Rửa tiền là gì? Tội rửa tiền là gì? Quy định của pháp luật hình sự về tội rửa tiền hiện nay như thế nào? Bài viết dưới đây, NPLAW sẽ cung cấp đến bạn đầy đủ và chính xác thông tin về tội rửa tiền và các vấn đề liên quan.
Rửa tiền là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý qua việc tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào các giao dịch liên quan đến tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có nhằm che giấu, hợp pháp hóa các khoản tiền, tài sản có được từ hoạt động phạm tội.
Theo đó, căn cứ quy định về tội rửa tiền được tại Điều 324 Bộ luật Hình sự 2015 thì có thể hiểu tội rửa tiền là hành vi có lỗi, trực tiếp hoặc gián tiếp che giấu nguồn gốc phi pháp và hợp pháp hóa tiền, tài sản do chủ thể có năng lực trách nhiệm hình sự phạm tội mà có, gây nguy hiểm đáng kể cho xã hội, trái pháp luật hình sự và phải chịu hình phạt.
Rửa tiền là một vấn nạn toàn cầu, điều này không chỉ đe dọa an ninh của quốc gia mà còn phá hủy sự ổn định, minh bạch và hiệu quả của hệ thống tài chính cũng như cản trở sự thịnh vượng của nền kinh tế quốc tế. Tại Việt Nam, vấn đề phòng, chống nạn rửa tiền là một lĩnh vực được Nhà nước ưu tiên coi trọng.
Số liệu từ NHNN cho biết, từ năm 2013 đến tháng 9/2020, qua phân tích, đã xử lý trên 10.000 báo cáo giao dịch đáng ngờ, Cục Phòng chống rửa tiền đã chuyển 857 vụ việc (liên quan đến 5.614 giao dịch) đến Cơ quan điều tra, cơ quan Thanh tra, Thuế, Hải quan để phục vụ cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, truy thu thuế và xử lý vi phạm.
Còn theo thống kê của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, số lượng các vụ án về tội phạm có rủi ro về rửa tiền là rất lớn, nhiều vụ án số tiền chiếm đoạt lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Từ năm 2013 đến 2019, Cơ quan tố tụng đã khởi tố gần 10.000 vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ; tỷ lệ thu hồi đến 32,6%, có vụ thu hồi 100% như vụ AVG…
Các thủ đoạn rửa tiền chủ yếu là cư dân biên giới mang vàng, tiền, ngoại tệ vượt định mức bắt buộc phải khai báo hải quan nhưng không khai báo hoặc khai khống. Tiền, tài sản được cất giấu trên người, hành lý ký gửi hoặc hành lý xách tay, phương tiện vận chuyển hoặc cất giấu trong container hàng hóa, nhằm trốn tránh sự kiểm tra, phát hiện của Hải quan.
– Một tổ chức tội phạm có hoạt động kinh doanh. Đây chính là bình phong vững chắc để qua mặt pháp luật. Khi đó, tiền bẩn sẽ được đưa vào tài khoản công ty thông qua doanh thu hàng ngày. Lúc đó tiền đã được chuyển thành dạng thức khác. Khi cần, tổ chức sẽ rút ra từ tài khoản công ty.
– Chia nhỏ từng khoản tiền rồi chuyển qua lại giữa các tài khoản ngân hàng thông qua chức năng chuyển tiền trên điện thoại. Ngân hàng online phát triển làm tiền đề cho hàng loạt hành vi tội phạm rửa tiền và rất khó kiểm soát.
– Các kênh tiền ảo được xem là một trong những kênh rửa tiền phổ biến nhất hiện nay. Đây cũng chính là lý do nhiều quốc gia còn e ngại và chưa cho phép giao dịch tiền ảo.
– Chuyển tiền xuyên biên giới sang một tài khoản nước ngoài.
Theo quy định tại Điều 324 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2017) thì các hành vi rửa tiền được liệt kê bao gồm:
- Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ Sở để biết là do người khác phạm tội mà có;
- Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;
- Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;
- Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có.
Thứ nhất, rửa tiền là loại tội phạm có tính phái sinh: Lí do là bởi loại tội phạm này luôn đi kèm những hoạt động phạm tội trước đó hay nói cách khác, chúng có tính phụ thuộc tự nhiên vào tội phạm nguồn. Đối với tội rửa tiền thì tội phạm nguồn là các tội phạm tạo ra những khoản tiền, tài sản phi pháp, từ đó tất yếu dẫn đến việc thực hiện hành vi rửa tiền.
Thứ hai, đối tượng tác động của tội rửa tiền là tiền, tài sản do phạm tội mà có: Tài sản ở đây phải được hiểu theo nghĩa rộng, ở mọi hình thức, hữu hình hay vô hình, động sản hay bất động sản, vật chất hay phi vật chất, và toàn bộ giấy tờ có giá trị pháp lý chứng nhận quyền sở hữu hay các lợi ích liên quan đến tài sản đó. Đây là loại đối tượng đặc biệt bởi nguồn gốc hình thành xuất phát từ hệ quả của một hành vi phạm tội.
Thứ ba, rửa tiền là loại tội phạm có tính kinh tế: được thể hiện chủ yếu qua hai phương diện: được thực hiện thông qua các giao dịch liên quan đến tiền, tài sản và bản thân rửa tiền là một dịch vụ với một thị trường độc lập, có cung có cầu và dịch vụ này mang về cho tội phạm những khoản lợi nhuận khổng lồ.
Thứ tư, tội rửa tiền được thực hiện thông qua nhiều công đoạn với loạt các hành vi, thủ đoạn phức tạp và tinh vi: mục đích của rửa tiền là nhằm che giấu, ngụy trang nguồn gốc phi pháp của tiền bằng cách nỗ lực xóa bỏ hoàn toàn xóa bỏ nguồn gốc mối liên hệ giữa nguồn gốc này với tiền, tài sản. Để làm mất đi dần mối liên hệ này, tội phạm không thể chỉ thực hiện một hành vi nhất định mà phải thực hiện nhiều hành vi với các cách thức thủ đoạn khác nhau.
Thứ năm, rửa tiền là tội phạm mang tính quốc tế: đặc điểm này được thể hiện ở việc các giao dịch với tiền, tài sản phi pháp không chỉ được tiến hành trong phạm vi lãnh thổ một quốc gia mà nó còn được liên kết thực hiện ở nhiều quốc gia khác.
Thứ nhất, về khách thể của tội rửa tiền: đối tượng tác động của tội phạm này là tiền, tài sản có nguồn gốc từ các hoạt động phạm tội (các tội phạm tham nhũng, tội phạm ma túy,...).
Thứ hai, về mặt khách quan của tội rửa tiền: được thể hiện thông qua hành vi rửa tiền. Đây là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tiền, tài sản do phạm tội mà có, đồng thời che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản đó.
Thứ ba, chủ thể của tội rửa tiền: chủ thể của tội phạm này là cá nhân có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện hành vi nhằm che giấu nguồn gốc của tiền, tài sản do phạm tội mà có, từ đó hợp pháp hóa tiền và tài sản này.
Thứ tư, về mặt chủ quan: Người thực hiện hành vi phạm tội biết và buộc phải biết hành vi của mình của mình là nguy hiểm, xâm hại trật tự, an ninh xã hội nhưng vẫn thực hiện, mong muốn hậu quả xảy ra. Mục đích của hành vi là chuyển đổi, hợp pháp hóa nguồn gốc các khoản lợi hoặc tài sản bất chính có được.
Cá nhân phạm tội rửa tiền sẽ bị truy cứu TNHS về tội rửa tiền theo quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều 324 BLHS 2015 (sửa đổi 2017), cụ thể:
- Người nào thực hiện một trong các hành vi được xem là rửa tiền nêu trên thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
- Người phạm tội rửa tiền bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm khi thêm một trong những dấu hiệu sau: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội 02 lần trở lên; Có tính chất chuyên nghiệp; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Tiền, tài sản phạm tội trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;Tái phạm nguy hiểm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm: Tiền, tài sản phạm tội trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên; Gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia.
- Đối với tội rửa tiền, người chuẩn bị phạm tội cũng sẽ có thể bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Ngoài ra, áp dụng hình phạt bổ sung đối với người phạm tội rửa tiền như sau: phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Mức phạt đối với pháp nhân phạm tội rửa tiền được quy định tại khoản 6 Điều 324 BLHS 2015 (sửa đổi 2017), cụ thể:
- Đối với pháp nhân phạm tội rửa tiền, mức phạt cao nhất có thể áp dụng là bị phạt tiền từ 10.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm.
- Đối với pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.
Theo Điều 19 Nghị định 116/2013/NĐ-CP có quy định về vấn đề này như sau:
- Cơ quan phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm tiếp nhận, thu thập thông tin, tài liệu, hồ sơ liên quan đến các giao dịch được báo cáo theo quy định của Luật phòng, chống rửa tiền.
- Cơ quan phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan (đối tượng báo cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân lưu giữ hồ sơ, tài liệu liên quan đến giao dịch và các bên liên quan đến giao dịch) cung cấp thông tin, tài liệu, hồ sơ và các thông tin khác cần thiết cho việc phân tích, chuyển giao thông tin về rửa tiền.
Căn cứ quy định tại Điều 21 Nghị định 116/2013/NĐ-CP, hoạt động trao đổi thông tin về phòng, chống rửa tiền được thực hiện theo quy định sau:
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm phối hợp, trao đổi thông tin theo quy định tại Điều 32 Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 với cơ quan có thẩm quyền trong các trường hợp sau:
- Cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 1 Điều này có trách nhiệm lưu giữ các thông tin, báo cáo, tài liệu nhận được theo chế độ mật và thông báo kết quả xử lý có liên quan cho cơ quan phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định của pháp luật.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động và có trách nhiệm trao đổi với các bộ, ngành, đơn vị liên quan thông tin sau: Thông tin về giao dịch, tổ chức, cá nhân nghi ngờ có hành vi vi phạm pháp luật nhằm mục đích phòng, chống rửa tiền; Thông tin về những bất cập trong cơ chế, chính sách, hoạt động quản lý nhà nước nhằm mục đích phòng, chống rửa tiền.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều này và bộ, ngành liên quan có thể ký kết quy chế phối hợp, trao đổi thông tin để tạo điều kiện cho việc phối hợp, trao đổi thông tin được nhanh chóng, hiệu quả.
Có thể thấy, hoạt động thu thập, xử lý, chuyển giao và trao đổi đối với các thông tin về phòng, chống rửa tiền được pháp luật hiện hành quy định cụ thể, giúp các cơ quan, ban ngành có thể phối hợp thực hiện một cách hiệu quả nhất.
Nếu quý khách cần một đơn vị hỗ trợ pháp lý trong việc tư vấn, hướng dẫn, cung cấp thông tin về tội rử tiền, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ tốt nhất. Ngoài việc tư vấn các vấn đề pháp lý liên quan đến yêu cầu của quý khách hàng, chúng tôi còn trực tiếp soạn thảo hồ sơ, đại diện cho khách hàng làm việc với cơ quan nhà nước cho đến khi nhận được kết quả cuối cùng.
NPLAW tự tin với đội ngũ chuyên viên tư vấn, luật sư có nhiều năm kinh nghiệm trong tư vấn pháp luật sẽ mang đến cho quý khách những trải nghiệm tốt nhất khi sử dụng dịch vụ của chúng tôi.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn