QUY ĐỊNH VỀ DOANH NGHIỆP BỎ ĐỊA CHỈ KINH DOANH

Doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh là một trong những tình trạng đang dần phổ biến khi nền kinh tế thị trường đang có dấu hiệu khó khăn. Thông qua bài viết này, NPLaw sẽ cùng Quý độc giả tiếp cận những quy định pháp luật về doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh.

I. Thực trạng doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh

Theo thống kê những năm gần đây, số doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh ngày càng gia tăng. Thủ tục thành lập doanh nghiệp ngày càng đơn giản, cùng với đó là chính sách thuế thông thoáng, nên đang là kẻ hở để nhiều doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh để trốn thuế, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước. Nguyên nhân là do chính sách, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, trong khi ngành thuế chỉ theo dõi, quản lý nợ của doanh nghiệp có địa chỉ kinh doanh. Vì vậy, khi doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, cơ quan thuế không gửi các quyết định cưỡng chế, cũng như các chế tài xử lý phù hợp. Bên cạnh đó, việc thành lập doanh nghiệp theo quy định hiện nay là quá thoáng nhưng việc thực hiện hậu kiểm không đủ lực lượng để kiểm tra, dẫn đến số lương doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh ngày càng nhiều.

II. Các vấn đề pháp lý liên quan đến doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh

1. Thế nào là doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh?

Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. Căn cứ theo Công văn số 2605/TCT-KK của Tổng Cục thuế có thể hiểu đây là trường hợp doanh nghiệp không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh và không xác định được tung tích cũng như xác nhận về tình trạng không còn hoạt động tại địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp đó. 

Hậu quả của việc doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh

2. Hậu quả của việc doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh

Theo quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 39 Luật Quản lý thuế 2019 về các trường hợp bị chấm dứt hiệu lực mã số thuế:

“2. Người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế thì thực hiện chấm dứt hiệu lực mã số thuế khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

d) Bị cơ quan thuế ra thông báo người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký;”

Theo đó, khi cơ quan thuế sẽ tiến hành xác minh tình trạng hoạt động của doanh nghiệp và xác định doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, sau một thời hạn nhất định, cơ quan thuế sẽ thực hiện đóng mã số thuế của doanh nghiệp. Doanh nghiệp bị đóng mã số thuế sẽ:

-Không được phép xuất hóa đơn, hóa đơn được xuất trong trường hợp này không có giá trị sử dụng.

-Không được mua hóa đơn của cơ quan thuế đối với doanh nghiệp thuộc diện mua hóa đơn

3. Xử lý doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh như thế nào?

Trường hợp cơ quan quản lý thuế và các cơ quan có liên quan tiến hành kiểm tra, xác minh và phát hiện doanh nghiệp không hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký, thì doanh nghiệp sẽ chịu những hậu quả pháp lý tại Phần II Quy trình quy định về trình tự thủ tục xác minh tình trạng hoạt động, thông báo công khai thông tin, xử lý và khôi phục mã số thuế đối với người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế Ban hành kèm theo Quyết định số: 438/QĐ-TCT ngày 05 tháng 4 năm 2017 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế như sau:

“4. Xử lý đối với người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký

4.1. Đối với cơ quan thuế trực tiếp quản lý người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký:

Đồng thời với việc thông báo công khai người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký theo mục 3 nêu trên, các Bộ phận chức năng có liên quan phải thực hiện thông báo ngay các biện pháp sau, cụ thể:

a) Bộ phận quản lý ấn chỉ:

a1) Không tiếp nhận hồ sơ thông báo phát hành của người nộp thuế đã bị cơ quan thuế thông báo không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.

a2) Dừng ngay việc bán hoá đơn đối với người nộp thuế (thuộc đối tượng mua hoá đơn của cơ quan thuế) không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký mà không khai báo với cơ quan thuế.

a3) Thông báo cho tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử trong trường hợp người nộp thuế thông qua hệ thống trung gian của tổ chức cung cấp giải pháp hoá đơn điện tử để tổ chức này dừng không lập hoá đơn và truyền cho người mua.

a4) Trường hợp người nộp thuế có uỷ nhiệm cho bên thứ ba lập hoá đơn cho hoạt động bán hàng hoá, dịch vụ thì phải thông báo ngay cho bên được uỷ nhiệm dừng lập hoá đơn.

a5) Khi nhận được văn bản của Bộ phận kiểm tra hoặc của các cơ quan chức năng chuyển đến kết luận người nộp thuế có sử dụng một số hoá đơn bất hợp pháp, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn thì Bộ phận quản lý ấn chỉ thực hiện đưa lên Website Tra cứu hóa đơn đăng thông tin về các số hoá đơn bất hợp pháp này.

b) Bộ phận quản lý nợ:

b1) Phân loại tiền thuế nợ theo quy trình Quản lý nợ thuế được ban hành kèm theo Quyết định số 1401/QĐ-TCT ngày 28 tháng 7 năm 2015 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.

b2) Áp dụng biện pháp cưỡng chế theo Điều 17 Thông tư số 215/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về Cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, đối với các trường hợp thuộc đối tượng cưỡng chế theo quy định.

c) Bộ phận kiểm tra:

c1) Có văn bản gửi ngân hàng nơi người nộp thuế (không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký) mở tài khoản đề nghị ngân hàng sao kê giao dịch theo các thông tin sau:

Tên Công ty chuyển tiền, Ngân hàng mở TK, số TK, số đăng ký kinh doanh (đối với trường hợp thanh toán TK mở cùng hệ thống ngân hàng), chi tiết ngày giao dịch, số tiền giao dịch.

c2) Căn cứ kết quả sao kê giao dịch tại ngân hàng tiến hành phân loại người nộp thuế (bên mua) có giao dịch với người nộp thuế không còn hoạt động:

- Trường hợp xác định bên mua có giao dịch với người nộp thuế không còn hoạt động thuộc cơ quan thuế trực tiếp quản lý, Bộ phận kiểm tra căn cứ vào nội dung chuyển tiền thanh toán của bên mua cho người nộp thuế không còn hoạt động, có văn bản gửi bên mua đề nghị giải trình từng lần thanh toán của các số hoá đơn, sau đó đối chiếu lại với báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn của người nộp thuế không còn hoạt động xem các số hoá đơn này đã kê khai và nộp thuế GTGT đầu ra chưa nhằm phát hiện việc sử dụng hoá đơn bất hợp pháp để tiếp tục thực hiện xử lý các bước tiếp theo liên quan đến hóa đơn bất hợp pháp theo quy định.

- Trường hợp xác định bên mua có giao dịch với người nộp thuế không còn hoạt động thuộc cơ quan thuế khác tỉnh, thành phố. Bộ phận kiểm tra chuyển thông tin giao dịch theo các nội dung nêu trên cho Cục Thuế quản lý bên mua để Cục Thuế đề nghị bên mua giải trình và đối chiếu tiếp theo trình tự nêu trên.

c3) Trường hợp qua kiểm tra cơ quan thuế hoặc các cơ quan chức năng có văn bản gửi cơ quan thuế kết luận người nộp thuế có sử dụng một số hoá đơn bất hợp pháp, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn thì Bộ phận kiểm tra, thanh tra thực hiện:

- Chuyển toàn bộ nội dung nêu trên cho Bộ phận quản lý ấn chỉ để đưa lên Website Tra cứu hóa đơn.

- Thống kê, phân loại người nộp thuế đã mua hoá đơn bất hợp pháp và sử dụng bất hợp pháp hóa đơn theo từng địa phương, có văn bản thông báo đến cơ quan thuế có liên quan để cơ quan thuế quản lý người nộp thuế mua hoá đơn bất hợp pháp và sử dụng bất hợp pháp hoá đơn biết và xử lý theo quy định.

- Lập văn bản (kèm theo bảng thống kê nêu trên) báo cáo, kiến nghị cơ quan Công an và Viện kiểm sát cùng cấp để các cơ quan này có biện pháp xử lý đối với người nộp thuế bán hoá đơn và người nộp thuế mua hoá đơn bất hợp pháp.

- Áp dụng ngay các biện pháp xử lý người nộp thuế mua, bán hoá đơn bất hợp pháp theo các văn bản hướng dẫn hiện hành.

c4) Các Bộ phận khi tiến hành thanh tra, kiểm tra phát hiện người nộp thuế (người mua) có kê khai khấu trừ, hoàn thuế hoặc hạch toán chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với những số hóa đơn đã phát hành (hoặc mua) nhưng chưa sử dụng nêu tại Thông báo người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký trong khoảng thời gian từ ngày đầu tiên của tháng đầu quý sau kỳ báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn cuối cùng người nộp thuế nộp cho cơ quan thuế trước khi không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký đến trước ngày ban hành Thông báo người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký thì phối hợp xử lý theo hướng dẫn tại điểm 2 công văn số 11797/BTC-TCT ngày 22/8/2014 của Bộ Tài chính. Trường hợp công văn này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản mới được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.

4.2. Đối với Cơ quan thuế có liên quan:

a) Khi nhận được thông báo người nộp thuế là đơn vị chủ quản không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế có các đơn vị trực thuộc trên địa bàn thuộc cơ quan thuế mình quản lý trực tiếp thì Bộ phận Kê khai và kế toán thuế cập nhật trạng thái không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký theo trạng thái mã số thuế của đơn vị chủ quản. Đồng thời, chuyển thông báo cho các bộ phận có liên quan (Bộ phận kiểm tra, Bộ phận Tuyên truyền hỗ trợ, Bộ phận Quản lý ấn chỉ, Bộ phận Quản lý nợ) để thực hiện các bước theo hướng dẫn tại Quy trình này.

b) Thường xuyên tra cứu thông tin về người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký trên Trang thông tin điện tử của ngành Thuế để nắm được kịp thời các thông tin về người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký; các loại hoá đơn đã sử dụng bất hợp pháp và những hoá đơn hết giá trị sử dụng, chưa sử dụng để chỉ đạo các bộ phận chức năng kiểm soát, phát hiện người nộp thuế (người mua) sử dụng hoá đơn này.

c) Khi nhận được thông báo hoặc qua tra cứu thông tin trên Trang thông tin điện tử của ngành Thuế về người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký thấy người nộp thuế (người mua) thuộc cơ quan thuế mình trực tiếp quản lý có giao dịch tại ngân hàng với người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký và sử dụng hoá đơn bất hợp pháp ghi ngày trên hoá đơn từ ngày phát hành thông báo người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký về sau, hoặc khi nhận được văn bản thông báo của cơ quan thuế có liên quan và các ngành chức năng chuyển đến kết luận người nộp thuế có sử dụng hoá đơn bất hợp pháp, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn, Cơ quan thuế phải thực hiện xử lý đối với người mua như sau:

c1) Có biện pháp kiểm tra, xử lý theo quy định.

c2) Thông báo yêu cầu người mua không được kê khai khấu trừ (hoặc hoàn) thuế GTGT đầu vào của những hoá đơn bất hợp pháp, không được hạch toán vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế để tính thuế TNDN đối với số tiền ghi trên hoá đơn bất hợp pháp.

c3) Kiểm tra xác định số thuế GTGT, thuế TNDN mà người mua đã chiếm đoạt của nhà nước thông qua việc sử dụng những hóa đơn bất hợp pháp nêu trên và ra Quyết định thu hồi ngay số tiền thuế đó.

c4) Căn cứ tính chất và mức độ vi phạm của người nộp thuế (người mua), để ra quyết định xử lý về thuế và xử phạt hành vi vi phạm theo quy định; trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì lập hồ sơ đề nghị cơ quan pháp luật điều tra xử lý theo quy định của pháp luật”

Như vậy, doanh nghiệp không hoạt động, bỏ hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký phải chịu trách nhiệm pháp lý như nêu trên.

III. Các thắc mắc liên quan đến doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh

1. Các trường hợp cần được xác minh việc doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh?

Căn cứ quy định tại Phần II Quy trình quy định về trình tự thủ tục xác minh tình trạng hoạt động, thông báo công khai thông tin, xử lý và khôi phục mã số thuế đối với người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế Ban hành kèm theo Quyết định số: 438/QĐ-TCT ngày 05 tháng 4 năm 2017 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế về các trường hợp cần được xác minh tình trạng hoạt động của người nộp thuế tại địa chỉ đã đăng ký.

– Quá thời hạn người nộp thuế nhắc 2 lần vẫn chưa nộp hồ sơ khai thuế

– Người nộp thuế không nhận văn bản của cơ quan thuế gửi qua bưu điện thư bị trả về

– Cơ quan thuế nhận được thông tin bằng văn bản do các tổ chức, cá nhân cung cấp về việc người nộp thuế. Không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký

– Người nộp thuế là đơn vị chủ quản thuộc trường hợp đang tiến hành xác minh thực tế tình trạng hoạt động. Tại địa chỉ đã đăng ký theo quy định có đơn vị trực thuộc

– Người nộp thuế đã làm thủ tục chuyển địa điểm tại cơ quan thuế nơi đi. Nhưng quá thời hạn theo quy định không đến làm thủ tục. Tại cơ quan thuế nơi đến theo quy định tại Thông tư số 95/2016/TT-BTC.

– Người nộp thuế không có thông tin phản hồi. Không thực hiện các văn bản của cơ quan thuế. (Như Quyết định, Văn bản, Thông báo…) gửi cho người nộp thuế qua đường bưu điện.

– Các trường hợp khác: (nếu cần phải xác minh).

2. Doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh có bị đóng mã số thuế không?

Như đã đề cập, theo quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 39 Luật Quản lý thuế 2019 về các trường hợp bị chấm dứt hiệu lực mã số thuế:

“Điều 39. Chấm dứt hiệu lực mã số thuế

2. Người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế thì thực hiện chấm dứt hiệu lực mã số thuế khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

d) Bị cơ quan thuế ra thông báo người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký;”

Theo đó, khi cơ quan thuế sẽ tiến hành xác minh tình trạng hoạt động của doanh nghiệp và xác định doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, sau một thời hạn nhất định, cơ quan thuế sẽ thực hiện đóng mã số thuế của doanh nghiệp.

3. Hướng dẫn tra cứu danh sách doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh tại trang web của Tổng cục Thuế?

Để tra cứu doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh hay doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, người nộp thuế thực hiện tra cứu theo các bước như sau:

Bước 1: Truy cập địa chỉ: https://www.gdt.gov.vn => Chọn [Dịch vụ công]

Bước 2: Chọn [Tra cứu thông tin người nộp thuế]

Bước 3:

- Chọn tích vào ô [Xem danh sách Người nộp thuế ngừng hoạt động] hoặc nhập mã số thuế cụ thể của doanh nghiệp cần tra cứu.

- Nhập mã xác nhận

Bước 4: Sau khi chọn xem danh sách người nộp thuế ngừng hoạt động, chọn Cục Thuế và chi cục Thuế để tra cứu doanh nghiệp đã ngừng hoạt động kinh doanh.

Doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh nhưng chưa thanh toán hết nợ cho đối tác thì có thể đòi lại tiền được không?

4. Doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh nhưng chưa thanh toán hết nợ cho đối tác thì có thể đòi lại tiền được không?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020, “3. Địa điểm kinh doanh là nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể”. Theo đó, địa điểm kinh doanh phụ thuộc vào doanh nghiệp và không có tài sản, tư cách pháp nhân độc lập. Doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh nhưng thực tế không chấm dứt tồn tại hoạt động doanh nghiệp. Về nguyên tắc theo quy định pháp luật, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm liên quan đến các chủ thể phụ thuộc của mình.

Do đó, trường hợp doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh nhưng chưa thanh toán hết nợ cho đối tác thì đối tác vẫn có thể đòi doanh nghiệp trả nợ.

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan đến doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh

Hiểu được nhu cầu tìm hiểu quy định liên quan đến doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh của Quý Khách hàng, NPLaw sẽ hỗ trợ, tư vấn cho Quý Khách hàng các quy định pháp lý và thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan đến doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh. NPLaw với kinh nghiệm cung cấp dịch vụ pháp lý dày dặn tin rằng sẽ đem lại cho khách hàng sự an tâm và hài lòng khi sử dụng dịch vụ của chúng tôi. Quý độc giả có thể liên hệ ngay tới NPLaw để được các luật sư dày dặn kinh nghiệm của NPLaw tư vấn tận tình và nhanh chóng với thông tin liên hệ dưới đây:


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan