Nhu cầu thuê mua nhà ở liền kề ngày càng tăng lên, dẫn đến các giao dịch thuê mua nhà ở liền kề cũng trở nên thông dụng hơn trong đời sống hiện nay. Tuy nhiên, không phải ai cũng có những hiểu biết pháp luật liên quan đến hợp đồng thuê, mua nhà ở liền kề để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Chính vì thế, trong bài viết hôm nay NPLaw sẽ giúp Quý bạn đọc hiểu đúng về những Quy định của pháp luật về hợp đồng thuê mua nhà ở liền kề mới nhất, cũng như giải đáp các thắc mắc thường gặp phải khi ký kết hợp đồng thuê mua nhà ở liền kề.
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 22 Luật Nhà ở 2023 thì nhà ở liền kề được liệt kê như một trong những loại nhà ở thuộc nhà ở riêng lẻ, cụ thể:
“Nhà ở riêng lẻ là nhà ở được xây dựng trên thửa đất ở riêng biệt thuộc quyền sử dụng của tổ chức, cá nhân hoặc trên đất thuê, đất mượn của tổ chức, cá nhân, bao gồm nhà biệt thực, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập, được xây dựng với mục đích để ở hoặc mục đích sử dụng hỗn hợp.”
Cùng với đó căn cứ quy định tại khoản 22 Điều 22 Luật Nhà ở 2023 quy định về khái niệm thuê mua nhà ở như sau:
“Thuê mua nhà ở là việc người thuê mua thanh toán trước cho bên cho thuê mua một tỷ lệ phần trăm nhất định của giá trị nhà ở thuê mua theo thỏa thuận nhưng không quá 50% giá trị hợp đồng thuê mua nhà ở; số tiền còn lại được tính thành tiền thuê nhà để trả hằng tháng cho bên cho thuê mua trong một thời hạn nhất định do các bên thỏa thuận; sau khi hết thời hạn thuê nhà ở và khi đã trả hết số tiền còn lại thì người thuê mua có quyền sở hữu đối với nhà ở đó.”
Do đó, có thể hiểu rằng hợp đồng thuê mua nhà ở liền kề là loại hợp đồng mà khi giao kết bên thuê mua sẽ phải thanh toán trước cho bên cho thuê mua một khoản tiền theo thỏa thuận nhưng không quá 50% giá trị hợp đồng.
Số tiền còn lại tính là tiền thuê nhà trả hằng tháng cho bên cho thuê mua trong thời hạn đã được thỏa thuận.
Quyền và nghĩa vụ của bên đặt cọc trong hợp đồng thuê mua nhà ở liền kề được quy định tại khoản 1 Điều 38 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ cụ thể như sau:
-Yêu cầu bên nhận đặt cọc ngừng việc khai thác, sử dụng hoặc xác lập giao dịch dân sự đối với tài sản đặt cọc; thực hiện việc bảo quản, giữ gìn tài sản đặt cọc không bị mất giá trị hoặc giảm sút giá trị.
-Trao đổi, thay thế tài sản đặt cọc hoặc đưa tài sản đặt cọc tham gia giao dịch dân sự khác trong trường hợp được bên nhận đặt cọc đồng ý.
-Thanh toán cho bên nhận đặt cọc chi phí hợp lý để bảo quản, giữ gìn tài sản đặt cọc.
-Thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu tài sản hoặc thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật để bên nhận đặt cọc được sở hữu tài sản đặt cọc quy định tại điểm b khoản 2 Điều 38 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP.
-Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định cụ thể.
Ngoài những quy định được nêu trên, các bên khi tham gia có thể thỏa thuận thêm về các quyền và nghĩa vụ khác nhưng phải đảm bảo phù hợp với pháp luật hiện hành.
Căn cứ khoản 2 Điều 38 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP quy định về quyền và nghĩa vụ của bên nhận đặt cọc trong hợp đồng thuê mua nhà ở liền kề, cụ thể:
-Yêu cầu bên đặt cọc chấm dứt việc trao đổi, thay thế hoặc xác lập giao dịch dân sự khác đối với tài sản đặt cọc khi chưa có sự đồng y của bên nhận đặt cọc.
-Sở hữu tài sản đặt cọc trong trường hợp bên đặt cọc vi phạm cam kết về giao kết, thực hiện hợp đồng.
-Bảo quản, giữ gìn tài sản đặt cọc.
-Không xác lập giao dịch dân sự, khai thác, sử dụng tài sản đặt cọc khi chưa có sự đồng ý của bên đặt cọc.
-Quyền và nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.
Như vậy, các bên đều có quyền và nghĩa vụ khi tham gia giao dịch đặt cọc trong hợp đồng thuê mua nhà ở liền kề. Do đó, các bên cần nắm rõ để có thể bảo vệ quyền và lợi ích của mình khi tham gia vào giao dịch.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự thì giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ 03 điều kiện sau:
-Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập.
-Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện.
-Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Do đó, hợp đồng thuê mua nhà ở có thể được viết tay vẫn có hiệu lực nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 164 Luật Nhà ở 2023 về việc công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở cụ thể như sau:
“Trường hợp mua bán, thuê mua, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở thì phải thực hiện công chứng hoặc chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.”
Như vậy, hợp đồng thuê mua nhà ở liền kề cần phải công chứng thì mới có hiệu lực theo quy định của pháp luật hiện hành.
Căn cứ quy định tại Điều 194 Luật Nhà ở 2023 thì giải quyết tranh chấp về nhà ở được nhà nước khuyến khích thông qua hòa giải. Tuy nhiên, cũng tại điều luật này cũng nêu rõ trong trường hợp hòa giải không thành thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp sẽ do Tòa án, trọng tài thương mại giải quyết theo quy định của pháp luật.
Giá trị tài sản liên quan đến đất đai, nhà ở ngày càng có chiều hướng tăng lên kéo theo đó là những mâu thuẫn, tranh chấp cũng ngày càng phổ biến hơn trong cuộc sống.
Chính vì thế, những vấn đề liên quan đến hợp đồng thuê mua nhà ở liền kề Quý bạn đọc nên nhờ đến sự hỗ trợ của Luật sư để có thể bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng như tránh những tranh chấp không đáng có xảy ra về sau.
Công ty Luật TNHH Ngọc Phú tự hào là đơn vị có kinh nghiệm lâu năm trong việc tư vấn và thực hiện các thủ tục liên quan đến hợp đồng thuê mua nhà ở. Do đó, khi cần nhờ đến sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên viên, luật sư dày dặn kinh nghiệm, có tâm huyết Quý bạn đọc hãy liên hệ ngay với chúng tôi theo ba phương thức sau:
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn