QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ VẤN ĐỀ CHÓ CẮN NGƯỜI GÂY THƯƠNG TÍCH

Trong chế định của Bộ luật dân sự có quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với trường hợp ảnh hưởng do nguồn nguy hiểm cao độ, động vật tác động đến. Mặc dù có thể thấy trường hợp chó cắn người gây thương tích rất phổ biến trong cuộc sống song việc này có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và có trường hợp tử vong. Do đó, nếu gặp phải tình huống này thì bồi thường thiệt hại khi bị chó cắn quy định ra sao trong pháp luật hiện hành sẽ được NPLaw giải đáp trong bài viết dưới đây.

I. Thực trạng chó cắn người gây thương tích hiện nay

Trước đây, đã xảy ra rất nhiều vụ chó dữ, chó thả rông, hay có chủ dắt đi chơi nhưng vẫn tấn công người khác. Hiện hành về quy định là phải có dây dắt chắc chắn, phải rọ mõm, nhưng đa số chủ chó không tuân thủ quy định này. Hơn nữa, bấy lâu nay cũng ít thấy cơ quan, lực lượng chức năng nào xử phạt theo quy định về những trường hợp dắt chó đi dạo nơi công cộng mà không rọ mõm, gây nguy hiểm. Chỉ đến khi có những vụ việc thương tâm, đáng tiếc xảy ra vì bị chó dữ tấn công, dư luận lại nổi lên về vấn đề quản lý, xử phạt. Thế nhưng, các quy định chặt chẽ hơn, thậm chí là cấm nuôi những con "mãnh thú” nơi khu dân cư, dắt đi dạo nơi công cộng vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Thời gian gần đây, các bệnh viện tiếp nhận không ít bệnh nhi bị chó thả rông cắn. Hầu hết các trường hợp bị chó cắn do chủ quan cả từ phía gia đình nuôi chó và phía trẻ. Để tránh những tai nạn tương tự, các bậc phụ huynh hạn chế cho trẻ em tiếp xúc với chó nuôi, chó lạ. Nhà có trẻ nhỏ không nên nuôi giống chó to và dữ. Khi nuôi chó, người dân cần tiêm phòng đầy đủ, thuần dưỡng chó, nếu cho chó ra ngoài phải rọ mõm... Bác sĩ khuyến cáo, khi bị chó, động vật tấn công cần chủ động đi tiêm phòng. Nhiều người cho rằng là tiêm phòng dại sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến bệnh nhân suy giảm trí nhớ, thậm chí giảm tuổi thọ nên không tiêm vắc-xin phòng dại cho trẻ khi phát hiện bị chó cắn. Quan niệm sai lầm này dẫn đến những trường hợp tử vong. Bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của con vật bị bệnh dại lên vùng da bị tổn thương. Bệnh dại trên người có thể hoàn toàn phòng và điều trị dự phòng bằng vắc-xin hay huyết thanh kháng dại. Nếu tiêm ngay lập tức và đúng phác đồ có thể phòng bệnh 100%.

Thực trạng chó cắn người gây thương tích hiện nay

II. Quy định pháp luật về việc chó cắn người gây thương tích

1. Chó cắn người gây thương tích thì chủ có phải bồi thường hay không?

Hiện nay, Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về việc bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra.

Như vậy, nếu chó gây ra thiệt hại cho người khác thì người chủ nuôi chó phải bồi thường trừ trường hợp chó bị người khác chiếm hữu trái pháp luật hoặc do người thứ 3 có lỗi.

2. Nguyên tắc bồi thường khi chó cắn người gây thương tích được quy định như thế nào?

Nguyên tắc bồi thường được quy định tại Điều 603 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

- Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

- Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

- Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

3. Khi bị chó cắn gây thương tích có thể làm đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại được không?

Hiện nay, pháp luật cho phép nạn nhân bị chó cắn có thể làm đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, người bị thiệt hại cần làm theo trình tự, thủ tục thì mới được Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường. Trình tự, thủ tục như sau:

  • Có đơn khởi kiện: Đơn khởi kiện (Mẫu số 23-DS, ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP, do Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao ban hành ngày 13/01/2017). Đơn khởi kiện phải đáp ứng yêu cầu về hình thức, nội dung và chủ thể theo quy định tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Ngoài ra, kèm theo đơn khởi kiện phải có các tài liệu, chứng cứ đính kèm theo đơn theo Khoản 5, Điều 189, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015);
  • Gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền, thẩm quyền của Tòa án được xác định theo Điều 32, Điều 35, Điều 37, Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015;
  • Sau khi nhận đơn khởi kiện, Tòa án sẽ phân công Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện;
  • Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện sẽ xem xét đơn khởi kiện, nếu cần có sữa chữa, bổ sung đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ thì yêu cầu người khởi kiện hoàn tất thủ tục;
  • Sau khi đơn khởi kiện sửa chữa, bổ sung thì Tòa án sẽ thông báo nộp tạm ứng án phí. Trong thời hạn 7 ngày, người khởi kiện phải nộp tạm ứng án phí tại cơ quan thi hành án;
  • Sau khi nộp tạm ứng án phí, người khởi kiện mang biên lai thu tiền tạm ứng án phí đến Tòa án đã xem xét đơn khởi kiện để nộp;
  • Cuối cùng, Tòa án sẽ ra thông báo thụ lý vụ án.

Quy định pháp luật về việc chó cắn người gây thương tích

4. Các thiệt hại có thể yêu cầu bồi thường khi bị chó cắn gây thương tích

- Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

+ Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

+ Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

+ Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

+ Thiệt hại khác do luật quy định.

- Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 590 Bộ luật dân sự 2015 và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

III. Chó cắn người gây thương tích, chủ có bị xử phạt vi phạm hành chính hay không?

Theo Nghị định 04/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y thì:

"Hành vi Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa cho ra nơi công cộng bị xử phạt từ 1 triệu đến 2 triệu đồng."

IV. Chó cắn người gây thương tích, chủ có bị xử lý hình sự hay không?

Chủ vật nuôi dẫn chó ra nơi công cộng, không thực hiện các quy định về đeo rọ mõm, xích khóa….dẫn đến chó cắn chết người. Ở đây, nếu xác minh được người chủ nuôi chó không có ý định thả chó với mong muốn gây chết người mà việc để chó chạy ra nơi công cộng và gây chết người là do sự cẩu thả, chủ quan của chủ vật nuôi thì người chủ vật nuôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vô ý làm chết người theo Khoản 1, Điều 128 Bộ luật hình sự 2015

"Điều 128. Tội vô ý làm chết người

  1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
  2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm."

Người chủ vật nuôi có thể phải chịu khung hình phạt cao nhất đối với tội danh này là phạt tù đến 10 năm nếu để xảy ra hậu quả làm chết 02 người trở lên.

Như vậy, trong trường hợp người chủ nuôi chó, dẫn chó ra nơi công cộng không thực hiện các quy định như không đeo rọ mõm  làm chó cắn chết người thì có thể bị phạt hành chính, bồi thường thiệt hại cho gia đình người chết hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chó cắn người gây thương tích, chủ có bị xử lý hình sự hay không?

V. Luật sư tư vấn về việc chó cắn người gây thương tích

Trên đây là toàn bộ thông tin của chúng tôi liên quan đến việc chó cắn người gây thương tích, hy vọng có thể giải đáp được thắc mắc của quý khách. Để đảm bảo quyền lợi của mình, dù là nhỏ nhất và hạn chế thiệt hại tối đa, quý khách hàng có thể liên hệ với chúng tôi để được thông tin mới nhất qua các thông tin liên lạc dưới đây. Đội ngũ chuyên viên tư vấn có kinh nghiệm của chúng tôi sẽ nhận thông tin, tìm kiếm câu trả lời và giải đáp cho quý khách hàng.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan