Trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, hợp tác giữa các cá nhân hoặc doanh nghiệp là một chiến lược phổ biến để tối ưu hóa nguồn lực và gia tăng lợi nhuận. Để đảm bảo quyền lợi của các bên cũng như hạn chế rủi ro, việc ký kết một hợp đồng hợp tác kinh doanh khách sạn rõ ràng, đầy đủ và chặt chẽ là vô cùng quan trọng.

Sau đây, NPLaw sẽ phân tích các quy định của pháp luật về hợp đồng hợp tác kinh doanh khách sạn.
I. Tìm hiểu về hợp đồng hợp tác kinh doanh khách sạn
Kinh doanh khách sạn là một lĩnh vực đòi hỏi nguồn vốn lớn, kinh nghiệm vận hành và chiến lược kinh doanh hiệu quả. Vì vậy, nhiều cá nhân và doanh nghiệp có nhu cầu hợp tác để cùng đầu tư, khai thác và phát triển kinh doanh.
Một số nhu cầu cụ thể dẫn đến việc ký kết hợp đồng hợp tác bao gồm:
- Huy động nguồn vốn: Một bên có tài sản (đất đai, cơ sở vật chất), bên khác có tài chính, muốn hợp tác để khai thác kinh doanh.
- Tận dụng thế mạnh mỗi bên: Một bên có kinh nghiệm quản lý khách sạn, bên còn lại có thương hiệu, khách hàng hoặc nền tảng công nghệ.
- Giảm thiểu rủi ro tài chính: Thay vì đầu tư toàn bộ vốn vào một dự án, các bên có thể chia sẻ rủi ro và lợi nhuận.
- Mở rộng mô hình kinh doanh: Hợp tác giúp nhanh chóng mở rộng quy mô mà không cần tự mình xây dựng từ đầu.
II. Quy định pháp luật về hợp đồng hợp tác kinh doanh khách sạn
1. Thế nào là hợp đồng hợp tác kinh doanh khách sạn
Theo khoản 14 Điều 3 Luật Đầu tư 2020, hợp đồng hợp tác kinh doanh (hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế.
Hợp đồng hợp tác kinh doanh khách sạn là một trong những loại hợp đồng hợp tác kinh doanh. Theo đó, có thể hiểu: Hợp đồng hợp tác kinh doanh khách sạn là sự thỏa thuận pháp lý giữa các bên trong lĩnh vực khách sạn, nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận mà không cần thành lập tổ chức kinh tế.
2. Điều kiện hợp đồng hợp tác kinh doanh khách sạn có hiệu lực
Do hợp đồng hợp tác kinh doanh khách sạn là một dạng của giao dịch dân sự theo Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015 nên điều kiện có hiệu lực của hợp đồng cũng chính là điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực.
Theo đó, căn cứ Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015, điều kiện để hợp đồng có hiệu lực bao gồm:
- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với hợp đồng được xác lập;
- Chủ thể tham gia hợp đồng hoàn toàn tự nguyện;
- Mục đích và nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Hình thức của hợp đồng là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng trong trường hợp luật có quy định.
3. Nội dung hợp đồng hợp tác kinh doanh khách sạn
Một hợp đồng hợp tác kinh doanh khách sạn thường bao gồm các nội dung quan trọng sau:

- Thông tin các bên tham gia hợp tác: Họ tên, địa chỉ, mã số thuế, đại diện pháp luật.
- Mục đích hợp tác: Xác định rõ loại hình kinh doanh, phạm vi hợp tác (đầu tư, quản lý, vận hành…).
- Góp vốn và phân chia lợi nhuận: Cách thức góp vốn (tiền mặt, tài sản, quyền sử dụng đất…), tỷ lệ chia lợi nhuận giữa các bên.
- Quản lý và vận hành khách sạn: Phân công trách nhiệm, quyền hạn trong việc điều hành, tuyển dụng, quảng bá…
- Quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan đến sở hữu tài sản, quản lý, và các quyền lợi kinh tế phát sinh từ hoạt động kinh doanh khách sạn, quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, dữ liệu khách hàng,..
- Thay đổi hợp đồng: Các bên có thể thay đổi các điều khoản trong hợp đồng nếu có sự đồng ý bằng văn bản của tất cả các bên liên quan. Các thay đổi có thể bao gồm điều chỉnh mức đóng góp tài chính, quyền và nghĩa vụ của các bên, hoặc thay đổi về cơ cấu quản lý, chiến lược kinh doanh, …
- Quy định về chuyển nhượng: Các bên chỉ được phép chuyển nhượng quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong hợp đồng cho bên thứ ba nếu có sự đồng ý bằng văn bản của tất cả các bên tham gia hợp đồng. Quy định về chuyển nhượng vốn, tài sản hoặc quyền sở hữu khách sạn cần được đưa ra rõ ràng trong hợp đồng.
- Chấm dứt hợp đồng: Các bên có quyền chấm dứt hợp đồng trong các trường hợp theo Điều 422 Bộ luật dân sự năm 2015.
- Trách nhiệm vi phạm hợp đồng: Khi có hành vi vi phạm hợp đồng, bên vi phạm phải chịu trách nhiệm pháp lý như bồi thường thiệt hại, phạt vi phạm.
- Giải quyết tranh chấp: Quy định phương thức giải quyết tranh chấp (thương lượng, tòa án, trọng tài thương mại…).
III. Một số thắc mắc về hợp đồng hợp tác kinh doanh khách sạn
1. Khi nào hợp đồng hợp tác kinh doanh khách sạn bị vô hiệu
Cụ thể tại Điều 407 và 408 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng hợp tác kinh doanh khách sạn bị vô hiệu trong các trường hợp sau đây:
- Hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội;
- Hợp đồng vô hiệu do giả tạo;
- Hợp đồng vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện;
- Hợp đồng vô hiệu do bị nhầm lẫn;
- Hợp đồng vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;
- Hợp đồng vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình;
- Hợp đồng vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức;
- Hợp đồng vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được.
2. Cần lưu ý những vấn đề nào về mặt chủ thể khi giao kết hợp đồng hợp tác kinh doanh khách sạn
Khi ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh khách sạn, việc xác định và thẩm định chủ thể tham gia hợp tác là rất quan trọng. Dưới đây là những vấn đề cần lưu ý:
- Xác định tư cách pháp lý của các chủ thể:
- Cá nhân: Nếu bên tham gia hợp tác là cá nhân, cần kiểm tra năng lực hành vi dân sự, có đủ tuổi và quyền hạn để tham gia hợp đồng hay không.
- Doanh nghiệp/Tổ chức: Nếu bên tham gia là doanh nghiệp, cần xác minh giấy phép kinh doanh, ngành nghề đăng ký có phù hợp với hoạt động kinh doanh khách sạn không.
- Kiểm tra năng lực ký kết hợp đồng: Đối với doanh nghiệp, chỉ người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền hợp lệ mới có quyền ký kết hợp đồng. Nếu hợp tác liên quan đến tài sản chung (ví dụ: quyền sử dụng đất), cần có sự đồng thuận của tất cả đồng sở hữu.
- Xác minh uy tín và năng lực tài chính của đối tác: Kiểm tra lịch sử hoạt động, tình hình tài chính của đối tác để đảm bảo khả năng hợp tác lâu dài. Nếu cần, có thể yêu cầu báo cáo tài chính hoặc đối chiếu thông tin từ các cơ quan có thẩm quyền.
3. Tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh khách sạn giải quyết như thế nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Đầu tư 2020 quy định: “Tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải. Trường hợp không thương lượng, hòa giải được thì tranh chấp được giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.”

Như vậy, tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh khách sạn giải quyết được giải quyết thông qua các phương thức sau:
- Phương thức thương lượng: Thương lượng là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua việc các bên cùng nhau bàn bạc, thỏa thuận, cùng nhau tìm phương án để giải quyết mâu thuẫn, không có sự tham gia của bên thứ ba.
- Phương thức hòa giải: Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp có sự hỗ trợ, giúp đỡ tham gia của bên thứ ba với vai trò trung gian để tìm ra phương án giải quyết. Đây là phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh đơn giản, nhanh chóng, ít tốn kém.
- Phương thức giải quyết bởi Trọng tài thương mại: Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại cũng là phương thức cần có sự hỗ trợ của bên thứ ba là Trọng tài viên nhằm chấm dứt các xung đột bằng việc đưa ra phán quyết trọng tài buộc các bên tôn trọng và thực hiện.
- Phương thức giải quyết tại Tòa án: Khi phát sinh tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh mà các bên không tự thương lượng, hòa giải hoặc thương lượng, hòa giải không thành, không lựa chọn phương thức giải quyết bằng Trọng tài thì một trong các bên có thể nộp đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp.
IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan hợp đồng hợp tác kinh doanh khách sạn
Trên đây là tất cả các thông tin chi tiết mà NPLaw cung cấp để hỗ trợ quý khách hàng về vấn đề hợp đồng hợp tác kinh doanh khách sạn. Trường hợp Quý Khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề nêu trên hoặc các vấn đề pháp lý khác, hãy liên hệ ngay cho NPLaw để được đội ngũ chúng tôi trực tiếp tư vấn và hướng dẫn giải quyết.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn