Pháp luật quy định như thế nào về thi hành án tử hình?

Đối với tình hình tội phạm ngày càng nguy hiểm, tính chất phức tạp thì tử hình là một biện pháp cần thiết để trừng trị, răn đe và phòng ngừa các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Bài viết sau đây, NPLAW sẽ phân tích và làm sáng tỏ những quy định pháp luật hình sự về hình phạt tử hình và thi hành án tử hình theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hiện nay.

I. Thi hành án tử hình là gì?

Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật hình sự 2015 quy định.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự 2019 thì “Thi hành án tử hình là việc cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Luật này tước bỏ tính mạng của người bị kết án tử hình”.

II. Các tội thi hành án tử hình theo pháp luật hiện nay

Theo quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), có một số tội phạm áp dụng hình phạt tử hình ở Việt Nam như: 

- Tội giết người được quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017: 

Người nào giết người thuộc trường hợp như: Giết 02 người trở lên; Giết người dưới 16 tuổi; Giết phụ nữ mà biết là có thai; ….thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

- Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi được quy định tại Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: Có tổ chức; nhiều người hiếp một người; đối với người dưới 10 tuổi; gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội.

- Tội phản bội Tổ quốc được quy định tại Điều 108 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì công dân Việt Nam nào câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiềm lực quốc phòng, an ninh, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Như vậy, ngoài các tội trên thì Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 có quy định mức phạt tử hình đối với các tội sau, như: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109), Tội gián điệp (Điều 110), Tội bạo loạn (Điều 112), Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113), Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114), Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194), Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248), Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250), Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251), Tội khủng bố (Điều 299), Tội tham ô tài sản (Điều 353), Tội nhận hối lộ (Điều 354), Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421), Tội chống loài người (Điều 422), Tội phạm chiến tranh (Điều 423).......

III. Khi nào không thi hành án tử hình

Theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 40 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 thì không thi hành án tử hình trong các trường hợp sau đây:

-  Khi những người này phạm tội hoặc khi xét xử, không áp dụng hình phạt tử hình đối với: 

+ Người dưới 18 tuổi khi phạm tội

+ Phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi

+ Người đủ 75 tuổi trở lên.

- Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;

+ Người đủ 75 tuổi trở lên;

+ Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Như vậy, nếu thuộc một trong các trường hợp trên thì không phải thi hành án tử hình.

IV. Hội đồng thi hành án tử hình bao gồm những ai?

Ngay sau khi có quyết định thi hành án tử hình, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án có văn bản yêu cầu Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu cử đại diện lãnh đạo tham gia Hội đồng thi hành án tử hình.

Như vậy, Hội đồng thi hành án tử hình bao gồm:

- Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án làm Chủ tịch Hội đồng;

- Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp;

- Thủ trưởng hoặc Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp.

Cơ sở pháp lý: khoản 1, 3 Điều 78 Luật Thi hành án hình sự 2019.

V. Giải đáp thắc mắc về thi hành án tử hình

1. Ai là người ra quyết định thi hành án tử hình?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 77 Luật Thi hành án hình sự 2019 thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án tử hình.

2. Khi nào được hoãn thi hành án tử hình?

Hội đồng thi hành án tử hình quyết định hoãn thi hành án tử hình nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Người bị kết án tử hình thuộc trường hợp không thi hành án tử hình đó là:

+ Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;

+ Người đủ 75 tuổi trở lên;

+ Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

- Có lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan;

+ Thiên tai, hỏa hoạn hoặc có trở ngại khách quan khác không thể thực hiện được việc thi hành án tử hình hoặc trên đường áp giải người bị thi hành án tử hình bị tai nạn phải đưa đến bệnh viện;

+ Trang thiết bị, dụng cụ thi hành án tử hình bị hư hỏng; không xác định được tĩnh mạch; thuốc thi hành án tử hình không đúng chủng loại, chất lượng, số lượng hoặc các điều kiện khác bảo đảm cho việc thi hành án tử hình không đáp ứng được.

- Người bị kết án tử hình đã khai báo những tình tiết mới về tội phạm ngay trước khi thi hành án.

Nếu thuộc một trong các trường hợp trên thì sẽ hoãn thi hành án tử hình.

Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 81 Luật Thi hành án hình sự 2019, khoản 2 Điều 9 Thông tư số 02/2020/TTLT-BCA-BQP-BYT-BNG-TANDTC-VKSNDTC.

3. Quyết định thi hành án tử hình phải được gửi đến các cơ quan nào?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 77 Luật Thi hành án hình sự 2019 thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thi hành án tử hình, Tòa án phải gửi quyết định cho các cơ quan sau đây:

- Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp;

- Trại tạm giam nơi người chấp hành án đang bị giam giữ;

- Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định thi hành án có trụ sở.

4. Việc triển khai thi hành án tử hình đối với người bị thi hành án tử hình là phụ nữ được thực hiện như thế nào?

Việc triển khai thi hành án tử hình đối với người bị thi hành án tử hình là phụ nữ được thực hiện như sau: ngay sau khi nhận đủ hồ sơ để đưa bản án tử hình ra thi hành, Hội đồng thi hành án tử hình phải

- Yêu cầu Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu ra lệnh trích xuất người bị kết án tử hình đến bệnh viện thuộc Sở Y tế hoặc bệnh viện cấp quân khu, nơi đang giam giữ người bị kết án tử hình để kiểm tra, xác định xem người bị kết án tử hình có thai hay không.

- Việc kiểm tra phải được lập thành văn bản và có xác nhận của bệnh viện nơi tiến hành kiểm tra, xác định.

Nếu người bị thi hành án tử hình là phụ nữ đang mang thai thì được hoãn thi hành án tử hình theo quy định tại khoản 1 Điều 81 Luật Thi hành án hình sự 2019.

Cơ sở pháp lý: khoản 3 Điều 8 Thông tư liên tịch số 02/2020/TTLT-BCA-BQP-BYT-BNG-TANDTC-VKSNDTC.

5. Nếu người bị thi hành án tử hình chết trước khi thi hành án tử hình thì sao?

Điều 12 TTLT số 02/2020/TTLT-BCA-BQP-BYT-BNG-TANDTC-VKSNDTC quy định:

- Nếu người thi hành án tử hình chết trước khi thi hành án tử hình thì Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án tử hình hoặc Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình phải thông báo ngay cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền để xác định nguyên nhân chết. 

- Còn đối với trường hợp người bị thi hành án tử hình chết trên đường áp giải đến địa điểm thi hành án tử hình thì Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình phải thông báo cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi có địa điểm thi hành án tử hình biết.

Ngoài ra, phải thông báo cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền nơi người bị thi hành án tử hình chết để tiến hành làm các thủ tục theo quy định của pháp luật.

Và sau khi tiến hành xong các thủ tục xác định nguyên nhân chết và được phép của cơ quan có thẩm quyền, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án tử hình hoặc Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình giao cho cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi Tòa án ra quyết định thi hành án tử hình có trách nhiệm thông báo cho người có đơn đề nghị đến nhận tử thi người bị thi hành án tử hình về mai táng hoặc tổ chức mai táng.

6. Đơn xin nhận tử thi của người bị thi hành án tử hình là người Việt Nam phải có các nội dung gì?

Đơn xin nhận tử thi của người bị thi hành án tử hình là người Việt Nam về mai táng thì phải có các nội dung sau:

- Ghi rõ họ, tên, địa chỉ người nhận tử thi; 

- Quan hệ với người bị thi hành án; 

- Cam kết bảo đảm yêu cầu về an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường và tự chịu chi phí. 

Đơn phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú, trường hợp người bị thi hành án tử hình là người nước ngoài thì đơn phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan đại diện của nước mà người đó mang quốc tịch và phải được dịch sang tiếng Việt.

Cơ sở pháp lý: khoản 2 Điều 13 Thông tư liên tịch số 02/2020/TTLT-BCA-BQP-BYT-BNG-TANDTC-VKSNDTC, khoản 1 Điều 83 Luật Thi hành án hình sự 2019.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan