Hủy hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là một vấn đề phức tạp và quan trọng trong thương mại quốc tế. Theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế 1980, một bên có thể hủy hợp đồng nếu có một sự vi phạm nghiêm trọng của bên kia, hoặc nếu bên kia không thực hiện các nghĩa vụ của mình trong thời hạn cuối cùng đã được xác định hoặc trong một khoảng thời gian hợp lý. Tuy nhiên, việc xác định sự vi phạm nghiêm trọng hay khoảng thời gian hợp lý có thể khác nhau tùy theo từng trường hợp cụ thể. Do đó, các bên nên cẩn thận khi lựa chọn điều khoản về hủy hợp đồng trong hợp đồng của mình, và nên trang bị kiến thức cơ bản để bảo vệ quyền lợi của mình khi có tranh chấp về vấn đề này.
- Trường hợp đúng pháp luật
Theo Khoản 1 Điều 49 Công ước viên về mua bán hàng hóa quốc tế 1980, các bên được quyền hủy hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trong trường hợp sau:
+ Nếu việc người bán không thực hiện một nghĩa vụ nào đó của họ phát sinh từ hợp đồng hay từ Công ước này cấu thành một vi phạm chủ yếu đến hợp đồng, hoặc:
+ Trong trường hợp không giao hàng: Nếu người bán không giao hàng trong thời gian hợp lý đã được người mua gia hạn thêm cho họ hoặc nếu người bán tuyên bố sẽ không giao hàng trong thời gian được gia hạn này.
Bên cạnh đó, tại Khoản 4 Điều 312 Luật Thương mại 2005 của Việt Nam quy định các trường hợp hủy hợp đồng gồm:
+ Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng;
+ Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.
- Trường hợp trái pháp luật
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế bị hủy trái pháp luật nếu không thuộc các trường hợp pháp luật quy định.
Theo nguyên tắc chung của tư pháp quốc tế, trong mua bán hàng hóa quốc tế, các bên có quyền tự do thỏa thuận chọn nguồn luật áp dụng cho quan hệ hợp đồng của mình. Nguồn luật đó có thể là luật quốc gia, điều ước quốc tế về thương mại hoặc tập quán thương mại quốc tế và thậm chí cả các án lệ (tiền lệ xét xử). Trong trường hợp các bên không thỏa thuận nguồn luật áp dụng, cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ ưu tiên lựa chọn luật quốc gia nơi thực hiện hợp đồng.
Việc xử lý hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trái pháp luật phụ thuộc vào các điều khoản trong hợp đồng, quy định của pháp luật và thỏa thuận giữa các bên.
Theo Điều 81 Công ước viên 1980, việc hủy hợp đồng không có hiệu lực đối với quy định của hợp đồng liên quan đến việc nghĩa vụ bồi thường khoản thiệt hại có thể có, giải quyết các tranh chấp hay đến các quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên trong trường hợp hợp đồng bị hủy.
Căn cứ Điều 75 Công ước viên 1980, khi hợp đồng bị hủy và nếu bằng một cách hợp lý và trong một thời hạn hợp lý sau khi hủy hợp đồng, người mua đã mua hàng thay thế thì có thể đòi nhận phần chênh lệch giữa giá hợp đồng và giá mua thế hay bán lại hàng cũng như mọi khoản tiền bồi thường thiệt hại khác có thể đòi được.
Theo Điều 72 Công ước viên 1980, trước ngày quy định cho việc thi hành hợp đồng, mà thấy hiển nhiên rằng một bên sẽ gây ra một vi phạm chủ yếu đến hợp đồng, bên kia có thể tuyên bố hợp đồng bị hủy.
Trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, nếu một bên có ý định tuyên bố hợp đồng bị hủy, họ phải gửi một thông báo hợp lý cho bên kia. Mục đích của việc này là để cho phép bên kia có cơ hội cung cấp những bảo đảm đầy đủ rằng họ sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình. Điều này giúp đảm bảo rằng cả hai bên đều có cơ hội giải quyết vấn đề trước khi hợp đồng bị hủy, và giúp giảm thiểu thiệt hại có thể phát sinh do việc hủy hợp đồng.
Căn cứ Điều 81 Công ước viên 1980, bên nào đã thực hiện một phần hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thì khi hủy hợp đồng có thể đòi bên kia hoàn lại những gì họ đã cung cấp hay đã thanh toán khi thực hiện hợp đồng.
Trên đây là thông tin giải đáp vướng mắc về hủy hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế mà công ty NPLAW gửi đến Quý độc giả. Nếu Quý độc giả có bất kỳ vướng mắc nào liên quan cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với NPLAW theo thông tin liên hệ sau:
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn