QUẢNG CÁO THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT CÓ PHẢI XIN CẤP GIẤY PHÉP ??

Thuốc bảo vệ thực vật từ lâu đã không còn là một thuật ngữ quá xa lạ đối với nền nông nghiệp nước ta. Cũng như các loại hàng hóa khác trên thị trường, để kích cầu cho sản phẩm của mình thì quảng cáo là một phương thức tối ưu được lựa chọn. Thế nhưng, hoạt động này không thể mặc nhiên được tiến hành khi cá nhân, tổ chức có nhu cầu, mà đối với loại hàng hóa đặc biệt này, cần phải được cấp giấy phép thì mới được quảng cáo.

Vậy để xin được cấp giấy phép quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật thì cần phải chuẩn bị những nội dung gì, trình tự thủ tục như thế nào? Trong phạm vi bài viết này, hãy cùng NPLaw tìm hiểu và làm rõ các vấn đề liên quan đến hoạt động này. 

I. Tìm hiểu quy định pháp luật về giấy phép quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật

1. Yêu cầu nội dung khi xin giấy phép quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật 

Thuốc bảo vệ thực vật là một loại hàng hóa đặc biệt, bởi những tính năng cũng như tác động nhất định đến môi trường xung quanh khi đưa vào sử dụng. Do đó, pháp luật cũng đã đặt ra một số yêu cầu bắt buộc về các nội dung có trong một kịch bản quảng cáo, cụ thể tại Khoản 1 Điều 60 Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT, được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 11/2022/TT-BNNPTNT đã đưa ra quy định rằng quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật phải có đầy đủ các nội dung bao gồm: 

  • Tên thuốc bảo vệ thực vật
  • Tên và địa chỉ của đơn vị kinh doanh có trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường
  • Công dụng, tính năng, những điểm cần phải chú ý trong quá trình bảo quản hay sử dụng 
  • Cảnh báo về mức độ độc hại, nguy hiểm khi sử dụng loại thuốc này và phải nêu rõ cách phòng ngừa như thế nào 
  • Hướng dẫn cách sử dụng 

Riêng đối với trường hợp tại khoản 2 Điều 60 Nghị định này thì không nhất thiết phải chứa đầy đủ các nội dung yêu cầu như trên. Đó là trường hợp quảng cáo trên bảng, biển, hay trên panô, trên kệ giá kê hàng, hoặc vật thể trên không, dưới nư­ớc, hoặc vật thể di động, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác, hoặc trên phương tiện giao thông, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo thì mới không nhất thiết phải chứa đầy đủ các nội dung bắt buộc này. 

2. Thủ tục xin cấp giấy phép quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật 

Căn cứ vào Điều 62 Thông tư 21/2015/TT-BNNPTNT, được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 11/2022/TT-BNNPTNT để có thể xin cấp giấy phép quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật thì sẽ phải thông qua các trình tự thủ tục như sau: 

  • Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ Đăng ký quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật 

Hồ sơ xin cấp giấy phép quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật sẽ bao gồm:

(i) Đơn đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật theo mẫu (ii) Bản sao chụp Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật 

(iii) Sản phẩm quảng cáo (nội dung, hình thức quảng cáo được thể hiện bằng hình ảnh, âm thanh, tiếng nói, chữ viết, biểu tượng, màu sắc, ánh sáng và các hình thức tương tự)

(iv) Danh sách báo cáo viên ghi đầy đủ thông tin về bằng cấp chuyên môn hoặc chức danh khoa học của báo cáo viên (đối với trường hợp hội chợ, hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện, triển lãm, chương trình văn hoá, thể thao)

  • Bước 2: Nộp hồ sơ 

Tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn việc nộp hồ sơ qua một trong các phương thức đó là nộp trực tiếp, gửi qua bưu điện hoặc nộp trực tuyến đến cơ quan có thẩm quyền (Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật).

Lưu ý về số lượng hồ sơ là 01, bản giấy hoặc bản điện tử đều được. 

  • Bước 3: Đợi thẩm định hồ sơ và cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật 

Kể từ ngày nộp đầy đủ các giấy tờ yêu cầu có trong hồ sơ thì trong vòng 10 ngày, nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật. Ngược lại, trong trường hợp không được cấp thì lý do sẽ được nêu rõ trong văn bản trả lời.

II. Những thắc mắc thường gặp trong hoạt động xin cấp giấy phép quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật

1. Quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật mới đến gần hơn với người nông dân thì có phải xin giấy phép không?

Như đã đề cập trước đó thì thuốc bảo vệ thực vật được xem là một hàng hóa đặc biệt, nằm trong danh mục sản phẩm phải được cấp giấy phép thì mới được tiến hành quảng cáo. Cụ thể thì theo Khoản 1 Điều 12 Nghị định 181/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2018/NĐ-CP, cá nhân, tổ chức chỉ được phép quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật sau khi đã được cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo và việc quảng cáo đó phải đúng với những nội dung đã được xác nhận.

Do đó, quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật mới đến gần hơn với người dân thì bắt buộc phải tiến hành thủ tục xin cấp giấy phép xác nhận nội dung quảng cáo trước. 

2. Quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật không giấy phép bị xử phạt như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 49 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, khi thực hiện việc quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật mà chưa được cấp giấy phép thì sẽ bị xử phạt hành chính với số tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.

Ngoài ra, bên cạnh việc bị xử phạt hành chính thì phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó là tháo gỡ xóa quảng cáo hoặc bị thu hồi xuất bản phẩm, tạp chí in quảng cáo.

3. Quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật không đúng với nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật sẽ bị phạt bao nhiêu tiền? 

Căn cứ theo Điểm a Khoản 1 Điều 57 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, nếu có hành vi quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật không đúng với nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật thì sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi. 

Trên đây là toàn bộ phần tư vấn của NPLaw về vấn đề xin cấp giấy phép quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật bao gồm các thủ tục pháp lý, yêu cầu về mặt nội dung cần phải có, cũng như những giải đáp liên quan đến các thắc mắc thường gặp trên thực tế. Nếu có bất kì thắc mắc nào cần hỗ trợ, vui lòng gửi về email: legal@nplaw.vn hoặc liên hệ trực tiếp qua số 0913449968. Xin chân thành cảm ơn. 


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan