NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ VI PHẠM HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG

Ngày nay, khi càng có nhiều tổ chức, cá nhân tìm đến ngân hàng để vay vốn và ký kết hợp đồng tín dụng thì tình trạng vi phạm hợp đồng tín dụng cũng ngày càng nhiều. Bài viết dưới đây của NPLaw sẽ đề cập đến một số vấn đề phổ biến về vi phạm hợp đồng tín dụng hiện nay.

I. Vi phạm hợp đồng tín dụng là gì?

Vi phạm hợp đồng tín dụng là hành vi của một bên hoặc cả hai bên tham gia hợp đồng, vô ý hoặc cố ý làm trái các điều khoản đã cam kết trong hợp đồng tín dụng. Về nguyên tắc, mọi hành vi vi phạm hợp đồng tín dụng đều phải chịu trách nhiệm pháp lí. Tùy vào hậu quả do hành vi vi phạm gây ra mà bên vi phạm sẽ bị áp dụng trách nhiệm pháp lí tương ứng.

Để chứng minh một hành vi trái với cam kết trong hợp đồng tín dụng, bên có quyền lợi bị xâm hại bởi hành vi đó phải dẫn chứng về sự tồn tại một cam kết của người thực hiện hành vi và chứng minh rằng bên kia đã thực hiện hành vi trái với cam kết của chính họ trong hợp đồng tín dụng.Trong thực tiễn giao dịch tín dụng, hành vi vi phạm hợp đồng tín dụng thường là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ như bên cho vay không thực hiện việc chuyển giao tiền cho bên vay, bên vay không trả tiền đúng hạn,…

II. Xử lý chấm dứt hợp đồng tín dụng trước thời hạn

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 470 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 23 và 25 Thông tư 39/2016/TT-NHNN thì việc chấm dứt hợp đồng tín dụng trước thời hạn được xử lý như sau:

  • Nếu như hai bên không có thỏa thuận hoặc pháp luật không có quy định khác, thì khi bên vay muốn chấm dứt hợp đồng tín dụng trước thời hạn thì phải trả toàn bộ tài sản và tiền lãi vay theo thỏa thuận.

Trường hợp nếu có một trong hai bên vi phạm nghĩa vụ thì: 

  • Tổ chức tín dụng và khách hàng có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại. 
  • Nếu tổ chức tín dụng và khách hàng có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.

Vì vậy các bên cần lưu ý khi thực hiện hợp đồng và cân nhắc các khoản phạt vi phạm nếu muốn chấm dứt hợp đồng tín dụng trước thời hạn.

III. Những thắc mắc thường gặp

1. Hợp đồng tín dụng có phải công chứng không?

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì hợp đồng tín dụng không thuộc trường hợp bắt buộc phải công chứng. Tuy nhiên, nếu các bên có yêu cầu thì hợp đồng tín dụng vẫn được công chứng theo quy định tại Điều 40 Luật công chứng năm 2014.

2. Hợp đồng tín dụng là hợp đồng mẫu có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bên đi vay không? Vì sao?

Hợp đồng tín dụng là hợp đồng mẫu không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bên đi vay. Vì hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đã được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN, trong đó có quy định các nội dung bắt buộc phải có trong thỏa thuận trong vay. Khi soạn hợp đồng tín dụng mẫu thì những nội dung này bắt buộc phải có để đảm bảo được tối thiểu quyền và lợi ích của bên đi vay. Trong quá trình thỏa thuận, thì hai bên có thể dựa trên cơ sở hợp đồng mẫu để bổ sung thêm quyền và nghĩa vụ sao cho đảm bảo được quyền lợi của mỗi bên.

3. Hợp đồng tín dụng có phải là hợp đồng dân sự?

Điều 463 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về hợp đồng vay tài sản:“Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”. Theo đó thì hợp đồng tín dụng là một dạng cụ thể của  hợp đồng vay tài sản. Loại hợp đồng này được gọi là hợp đồng tín dụng nếu bên cho vay là tổ chức tín dụng.

4. Hợp đồng tín dụng có trước hay hợp đồng thế chấp có trước?

Đối với hợp đồng tín dụng có tài sản thế chấp thì hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp luôn gắn liền với nhau. Vì chỉ khi hợp đồng thế chấp được kí kết và đăng ký giao dịch bảo đảm thành công thì Ngân hàng mới kí hợp đồng tín dụng cho vay tiền. Tức là các bên phải kí hợp đồng thế chấp trước và kí hợp đồng tín dụng sau.

5. Hợp đồng tín dụng vô hiệu thì hợp đồng thế chấp có vô hiệu không?

Về nguyên tắc, hợp đồng tín dụng là hợp đồng chính, được các bên dựa vào đó để xác lập quyền và nghĩa vụ. Trong khi đó, hợp đồng thế chấp như một phương án dự phòng, đảm bảo cho bên vay thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng tín dụng. Nếu bên vay không thực hiện nghĩa vụ thì nghĩa vụ sẽ được thay thế bằng tài sản thế chấp trong hợp đồng thế chấp.

Trường hợp hợp đồng tín dụng vô hiệu do vi phạm pháp luật thì hợp đồng thế chấp đi kèm theo cũng vô hiệu theo Điều 123 Bộ luật dân sự năm 2015 “Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.”

Trường hợp hợp đồng tín dụng bị Tòa án tuyên là vô hiệu thì bên thế chấp yêu cầu Tòa án tuyên hợp đồng thế chấp vô hiệu.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vi phạm hợp đồng tín dụng. Nếu có bất kì thắc mắc nào, xin vui lòng với liên hệ ngay với NPLaw. Là một đơn vị hoạt động chuyên nghiệp trong các lĩnh vực tư vấn doanh nghiệp, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại , giấy phép, giải quyết tranh chấp, môi trường, hình sự, NPLaw tự tin có thể giải đáp và hỗ trợ mọi vướng mắc của bạn kịp thời và hiệu quả.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan