PHÂN BIỆT SÁNG CHẾ VÀ GIẢI PHÁP HỮU ÍCH

 

Sáng chế là một trong những tài sản trí tuệ lâu đời và quan trọng. Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế sẽ khuyến khích hoạt động đầu tư vào khoa học công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội. Số lượng Bằng độc quyền sáng chế mà doanh nghiệp sở hữu là một trong những tiêu chí quan trọng để xếp hạng doanh nghiệp và từ đó đánh giá trình độ phát triển của mỗi quốc gia.

I. SÁNG CHẾ LÀ GÌ?

1. Sáng chế trong Luật Sở hữu trí tuệ

Theo quy định tại khoản 12 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ thì sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.

Như vậy, đầu tiên sáng  chế  phải là một giải pháp kỹ thuật. Nó không thể là giải pháp thẩm mỹ, nghệ thuật hay kinh tế. Ngoài ra, các giải pháp kỹ thuật này phải có tính mới, có trình độ sáng tạo và có khả năng áp dụng trong sản xuất công nghiệp.

2. Ví dụ về sáng chế ở Việt Nam

Ví dụ 1: Sáng chế “Led xanh lục lam (cyan led)”

  • Số bằng: 1-0029668-000
  • Nội dung: Sáng chế đề xuất LED xanh lục lam bao gồm: chíp LED xanh (1) có bước sóng đỉnh 440-465 nm được cố định trên cốc phản xạ (3) bởi hỗn hợp keo kết dính (2), kết nối điện với điện cực dương qua dây micro vàng (4) và điện cực âm qua dây micro vàng (5), trên bề mặt chíp LED này được phủ hỗn hợp bột huỳnh quang phát xạ xanh lục lam (6) có bước sóng đỉnh trong khoảng từ 480 nm đến 500 nm, tốt hơn là trong khoảng từ 485 nm đến 495 nm được phân tán đều trong hỗn hợp silicon hai thành phần (7) với tỷ lệ về khối lượng của vật liệu huỳnh quang phát xạ lục lam so với tổng khối lượng hỗn hợp là 5-20%, tốt hơn là trong khoảng 10-15%, điền đầy vào không gian giữa chíp LED và cốc phản xạ tạo thành LED xanh lục lam.

Ví dụ 2: Sáng chế “Phương pháp sản xuất dầu dễ cháy”

  • Số bằng: 1-0029605-000
  • Nội dung: Sáng chế đề cập đến phương pháp sản xuất dầu dễ cháy, phương pháp này bao gồm bước bổ sung và trộn: dầu dễ cháy trên cơ sở dầu mỏ; nước có thế khử oxi hóa bằng -300 mV hoặc thấp hơn, độ pH bằng 9,0 hoặc cao hơn, và nồng độ hyđro hòa tan bằng 0,8 ppm hoặc cao hơn; dầu mỡ; và cacbon hoạt tính để thu được hỗn hợp.

Ví dụ 3: Sáng chế “Kit nhuộm lipit tế bào và phương pháp nhuộm lipit tế bào bằng kit này”

  • Số bằng: 1-0029902-000
  • Nội dung: Sáng chế đề cập đến kit nhuộm lipit tế bào và phương pháp nhuộm lipit tế bào bằng kit này. Theo đó, bằng cách cải tiến hệ dung dịch cố định tiêu bản và dung dịch nhuộm trên nền thuốc nhuộm là dung dịch Sudan Black B và dung dịch Giemsa, kit theo sáng chế cho phép nhuộm lipit tế bào trực tiếp bằng một bước nhuộm duy nhất mà không cần bước tẩy etanol. Kit theo giải pháp hữu ích cho phép rút ngắn đáng kể thời gian xét nghiệm với kết quả rõ ràng. Giá trị phân loại dòng tế bào để xác định thể bệnh phù hợp với các phương pháp khác theo tiêu chuẩn FAB là 93,33%.

3. Phân biệt sáng chế và giải pháp hữu ích

3.1. Điểm giống nhau

Thứ nhất, sáng chế và giải pháp hữu ích đều là những giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.

Thứ hai, để được bảo hộ, sáng chế và giải pháp hữu ích đều phải có tính mới và khả năng áp dụng công nghiệp.

3.2. Điểm khác nhau

Tiêu chí so sánh

Sáng chế

Giải pháp hữu ích

Điều kiện được bảo hộ

Để được cấp Bằng độc quyền sáng chế, ngoài yêu cầu về tính mới và khả năng áp dụng công nghiệp, sáng chế phải đáp ứng yêu cầu về trình độ sáng tạo.

Sáng chế được coi là có trình độ sáng tạo nếu căn cứ vào các giải pháp kỹ thuật đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc dưới bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên, sáng chế đó là một bước tiến sáng tạo, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.

Để được cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, ngoài yêu cầu về tính mới và khả năng áp dụng công nghiệp, giải pháp hữu ích chỉ cần đáp ứng điều kiện: Không phải là hiểu biết thông thường.

Thời hạn bảo hộ

Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết 20 năm kể từ ngày nộp đơn.

Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn.

Phân biệt sáng chế và giải pháp hữu ích

II. BẰNG SÁNG CHẾ LÀ GÌ

1. Bằng sáng chế độc quyền

Bằng độc quyền sáng chế là văn bằng bảo hộ được Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ sở hữu sáng chế đáp ứng các điều kiện bảo hộ theo quy định của pháp luật.

Bằng độc quyền sáng chế chỉ có hiệu lực trên lãnh thổ quốc gia mà văn bằng được cấp.

2. Danh sách bằng sáng chế của Việt Nam

Các tổ chức, cá nhân có thể tra cứu danh sách Bằng độc quyền sáng chế đã được cấp tại Việt Nam trên Công báo Sở hữu trí tuệ hoặc tại website của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam: www.ipvietnam.gov.vn 

III. TÁC DỤNG CỦA BẰNG SÁNG CHẾ

1. Giúp chủ sở hữu sáng chế dễ dàng chứng minh quyền sở hữu khi xảy ra tranh chấp.

2. Chủ sở hữu Bằng độc quyền sáng chế được độc quyền khai thác, sử dụng sáng chế trong thời hạn 20 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký sáng chế. Việc sử dụng sáng chế được thực hiện thông qua các hành vi: Sản xuất sản phẩm được bảo hộ; Áp dụng quy trình được bảo hộ; Khai thác công dụng của sản phẩm được bảo hộ hoặc sản phẩm được sản xuất theo quy trình được bảo hộ; Lưu thông, quảng cáo, chào hàng, tàng trữ để lưu thông sản phẩm được bảo hộ hoặc sản phẩm được sản xuất theo quy trình được bảo hộ; Nhập khẩu sản phẩm được bảo hộ hoặc sản phẩm được sản xuất theo quy trình được bảo hộ.

3. Chủ sở hữu Bằng độc quyền sáng chế có quyền ngăn cấm người khác sử dụng sáng chế đã được bảo hộ, yêu cầu cơ quan chức năng xử lý các hành vi xâm phạm. Từ đó, tạo cho Chủ sở hữu Bằng độc quyền sáng chế vị thế độc quyền trên thị trường.

TÁC DỤNG CỦA BẰNG SÁNG CHẾ

4. Nếu chủ sở hữu Bằng độc quyền sáng chế không tự khai thác, sử dụng sáng chế vào mục đích sản xuất kinh doanh thì có thể chuyển giao quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế cho tổ chức, cá nhân khác để mang lại nguồn thu cho chủ sở hữu. Ngoài ra, chủ sở hữu Bằng độc quyền sáng chế còn có thể dùng sáng chế để góp vốn đầu tư với các tổ chức, cá nhân khác.

5. Số lượng Bằng độc quyền sáng chế của mỗi doanh nghiệp là một tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp, là minh chứng cho trình độ chuyên môn và năng lực của doanh nghiệp, tăng khả năng tìm kiếm nhà đầu tư, đối tác và khách hàng.

IV. CÁCH ĐĂNG KÝ BẰNG SÁNG CHẾ

1. Đăng ký Bằng sáng chế tại Việt Nam

Hồ sơ đăng ký bảo hộ sáng chế tại Việt Nam bao gồm:

  • 02 Tờ khai đăng ký sáng chế;
  • 02 Bản mô tả sáng chế;
  • 02 Bản tóm tắt sáng chế;
  • Chứng từ nộp phí, lệ phí nếu nộp phí thông qua dịch vụ bưu điện hoặc chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ.
  • Các tài liệu chứng minh quyền nộp đơn đăng ký bằng sáng chế hợp pháp;
  • Giấy ủy quyền nếu nộp hồ sơ thông qua đại diện;
  • Nếu trong đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên theo điều ước quốc tế thì chủ đơn cung cấp thêm bản sao đơn đầu tiên.

2. Đăng ký Bằng sáng chế ở đâu

Chủ đơn có thể nộp hồ sơ đăng ký sáng chế trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc hai Văn phòng đại diện của Cục Sở hữu trí tuệ tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

3. Đăng ký sáng chế online

Để đăng ký online thì người nộp đơn cần có chữ ký số, đăng ký tài khoản trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến và được Cục Sở hữu trí tuệ phê duyệt tài khoản để thực hiện. Thủ tục đăng ký sáng chế trực tuyến thực hiện như sau:

Bước 1: Đăng nhập vào hệ thống

Để nộp đơn đăng ký bằng sáng chế trực tuyến, người nộp đơn truy cập vào website: http://dvctt.noip.gov.vn:8888/HomePage.do. Sau đó, tiến hành đăng nhập vào hệ thống bằng tài khoản đã đăng ký.

Bước 2: Khai báo hồ sơ đăng ký bảo hộ sáng chế

Sau khi đăng nhập thành công, người nộp đơn chuyển sang tab “Khai báo hồ sơ” và khai báo theo yêu cầu hiển thị trên màn hình.

Bước 3: Xuất trình Phiếu xác nhận tài liệu nộp trực tuyến

Sau khi đã hoàn thành khai báo và gửi đơn trực tuyến trên hệ thống, hệ thống sẽ gửi cho người nộp đơn Phiếu xác nhận tài liệu nộp trực tuyến.

Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày gửi đơn trực tuyến, người nộp đơn phải đến Cục Sở hữu trí tuệ để xuất trình Phiếu xác nhận tài liệu nộp trực tuyến, các tài liệu kèm theo (nếu có) và nộp phí, lệ phí theo quy định.

Nếu tài liệu đầy đủ, chính xác và người nộp đơn nộp đầy đủ phí, lệ phí đăng ký theo quy định thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thực hiện việc cấp số đơn vào Tờ khai trên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến.

Trường hợp không đủ tài liệu và/hoặc chưa nộp phí, lệ phí theo quy định thì đơn sẽ bị từ chối tiếp nhận.

Đăng ký Bằng sáng chế ở đâu

V. QUY TRÌNH CẤP BẰNG SÁNG CHẾ

Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký sáng chế

Chủ đơn có thể nộp hồ sơ đăng ký sáng chế trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc hai Văn phòng đại diện của Cục Sở hữu trí tuệ tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Bước 2: Thẩm định hình thức đơn

Là việc kiểm tra sự tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn, từ đó đưa ra kết luận đơn có được coi là hợp lệ hay không. Đơn hợp lệ sẽ được xem xét tiếp, đơn không hợp lệ sẽ bị từ chối.

Thời gian thẩm định hình thức là 01 tháng kể từ ngày nộp đơn đăng ký sáng chế.

Bước 3: Công bố đơn

Đơn được chấp nhận hợp lệ sẽ được đăng trên Công báo Sở hữu công nghiệp trong tháng thứ 19 kể từ ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn nếu đơn không có ngày ưu tiên, hoặc trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày được chấp nhận là hợp lệ, tùy theo ngày nào muộn hơn. Nếu có yêu cầu công bố sớm thì sẽ được công bố trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ nhận được yêu cầu công bố sớm hoặc kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ, tùy theo ngày nào muộn hơn.

Nội dung công bố là các thông tin liên quan đến đơn hợp lệ ghi trong thông báo chấp nhận đơn hợp lệ, bản tóm tắt sáng chế kèm theo hình vẽ (nếu có).

Bước 4: Thẩm định nội dung đơn

Mục đích của việc thẩm định nội dung đơn là đánh giá khả năng được bảo hộ của sáng chế theo các điều kiện bảo hộ, xác định phạm vi (khối lượng) bảo hộ tương ứng. Việc thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế chỉ được thực hiện khi có yêu cầu từ phía của người nộp đơn. Yêu cầu thẩm định nội dung đơn phải thể hiện bằng văn bản làm theo mẫu 03-YCTĐ Phụ lục B Thông tư 01/2007/TT-BKHCN hoặc được thể hiện ngay trong đơn đăng ký.

Yêu cầu thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế phải được nộp trong thời hạn 42 tháng kể từ ngày nộp đơn hoặc kể từ ngày ưu tiên trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên. Trường hợp không có yêu cầu thẩm định nội dung nộp trong thời hạn theo quy định thì đơn bị coi như được rút bỏ tại thời điểm kết thúc thời hạn này.

Thời gian thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế: Không quá 18 tháng kể từ ngày công bố đơn (nếu yêu cầu thẩm định nội dung được nộp trước ngày công bố đơn) hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung (nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày công bố đơn).

Bước 5: Quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ

Nếu sáng chế đáp ứng được các điều kiện bảo hộ và chủ đơn nộp phí, lệ phí đầy đủ, đúng hạn thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ.

Nếu sáng chế không đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ.

VI. NHỮNG VẤN ĐỀ THẮC MẮC

Câu hỏi 1: Sáng chế có được bảo hộ vĩnh viễn không?

Trả lời: Theo quy định tại khoản 2 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ thì Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết 20 năm kể từ ngày nộp đơn. Như vậy, sáng chế không được bảo hộ vĩnh viễn.

Câu hỏi 2: Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực khi nào?

Trả lời: Theo quy định tại khoản 2 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ thì Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực kể từ ngày cấp.

Câu hỏi 3: Bằng sáng chế là tài sản hay nguồn vốn?

Trả lời: Quyền sở hữu trí tuệ nói chung và sáng chế nói riêng, là tài sản vô hình của doanh nghiệp.

Câu hỏi 4: Bằng sáng chế là tài sản gì?

Trả lời: Sáng chế là một trong những tài sản cố định vô hình của doanh nghiệp.

Câu hỏi 5. Bằng sáng chế bao nhiêu tiền?

Trả lời: Giá trị của Bằng sáng chế sẽ phụ thuộc vào giá trị của sáng chế đó trên thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định, phục vụ cho mục đích nhất định, theo tiêu chuẩn thẩm định giá. Việc thẩm định giá thường do các tổ chức có chức năng thẩm định giá thực hiện.

Câu hỏi 6. Góp vốn bằng Bằng sáng chế có được không?

Trả lời: Theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020 thì quyền sở hữu trí tuệ là một trong những loại tài sản được dùng để góp vốn vào doanh nghiệp. Vì sáng chế là một trong những đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ nên các tổ chức, cá nhân có quyền dùng Bằng sáng chế để góp vốn.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan