QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG NGOẠI THƯƠNG NHƯ THẾ NÀO?

Hiện nay, do nhu cầu mua sắm của mọi người cao lên, các hoạt động mua bán hàng hóa trong nước và ngoài nước rất phát triển. Để hoạt động mua bán hàng hóa trên thị trường giữa các quốc gia với nhau được diễn ra được thuận lợi hơn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua và bên bán thì hợp đồng ngoại thương đã ra đời.

Trên thực tế, các tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa diễn ra rất nhiều, chẳng hạn như: giao không đủ hàng, hàng không như mẫu, rủi ro, hư hỏng hàng hóa hay thanh toán không đủ… Vì vậy, hợp đồng ngoại thương chính là căn cứ để dựa vào giải quyết tranh chấp và để các bên trong hợp đồng biết được quyền hạn và nghĩa vụ của mình. Các vấn đề pháp lý về hợp đồng ngoại thương sẽ được làm rõ trong bài viết này.

Sau đây, kính mời quý độc giả hãy cùng NPLAW tìm hiểu các vấn đề liên quan đến hợp đồng ngoại thương nhé!

I. Hợp đồng ngoại thương là gì?

Hoạt động buôn bán diễn ra ngoài phạm vi một quốc gia được hiểu là ngoại thương. Hay chính là hoạt động các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu hàng hóa đi nước ngoài và ngược lại, các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu hàng hóa nước ngoài về để kinh doanh. Như vậy, ngoại thương là hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa, dịch vụ giữa các quốc gia với nhau.

Hợp đồng ngoại thương hay còn được hiểu là hợp đồng xuất nhập khẩu. Như vậy, hợp đồng ngoại thương chính là hợp đồng mua bán hàng hóa được thỏa thuận bởi hai chủ thể có trụ sở, cơ sở kinh doanh đặt tại hai quốc gia khác nhau. Theo hợp đồng đó, bên bán có nghĩa vụ giao hàng và nhận tiền; bên mua có nghĩa vụ thanh toán và nhận hàng.

Ví dụ: Hợp đồng xuất khẩu gạo giữa Việt Nam và Nhật Bản

1. Đặc điểm của hợp đồng ngoại thương?

Hợp đồng ngoại thương vừa có những đặc điểm chung của hợp đồng mua bán hàng hóa vừa có đặc điểm riêng của hợp đồng có tính chất quốc tế.

Thứ nhất, đối tượng của hợp đồng ngoại thương là hàng hóa được dịch chuyển ra nước ngoài. 

Thứ hai, các bên chủ thể của hợp đồng ngoại thương có quốc tịch khác nhau và đặt trụ sở kinh doanh tại hai quốc gia khác nhau.

Thứ ba, tiền thanh toán là ngoại tệ của một trong hai bên hoặc sử dụng ngoại tệ của cả hai bên.

Thứ tư, nguồn luật điều chỉnh hợp đồng ngoại thương đa dạng: bao gồm luật quốc gia và luật quốc tế.

2. Tầm quan trọng của hợp đồng ngoại thương

Hợp đồng ngoại thương giữ một vai trò rất quan trọng với hoạt động xuất nhập khẩu. Các vai trò tiêu biểu của hợp đồng ngoại thương có thể kể đến như:

  • Hợp đồng ngoại thương là cơ sở pháp lý quy định quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ trao đổi hàng hóa. Các bên căn cứ vào hợp đồng ngoại thương để thực hiện đúng nghĩa vụ của mình và không vượt quá quyền hạn đã được thỏa thuận trước.
  • Là cơ sở để cơ quan nhà nước như Hải quan, cơ quan thuế… thực hiện chức năng, thẩm quyền của mình trong việc quản lý hoạt động xuất nhập khẩu.
  • Là căn cứ để bảo vệ quyền  và lợi ích hợp pháp của các bên khi xảy ra tranh chấp. Khi một trong hai bên có vi phạm thì bên bị vi phạm sẽ dựa vào hợp đồng ngoại thương để khiếu nại, đòi bồi thường thiệt hại.

II. Quy định về hợp đồng ngoại thương

Hợp đồng ngoại thương cần có những thông tin như sau: ngày tháng soạn thảo hợp đồng, thông tin côn công ty của bên mua và bên bán, chủ đề hợp đồng mua bán, mô tả hàng hóa, đóng gói, giao hàng, ngày giao hàng và thời gian giao hàng, phương thức thanh toán, trường hợp bất khả kháng, giải quyết tranh chấp, bản dịch hợp đồng, phụ lục hợp đồng…

1. Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng ngoại thương

Để hợp đồng ngoại thương có hiệu lực thì cần phải đáp ứng các điều kiện về chủ thể, nội dung, đối tượng của hợp đồng.    

Thứ nhất, đối tượng của hợp đồng ngoại thương là hàng hóa không thuộc danh mục cấm xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của nhà nước.

Thứ hai, chủ thể của hợp đồng ngoại thương phải là hai pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh, có giấy phép thành lập doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và có trụ sở kinh doanh đặt tại hai quốc gia khác nhau. Người ký hợp đồng ngoại thương phải là người có thẩm quyền ký (có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo thẩm quyền).

Thứ ba, mọi điều khoản trong hợp đồng phải là những nội dung hợp pháp. Những nội dung do các bên thỏa thuận không được trái quy định của pháp luật và trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, phong tục tập quán.Nếu hợp đồng ngoại thương mà vi phạm thì sẽ bị vô hiệu hóa.

Thứ tư, hợp đồng ngoại thương phải tuân thủ về mặt hình thức. Về quy định hình thức của hợp đồng ngoại thương đang có nhiều quan điểm khác nhau giữa các quốc gia. Ở Trung Quốc yêu cầu hợp đồng ngoại thương phải được lập thành văn bản. Tuy nhiên, ở Anh, Hoa Kỳ thì cho phép hợp đồng ngoại thương được ký kết bằng văn bản hoặc lời nói, hành vi hay bất kỳ hình thức nào do các bên lựa chọn.

Có thể thấy, hợp đồng ngoại thương phải đáp ứng những yêu cầu rất chặt chẽ mới có hiệu lực. 

2. Những nội dung chính của hợp đồng ngoại thương

     Để hợp đồng ngoại thương được rõ ràng, minh bạch, các bên khi giao kết hợp đồng ngoại thương cần chú ý đến những điều khoản như sau trong hợp đồng:

  • Điều khoản về hàng hóa: tên hàng, loại hàng, chất lượng, mẫu mã, số lượng, giá cả
  • Điều khoản về giao hàng: cách giao hàng, phương thức vận chuyển, thời điểm chuyển giao rủi ro hàng hóa cho bên mua
  • Điều khoản về quyền và nghĩa vụ của bên mua và của bên bán
  • Điều khoản về thanh toán, chiết khấu 
  • Điều khoản về chọn luật áp dụng, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, đền bù thiệt hại

Về luật áp dụng, các bên có thể lựa chọn luật quốc tế - những điều ước quốc tế được ký kết bởi hai quốc gia hoặc các Công ước quốc tế. Bên cạnh đó, các bên có thể chọn luật của quốc gia mình hoặc luật của quốc gia thứ ba để làm luật điều chỉnh.

Những tranh chấp phát sinh sau này là điều các bên đều không mong muốn nhưng để đề phòng tình huống xấu xảy ra, các bên cũng nên thỏa thuận điều khoản này trong hợp đồng. Các bên thỏa thuận rõ tranh chấp sẽ được giải quyết bởi tòa án hay trọng tài, trung tâm trọng tài nào sẽ giải quyết hay thương lượng, cách thức thương lượng

Như vậy, hợp đồng ngoại thương có nội dung rất phong phú, ngoài những điều khoản mang tính bắt buộc, các bên của hợp đồng ngoại thương còn có thể thỏa thuận thêm một số điều khoản tùy nghi khác.

III. Những thắc mắc liên quan đến hợp đồng ngoại thương

1. Trong hợp đồng ngoại thương không thỏa thuận phương thức thanh toán có được không?

Phương thức thanh toán là một trong những điều khoản nên được thỏa thuận trong hợp đồng ngoại thương. Bởi lẽ, theo quy định hiện nay, có rất nhiều phương thức thanh toán với những giao dịch mua bán có tính chất quốc tế như: phương thức chuyển tiền, phương thức nhờ thu, phương thức chứng từ. Khi hai bên thống nhất trước về phương thức thanh toán sẽ tránh những tranh chấp phát sinh trong quá trình thanh toán.

2. Có thể giao kết hợp đồng ngoại thương bằng miệng được không?

Hình thức giao hết hợp đồng ngoại thương sẽ tùy thuộc vào quy định của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật Việt Nam, cụ thể là tại khoản 1 Điều 24 Luật Thương mại 2005 thì hợp đồng ngoại thương có thể được lập bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Do đó, hợp đồng ngoại thương có thể được giao kết bằng miệng.   

IV. Dịch vụ tư vấn làm hợp đồng ngoại thương

Như vậy, hợp đồng ngoại thương được pháp luật quy định rất chặt chẽ, đầy đủ. Các chủ thể dựa vào những quy định đó để giao kết, yên tâm thực hiện việc mua bán hàng hóa quốc tế vì đã có những cơ sở pháp lý rõ ràng.

Quý khách có nhu cầu tư vấn, hỗ trợ pháp lý về các vấn đề liên quan đến hợp đồng ngoại thương: như soạn thảo hợp đồng ngoại thương, tư vấn giao kết hợp đồng ngoại thương…hãy liên hệ ngay đến Hãng luật NPLAW để được tư vấn tận tình và nhanh chóng.

Công ty Luật TNHH Ngọc Phú - Hãng luật NPLaw

Hotline: 0913449968

Email: legal@nplaw.vn


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan