PHÁP LUẬT QUY ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO VỀ HỢP ĐỒNG LI-XĂNG NHÃN HIỆU?

 

Li-xăng là từ có nguồn gốc từ tiếng Pháp, mang nghĩa là sự cấp phép hoặc giấy phép được sử dụng cho một đối tượng đặc quyền nào đó. Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, hợp đồng li-xăng được sử dụng trong việc chuyển giao quyền sử dụng mà đối tượng là quyền sở hữu công nghiệp và giống cây trồng như quyền sử dụng đối với nhãn hiệu, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp,... Vậy pháp luật có những quy định gì về hợp đồng li-xăng nhãn hiệu? Hãy cùng PLaw tìm hiểu qua nội dung bài viết dưới đây.

pháp luật có những quy định gì về hợp đồng li-xăng nhãn hiệu

 

I. Thực trạng về hợp đồng li-xăng nhãn hiệu

Li-xăng nhãn hiệu là việc chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép một cá nhân, tổ chức khác có quyền sử dụng nhãn hiệu của mình thông qua một hợp đồng chuyển nhượng gọi là hợp đồng li-xăng nhãn hiệu. 

Hợp đồng li-xăng nhãn hiệu ngày càng dần trở nên phổ biến vì hiện nay các doanh nghiệp sở hữu nhãn hiệu luôn có nhu cầu mở rộng thị trường, tăng độ nhận diện để có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với khách hàng và đối tác. Việc sử dụng nhãn hiệu này chỉ được áp dụng trên một vùng lãnh thổ và trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận giữa các bên khi giao kết hợp đồng li-xăng.

II. Quy định pháp luật về hợp đồng li-xăng nhãn hiệu

Hợp đồng li-xăng nhãn hiệu hay hợp đồng li-xăng sở hữu công nghiệp nói chung được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung các năm 2009, 2019 và mới nhất là năm 2022.

1. Quy định chung về hợp đồng li-xăng

Nhãn hiệu là một đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Về khái niệm, li-xăng hay chuyển quyền sử dụng sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp cho phép cá nhân, tổ chức khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc quyền sở hữu của mình. Việc chuyển quyền sử dụng này phải được lập thành văn bản, được biết đến với tên gọi là hợp đồng li-xăng.

2. Điều kiện hạn chế của hợp đồng li-xăng đối với nhãn hiệu

Một số hạn chế đối với việc chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu được pháp luật quy định như sau:

Thứ nhất, quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể không được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đó.

Thứ hai, bên được chuyển quyền không được ký kết hợp đồng thứ cấp với bên thứ ba, trừ trường hợp được bên chuyển quyền cho phép.

Thứ ba, bên được chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu có nghĩa vụ ghi chỉ dẫn trên hàng hóa, bao bì hàng hóa về việc hàng hóa đó được sản xuất theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu.

Như vậy, đối với hợp đồng li-xăng nhãn hiệu cũng có một số lưu ý nhất định để hạn chế việc chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu chứ không phải tất cả nhãn hiệu hay bất cứ chủ thể nào cũng đều có thể chuyển quyền hay nhận chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu.

Điều kiện hạn chế của hợp đồng li-xăng đối với nhãn hiệu

 

3. Nội dung của hợp đồng li-xăng

Theo quy định tại khoản 1 Điều 144 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

(1) Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền;

(2) Căn cứ chuyển giao quyền sử dụng;

(3) Dạng hợp đồng;

(4) Phạm vi chuyển giao, gồm giới hạn quyền sử dụng, giới hạn lãnh thổ;

(5) Thời hạn hợp đồng;

(6) Giá chuyển giao quyền sử dụng;

(7) Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền.

4. Các dạng hợp đồng li-xăng

Theo quy định tại Điều 143 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, hợp đồng li-xăng gồm có 03 dạng như sau:

(1) Hợp đồng độc quyền là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao, bên được chuyển quyền được độc quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, bên chuyển quyền không được ký kết hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp với bất kỳ bên thứ ba nào và chỉ được sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó nếu được phép của bên được chuyển quyền;

(2) Hợp đồng không độc quyền là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao quyền sử dụng, bên chuyển quyền vẫn có quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, quyền ký kết hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp không độc quyền với người khác;

(3) Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thứ cấp là hợp đồng mà theo đó bên chuyển quyền là người được chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó theo một hợp đồng khác.

Như vậy, chủ sở hữu nhãn hiệu cần nắm rõ các quy định của pháp luật về hợp đồng li-xăng để bảo vệ quyền lợi cho chính doanh nghiệp của mình. Bên cạnh đó, nếu hợp đồng li-xăng được lập nhưng không đảm bảo về mặt hình thức hay nội dung, sai loại hợp đồng,... thì hiệu lực hợp đồng cũng sẽ bị ảnh hưởng.

III. Giải đáp một số câu hỏi về hợp đồng li-xăng nhãn hiệu

Xoay quanh hợp đồng li-xăng nhãn hiệu có một số câu hỏi thường gặp được PLaw giải đáp như sau:

1. Chuyển nhượng thương mại và li-xăng có phải là một thủ tục?

Chuyển nhượng thương mại và li-xăng không phải là một thủ tục. Giữa chuyển nhượng thương mại và li-xăng có một số điểm tương đồng và khác biệt như sau:

Thứ nhất, về điểm tương đồng, chuyển nhượng thương mại và li-xăng đều là hoạt động chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu trí tuệ. Theo đó, hoạt động này sẽ diễn ra giữa hai bên là bên giao quyền và bên nhận quyền. 

Thứ hai, về điểm khác biệt, chuyển nhượng thương mại và li-xăng có sự khác nhau thể hiện qua bảng phân biệt sau đây:

Nội dung

Chuyển nhượng thương mại

Li-xăng

Quy định điều chỉnh

Được điều chỉnh bởi các quy định của Luật Thương mại và Luật Sở hữu trí tuệ.

Được điều chỉnh bởi các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

Đối tượng chuyển giao, chuyển nhượng

Nhiều loại đối tượng như quyền sở hữu công nghiệp, thương hiệu, công thức, mô hình kinh doanh,...

Đối tượng chủ yếu là quyền sở hữu công nghiệp.

Thủ tục đăng ký

Bắt buộc đăng ký việc nhượng quyền thương mại với Bộ Công Thương trừ 02 trường hợp:

- Nhượng quyền trong nước;

- Nhượng quyền thương mại từ Việt Nam ra nước ngoài.

Không bắt buộc đăng ký, tuy nhiên, nếu muốn hợp đồng li-xăng có giá trị pháp lý với bên thứ ba thì phải đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền về quyền sở hữu công nghiệp.

Quyền kiểm soát sau khi chuyển giao, chuyển nhượng

Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát sau chuyển nhượng.

Bên chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp không có hoặc chỉ có quyền kiểm soát trong trường hợp cần thiết và trong phạm vi hẹp được giới hạn bởi luật định.

Giới hạn của việc chuyển giao, chuyển nhượng

Bên chuyển quyền không giới hạn quyền của bên chuyển quyền. Riêng đối với bên nhượng quyền thì chỉ được chuyển nhượng cho bên thứ ba nếu bên chuyển quyền đồng ý. 

Các bên không được chuyển quyền cho bên thứ ba trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng.

Đối với li-xăng nhãn hiệu, bên chuyển quyền không được chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đó.

Sự hỗ trợ của bên chuyển giao, chuyển nhượng

Bên nhượng quyền thương mại vẫn sẽ hỗ trợ và giám sát thường xuyên hoạt động của bên nhận nhượng quyền.

Bên chuyển giao quyền sử dụng thường chỉ hỗ trợ theo thỏa thuận nhưng tương đối hạn chế như hỗ trợ về dữ liệu, kĩ thuật,…

2. Quy định về hiệu lực của hợp đồng li-xăng?

Hợp đồng li-xăng làm phát sinh, thay đổi và chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các chủ thể giao kết đối với đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, do đó, hợp đồng li-xăng cũng phải đáp ứng các yêu cầu có hiệu lực chung của hợp đồng cả về mặt nội dung và hình thức theo quy định của Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 và các Điều 141, 144 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành. Cụ thể:

Về nội dung, hợp đồng li-xăng đảm bảo có đầy đủ các nội dung theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, đảm bảo không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội.

Về hình thức, hợp đồng li-xăng được lập bằng văn bản. Hiện tại, không có quy định việc đăng ký hay phải công chứng, chứng thực hợp đồng li-xăng nhãn hiệu. 

Đối với các loại quyền sở hữu công nghiệp được xác lập trên cơ sở đăng ký như quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp có hiệu lực theo thỏa thuận giữa các bên. Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đối với các đối tượng nói trên trừ hợp đồng sử dụng nhãn hiệu, phải đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp mới có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba.

Bên cạnh đó, Luật Sở hữu trí tuệ quy định hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp mặc nhiên bị chấm dứt hiệu lực nếu quyền sở hữu công nghiệp của bên giao bị chấm dứt.

Quy định về hiệu lực của hợp đồng li-xăng?

 

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý về hợp đồng li-xăng nhãn hiệu

Hợp đồng li-xăng đối với nhãn hiệu có nhiều lợi ích như giúp doanh nghiệp có quyền sở hữu công nghiệp góp phần mở rộng được thị trường, tăng độ nhận diện, tăng khả năng phát triển công việc kinh doanh,...Do đó, việc doanh nghiệp cần được tư vấn pháp lý về hợp đồng li-xăng nhãn hiệu từ những người có chuyên môn cao như luật sư trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ là vô cùng cần thiết.

Khi giải quyết các vấn đề về hợp đồng li-xăng nhãn hiệu, Quý Khách hàng có thể lựa chọn liên hệ với Công ty Luật TNHH Ngọc Phú (Hãng luật NPLaw). NPLaw là một công ty chuyên về luật uy tín, hiện có cung cấp dịch vụ tư vấn các vấn đề pháp lý về sở hữu trí tuệ nói chung và li-xăng nhãn hiệu nói riêng. Quý Khách hàng có mong muốn được tư vấn vui lòng liên hệ hotline 0913 449 968 hoặc truy cập trang web nplaw.vn để được đội ngũ Luật sư, chuyên viên pháp lý dày dặn kinh nghiệm hướng dẫn về các thủ tục. Với nghiệp vụ chuyên môn cao, NPLaw hứa hẹn sẽ mang lại trải nghiệm dịch vụ pháp lý chất lượng và uy tín đến với Quý Khách hàng.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan