NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Vậy pháp luật hiện nay quy định về hợp đồng vay tài sản thế nào? Hãy cùng NPLaw tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

1. Hợp đồng vay tài sản là gì?

Điều 463 Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS) định nghĩa về hợp đồng vay tài sản như sau:

“Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”

Theo quy định trên, có thể hiểu hợp đồng vay tài sản được xác lập dựa trên sự thỏa thuận của các bên, theo đó bên cho vay tài sản sẽ chuyển giao tài sản cho bên vay,  khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Tài sản cho vay theo quy định của pháp luật bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

1.1 Đặc điểm của hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản có những đặc điểm sau:

Thứ nhất hợp đồng vay tài sản là hợp đồng đơn vụ hoặc hợp đồng song vụ.

Về cơ bản, hợp đồng vay tài sản là hợp đồng đơn vụ nếu trong hợp đồng không có thỏa thuận về lãi suất, bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay phải trả lại tài sản tương đồng về số lượng và chất lượng giống như tài sản đã cho vay. Bên vay không có quyền gì đối với bên cho vay.

Trường hợp, hợp đồng vay tài sản là hợp đồng song vụ nếu trong hợp đồng có thỏa thuận về lãi suất, khi đó bên cho vay có nghĩa vụ chuyển giao tài sản cho vay đúng thời hạn. Còn bên vay có nghĩa vụ trả lại tài sản vay đúng số lượng và chất lượng giống như tài sản đã cho vay.

Thứ hai, hợp đồng vay tài sản là hợp đồng có đền bù hoặc không có đền bù

Hợp đồng vay tài sản là hợp đồng có đền bù nếu trong thỏa thuận vay, bên vay phải trả lãi cho bên cho vay, đây chính là khoản lợi ích vật chất mà bên cho vay nhận được từ hợp đồng vay. Trường hợp hợp đồng vay không có thỏa thuận về lãi suất thì hợp đồng vay là hợp đồng không có đền bù.

Thứ ba, hợp đồng vay tài sản là hợp đồng ưng thuận hoặc hợp đồng thực tế

Trường hợp là hợp đồng ưng thuận thuận nếu là hợp đồng song vụ, các bên đều có quyền và nghĩa vụ đối với nhau và phát sinh từ thời điểm giao kết.

Trường hợp hợp đồng vay tài sản là hợp đồng thực tế thì nó là hợp đồng đơn vụ. Thời điểm hợp đồng có hiệu lực là khi bên cho vay chuyển giao tài sản cho bên vay, bên cho vay có quyền đòi nợ và không có nghĩa vụ gì với bên cho vay.

1.2 Đối tượng của hợp đồng vay tài sản

Thông thường, đối tượng của hợp đồng vay tài sản là tiền. Tuy nhiên, trong thực tế đối tượng của hợp đồng vay cũng có thể là vàng, kim khí, đá quý, hoặc một số tài sản khác.

1.3 Lãi suất trong hợp đồng vay tài sản

Lãi suất trong hợp đồng vay tài sản là tỉ lệ nhất định mà bên vay phải trả thêm vào số tài sản hoặc số tiền đã vay tính theo  đơn vị thời gian. Lãi suất thường được tính theo tuần, tháng, năm tùy thuộc vào thỏa thuận của các bên hoặc do pháp luật quy định.

Theo quy định tại Điều 468 BLDS, lãi suất trong hợp đồng vay tài sản như sau:

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.

Lãi suất trong hợp đồng tùy vào các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá quy định về mức trần của lãi suất là 20%/năm theo quy định của pháp luật.

1.4 Thời hạn của hợp đồng vay tài sản

Hiện nay Bộ luật Dân sự chưa có quy định  cụ thể nào giải thích về thời hạn vay. Nhưng có thể hiểu thời hạn vay là một khoảng thời gian từ khi hợp đồng có hiệu lực đến khi hết hạn của hợp đồng. Khi hết thời hạn vay thì bên vay có nghĩa vụ trả nợ cả gốc lẫn lại cho bên cho vay.

2. Hình thức của hợp đồng vay tài sản

Hình thức của hợp đồng vay tài sản có thể được thể hiện bằng văn bản hoặc lời nói. Hình thức bằng lời nói thường được áp dụng trong những trường hợp như số lượng tài sản cho vay không lớn hoặc các bên có mối quan hệ thân quen, gần gũi. Trường hợp tài sản vay lớn hoặc giữa các bên không có quan hệ gần gũi thì hợp đồng thường được lập thành văn bản.

3. Nội dung cần có trong hợp đồng vay tài sản

Trong hợp đồng vay tài sản cần có những nội dung cơ bản sau:

  • Thông tin của các bên
  • Đối tượng của hợp đồng
  • Thời hạn vay 
  • Lãi suất
  • Quyền và nghĩa vụ các bên
  • Điều khoản về bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm hợp đồng
  • Phương thức giải quyết tranh chấp
  • Cam đoan của các bên

Ngoài các điều khoản trên thì các bên có thể thêm các nội dung khác tùy vào thỏa thuận.

4. Một số câu hỏi về hợp đồng vay tài sản

4.1 Đứng tên ký hợp đồng vay tài sản hộ người khác thì ai phải chịu trách nhiệm trả nợ?

Căn cứ theo Điều 463 và 466 BLDS, khi một người tự nguyện ký tên vào hợp đồng vay tiền giúp người khác và người đó có đủ năng lực hành vi dân sự, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái với đạo đức xã hội thì giao dịch dân sự vẫn có hiệu lực. Người ký tên vay tài sản  trên hợp đồng vay tài sản phải có nghĩa vụ trả nợ cho bên cho vay. Vì thế nếu có người đứng ra ký hợp đồng vay tài sản hộ thì người đó phải có nghĩa vụ trả nợ, và yêu cầu nhờ vay hộ thanh toán số tài sản đang vay.

4.2 Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản không?

Trường hợp xảy ra tranh chấp về hợp đồng vay tài sản, nếu các bên thương lượng mà không giải quyết được thì có thể nộp đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp.

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp  giao dịch dân sự thuộc về Tòa án nhân dân cấp huyện. Cụ thể theo điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì Tòa án nhân dân cấp huyện  nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự.

Ngoài ra, trường hợp tranh chấp hợp đồng vay tài sản mà có yếu tố nước ngoài thì thẩm quyền giải quyết sẽ thuộc về Tòa án cấp tỉnh.

4.3 Hợp đồng cho vay tiền bằng ngoại tệ có thể được công chứng hay không?

Căn cứ theo Điều 3 Thông tư 32/2013/TT-NHNN về nguyên tắc hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam, trừ các trường hợp được sử dụng ngoại hối theo quy định tại Điều 4 Thông tư 32/2013/TT-NHNN về các trường hợp được sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam thì mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác (bao gồm cả quy đổi hoặc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận) của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối. Vì vậy hợp đồng vay giữa cá nhân với nhau không được sử dụng ngoại tệ. Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 7 Luật công chứng 2014:

1. Nghiêm cấm công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng thực hiện các hành vi sau đây:

b) Thực hiện công chứng trong trường hợp mục đích và nội dung của hợp đồng, giao dịch, nội dung bản dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội; xúi giục, tạo điều kiện cho người tham gia hợp đồng, giao dịch thực hiện giao dịch giả tạo hoặc hành vi gian dối khác;

Pháp luật không cho phép vay tiền bằng ngoại tệ nên hợp đồng vay tài sản sẽ không được công chứng vì vi phạm điều cấm của luật theo quy định trên.

4.4. Luật sư có được nhận tư vấn về tranh chấp hợp đồng vay tài sản cho chồng và tư vấn về thủ tục ly hôn cho vợ cùng lúc hay không?

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 9 Văn bản hợp nhất 03/VBHN-VPQH Luật luật sư:

1. Nghiêm cấm luật sư thực hiện các hành vi sau đây:

a) Cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng có quyền lợi đối lập nhau trong cùng vụ án hình sự, vụ án dân sự, vụ án hành chính, việc dân sự, các việc khác theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là vụ, việc);

Luật sư chỉ bị nghiêm cấm thực hiện hành vi cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng có quyền lợi đối lập nhau trong cùng vụ án hình sự, vụ án dân sự, vụ án hành chính, việc dân sự, các việc khác theo quy định của pháp luật. Vụ việc tranh chấp hợp đồng vay tài sản của chồng và tư vấn thủ tục ly hôn cho vợ là hai vụ việc khác nhau và không có quyền lợi đối lập thì  luật sư vẫn được phép cung cấp dịch vụ.

5. Luật sư tư vấn soạn thảo hợp đồng vay tài sản

Là một đơn vị chuyên nghiệp trong lĩnh vực tư vấn soạn thảo hợp đồng, NPLaw  cung cấp tới quý khách dịch vụ tư vấn soạn thảo hợp đồng vay tài sản bao gồm:

  • Tư vấn các quy định mới nhất của pháp luật về hợp đồng vay tài sản
  • Tư vấn soạn thảo nội dung hợp đồng đúng pháp luật, bảo vệ được tối đa quyền và lợi ích của khách hàng
  • Tư vấn rủi ro trong hợp đồng vay tài sản
  • Đại diện khách hàng đàm phán nội dung hợp đồng, giải quyết tranh chấp phát sinh liên quan đến hợp đồng, bảo vệ quyền lợi cho khách hàng

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về hợp đồng vay tài sản. Nếu có bất kì thắc mắc nào, xin vui lòng với liên hệ ngay với NPLaw. Là một đơn vị hoạt động chuyên nghiệp trong các lĩnh vực tư vấn doanh nghiệp, thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, giấy phép, giải quyết tranh chấp, hình sự, môi trường, NPLaw tự tin có thể giải đáp và hỗ trợ mọi vướng mắc của bạn kịp thời và hiệu quả.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan