Lừa ký tên vào giấy trắng là một hành vi lừa đảo không còn xa lạ trong xã hội ngày nay. Tuy nhiên, trong trường hợp không may đã bị lừa ký tên vào giấy trắng, rất nhiều nạn nhân chưa biết định hướng giải quyết. Bằng bài viết này, NPLaw sẽ cung cấp các quy định pháp lý hữu ích hỗ trợ trong trường hợp bị lừa ký tên vào giấy trắng.
Thực tế lừa ký tên vào giấy trắng vẫn diễn ra phổ biến và gây ra nhiều vấn đề pháp lý. Hành vi này thường xảy ra khi một người không hiểu rõ nội dung của văn bản mà họ đồng ý ký tên, hoặc khi họ bị đưa ra những thông tin không chính xác hoặc gian lận để ký tên. Điều này có thể dẫn đến rủi ro sau khi đã có chữ ký, những người có ý định xấu sẽ bổ sung nội dung lên trước phần chữ ký, làm cho các bên có liên quan hoàn toàn không biết được nội dung đã ký, từ đó có một, một số nghĩa vụ phải thực hiện.
Nội dung này hoàn toàn không xa lạ, thậm chí còn xuất hiện thường xuyên với tần suất lớn, gây ra thiệt hại cho nhiều đối tượng, mà trong đó chủ yếu và những người già vốn có một khoản tiết kiệm nhưng lại chưa có nhiều hiểu biết liên quan.
“Lừa ký tên vào giấy trắng" là thuật ngữ chỉ hành vi lừa đảo khi người khác ký tên của mình lên một văn bản mà họ không biết hoặc không hiểu rõ nội dung của văn bản đó. Khi ký tên vào giấy trắng mà không biết rõ nội dung, người ký có thể trở thành nạn nhân của các hành vi gian lận, lừa đảo hoặc bị ràng buộc bởi những điều khoản không rõ ràng.
Ví dụ về hành vi lừa ký tên vào giấy trắng có thể bao gồm:
1. Một người đưa cho bạn một tờ giấy trắng và yêu cầu bạn ký tên để "xác nhận thông tin" mà bạn không biết nội dung thực sự của văn bản đó.
2. Một công ty cung cấp một hợp đồng hoặc thỏa thuận cho bạn ký tên mà không cho bạn thời gian để đọc kỹ và hiểu rõ điều khoản.
3. Một tổ chức yêu cầu bạn ký vào một văn bản qua email hoặc fax mà không cung cấp thông tin chi tiết về mục đích và nội dung của văn bản.
Hiện nay, thủ đoạn lừa ký tên vào giấy trắng vẫn diễn ra phổ biến và có thể xảy ra trong nhiều tình huống khác nhau. Dưới đây là một số thủ đoạn phổ biến mà người khác có thể sử dụng để lừa ký tên vào giấy trắng:
1. Thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại: Một số kẻ gian có thể gọi điện cho bạn, giả danh là ngân hàng, công ty hoặc tổ chức nào đó và yêu cầu bạn xác nhận thông tin cá nhân bằng cách ký tên vào một văn bản mà họ gửi qua email hoặc fax. Trong khi đó, văn bản đó có thể là giấy trắng hoặc chứa những điều khoản không rõ ràng.
2. Thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội: Có thể có những trang web hoặc ứng dụng mạng xã hội giả mạo của các tổ chức uy tín để thu thập thông tin cá nhân của người dùng và yêu cầu họ ký tên vào các văn bản giả mạo.
3. Thủ đoạn lừa đảo trong giao dịch thương mại: Trong quá trình thương mại, một số bên có thể cố tình đưa ra các thông tin không chính xác hoặc gian lận để bạn ký tên vào các hợp đồng hoặc giao dịch mà bạn không hiểu rõ.
Cơ sở pháp lý về việc lừa ký tên vào giấy trắng cơ bản được xác định như sau:
-Cơ sở pháp lý xác định hậu quả của giao dịch tạo lập từ hành vi lừa ký tên vào giấy trắng: Điều 127, Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015.
-Cơ sở pháp lý về việc khởi kiện khi bị lừa ký tên vào giấy trắng: Điều 26, 39, 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
-Cơ sở pháp lý về mức phạt hành chính đối với hành vi lừa ký tên vào giấy trắng: Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP;
Và các quy định liên quan khác, tùy từng trường hợp cụ thể.
Hồ sơ khởi kiện tại Tòa án trong trường hợp bị lừa ký tên vào giấy trắng theo hình thức tố tụng dân sự bao gồm:
- Đơn khởi kiện (theo mẫu);
- Các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp (ví dụ: hồ sơ nhà đất, hợp đồng vay nợ, giấy vay nợ, di chúc…);
- Chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu gia đình (có chứng thực hoặc công chứng), nếu người khởi kiện là cá nhân;
- Hồ sơ pháp lý khác của người khởi kiện, đương sự khác như: giấy phép kinh doanh, giấy chứng đăng ký kinh doanh, quyết định thành lập doanh nghiệp, điều lệ hoạt động, quyết định bổ nhiệm hoặc cử người đại diện doanh nghiệp (bản sao có chứng thực), nếu là pháp nhân;
- Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn khởi kiện (ghi rõ số lượng bản chính, bản sao);
* Lưu ý: Các tài liệu nêu trên bằng tiếng nước ngoài thì phải dịch sang tiếng Việt nam theo quy định trước khi nộp và nộp kèm theo bản gốc để đối chiếu.
Thủ tục khởi kiện lừa ký tên vào giấy trắng được quy định như sau:
+Xác định thẩm quyền giải quyết của cơ quan có thẩm quyền:Thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu thuộc về Tòa án, cụ thể được quy quy định tại khoản 3 Điều 26, khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
+Lập hồ sơ khởi kiện theo đúng quy định pháp luật: Hồ sơ và mẫu đơn khởi kiện theo quy định nêu trên.
+Nộp hồ sơ khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền theo quy định tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện phải làm đơn khởi kiện và nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính.
+Nộp tạm ứng án phí theo thông báo của Tòa án thụ lý đơn khởi kiện.
Hành vi lừa ký tên vào giấy trắng có thể xem là hành vi dùng thủ đoạn lừa đảo tạo ra hoàn cảnh để phát sinh các nghĩa vụ của người bị lừa ký tên, có thể dẫn đến làm thiệt hại tài sản, vật chất của người bị lừa ký tên.
Căn cứ theo Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác như sau:
“2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
b) Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản;
c) Gian lận hoặc lừa đảo trong việc môi giới, hướng dẫn giới thiệu dịch vụ mua, bán nhà, đất hoặc các tài sản khác”.
Ngoài ra, hành vi lừa ký tên vào giấy trắng còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung:
- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
- Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính.
Biện pháp khắc phục hậu quả đối với tội này là:
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm;
- Buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép;
- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.
Căn cứ quy định tại Điều 401 Bộ luật Dân sự 2015, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.
Trong đó, thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản theo quy định tại khoản 4 Điều 400 Bộ luật Dân sự 2015 là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hoặc bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản. Theo đó, có căn cứ hiểu rằng, việc các bên ký kết vào hợp đồng là một trong những điều kiện để hợp đồng có hiệu lực, làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên.
Trường hợp bị lừa vào giấy trắng, người ký tên hoàn toàn không thể biết hoặc không thể kiểm soát được nội dung tiếp sau đó được điền trong trang giấy trắng đã ký. Kẻ gian hoàn toàn có thể điền vào đó nội dung hợp đồng, nội dung nghĩa vụ nhằm ràng buộc trách nhiệm của người ký.
Như vậy trường hợp bị lừa ký tên vào giấy trắng có thể mang đến rủi ro vô rất lớn lamfphats sinh trách nhiệm của cá nhân (người ký) đối với nội dung trong văn bản đó.
Hành vi lừa người khác ký tên vào giấy trắng, sau đó tạo lập hợp đồng là hành vi cố ý lừa dối, làm cho người ký tên không biết về nội dung hợp đồng. Căn cứ quy định pháp luật dân sự, giao dịch dân sự của người bị lừa ký tên vào giấy trắng sẽ trở thành giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép theo quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015, có nội dung cụ thể như sau:
“Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
...
Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó…”
Như vậy, trong trường hợp bị lừa ký tên vào giấy trắng thì hợp đồng được tạo lập từ hành vi lừa ký tên đó có thể bị Tòa án tuyên bố vô hiệu theo yêu cầu của một bên.
Như đã phân tích ở trên, giao dịch dân sự xác lập do bị lừa ký tên vào giấy trắng là giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối. Căn cứ quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015 về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu như sau:
“1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định”.
Như vậy, trường hợp đề nghị Tòa án tuyên giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối ký tên vào giấy trắng, giao dịch đó không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập và các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận và các hậu quả pháp lý khác tương ứng theo quy định pháp luật.
Căn cứ theo quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015 về Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép như nội dung nêu trên, việc lừa ký tên vào giấy ghi nợ khống là hành vi lừa dối làm người ký không thể biết về bản chất, tính chất và nội dung được điền trong giấy đó. Giao dịch dân sự này vô hiệu theo quy định pháp luật.
Do đó, việc ký vào tờ giấy ghi khống nợ là do lừa dối nên không có giá trị pháp lý, vì thế không cần phải trả khoản nợ khống đó.
Căn cứ theo quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
"Điều 127. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép
Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.
Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình."
Do đó, việc cá nhân bị lừa ký tên vào giấy trắng được coi là bị lừa dối và sẽ không có giá trị pháp lý.
Như vậy, khi bị lừa ký tên vào giấy trắng, cá nhân có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự này vô hiệu do bị lừa dối nên không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
Hiểu được nhu cầu tìm hiểu pháp lý về trường hợp lừa ký tên vào giấy trắng của Quý Khách hàng, Công ty Luật TNHH Ngọc Phú với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực dân sự sẽ hỗ trợ, tư vấn cho Quý Khách hàng các vấn đề về trường hợp lừa ký tên vào giấy trắng. Quý độc giả có thể liên hệ ngay tới NPLaw để được các luật sư dày dặn kinh nghiệm của NPLaw tư vấn tận tình và nhanh chóng với thông tin liên hệ dưới đây:
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn