Pháp luật quy định như thế nào về thẩm định dự án đầu tư công nghệ?

Hoạt động thẩm định đóng vai trò khá quan trọng trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư. Dự án đầu tư công nghệ cũng không ngoại lệ. Để các bạn hiểu rõ hơn về thẩm định dự án đầu tư công nghệ, NPLaw sẽ cung cấp một vài thông tin liên quan thông qua bài viết dưới đây.

I. Thẩm định dự án đầu tư công nghệ là gì?

Thẩm định dự án đầu tư công nghệ là quá trình tiến hành kiểm tra, xem xét một cách khách quan, khoa học và toàn diện một số nội dung cơ bản của một dự án đầu tư có sử dụng công nghệ nhằm đánh giá tính hợp lý, tính hiệu quả và tính khả thi của dự án. Dự án này có thể sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công hoặc các nguồn vốn khác. Trước khi đưa ra quyết định chủ trương đầu tư; quyết định chương trình, dự án đầu tư; … thì dự án này cần phải trải qua giai đoạn thẩm định về công nghệ.

NPLaw sẽ đưa ra ví dụ sau đây để minh họa rõ hơn về hoạt động thẩm định dự án đầu tư công nghệ.

- Ví dụ: Công ty X thực hiện dự án sử dụng vốn đầu tư công có nguy cơ tác động xấu đến môi trường có sử dụng công nghệ. Theo Điểm b Khoản 2 Điều 13 Luật chuyển giao công nghệ 2017 thì dự án này phải được thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ. Những nội dung được thẩm định bao gồm: 

  • Phương án công nghệ được áp dụng ở dự án này đã được sử dụng ở nhiều quốc gia phát triển khác và mang lại hiệu quả;
  • Phương án này phù hợp hơn với cái phương án khác về mặt chi phí, việc đào tạo;
  • Sử dụng phương án này không tác động tiêu cực đến môi trường và một số nội dung liên quan theo pháp luật quy định.

Căn cứ vào kết quả thẩm định trên, cơ quan có thẩm quyền có thể đưa ra quyết định chủ trương đầu tư phù hợp.

Hoạt động thẩm định dự án đầu tư công nghệ được quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Căn cứ vào đó, các chủ thể có thẩm quyền có thể dễ dàng áp dụng để thực hiện một cách an toàn và phù hợp dự án có sử dụng công nghệ.

II. Quy định thẩm định dự án đầu tư công nghệ

Hiện nay, các vấn đề liên quan đến thẩm định dự án đầu tư công nghệ như nội dung thẩm định, trình tự thẩm định, thời hạn thẩm định được quy định chủ yếu ở Luật chuyển giao công nghệ 2017.

Bên cạnh đó, một số văn bản quy phạm pháp luật cũng quy định liên quan đến hoạt động này gồm: Luật Đầu tư 2020; Luật Đầu tư công 2019; Luật Xây dựng 2014; Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Như vậy, căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật trên, có thể dễ dàng biết được thủ tục thẩm định dự án đầu tư công nghệ bao gồm những gì và những nội dung đó được thực hiện như thế nào.

III. Thủ tục thẩm định dự án đầu tư công nghệ

1. Nội dung thẩm định dự án đầu tư công nghệ

Theo Điều 19 Luật chuyển giao công nghệ 2017 quy định:

- Nội dung thẩm định về công nghệ trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư được quy định như sau:

  • Sự phù hợp của phương án công nghệ được lựa chọn;
  • Việc kiểm chứng sử dụng công nghệ tại các quốc gia phát triển (nếu có);
  • Việc đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật cho vận hành dây chuyền công nghệ của dự án đầu tư (nếu có);
  • Việc đáp ứng các điều kiện sử dụng công nghệ;
  • Sơ bộ tác động ảnh hưởng của công nghệ đến môi trường;
  • Dự thảo hợp đồng chuyển giao công nghệ (nếu có);
  • Đối với dự án đầu tư trong khu công nghệ cao, nội dung thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ thực hiện theo quy định tại khoản này và đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về công nghệ cao.

- Nội dung thẩm định về công nghệ trong giai đoạn quyết định đầu tư được quy định như sau:

  • Sự phù hợp của công nghệ, máy móc, thiết bị với phương án được lựa chọn trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy định khác của pháp luật có liên quan;
  • Sản phẩm, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm;
  • Sự phù hợp, khả năng đáp ứng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho việc vận hành công nghệ, máy móc, thiết bị;
  • Chương trình đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật để vận hành dây chuyền công nghệ, máy móc, thiết bị;
  • Chi phí đầu tư cho công nghệ, máy móc, thiết bị, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật.

2. Hồ sơ thẩm định dự án đầu tư công nghệ

Theo Điều 16 Luật chuyển giao công nghệ 2017 quy định:

- Trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư, nội dung giải trình về sử dụng công nghệ trong hồ sơ dự án đầu tư bao gồm:

  • Phân tích và lựa chọn phương án công nghệ;
  • Tên, xuất xứ, sơ đồ quy trình công nghệ; dự kiến danh mục, tình trạng, thông số kỹ thuật của máy móc, thiết bị chính trong dây chuyền công nghệ thuộc phương án công nghệ lựa chọn;
  • Tài liệu chứng minh công nghệ đã được kiểm chứng (nếu có);
  • Dự kiến kế hoạch đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật để vận hành dây chuyền công nghệ (nếu có);
  • Điều kiện sử dụng công nghệ;
  • Đánh giá sơ bộ tác động của công nghệ đến môi trường (nếu có);
  • Dự thảo hợp đồng chuyển giao công nghệ trong trường hợp góp vốn bằng công nghệ.

- Trong giai đoạn quyết định đầu tư, nội dung giải trình về sử dụng công nghệ trong hồ sơ dự án đầu tư bao gồm:

  • Tên, xuất xứ, sơ đồ quy trình công nghệ; danh mục, tình trạng, thông số kỹ thuật của máy móc, thiết bị trong dây chuyền công nghệ;
  • Sản phẩm, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm;
  • Khả năng đáp ứng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho dây chuyền công nghệ;
  • Chương trình đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật để vận hành dây chuyền công nghệ;
  • Chi phí đầu tư cho công nghệ, máy móc, thiết bị, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật.

3. Quy trình thẩm định dự án đầu tư công nghệ

Quy trình thẩm định về công nghệ dự án đầu tư trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư được quy định cụ thể tại Điều 17 Luật chuyển giao công nghệ 2017.

Quy trình thẩm định về công nghệ dự án đầu tư trong giai đoạn quyết định đầu tư được quy định cụ thể tại Điều 18 Luật chuyển giao công nghệ 2017.

Trên đây là những quy định chung đối với việc thẩm định dự án đầu tư công nghệ. Tuy nhiên, dự án này được chia làm nhiều loại khác nhau và thẩm quyền thực hiện thẩm định của từng loại cũng khác. NPLaw cung cấp cho các bạn thông tin về thẩm quyền thực hiện thẩm định về công nghệ đối với một trong những dự án đó.

IV. Thẩm quyền thực hiện thẩm định về công nghệ đối với dự án đầu tư sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao hoặc có nguy cơ tác động xấu đến môi trường

 Theo Điều 16 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định:

- Đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công

  • Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định về công nghệ đối với dự án quan trọng quốc gia;
  • Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ trì thẩm định về công nghệ đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan trung ương, người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập do bộ, cơ quan trung ương quản lý quyết định chủ trương đầu tư;
  • Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực (sau đây gọi là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) chủ trì thẩm định về công nghệ đối với dự án do Hội đồng nhân dân các cấp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, người đứng đầu cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập do địa phương quản lý quyết định chủ trương đầu tư.

- Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công

  • Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ có ý kiến về công nghệ, các cơ quan, tổ chức có liên quan đối với dự án do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án nhóm A, nhóm B do người đứng đầu cơ quan trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quyết định đầu tư hoặc phân cấp, ủy quyền quyết định đầu tư; dự án có công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng cấp đặc biệt, cấp I; dự án được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính từ 02 tỉnh trở lên; dự án do Bộ quyết định đầu tư;
  • Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn về khoa học, công nghệ, các cơ quan, tổ chức có liên quan có ý kiến về công nghệ đối với dự án còn lại không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này.

- Đối với dự án sử dụng vốn khác

  • Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ quan, tổ chức liên quan có ý kiến về công nghệ đối với dự án do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án nhóm A; dự án có công trình ảnh hưởng lớn đến an toàn, lợi ích cộng đồng cấp đặc biệt, cấp I hoặc được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của 02 tỉnh trở lên;
  • Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ, cơ quan, tổ chức liên quan có ý kiến về công nghệ đối với dự án còn lại không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này.

- Đối với dự án PPP, Hội đồng thẩm định hoặc đơn vị được giao nhiệm vụ thẩm định dự án PPP tổ chức thẩm định về công nghệ khi thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan