PHÁP LUẬT QUY ĐỊNH VỀ DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN NHƯ THẾ NÀO?

Doanh nghiệp tư nhân là một loại hình doanh nghiệp được quy định trong Luật doanh nghiệp. Vậy doanh nghiệp tư nhân là gì? Pháp luật quy định như thế nào về doanh nghiệp tư nhân? Hãy cùng NPLaw tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

I. Doanh nghiệp tư nhân là gì? 

Căn cứ theo quy định tại Điều 188 Luật doanh nghiệp năm 2020 (LDN), doanh nghiệp tư nhân (DNTN) được hiểu như sau:

  • Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
  • Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
  • Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.
  • Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

1. Đặc điểm của doanh nghiệp tư nhân

Thứ nhất doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ sở hữu

Doanh nghiệp tư nhân do một cá nhân bỏ vốn ra thành lập và làm chủ sở hữu. Tất cả các cá nhân đều có quyền thành lập DNTN trừ những cá nhân không được thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật doanh nghiệp Việt NamThứ hai, doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân

Theo quy định tại Điều 74 Bộ luật dân sự năm 2015, một tổ chức được công nhận là pháp nhân nếu đủ các điều kiện sau:

  • Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;
  • Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;
  • Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
  • Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Trong doanh nghiệp tư nhân thì chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền sở hữu tài sản đầu tư vào doanh nghiệp nên tài sản của DNTN không phải là tài sản độc lập với cá nhân. Vì vậy doanh nghiệp tư nhân không đủ điều kiện để trở thành pháp nhân.

Thứ ba, chủ doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm vô hạn về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. 

Người sở hữu DNTN là người chịu trách nhiệm duy nhất mọi rủi ro phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp và chế độ chịu trách nhiệm ở đây là vô hạn.

II. Quy định về doanh nghiệp tư nhân

1. Quy định về quản lý DNTN

Căn cứ vào quy định tại Điều 190 LDN thì:

  • Trong DNTN, chủ DNTN có toàn quyền quyết định  đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
  • Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh; trường hợp này, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân.

Về người đại diện theo pháp luật của DNTN:

  • Chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án, đại diện cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

2. Quy định về cho thuê DNTN

Việc cho thuê DNTN được quy định tại Điều 191 LDN, theo đó chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền cho thuê toàn bộ DNTN của mình nhưng phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao hợp đồng cho thuê có công chứng đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày hợp đồng cho thuê có hiệu lực. Trong thời hạn cho thuê, chủ DNTN vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với tư cách là chủ sở hữu. Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ sở hữu và người thuê đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân được quy định trong hợp đồng cho thuê.

3. Quy định về bán DNTN

Bán DNTN được quy định tại Điều 192 LDN, theo đó:

Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán doanh nghiệp tư nhân của mình cho cá nhân, tổ chức khác.

Quy định này vừa đảm bảo được quyền lợi cho chủ sở hữu DNTN khi không còn khả năng kinh doanh và muốn bán doanh nghiệp để có thể thu được một phần lợi ích, cũng tạo điều kiện để người mua DNTN có doanh nghiệp để vận hành ngay mà không phải mất thêm công sức gây dựng.

Sau khi bán doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp tư nhân phát sinh trong thời gian trước ngày chuyển giao doanh nghiệp, trừ trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân, người mua và chủ nợ của doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận khác.

Quy định này nhằm đảm bảo cho người mua DNTN không phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp trước khi bán, cũng nhằm tránh trường hợp chủ sở hữu DNTN vì trốn nợ mà bán doanh nghiệp. 

Chủ doanh nghiệp tư nhân, người mua doanh nghiệp tư nhân phải tuân thủ quy định của pháp luật về lao động.

Việc tuân thủ quy định về lao động cũng đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi doanh nghiệp đổi chủ.

Người mua doanh nghiệp tư nhân phải đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân theo quy định của Luật này.

Để được ghi nhận và bảo hộ của pháp luật thì thủ tục đăng ký này là rất cần thiết.

III. Thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân

1. Hồ sơ thành lập doanh nghiệp tư nhân

Hồ sơ thành lập doanh nghiệp tư nhân gồm những giấy tờ sau:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp tư nhân
  • Bản sao hợp lệ giấy tờ nhân thân của người thành lập doanh nghiệp
  • Giấy tờ ủy quyền cho cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục

2.  Thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân

Bước 1: Chuẩn bị một bộ hồ sơ như trên

Bước 2: Nộp hồ sơ

Có thể nộp hồ sơ theo hai cách sau

  • Nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở
  • Nộp hồ sơ điện tử qua cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp 

Phòng đăng ký kinh doanh sẽ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Nếu hồ sơ không hợp lệ thì sẽ trả lại và yêu cầu doanh nghiệp chỉnh sửa, bổ sung giấy tờ. Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ tiếp nhận và xử lý hồ sơ.

Bước 3: Nhận kết quả

Căn cứ theo ngày hẹn trên giấy biên nhận, doanh nghiệp đến Phòng đăng ký kinh doanh để nhận kết quả trực tiếp hoặc đăng ký nhận kết quả thông qua dịch vụ chuyển phát bưu chính.

IV. Một số câu hỏi về doanh nghiệp tư nhân

1. Một người có thể thành lập bao nhiêu doanh nghiệp tư nhân?

Căn cứ vào  quy định tại khoản 3 Điều 188 LDN:  “Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh”, thì mỗi cá nhân chỉ được phép thành lập một doanh nghiệp tư nhân.

3.  Vốn của doanh nghiệp tư nhân do ai đăng ký?

Căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 189 Luật doanh nghiệp năm 2020:

Vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân do chủ doanh nghiệp tự đăng ký. Chủ doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ đăng ký chính xác tổng số vốn đầu tư, trong đó nêu rõ số vốn bằng Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng và tài sản khác; đối với vốn bằng tài sản khác còn phải ghi rõ loại tài sản, số lượng và giá trị còn lại của mỗi loại tài sản.Theo quy định trên thì vốn của doanh nghiệp tư nhân sẽ do chính chủ doanh nghiệp tư nhân đăng ký.

V. Dịch vụ tư vấn thường xuyên cho doanh nghiệp tư nhân

NPLaw cung cấp dịch vụ tư vấn thường xuyên cho doanh nghiệp tư nhân. Bao gồm:

  • Rà soát hệ thống quy định nội bộ trong doanh nghiệp: hỗ trợ soạn thảo và đánh giá Điều lệ doanh nghiệp; hợp đồng góp vốn giữa các thành viên, cổ đông; nội quy lao động,...
  • Soạn thảo các mẫu văn bản thông dụng của doanh nghiệp như: Nghị quyết, biên bản họp, thư mời,…
  • Tư vấn, soạn thảo hợp đồng thương mại, hợp đồng dân sự, hợp đồng lao động,...
  • Tư vấn, thực hiện các thủ tục mua bán, chuyển nhượng, chuyển đổi loại hình công ty,...
  • Đại diện cho doanh nghiệp làm việc với các cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước liên quan đến các vấn đề pháp lý.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về doanh nghiệp tư nhân. Nếu có bất kì thắc mắc nào, xin vui lòng với liên hệ ngay với NPLaw. Là một đơn vị hoạt động chuyên nghiệp trong các lĩnh vực tư vấn doanh nghiệp, thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, giấy phép, giải quyết tranh chấp, hình sự, môi trường. NPLaw tự tin có thể giải đáp và hỗ trợ mọi vướng mắc của bạn kịp thời và hiệu quả.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan