Một tổ chức tín dụng cần áp dụng kiểm soát đặc biệt khi có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán. Khi đó, ngân hàng Nhà nước xem xét và kiểm soát tổ chức tín dụng khi tổ chức tín dụng lâm vào một trong các trường hợp đã quy định. Vậy hiện nay pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này. Để tìm hiểu rõ hơn, NPLaw sẽ chia sẻ một số thông tin hữu ích tới bạn đọc.
I. Kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng là gì?
Luật các Tổ chức tín dụng 2010 có định nghĩa như sau:
“Kiểm soát đặc biệt là việc một tổ chức tín dụng bị đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước do có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán”.
Đến Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung 2017 có quy định:
“Kiểm soát đặc biệt là việc đặt một tổ chức tín dụng dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Mục 1 Chương VIII của Luật này.”
Theo đó có thể hiểu kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng là việc đặt một tổ chức tín dụng dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước do có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán.
II. Tại sao cần áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt?
Cần áp dụng biện pháp kiểm soát đặc biệt vì:
Thứ nhất, nhằm đảm bảo an toàn của hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, thực hiện chức năng của mình.
Thứ hai, khi một tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán có thể kéo theo nhiều hệ lụy đến hệ thống tài chính quốc gia. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện các biện pháp quản lý nghiệp vụ đặc biệt để kiểm soát, giám sát trực tiếp tình hình tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng, giúp đỡ tổ chức tín dụng và bảo đảm an toàn cho hệ thống tài chính trong nền kinh tế.
III. Tổ chức tín dụng bị áp dụng kiểm soát đặc biệt khi nào?
Căn cứ điều 145 Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung 2017 có quy định về các trường hợp đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt. Theo đó, tổ chức tín dụng bị áp dụng kiểm soát đặc biệt khi:
- Mất, có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất, có nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
- Số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất.
- Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 130 của Luật này trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong thời gian 06 tháng liên tục.
- Xếp hạng yếu kém trong 02 năm liên tục theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
IV. Quy định về ban kiểm soát trong tổ chức tín dụng
Hiện nay, quy định pháp luật về kiểm soát đặc biệt của tổ chức tín dụng cụ thể tại Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung 2017 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành.
Quy định về quyết định đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt
Căn cứ điều 145a Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung 2017 thì:
- Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định đặt tổ chức tín dụng thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 145 của Luật các tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt và thành lập Ban kiểm soát đặc biệt để kiểm soát hoạt động của tổ chức tín dụng đó.
- Ngân hàng Nhà nước quy định các nội dung sau đây:
- Hình thức kiểm soát đặc biệt, thời hạn kiểm soát đặc biệt, gia hạn thời hạn kiểm soát đặc biệt, chấm dứt kiểm soát đặc biệt, công bố thông tin về việc kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng;
- Thành phần, số lượng, cơ cấu, cơ chế hoạt động của Ban kiểm soát đặc biệt phù hợp với hình thức kiểm soát đặc biệt và thực trạng của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
- Kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt, dư nợ gốc, lãi của khoản cho vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng đó được chuyển thành dư nợ cho vay đặc biệt.
Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát đặc biệt
Theo điều 145a Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung 2017 có quy định cụ thể:
- Chỉ đạo Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt thực hiện các nội dung sau đây:
- Rà soát và điều chỉnh cơ cấu tổ chức, mạng lưới, hoạt động kinh doanh, tập trung thu hồi nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm
- Cắt giảm chi phí, bao gồm cả việc cắt giảm lãi suất của các khoản tiền gửi, trái phiếu có lãi suất cao, tiền thuê của các hợp đồng thuê tài sản, thuê mua tài sản có tiền thuê cao.
- Chỉ đạo tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt xây dựng, thực hiện phương án cơ cấu lại theo quy định của Luật này.
- Tạm đình chỉ một hoặc một số hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt nếu các hoạt động này có thể gia tăng rủi ro cho tổ chức tín dụng đó hoặc không phù hợp với phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt.
- Đình chỉ, tạm đình chỉ quyền quản trị, điều hành, kiểm soát tổ chức tín dụng và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ định người thay thế Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch, thành viên Hội đồng thành viên, Trưởng ban, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
- Yêu cầu Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) miễn nhiệm, đình chỉ công tác đối với người có hành vi vi phạm pháp luật, không chấp hành phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt, không chấp hành chỉ đạo của Ban kiểm soát đặc biệt.
- Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước quyết định: thay đổi hình thức kiểm soát đặc biệt, gia hạn hoặc chấm dứt thời hạn kiểm soát đặc biệt; cho vay đặc biệt, gia hạn thời hạn cho vay đặc biệt, thu nợ khoản vay đặc biệt; thanh lý tài sản, thu hồi Giấy phép của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
V. Các thắc mắc thường gặp về kiểm soát tổ chức tín dụng
1. Cơ quan tổ chức, cá nhân nào có thẩm quyền ra quyết định đặt tổ chức tín dụng vào trường hợp kiểm soát đặc biệt?
Khoản 1 Điều 145a Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung 2017 quy định:
“Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định đặt tổ chức tín dụng thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 145 của Luật này vào kiểm soát đặc biệt và thành lập Ban kiểm soát đặc biệt để kiểm soát hoạt động của tổ chức tín dụng đó.”
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định đặt tổ chức tín dụng vào trường hợp kiểm soát đặc biệt.
2. Ngân hàng nhà nước có thẩm quyền gì đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt
Căn cứ điều 146a Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung 2017 thì Ngân hàng nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt như sau:
- Xử lý kiến nghị của Ban kiểm soát đặc biệt quy định tại Điều 146b của Luật này.
- Quyết định áp dụng một hoặc một số biện pháp hỗ trợ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 148b của Luật này trước khi phương án cơ cấu lại được phê duyệt, trừ trường hợp quyết định việc cho vay đặc biệt quy định tại điểm c khoản 2 Điều 146 của Luật này.
- Chỉ định Chủ tịch và thành viên khác của Hội đồng quản trị, Chủ tịch và thành viên khác của Hội đồng thành viên, Trưởng ban và thành viên khác của Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

- Quyết định, điều chỉnh nội dung, phạm vi hoạt động, mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
- Quyết định không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán hoặc chấm dứt áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán đối với tổ chức tín dụng thực hiện phương án phá sản đã được phê duyệt.
- Quyết định việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 146d của Luật này, trừ trường hợp quyết định việc cho vay đặc biệt quy định tại điểm c khoản 2 Điều 146 của Luật này.
- Yêu cầu chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt:
- Báo cáo việc sử dụng cổ phiếu, phần vốn góp;
- Không được chuyển nhượng cổ phiếu, phần vốn góp;
- Không được sử dụng cổ phiếu, phần vốn góp để làm tài sản bảo đảm.
Trên đây là một số thông tin về quy định về kiểm soát tổ chức tín dụng mà NPLaw muốn gửi đến bạn đọc. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu về vấn đề kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng. Nếu có thắc mắc gì hay muốn tìm hiểu rõ hơn về các vấn đề, quý khách hàng hãy đến với NPLaw. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ và giải đáp mọi thắc mắc của quý khách hàng!
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn