PHÁP LUẬT QUY ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO VỀ HÀNH VI BUÔN BÁN BÁNH KẸO GIẢ?

Hàng giả nói chung và bánh kẹo giả nói riêng hiện đang có mặt trôi nổi trên thị trường. Đặc biệt là vào các khoảng thời gian cao điểm như lễ, Tết với sức mua tăng cao của người tiêu dùng. Vậy Quý Khách hàng cần có một số thông tin cũng như hiểu rõ quy định pháp luật để tránh trở thành nạn nhân của việc buôn bán bánh kẹo giả.

Tìm hiểu quy định pháp luật về buôn bán bánh kẹo giả cùng NPLaw

Tết đến cũng là lúc mọi người chuẩn bị sắm sửa bánh kẹo và một số vật dụng khác cho gia đình. Các đối tượng đã lợi dụng tâm lý muốn mua hàng giá cả phải chăng và đa dạng sản phẩm để tung ra thị trường cận Tết các loại bánh kẹo giả. Vậy pháp luật quy định như thế nào về buôn bán bánh kẹo giả? Quý Khách hàng hãy cùng tìm hiểu với NPLaw qua bài viết dưới đây.

A. Cơ sở pháp lý

1. Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự);

2. Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2019 (sau đây gọi là Luật Sở hữu trí tuệ 2005);

3. Nghị định 98/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 26 tháng 8 năm 2020 Quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sau đây gọi là Nghị định 98/2020/NĐ-CP).

B. Nội dung tư vấn

I. Thực trạng buôn bán bánh kẹo giả thời điểm cận Tết

Thời điểm cận Tết cũng là lúc các cơ quan chức năng đẩy mạnh việc kiểm tra tại các cơ sở buôn bán hàng hóa và phát hiện nhiều lô bánh kẹo giả. Một cửa hàng tạp hóa lớn tại Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng đã nhập nhiều loại bánh kẹo giả về để bán vào dịp Tết với bao bì đóng gói bắt mắt. Đơn cử là loại bánh Choca Pai (làm giả thương hiệu Choco Pie) được bán với giá 30.000 đồng/hộp trong khi bánh chính hãng có giá hơn 50.000 đồng/hộp. Chính vì giá thành rẻ hơn rất nhiều so với hàng hóa chính hãng, bánh kẹo giả đã đánh trúng tâm lý muốn mua hàng giá rẻ với số lượng lớn của khách hàng để làm quà tặng. Các cơ sở kinh doanh cũng có thể kiếm lời lớn hơn bằng việc buôn bán bánh kẹo giả.Thực trạng trên không chỉ diễn ra khi mua bán trực tiếp tại các cửa hàng, mà hiện nay, thị trường mạng cũng tràn lan bánh kẹo giả không kém. Các hội nhóm trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều mặt hàng bánh kẹo giả như Jippo (làm giả thương hiệu Tipo) được đóng gói 50gam/hộp, một thùng 20 hộp với giá 26.000 đồng/hộp.

Có thể nói, người tiêu dùng rất dễ bị qua mắt vì chiêu trò làm giả bánh kẹo của các đối tượng hiện nay khá tinh vi. Bên cạnh đó là việc hàng giả trôi nổi tại nhiều địa phương, cơ sở kinh doanh với bao bì, nhãn mác bắt mắt khiến người tiêu dùng không khỏi bối rối khi mua sắm.

II. Quy định về hàng giả hiện nay

Theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về hàng giả bao gồm:

“Hàng giả” gồm:

  • Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
  • Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
  • Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;
  • Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả; và một số mặt hàng giả khác được đề cập tại Nghị định này.

Theo quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ như sau: Hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ bao gồm hàng hoá giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý và hàng hoá sao chép lậu.

Theo đó, “hàng giả” là thuật ngữ được sử dụng chính thức trong các văn bản quy phạm pháp luật. Trường hợp xuất hiện từ “hàng nhái” là theo thói quen sử dụng từ ngữ của mọi người.

Hành vi buôn bán hàng giả sẽ phải chịu các chế tài về hành chính và hình sự theo quy định của pháp luật.

III. Nhận biết bánh kẹo giả như thế nào?

Một số cách nhận biết bánh kẹo giả thường được sử dụng đó là:

1. Nhận biết qua tên thương hiệu

Để làm giả các thương hiệu nổi tiếng, tên của các sản phẩm hàng giả thường sẽ khác bánh kẹo thật 1 - 2 chữ cái. Do đó, trước khi mua bất kỳ loại bánh kẹo nào lạ, người tiêu dùng nên quan sát kỹ tên thương hiệu, nếu thấy có dấu hiệu lạ, hãy lên google kiểm tra lại tên các hãng bánh kẹo chính hãng để biết đó là bánh kẹo thật hay bánh kẹo giả.Ví dụ: bánh thật là COSY còn bánh giả là GOSY hoặc bánh thật là DANISA, bánh giả là DARMISA, bánh thật Tipo và bánh giả là Tippo,... Ngoài ra, tên thương hiệu giả có thể có cách phát âm giống với thương hiệu thật như Choco Pie và hàng giả là Choco Pai, Custas là bánh thật và bánh giả là Custard hoặc Curtas, Alpenliebe và hàng giả tên là Annabella,...

2. Nhận biết qua thông tin nhà sản xuất

Bánh kẹo giả thường ghi địa chỉ cơ sở sản xuất chung chung, không có ngày sản xuất, hạn sử dụng hay không có các thành phần có trong bánh kẹo. Đặc điểm này rất dễ nhận ra, nếu người tiêu dùng quan sát kỹ sẽ rất khó mua phải hàng giả. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, khi chọn mua bánh, kẹo, mứt Tết nên chọn loại có bao bì, nhãn hiệu và địa chỉ rõ ràng, có giấy chứng nhận chất lượng của cơ quan chức năng, nên mua ở những đại lý, siêu thị, cửa hàng uy tín… 

3. Nhận biết dựa vào bao bì sản phẩm

Dựa vào bao bì sản phẩm rất khó phân biệt vì các cơ sở sản xuất hàng nhái ngày càng tinh vi, bao bì nhái in rất đẹp, màu sắc tươi sáng, rõ nét không khác gì hàng chính hãng. Tuy nhiên, vẫn có những loại màu sắc không giống hàng gốc, màu nhạt hơn hay quá chói, các thông tin in mờ, không rõ ràng, nếu để ý kỹ vẫn có thể phân biệt được.

Ngoài ra, người tiêu dùng có thể nhận biết qua sản phẩm bên trong nhưng cách này thường không thông dụng vì khi mua hàng không được mở bao bì. Do đó, nhiều trường hợp sau khi mua hàng và mở ra sử dụng thì người tiêu dùng mới biết mình đã mua phải hàng giả.

IV. Hành vi buôn bán bánh kẹo giả dịp Tết bị phạt bao nhiêu tiền?

Hành vi buôn bán bánh kẹo giả sẽ bị xử phạt hành chính căn cứ theo Điều 11 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, khoản 7 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP tùy vào giá trị tương đương giữa hàng thật và hàng giả, cụ thể khung phạt thấp nhất là 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng và khung phạt cao nhất là 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

V. Buôn bán bánh kẹo giả có bị xử lý hình sự không?

Bánh kẹo là một loại thực phẩm do đó căn cứ Điều 193 Bộ luật Hình sự hiện hành, cá nhân hoặc pháp nhân buôn bán bánh kẹo giả có thể phải chịu trách nhiệm hình sự như sau:

1. Đối với cá nhân

Cá nhân thực hiện hành vi buôn bán bánh kẹo giả tùy vào tính chất, mức độ của hành vi bao gồm một số yếu tố như số tiền thu lợi bất chính, sức khỏe bị ảnh hưởng của người tiêu dùng, tái phạm, có tính chất chuyên nghiệp, có tổ chức,... có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị phạt tù với khung hình phạt thấp nhất là từ 02 năm đến 05 năm, khung hình phạt tù cao nhất là từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

2. Đối với pháp nhân

Pháp nhân thực hiện hành vi buôn bánh kẹo giả tùy vào mức độ, tính chất của hành vi mà bị phạt tiền thấp nhất là 1.000.000.000 đồng và cao nhất lên đến 18.000.000.000 đồng, đồng thời bị đình chỉ hoạt động và cấm huy động vốn trong một số trường hợp.

VI. Giải đáp một số thắc mắc về buôn bán bánh kẹo giả

Xoay quanh vấn đề buôn bán bánh kẹo giả dịp Tết có một số câu hỏi được NPLaw giải đáp như sau:

1. Sản xuất bánh kẹo giả có tính chất chuyên nghiệp thì bị xử lý như thế nào?

Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 193 Bộ luật Hình sự hiện hành, người thực hiện hành vi buôn bán bánh kẹo giả có tính chất chuyên nghiệp có thể bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

2. Tố cáo hành vi buôn bán bánh kẹo giả dịp Tết ở đâu?

Người tiêu dùng khi phát hiện hàng giả nói chung và bánh kẹo giả dịp Tết nói riêng có thể liên hệ Tổng cục Quản lý thị trường qua hotline 0945131911 và email là hotlineTCQLTT@dms.gov.vn hoặc liên hệ với cơ quan có chức năng quản lý thị trường tại địa phương. Đây là kênh để mọi người phản ánh trực tiếp về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

3. Cơ quan nào xử lý buôn bán bánh kẹo giả?

Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường hoặc Chi cục Quản lý thị trường tại địa phương là những cơ quan có thẩm quyền xử lý buôn bán bánh kẹo giả.

Trên đây là nội dung tư vấn của NPLaw về buôn bán bánh kẹo giả, đặc biệt là thời điểm cận Tết. Quý Khách hàng cần nắm rõ quy định pháp luật để không mua phải hàng hóa kém chất lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và gia đình cũng như không tiếp tay cho các đối tượng sản xuất hàng giả. Trong trường hợp Quý Khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề này hoặc có các vấn đề pháp lý khác vui lòng liên hệ với NPLaw để được tư vấn và hướng dẫn giải quyết. Xin chân thành cảm ơn Quý Khách hàng.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan