 09 tháng, kể từ ngày công bố đơn.
- Thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký: 01 tháng.
Như vậy, tổng thời gian đăng ký nhãn hiệu thực phẩm chức năng theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ là 13 tháng tính từ ngày nộp đơn. Tuy nhiên, nếu có thay đổi, bổ sung thì thời gian có thể kéo dài thêm tùy theo thực tế.
Kinh doanh thực phẩm chức năng hiện nay là ngành thu lợi nhuận cao, được tận dụng và khai thác mạnh. Một sản phẩm tốt cùng với việc đảm bảo quy định về nhãn thực phẩm chức năng cũng như đảm bảo chất lượng sản phẩm sẽ được người dùng và Nhà nước tin tưởng, các lợi thế của doanh nghiệp vì thế sẽ được nâng cao.
Hy vọng qua bài viết trên, NPLaw cung cấp cho quý khách hàng các thông tin về các vấn đề liên quan đến nhãn thực phẩm chức năng, cũng như để doanh nghiệp của bạn có thể tránh được các sai phạm về ghi nhãn thực phẩm chức năng. Mọi thắc mắc về các vấn đề pháp lý trên quý khách hàng vui lòng liên hệ với NPLaw để được giải đáp thêm thông tin chi tiết.
Công ty Luật TNHH Ngọc Phú – Hãng luật NPLaw
Hotline: 0913449968
Email: legal@nplaw.vn
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn