Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, hoạt động bán đấu giá công ty hiện nay ngày càng trở nên phổ biến hơn bao giờ hết tại Việt Nam. Đặc biệt là hoạt động bán đấu giá công ty nhà nước.
Vậy quy định pháp luật về bán đấu giá công ty hiện nay như thế nào? Có những vướng mắc gì cần giải đáp liên quan đến việc bán đấu giá công ty?
Để giải đáp vướng mắc này, Công Ty Luật TNHH Ngọc Phú xin gửi tới Quý độc giả thông tin dưới bài viết sau:
Việc tìm hiểu kỹ trước khi tham gia vào hoạt động bán đấu giá công ty là rất cần thiết.
Trên cơ sở quy định giải thích về “bán đấu giá doanh nghiệp” tại Khoản 1 Điều 2 Quy chế bán đấu giá công ty nhà nước Ban hành kèm theo Quyết định số 330/2005/QĐ-TTg, có thể hiểu, bán đấu giá công ty việc chuyển đổi sở hữu có thu tiền toàn bộ công ty sang sở hữu tập thể, cá nhân hoặc pháp nhân khác bằng phương pháp bán cạnh tranh, công khai.
Hiện nay có các loại bán đấu giá công ty phổ biến sau:
-Bán đấu giá công ty trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá;
-Bán đấu giá công ty bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá;
-Bán đấu giá công ty bằng bỏ phiếu gián tiếp;
-Bán đấu giá công ty trực tuyến.
Hiện nay, hoạt động bán đấu giá công ty nhà nước cần tuân thủ trình tự thủ tục cũng như các điều kiện nghiêm ngặt nhất, đồng thời cũng được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhất bởi việc đầu tư kinh doanh tại các công ty có tiền thân là công ty nhà nước đã có lịch sự hoạt động lâu dài sẽ dễ dàng tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng và chiếm được thị phần lớn hơn so với công ty mới thành lập. Do đó trong phạm vi bài viết này sẽ tập trung phân tích về việc bán đấu giá công ty nhà nước. Quy định pháp luật hiện hành về bán đấu giá công ty như sau:
Điều kiện để bán đấu giá công ty bao gồm:
- Công ty được đưa ra bán đấu giá là công ty đã được xử lý các tồn tại về tài chính theo quy định hiện hành của nhà nước; được hỗ trợ tài chính để giải quyết hết số lao động theo quy định của pháp luật về lao động và chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước.
- Người mua doanh nghiệp tiếp tục tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; kế thừa các khoản nợ, thực hiện quyền chủ nợ đối với các khoản nợ phải thu và nghĩa vụ khách nợ đối với các khoản nợ phải trả (trường hợp bán có kế thừa nợ) của doanh nghiệp.
- Quyền và nghĩa vụ của các nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia mua doanh nghiệp phụ thuộc vào hình thức doanh nghiệp được chuyển đổi sau khi mua theo quy định của pháp luật Việt Nam và quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Nhà nước đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người mua doanh nghiệp.
(Theo Điều 5 Quyết định Số 330/2005/QĐ-TTG)
Quy trình tiến hành bán đấu giá công ty thực hiện theo các bước sau:
*Bước 1: Chuẩn bị bán đấu giá
- Căn cứ kế hoạch chuyển đổi sở hữu công ty nhà nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cơ quan quyết định bán doanh nghiệp lựa chọn và ra quyết định bán doanh nghiệp theo hình thức đấu giá, đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo bán đấu giá.
- Ban chỉ đạo bán đấu giá chỉ định và ký hợp đồng thuê tổ chức định giá trong danh sách do Bộ Tài chính công bố hàng năm đối với các doanh nghiệp có tổng giá trị tài sản theo sổ kế toán trên 30 tỷ đồng hoặc chỉ định tổ chức định giá hoặc giao cho doanh nghiệp tự xác định giá trị doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp có tổng giá trị tài sản theo sổ kế toán dưới 30 tỷ đồng.
- Căn cứ kết quả định giá doanh nghiệp, Ban Chỉ đạo bán đấu giá xem xét trình cơ quan quyết định bán doanh nghiệp công bố giá khởi điểm để thực hiện bán đấu giá doanh nghiệp.
- Cơ quan quyết định bán doanh nghiệp chỉ định tổ chức bán doanh nghiệp theo quy định.
- Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ khi cơ quan quyết định bán doanh nghiệp công bố giá khởi điểm, tổ chức bán đấu giá doanh nghiệp phải thông báo công khai các thông tin cần thiết liên quan đến doanh nghiệp và cuộc đấu giá trên các phương tiện thông tin đại chúng tại tổ chức bán đấu giá và tại trụ sở doanh nghiệp chậm nhất là 45 ngày làm việc trước ngày thực hiện bán đấu giá.
*Bước 2: Đăng ký tham gia đấu giá và nộp tiền đặt cọc
- Nhà đầu tư có đủ điều kiện tham gia đấu giá làm thủ tục đăng ký tham gia đấu giá mua công ty với tổ chức bán đấu giá và nộp tiền đặt cọc cho tổ chức bán đấu giá theo thời hạn và số tiền đặt cọc được quy định tại Điều 11 Quy chế bán đấu giá công ty.
- Khi nhận đơn và tiền đặt cọc, tổ chức bán đấu giá cấp cho nhà đầu tư phiếu tham dự đấu giá mua công ty nhà nước (Mẫu số 8) và biên lai thu tiền đặt cọc.
- Nhà đầu tư phải làm thủ tục đăng ký vào sổ đăng ký tham gia đấu giá theo nội quy của phiên bán đấu giá.
*Bước 3: Khảo sát thực tế công ty.
- Trước khi bán đấu giá công ty, tổ chức bán đấu giá phối hợp với công ty để bố trí cho các nhà đầu tư đã đăng ký tham gia mua đấu giá khảo sát thực trạng, nghiên cứu hồ sơ, báo cáo tài chính, bảng kê tài sản, các giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, đất đai; các hợp đồng liên quan đến công ty.
* Bước 4: Thông báo kết quả đăng ký tham gia đấu giá
- Hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá công ty, tổ chức bán đấu giá phải thông báo kết quả đăng ký cho Ban chỉ đạo bán đấu giá. Phiên bán đấu giá chỉ được thực hiện khi có ít nhất hai nhà đầu tư nộp đơn đăng ký mua công ty hợp lệ.
- Trường hợp chỉ có 01 đơn đăng ký tham gia đấu giá, tổ chức bán đấu giá báo cáo Ban chỉ đạo bán đấu giá để trình cơ quan quyết định bán đấu giá công ty nhà nước xem xét, quyết định việc áp dụng hình thức bán thỏa thuận trực tiếp.
*Bước 5: Tổ chức phiên bán đấu giá
- Tổ chức thực hiện bán đấu giá công ty Quyết định cử người đại diện có thẩm quyền để điều hành phiên đấu giá và mời một công chứng viên tham gia chứng kiến phiên đấu giá. Việc điều hành trả giá và các quy tắc ứng xử trong phiên bán đấu giá được thực hiện theo nội quy phiên bán đấu giá.
- Tất cả các phiên bán đấu giá công ty nhà nước đều được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín trực tiếp theo từng vòng đấu giá, các vòng đấu giá được thực hiện liên tục cho đến khi chọn được nhà đầu tư trúng đấu giá.
- Trước khi thực hiện bán đấu giá người điều hành phiên bán đấu giá phải công bố những nội dung cơ bản của nội quy phiên bán đấu giá và công bố giá cao nhất ghi trong đơn đăng ký tham gia mua đấu giá công ty nhà nước của các nhà đầu tư, đây là giá khởi điểm của vòng đấu đầu tiên của phiên bán đấu giá.
- Người điều hành phiên bán đấu giá phát cho các nhà đầu tư phiếu bỏ giá, phiếu bỏ giá phải được ghi rõ giá khởi điểm của vòng đấu hiện tại và một ô trống để nhà đầu tư ghi giá muốn trả vào phiếu của mình. Sau mỗi một vòng đấu, khi thu hết các phiếu đã phát, người điều hành phiên bán đấu giá thông báo công khai mã số và giá của nhà đầu tư có giá trả cao nhất và tiếp tục phát phiếu cho nhà đầu tư tham gia đấu giá để bắt đầu trả giá cho vòng đấu tiếp theo. Mức giá cao nhất đã trả ở vòng trước là giá khởi điểm của vòng trả giá tiếp theo. Việc đấu giá kết thúc khi những nhà đầu tư tham gia đấu giá còn lại tự nguyện từ chối bỏ phiếu tiếp, nhà đầu tư có giá trả cao nhất (vòng đấu giá cuối cùng) là nhà đầu tư trúng đấu giá.
- Trường hợp các nhà đầu tư tự nguyện từ chối tiếp tục tham gia đấu giá (vòng đấu giá cuối cùng) mà có những nhà đầu tư trả giá bằng nhau thì người điều hành phiên bán đấu giá tổ chức việc rút thăm giữa những nhà đầu tư đó và công bố nhà đầu tư rút trúng thăm là nhà đầu tư trúng đấu giá được quyền mua công ty.
- Kết thúc phiên bán đấu giá, người điều hành phiên bán đấu giá lập Biên bản bán đấu giá công ty gửi cho Ban chỉ đạo bán đấu giá.
- Trường hợp vì các lý do khác nhau mà phiên bán đấu giá không thành công thì người điều hành phiên bán đấu giá phải lập biên bản bán đấu giá không thành công (Mẫu số 9) và ghi rõ lý do không thành công.
*Bước 6: Thủ tục sau phiên đấu giá
- Chậm nhất trong vòng 2 ngày làm việc kể từ khi kết thúc phiên bán đấu giá thành công, người đại diện có thẩm quyền cho cơ quan quyết định bán đấu giá công ty và nhà đầu tư phải thực hiện ký kết hợp đồng mua bán công ty, tổ chức bán đấu giá thực hiện việc hoàn trả tiền đặt cọc cho các nhà đầu tư.
- Tiền đặt cọc không được hoàn trả cho nhà đầu tư trong trường hợp trả giá thấp hơn giá khởi điểm, bỏ giá vòng sau thấp hơn giá cao nhất của vòng trước, nhà đầu tư từ chối không ký hợp đồng mua bán công ty hoặc vi phạm nội quy phiên bán đấu giá.
* Bước 7: Thanh toán tiền mua công ty
- Nhà đầu tư phải thực hiện cam kết thanh toán theo đúng quy định trong hợp đồng mua bán.
*Bước 8: Bàn giao công ty
- Sau khi nhà đầu tư đã thực hiện việc thanh toán theo đúng các quy định trong hợp đồng mua bán công ty, cơ quan quyết định bán đấu giá công ty tổ chức việc bàn giao công ty cho nhà đầu tư theo quy định trong hợp đồng mua bán công ty và hai bên cùng ký vào biên bản bàn giao.
- Hợp đồng mua bán công ty và biên bản bàn giao đã được ký kết là căn cứ pháp lý chứng minh quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với công ty. Hồ sơ này được gửi về cơ quan tài chính cùng cấp để theo dõi, giám sát.
* Bước 9: Thông báo chấm dứt hoạt động của công ty nhà nước
- Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kề từ ngày ký biên bản bàn giao, cơ quan quyết định bán công ty thông báo về việc đã bán công ty và chấm dứt hoạt động của công ty đó trên phương tiện thông tin đại chúng.
(Theo Phần II Thông tư số 51/2006/TT-BTC)
Hồ sơ cần cung cấp khi bán đấu giá công ty gồm:
- Các thông tin chi tiết về tình hình tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty nhà nước (như báo cáo tài chính, bảng kê tài sản, các giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, đất đai; các hợp đồng liên quan đến công ty bán đấu giá) ;
- Mẫu đơn đăng ký (Mẫu số 2);
- Mẫu giấy uỷ quyền (Mẫu số 3);
- Nội quy phiên bán đấu giá (Mẫu số 4);
- Các văn bản mà người mua phải ký kết sau phiên bán đấu giá như: Biên bản phiên bán đấu giá (Mẫu số 5), hợp đồng mua bán (Mẫu số 6), biên bản bàn giao (Mẫu số 7).
(Theo Điểm b Khoản 2 Phần II Thông tư số 51/2006/TT-BTC)
Khi tham gia hoạt động đấu giá công ty cần lưu ý những vấn đề sau:
Tổ chức bán đấu giá phải phối hợp với công ty để bố trí cho các nhà đầu tư đã đăng ký tham gia mua đấu giá khảo sát thực trạng, nghiên cứu hồ sơ, báo cáo tài chính, bảng kê tài sản, các giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, đất đai; các hợp đồng liên quan đến công ty bán đấu giá. ( Theo Điểm a Khoản 3 Phần II Thông tư số 51/2006/TT-BTC)
Tổ chức bán đấu giá có trách nhiệm sau về bán đấu giá công ty:
- Xây dựng mẫu đơn đăng ký mua doanh nghiệp, quy trình nhận và xét đơn. Nội quy phiên bản đấu giá, mẫu giấy ủy quyền, sổ đăng ký người tham gia trả giá, biên bản bán đấu giá, dự thảo hợp đồng mua bán doanh nghiệp;
- Thông báo việc bán đấu giá trên phương tiện thông tin đại chúng;
- Tổ chức cho người mua khảo sát thực tế doanh nghiệp;
- Cử hoặc thuê người điều hành phiên bán đấu giá thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Ban Chỉ đạo bán đấu giá và nội quy phiên đấu giá;
- Thực hiện việc bán đấu giá để xác định người trả giá cao nhất;
- Báo cáo Ban Chỉ đạo bán đấu giá doanh nghiệp về kết quả phiên bán đấu giá doanh nghiệp.
(Theo Khoản 1 Điều 22 Quy chế bán đấu giá công ty nhà nước Ban hành kèm theo Quyết định số 330/2005/QĐ-TTg)
Người nước ngoài được phép tham gia bán đấu giá công ty trong trường hợp người nước ngoài đó được đầu tư theo quy định của pháp luật Việt Nam. (Theo Điều 3 Quyết định số 330/2005/QĐ-TTg)
Nhà đầu tư đã đăng ký có thể rút lại đơn đã đăng ký tham gia đấu giá công ty. Trường hợp nhà đầu tư rút lại đơn đã đăng ký tham gia đấu giá công ty trong thời hạn nhận đơn đăng ký thì được hoàn trả ngay khoản tiền đặt cọc. (Theo Điểm d Khoản 4 Phần II Thông tư số 51 /2006/TT-BTC)
Hai đơn vị tham gia đấu giá trong đó có một công ty nắm giữ cổ phần của công ty còn lại không thuộc các hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 5 Điều 9 Luật đấu giá tài sản 2016 thì sẽ được chấp nhận. Các hành vi bị nghiêm cấm với người tham gia đấu giá, gồm:
- Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá;
- Thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản;
- Cản trở hoạt động đấu giá tài sản; gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá;
- Đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên, người tham gia đấu giá khác nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản;
- Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của luật có liên quan.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ là đơn vị có kinh nghiệm trong việc tư vấn, thực hiện thủ tục liên quan đến thực hiện bán đấu giá công ty với quy trình, công việc thực hiện gồm:
-Tiếp nhận thông tin cần tư vấn, thực hiện thủ tục để bán đấu giá công ty;
- Hướng khách hàng chuẩn bị giấy tờ hoàn thiện thực hiện thủ tục;
-Soạn thảo, đại diện, hỗ trợ khách hàng nộp, sửa hồ sơ, làm việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Nhận kết quả sau khi thực hiện thủ tục và bàn giao kết quả cho Khách hàng.
Trên đây là thông tin giải đáp vướng mắc về bán đấu giá công ty NPLAW gửi đến Quý độc giả. Nếu Quý độc giả có bất kỳ vướng mắc nào liên quan cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với NPLAW theo thông tin liên hệ sau:
Thông tin liên hệ với CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn