Cấp dưỡng nuôi con là một trong những vấn đề được quan tâm trong quan hệ hôn nhân gia đình, đặc biệt trong trường hợp tình cảm vợ chồng, cuộc sống hôn nhân không còn êm đẹp. Hiểu được sự quan tâm đó, NPLaw xin gửi đến Quý bạn đọc bài viết pháp lý với những thông tin pháp luật cần thiết về cấp dưỡng nuôi con.
Theo thống kê của Tổng cục Thống kê năm 2021, tỷ lệ ly hôn trung bình trên cả nước là 2.3/1000 dân. Trong số các vụ ly hôn, khoảng 70% có con chung. Điều này đồng nghĩa với việc, có khoảng 3.220 con trẻ bị ảnh hưởng bởi việc cha mẹ ly hôn và cần được cấp dưỡng nuôi con, thể hiện rằng tỷ lệ cấp dưỡng nuôi con cũng đang là một con số lớn, một vấn đề đáng quan tâm hiện nay.
Một số nghiên cứu cho thấy, chỉ có khoảng 30% các vụ ly hôn có thỏa thuận về cấp dưỡng nuôi con được thực hiện đầy đủ và đúng hạn. Tỷ lệ thi hành án về cấp dưỡng nuôi con chỉ đạt khoảng 70%. Điều này là hồi chuông cảnh báo chúng ta cần có sự quan tâm hơn về các quy định pháp luật điều chỉnh vấn đề cấp dưỡng nuôi con.
Khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau:
“Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này”.
Căn cứ quy định nêu trên, cấp dưỡng nuôi con có thể hiểu là một thuật ngữ pháp lý thể hiện mối quan hệ ràng buộc về quyền và nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định pháp luật.
Quy định tại khoản 1 Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 mức cấp dưỡng được quy định như sau:
“1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”.
Đồng thời, theo khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐTP ngày 16/05/2024 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình (có hiệu lực vào ngày 01/07/2024) ban hành về mức cấp dưỡng như sau:
“2. Tiền cấp dưỡng cho con là toàn bộ chi phí cho việc nuôi dưỡng, học tập của con và do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên không thoả thuận được thì Tòa án quyết định mức cấp dưỡng căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Mức cấp dưỡng do Tòa án quyết định nhưng không thấp hơn một nửa tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người cấp dưỡng đang cư trú cho mỗi tháng đối với mỗi người con”.
Như vậy, mức tiền cấp dưỡng nuôi con do các bên thỏa thuận hoặc Tòa án quyết định trong trường hợp các bên không thỏa thuận được sẽ bằng 2/3 mức lương cơ sở và không được thấp hơn một nửa tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người cấp dưỡng đang cư trú cho mỗi tháng đối với mỗi người con.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:
“2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Theo Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:
Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”.
Và theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình:
“1. Trường hợp người trực tiếp nuôi con không yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cấp dưỡng thì Tòa án giải thích cho họ việc yêu cầu cấp dưỡng cho con là nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con. Nếu xét thấy người trực tiếp nuôi con có khả năng, điều kiện nuôi dưỡng và việc họ không yêu cầu cấp dưỡng là tự nguyện thì Tòa án không buộc bên kia phải cấp dưỡng cho con.”
Theo đó, về nguyên tắc chung, cha mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Tuy nhiên, trong trường hợp người trực tiếp nuôi con tự nguyện không yêu cầu bên còn lại cấp dưỡng nuôi con và họ có đầy đủ khả năng, điều kiện nuôi dưỡng con thì Tòa án không buộc bên kia phải cấp dưỡng cho con.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 113 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 như sau:
“1. Ông bà nội, ông bà ngoại không sống chung với cháu có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người cấp dưỡng theo quy định tại Điều 112 của Luật này”.
Như vậy, có thể yêu cầu ông bà nội cấp dưỡng nuôi con sau khi vợ chồng ly hôn trong trường hợp ông bà không sống chung với cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình.
Căn cứ Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng như sau:
“Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quyết định của Tòa án mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm."
Như vậy, trường hợp người chồng có nghĩa vụ và khả năng cấp dưỡng nhưng trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con theo quyết định của Tòa án làm cho người được cấp dưỡng lâm tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì “Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”, tức là nghĩa vụ và quyền đối với con luôn đặt ra với cha, mẹ không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đang còn tồn tại hay đã chấm dứt quan hệ vợ chồng hoặc chấm dứt quan hệ chung sống như vợ chồng.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, nếu cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.
Như vậy, trong thời kỳ hôn nhân vẫn được yêu cầu cấp dưỡng nuôi con nếu cha, mẹ không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.
Theo khoản 1 Điều 118 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định như sau:
"Nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
1. Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình;"
Như vậy, cha có thể chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng khi con đủ 18 tuổi và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình.
Theo quy định tại Điều 117 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:
“Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.
Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”.
Như vậy, phương thức cấp dưỡng là cách thức để chuyển giao khoản tiền hay tài sản khác từ người có nghĩa vụ cấp dưỡng sang cho người được hưởng cấp dưỡng. Đây là phương thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con khi cha, mẹ không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con. Theo đó, cha, mẹ có thể thỏa thuận phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng, hàng quý, nữa năm, hàng năm hoặc một lần.
Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:
“1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó”.
Đồng thời, quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị quyết số 01/2024/NQ-HĐTP về hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình, về nguyên tắc chung, cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn là nghĩa vụ của cha, mẹ. Tuy nhiên, trong trường hợp người trực tiếp nuôi con từ chối nhận cấp dưỡng và xét thấy người trực tiếp nuôi con có khả năng, điều kiện nuôi dưỡng và việc họ không yêu cầu cấp dưỡng là tự nguyện thì Tòa án không buộc bên kia phải cấp dưỡng cho con.
Như vậy, dù thu nhập của ba, mẹ thấp thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con, trừ trường hợp người trực tiếp nuôi con tự nguyện không yêu cầu bên kia cấp dưỡng và thỏa mãn điều kiện nêu trên.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định về việc ly thân. Tuy nhiên, có thể hiểu ly thân là tình trạng quan hệ vợ chồng đã rạn nứt, không còn sống chung với nhau nữa nhưng chưa tiến hành thủ tục ly hôn.
Theo quy định tại Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:
“Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”.
Theo đó, nghĩa vụ cấp dưỡng phát sinh khi cha, mẹ không sống cùng con hoặc sống cùng nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con và không ảnh hưởng đến tình trạng hôn nhân giữa cha mẹ. Do đó, ly thân vẫn có quyền yêu cầu cấp dưỡng nuôi con khi thuộc các trường hợp pháp luật quy định nêu trên.
Liên quan đến nội dung cấp dưỡng nuôi con, Công ty Luật TNHH Ngọc Phú với đội ngũ Luật sư, chuyên viên pháp lý dày dặn kinh nghiệm sẽ hỗ trợ, tư vấn cho Quý Khách hàng các vấn đề liên quan đến cấp dưỡng nuôi con. Quý độc giả có thể liên hệ ngay tới NPLaw để được tư vấn tận tình và nhanh chóng với thông tin liên hệ dưới đây:
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn