Thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn vừa qua đã đạt được những bước tiến nhất định. Việc phát hành cổ phần của các công ty hiện nay ngày càng tăng về quy mô và độ sâu, được đánh giá đang dần trở thành một kênh huy động và phân bổ vốn quan trọng cho phát triển kinh tế. Cơ sở nhà đầu tư ngày càng đa dạng, hệ thống nhà đầu tư tổ chức được chú trọng phát triển, khuyến khích đầu tư nước ngoài dài hạn...
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn khá nhạy cảm và dễ bị tác động bởi các điều kiện kinh tế, diễn biến thị trường tài chính thế giới. Bên cạnh đó, chất lượng quản trị công ty còn thấp so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực, báo cáo tài chính ở một số doanh nghiệp chất lượng còn hạn chế, các doanh nghiệp mới chỉ dừng lại ở mức tuân thủ các quy định, chưa thực sự chủ động hơn trong việc hướng tới việc cải thiện chất lượng quản trị để nâng cao hoạt động của doanh nghiệp. Do vậy, cần tìm ra các giải pháp để khắc phục các tồn đọng không đáng có trong việc phát hành cổ phiếu của các công ty hiện nay.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 121 Luật Doanh nghiệp 2020: “Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó”
Do đó, phát hành cổ phiếu là hoạt động nhằm huy động vốn điều lệ chỉ có với công ty cổ phần. Các cổ đông (những người nắm giữ cổ phiếu trong công ty cổ phần) sẽ chuyển nhượng, mua bán cổ phần (phần vốn được chia ra) của công ty và những người khi mua cổ phần sẽ được chứng nhận, xác minh quyền sở hữu đối với phần cổ phần mà mình có được bằng cổ phiếu.
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 15 Luật chứng khoán 2019.
Điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của công ty cổ phần bao gồm:
- Mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;
- Hoạt động kinh doanh của 2 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán;
- Có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu được Đại hội đồng cổ đông thông qua;
- Tối thiểu là 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành phải được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn; trường hợp vốn điều lệ của tổ chức phát hành từ 1.000 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành;
- Cổ đông lớn trước thời điểm chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của tổ chức phát hành phải cam kết cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành tối thiểu là 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán;
- Tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích;
- Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán;
- Có cam kết và phải thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán;
- Tổ chức phát hành phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán.
Công ty cổ phần đáp ứng các điều kiện tại khoản 1 Điều 15 Luật chứng khoán 2019 thì sẽ được phát hành cổ phiếu.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 123 của Luật doanh nghiệp năm 2020, chào bán cổ phần có thể thực hiện theo một trong các hình thức sau đây:
- Chào bán cho các cổ đông hiện hữu;
- Chào bán ra công chúng;
- Chào bán cổ phần riêng lẻ.
Sau khi thực hiện chào bán cổ phần, công ty phải tiến hành thay đổi vốn điều lệ.
* Khái niệm cổ phiếu và trái phiếu
- Theo quy định tại khoản 1 Điều 121 Luật doanh nghiệp 2020: Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó.
- Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật chứng khoán 2019, Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành..
- Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật chứng khoán 2019, Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.
* Những điểm giống và khác nhau giữa cổ phiếu và trái phiếu
*) Điểm giống nhau:
- Cổ phiếu và trái phiếu là phương thức để Công ty huy động nguồn vốn,
- Cổ phiếu và trái phiếu đều là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu.
*) Điểm khác nhau giữa cổ phiếu và trái phiếu như sau:
- Về bản chất
+ Cổ phiếu là chứng chỉ hoặc bút toán ghi sổ ghi nhận quyền sở hữu đối với một phần vốn điều lệ công ty.
+ Trái phiếu là chứng chỉ ghi nhận nợ của tổ chức phát hành và quyền sở hữu đối với một phần vốn vay của chủ sở hữu.
- Về chủ thể có thẩm quyền phát hành
+ Đối với cổ phiếu: chỉ có Công ty cổ phần có quyền phát hành cả cổ phiếu. Công ty trách nhiệm hữu hạn không có quyền phát hành cổ phiếu.
+ Đối với trái phiếu: công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn đều có quyền phát hành trái phiếu.
- Tư cách chủ sở hữu
+ Cổ phiếu: Người sở hữu cổ phiếu được gọi là cổ đông của công ty cổ phần
+ Trái phiếu: Người sở hữu trái phiếu không phải là thành viên hay cổ đông của công ty, họ trở thành chủ nợ của công ty.
- Quyền của chủ sở hữu
+ Đối với Cổ phiếu: Người sở hữu cổ phiếu của công ty cổ phần trở thành cổ đông của công ty và tùy thuộc vào loại cổ phần họ nắm giữ, họ có những quyền khác nhau trong công ty. Người sở hữu cổ phiếu của công ty cổ phần được chia lợi nhuận (hay còn gọi là cổ tức), tuy nhiên lợi nhuận này không ổn định mà phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Họ có quyền tham gia vào việc quản lý và điều hành hoạt động của công ty, tham gia biểu quyết các vấn đề của công ty, trừ cổ đông ưu đãi cổ tức và cổ đông ưu đãi hoàn lại không được dự họp Đại hội đồng cổ đông và biểu quyết các vấn đề của công ty.
+ Đối với Trái phiếu: Người sở hữu trái phiếu do công ty phát hành được trả lãi định kỳ, lãi suất ổn định, không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty.
- Thời gian sở hữu
+ Cổ phiếu: Không có thời hạn cụ thể, nó phụ thuộc vào ý chí và quyết định của chủ sở hữu cổ phiếu.
+ Trái phiếu: Có một thời hạn nhất định được ghi trong trái phiếu.
- Hệ quả của việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu
+ Cổ phiếu: Kết quả của việc phát hành cổ phiếu sẽ làm tăng vốn điều lệ của công ty cổ phần và làm thay đổi cơ cấu cổ phần của các cổ đông hiện hữu.
+ Trái phiếu: Kết quả của việc phát hành trái phiếu sẽ làm tăng vốn vay, nghĩa vụ trả nợ của công ty nhưng không làm thay đổi cơ cấu cổ phần của các cổ đông hiện hữu.
Căn cứ theo điều 121, Luật doanh nghiệp năm 2020, yêu cầu đối với cổ phiếu được phát hành bao gồm:
- Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của công ty;
- Số lượng cổ phần và loại cổ phần;
- Mệnh giá mỗi cổ phần và tổng mệnh giá số cổ phần ghi trên cổ phiếu;
- Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số quyết định thành lập, địa chỉ trụ sở chính của cổ đông là tổ chức;
- Chữ ký của người đại diện theo pháp luật và dấu của công ty (nếu có);
- Số đăng ký tại sổ đăng ký cổ đông của công ty và ngày phát hành cổ phiếu;
- Các nội dung khác theo quy định tại các Điều 116, 117 và 118 của Luật doanh nghiệp đối với cổ phiếu của cổ phần ưu đãi.
– Về ưu điểm của phát hành cổ phiếu như sau:
+ Phát hành cổ phiếu hiện nay được xem là hình thức huy động vốn nhanh và công cụ huy động vốn mạnh mẽ cho các công ty cổ phần. Giúp công ty tập trung được nguồn tài chính mạnh mẽ hơn so với các mô hình công ty khác
+ Phát hành cổ phiếu thường giúp cho doanh nghiệp tăng thêm số vốn tự có của mình, đồng thời không bị ràng buộc bởi nghĩa vụ phải trả lợi tức cố định. Vậy nên, khi công ty cổ phần đó có doanh thu chưa cao thì cũng giảm bớt được nguy cơ phá sản trong trường hợp bị mất khả năng chi trả nợ.
+ Khi tình trạng lạm phát xảy ra thì các loại cổ phiếu thường sẽ có sức hấp dẫn, hiệu quả đầu tư tối ưu hơn so với các loại cổ phiếu ưu đãi hay trái phiếu khác.
+ Khác với hình thức huy động vốn khác là trái phiếu, cổ phiếu thường là một loại chứng khoán có vốn không kỳ hạn, vì thế công ty không phải lo đến vấn đề khi đến kỳ đáo hạn phải trả nợ.
– Về nhược điểm của phát hành cổ phiếu quy định như sau:
+ Khi phát hành cổ phiếu, nếu lượng cổ phiếu được mua lớn bởi một cổ đông, nhóm cổ đông nhất định sẽ làm ảnh hưởng đến cơ cấu nội bộ của công ty; tạo tầm ảnh hưởng đến quyền lực của các cổ đông trước đó. Việc này cũng đồng nghĩa với việc thu nhập từ cổ phần của các cổ đông cũ bị giảm đi khi phải chia bớt theo các cổ phần của các cổ đông mới.
+ Chi phí cho việc phát hành cổ phiếu thường cũng cao hơn so với chi phí để phát hành các loại trái phiếu, cổ phiếu ưu đãi.
+ Cổ phiếu thường là loại chứng khoán có mức độ rủi ro cao hơn một số loại chứng khoán khác.
+ Cổ phiếu có thể còn được mua bởi các công ty đối thủ với tham vọng chi phối hoạt động công ty.
Căn cứ khoản 4 Điều 6 Nghị định 126/2017/NĐ-CP thì tổ chức, cá nhân không được mua cổ phần phát hành lần đầu của doanh nghiệp cổ phần hóa bao gồm:
- Thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc cổ phần hóa doanh nghiệp (trừ các thành viên là đại diện của doanh nghiệp);
- Các tổ chức tài chính trung gian và các cá nhân thuộc tổ chức này tham gia vào việc thực hiện tư vấn cổ phần hóa, kiểm toán báo cáo tài chính và cơ quan kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp (trừ các tổ chức bảo lãnh phát hành mua số cổ phần chưa phân phối hết theo hợp đồng bảo lãnh);
- Các công ty con, công ty liên kết trong cùng Tập đoàn, Tổng công ty và tổ hợp công ty mẹ - công ty con;
- Tổ chức thực hiện bán đấu giá cổ phần và các cá nhân thuộc tổ chức này có liên quan đến cuộc đấu giá;
- Người có liên quan theo quy định tại khoản 23 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020 của tổ chức và cá nhân quy định tại điểm a, điểm b và điểm d khoản 4 Điều 6 Nghị định 126/2017/NĐ-CP.
Căn cứ vào Khoản 3 Điều 74 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về công ty TNHH một thành viên như sau: “Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần”
Căn cứ theo Khoản 3 Điều 46 Luật doanh nghiệp 2020 về công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên: “Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần”
Theo đó, Công ty TNHH một thành viên và TNHH hai thành viên không được phát hành cổ phần.
Theo Khoản 4 Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định như sau:
"4. Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần."
Như vậy, doanh nghiệp tư nhân không có quyền góp vốn, mua cổ phần tại công ty khác.
Công ty Luật Ngọc Phú Law hoạt động với phương châm tận tâm – hiệu quả – uy tín, cam kết đảm bảo chất lượng dịch vụ, đảm bảo thực hiện công việc theo đúng tiến độ đã thỏa thuận, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật. Nếu bạn cần tư vấn về phát hành cổ phần
Công ty Luật TNHH Ngọc Phú – Hãng luật NPLaw
Hotline: 0913449968
Email: legal@nplaw.vn
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn