PHIẾU LÝ LỊCH TƯ PHÁP SỐ 1 – CÁC VẤN ĐỀ PHÁP LÝ LIÊN QUAN

 

Với vai trò quan trọng, lý lịch tư pháp được nhiều người quan tâm, đặc biệt là Phiếu lý lịch tư pháp số 1. Người dân luôn có nhu cầu được cấp phiếu lý lịch tư pháp số 1 nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí. Thông qua bài viết này, NPLaw sẽ cung cấp các kiến thức pháp lý về phiếu lý lịch tư pháp số 1 để Quý bạn đọc có thể hiểu rõ hơn các vấn đề liên quan.

Tầm quan trọng của phiếu lý lịch tư pháp số 1

I. Tầm quan trọng của phiếu lý lịch tư pháp số 1

Phiếu lý lịch tư pháp là văn bản pháp lý ghi nhận một cá nhân có án tích hay không, quá trình thi hành án, có hay không việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã. Trong một số hoạt động, người dân cần được xác nhận cách thông tin tư pháp để đáp ứng các điều kiện nhằm thực hiện các hợp đồng hợp tác, tiến hành thực hiện quan hệ lao động, để có cơ sở được cấp một số chứng chỉ, giấy phép, …

Như vậy, có thể thấy Phiếu lý lịch tư pháp số 1 có một vai trò vô cùng quan trọng.

Thế nào là phiếu lý lịch tư pháp số 1

II. Quy định pháp luật liên quan đến phiếu lý lịch tư pháp số 1

1. Thế nào là phiếu lý lịch tư pháp số 1

Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 2 về Giải thích từ ngữ tại Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 như sau: “4. Phiếu lý lịch tư pháp là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản”.

Như vậy, phiếu lý lịch tư pháp là phiếu do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp theo quy định pháp luật về lý lịch tư pháp.

2. Đối tượng cần có phiếu lý lịch tư pháp số 1

Căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 41 và Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009, trong trường hợp có nhu cầu hoặc để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã, các đối tượng sau có thể yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp số 1:

  • Công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình.
  • Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Như vậy, trong trường hợp có nhu cầu hoặc đòi hỏi phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã, các đối tượng có liên quan cần có phiếu lý lịch tư pháp số 1.

Thủ tục, thẩm quyền cấp phiếu lý lịch tư pháp số 1

3. Thủ tục, thẩm quyền cấp phiếu lý lịch tư pháp số 1

Thẩm quyền cấp Phiếu lý lịch tư pháp được xác định là Sở Tư pháp theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009.

Thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 theo quy định tại Điều 45, Điều 48 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 như sau:

Bước 01: Người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp nộp Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp và kèm theo bản chụp giấy chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Việc nộp Tờ khai yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp và các giấy tờ kèm theo được thực hiện tại một trong các cơ quan sau đây:

+ Công dân Việt Nam nộp tại Sở Tư pháp nơi thường trú; trường hợp không có nơi thường trú thì nộp tại Sở Tư pháp nơi tạm trú; trường hợp cư trú ở nước ngoài thì nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú trước khi xuất cảnh;

+ Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú; trường hợp đã rời Việt Nam thì nộp tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.

- Cá nhân có thể uỷ quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Việc uỷ quyền phải được lập thành văn bản theo quy định của pháp luật; trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì không cần văn bản ủy quyền.

Bước 02: Trong thời gian không quá 10 ngày kể từ ngày nhận yêu cầu hợp lệ, Sở Tư pháp tiến hành cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo yêu cầu. Trường hợp người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp là công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 47 của Luật Lý lịch tư pháp năm 2009 thì thời hạn không quá 15 ngày.

Trường hợp không đủ điều kiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo Điều 49 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009, Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có quyền từ chối cấp Phiếu lý lịch tư pháp bằng văn bản.

III. Các thắc mắc liên quan đến phiếu lý lịch tư pháp số 1

1. Có được ủy quyền cho người khác làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp số 1 không?

Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 45 Luật Lý lịch tư pháp năm về việc yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 như sau: “3. Cá nhân có thể uỷ quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Việc uỷ quyền phải được lập thành văn bản theo quy định của pháp luật; trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì không cần văn bản ủy quyền”.

Như vậy, cá nhân có thể uỷ quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 nhưng việc ủy quyền phải lập thành văn bản.

2. Phiếu lý lịch tư pháp số 1 bao gồm những nội dung gì?

Căn cứ quy định tại Điều 42 Luật Lý lịch tư pháp năm 2009, nội dung phiếu lý lịch tư pháp số 1 gồm 03 nội dung, cụ thể như sau:

1. Họ, tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nơi cư trú, số giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

2. Tình trạng án tích: “không có án tích”hoặc “có án tích”, tùy vào trường hợp cụ thể.

3. Thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức có yêu cầu:

  • Đối với người không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi “không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã”;
  • Đối với người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi chức vụ bị cấm đảm nhiệm, thời hạn không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
  • Trường hợp cá nhân, cơ quan, tổ chức không có yêu cầu thì nội dung quy định tại khoản này không ghi vào Phiếu lý lịch tư pháp.

Như vậy, căn cứ quy định pháp luật, phiếu lý lịch tư pháp số 01 gồm các nội dung về thông tin cơ bản, tình trạng án tình và thông tin đảm nhận chức vụ nếu có yêu cầu.

3. Sử dụng phiếu lý lịch tư pháp số 1 thay phiếu lý lịch tư pháp số 2 được không? 

Theo quy định tại Điều 7 và Điều 41, Luật Lý lịch tư pháp năm 2009, phiếu lý lịch tư pháp số 1 và phiếu lý lịch tư pháp số 2 được cấp như sau:

- Phiếu lý lịch tư pháp số 1 cấp theo yêu cầu của công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam và cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

- Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.

Như vậy, mục đích cấp và đối tượng được cấp khác nhau, do đó phiếu lý lịch tư pháp số 1 không thể thay thế bằng phiếu lý lịch tư pháp số 2.

Phiếu lý lịch tư pháp số 1 bao gồm những nội dung gì

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan đến phiếu lý lịch tư pháp số 1 

Để tìm hiểu thêm các thông tin pháp lý liên quan đến phiếu lý lịch tư pháp số 1, Quý độc giả có thể liên hệ ngay tới Công ty Luật TNHH Ngọc Phú (NPLaw) để được các luật sư dày dặn kinh nghiệm của NPLaw tư vấn tận tình và nhanh chóng. NPLaw với bề dày kinh nghiệm hỗ trợ các dịch vụ thủ tục pháp lý sẽ đem lại cho Quý Khách hàng kết quả tốt đẹp nhất trong từng dịch vụ. 

CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Hotline: 0913449968

Email: legal@nplaw.vn

Rất mong được hợp tác với Quý Khách hàng.

Trân trọng cảm ơn!


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan