Nhập khẩu dây chuyền sản xuất đã qua sử dụng không còn là vấn đề xa lạ với các doanh nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, dù là dây chuyền sản xuất đã qua sử dụng thì vẫn cần phải đảm bảo các điều kiện cần thiết để đảm bảo dây chuyền sản xuất được phép nhập khẩu vào Việt Nam với mục đích sử dụng trong kinh doanh mà không phải để biến nó thành phế liệu không có khả năng sử dụng.
Vậy thực trạng Nhập khẩu dây chuyền sản xuất đã qua sử dụng hiện nay như thế nào? Quy định pháp luật và những vướng mắc gì cần giải đáp liên quan đến việc Nhập khẩu dây chuyền sản xuất đã qua sử dụng?
Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp tại Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, khả năng tài chính của doanh nghiệp sẽ không thể cho phép doanh nghiệp hoạt động với toàn bộ các dây chuyền sản xuất mới, đầu tư mua sắm thiết bị và đổi mới công nghệ. Chính vì lý do đó, để đảm bảo các doanh nghiệp vẫn có thể hoạt động, pháp luật cho phép doanh nghiệp được nhập khẩu dây chuyền sản xuất đã qua sử dụng để phù hợp với năng lực tài chính của doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp lợi dụng vấn đề này để lựa chọn “cái lợi nhỏ” là mua thiết bị giá rẻ, còn khả năng sử dụng, đưa vào sản xuất để duy trì hoạt động. Nhưng về mặt lâu dài, nếu sử dụng thiết bị cũ, có thời gian sử dụng đã lâu, thì năng suất, chất lượng sản phẩm càng thấp, dẫn đến không thể cạnh tranh với những sản phẩm sử dụng công nghệ mới. Như vậy, về lâu dài, sẽ ảnh hưởng tới năng suất của các dây chuyền sản xuất, gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh.
Danh mục các hàng hóa cấm nhập khẩu vào Việt Nam được quy định tại mục II Phụ lục I Nghị định 69/2018/NĐ-CP, trong đó dây chuyền sản xuất đã qua sử dụng không nằm trong danh mục trên. Đồng thời, tại khoản 1 Điều 4 Quyết định 18/2019/QĐ-TTg trong đó quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phải tuân thủ quy định của pháp luật về nhập khẩu hàng hóa. Như vậy, dây chuyền sản xuất đã qua sử dụng được phép nhập khẩu vào Việt Nam.
Chính sách khi nhập khẩu máy móc đã qua sử dụng hiện nay được quy định chi tiết tại Quyết định 18/2019/QĐ-TTg, theo đó, để có thể được phép nhập khẩu vào Việt Nam, dây chuyền sản xuất sẽ phải đáp ứng các quy định về điều kiện, tiêu chí nhập khẩu, tuổi sử dụng,...
Đồng thời, việc nhập khẩu dựa trên nguyên tắc:
+ Việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phải tuân thủ quy định của pháp luật về nhập khẩu hàng hóa.
+ Không cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng trong các trường hợp sau:
a) Các nước xuất khẩu đã công bố loại bỏ do lạc hậu, chất lượng kém, gây ô nhiễm môi trường;
b) Không đáp ứng các yêu cầu về an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
- Chỉ cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp tại Việt Nam.
Vì là dây chuyền đã qua sử dụng, để đảm bảo khi nhập khẩu về nước dây chuyền sản xuất vẫn đáp ứng được quá trình vận hành, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp cũng như tránh tình trạng nhập khẩu về nước nhưng thời gian sử dụng không bền, gây ảnh hưởng không chỉ với doanh nghiệp mà còn với người lao động, môi trường, kinh tế,... Do đó, để nhập khẩu dây chuyền sản xuất đã qua sử dụng, dây chuyền đó phải đáp ứng những điều kiện tại Điều 5 Quyết định 18/2019/QĐ-TTg.
- Được sản xuất theo tiêu chuẩn:
+ Phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường;
+ Trường hợp không có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) liên quan đến dây chuyền công nghệ nhập khẩu, thì dây chuyền công nghệ phải được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với chỉ tiêu kỹ thuật của tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc gia của một trong các nước G7, Hàn Quốc về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
- Công suất (tính theo số lượng sản phẩm được tạo ra bởi dây chuyền công nghệ trong một đơn vị thời gian) hoặc hiệu suất còn lại phải đạt từ 85% trở lên so với công suất hoặc hiệu suất thiết kế.
- Mức tiêu hao nguyên, vật liệu, năng lượng không vượt quá 15% so với thiết kế.
- Công nghệ của dây chuyền công nghệ không thuộc Danh mục công nghệ cấm chuyển giao, Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao quy định tại Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ.
- Công nghệ của dây chuyền công nghệ phải đang được sử dụng tại ít nhất 03 cơ sở sản xuất trong các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development - OECD).
Để dây chuyền sản xuất được phép nhập khẩu vào Việt Nam thì cần phải chuẩn bị các hồ sơ sau đây theo Điều 24 Luật Hải quan 2014 và khoản 1 Điều 7 Quyết định 18/2019/QĐ-TTg:
- Hồ sơ hải quan:
+ Tờ khai hải quan hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan;
+ Chứng từ có liên quan.
Tùy từng trường hợp, người khai hải quan phải nộp hoặc xuất trình hợp đồng mua bán hàng hóa, hóa đơn thương mại, chứng từ vận tải, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, văn bản thông báo kết quả kiểm tra hoặc miễn kiểm tra chuyên ngành, các chứng từ liên quan đến hàng hóa theo quy định của pháp luật có liên quan.
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đóng dấu của doanh nghiệp. Trường hợp nhập khẩu theo ủy thác thì phải có văn bản ủy thác nhập khẩu;
- Chứng thư giám định được cấp bởi một tổ chức giám định được chỉ định đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 11 Quyết định 18/2019/QĐ-TTg. Nội dung chứng thư giám định thực hiện theo quy định tại điểm a, b, c, d, đ khoản 1 Điều 10 Quyết định 18/2019/QĐ-TTg.
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, trình tự nhập khẩu được thực hiện theo khoản 2 Điều 7 Quyết định 18/2019/QĐ-TTg:
- Doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ nhập khẩu và tài liệu về Cơ quan hải quan, nơi đăng ký tờ khai hải quan;
- Cơ quan hải quan chỉ làm thủ tục thông quan theo quy định khi hồ sơ nhập khẩu và tài liệu quy định tại khoản 1 Điều 7 Quyết định 18/2019/QĐ-TTg đầy đủ, hợp lệ và chứng thư giám định ghi kết luận dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng đáp ứng yêu cầu tại Điều 5 Quyết định 18/2019/QĐ-TTg.
Dây chuyền sản xuất khi đã qua sử dụng thì khả năng vận hành của nó sẽ không thể đảm bảo như khi còn mới. Do đó, xác định tuổi của dây chuyền sản xuất là một trong các yếu tố xác định có cho phép nhập khẩu vào nước hay không. Tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm. Đối với máy móc, thiết bị thuộc một số lĩnh vực cụ thể, tuổi thiết bị được quy định chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định 18/2019/QĐ-TTg. (khoản 1 Điều 6 Quyết định 18/2019/QĐ-TTg)
Đồng thời, tại khoản 1 Điều 9 Quyết định 18/2019/QĐ-TTg: “Trong trường hợp doanh nghiệp đang tiến hành sản xuất tại Việt Nam, để bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, có nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng có tuổi thiết bị vượt quá quy định tại khoản 1 Điều 6 Quyết định này nhưng công suất (tính theo số lượng sản phẩm được tạo ra bởi máy móc, thiết bị trong một đơn vị thời gian) hoặc hiệu suất còn lại của máy móc, thiết bị vẫn đạt từ 85% trở lên so với công suất hoặc hiệu suất thiết kế và mức tiêu hao nguyên, vật liệu, năng lượng của máy móc, thiết bị không vượt quá 15% so với thiết kế, doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cho phép nhập khẩu, trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc qua cổng dịch vụ công trực tuyến về Bộ Khoa học và Công nghệ để được xem xét, giải quyết.”
Như vậy, khi dây chuyền sản xuất đã quá tuổi sử dụng nhưng để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và đáp ứng điều kiện về công suất, hiệu suất ở trên thì vẫn có thể được phép nhập khẩu.
Khi nhập khẩu dây chuyền sản xuất đã qua sử dụng, cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Dây chuyền sản xuất chưa quá tuổi sử dụng quy định tại khoản 1 Điều 6 Quyết định 18/2019/QĐ-TTg;
- Được sản xuất theo tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 5 Quyết định 18/2019/QĐ-TTg:
+ Phù hợp với quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường;
+ Trường hợp không có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) liên quan đến dây chuyền công nghệ nhập khẩu, thì dây chuyền công nghệ phải được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với chỉ tiêu kỹ thuật của tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc gia của một trong các nước G7, Hàn Quốc về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
- Chỉ nhập khẩu dây chuyền sản xuất phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp tại Việt Nam (khoản 3 Điều 4 Quyết định 18/2019/QĐ-TTg).
Dây chuyền sản xuất đã qua sử dụng sẽ phải được thực hiện giám định trước khi nhập khẩu vào Việt Nam. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Quyết định 18/2019/QĐ-TTg, hồ sơ nhập khẩu dây chuyền sản xuất có bao gồm chứng thư giám định được cấp bởi một tổ chức giám định được chỉ định đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 11 Quyết định 18/2019/QĐ-TTg.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ là đơn vị có kinh nghiệm trong việc tư vấn, thực hiện thủ tục liên quan đến thực hiện Nhập khẩu dây chuyền sản xuất đã qua sử dụng gồm:
- Tiếp nhận thông tin liên quan đến Nhập khẩu dây chuyền sản xuất đã qua sử dụng;
- Hỗ trợ khách hàng chuẩn bị tài liệu hoàn thiện thực hiện thủ tục;
- Soạn thảo, đại diện khách hàng nộp hồ sơ và làm việc với chủ thể có thẩm quyền Nhập khẩu dây chuyền sản xuất đã qua sử dụng;
- Nhận kết quả thủ tục Nhập khẩu dây chuyền sản xuất đã qua sử dụng và bàn giao cho khách hàng.
Trên đây là thông tin giải đáp vướng mắc về Nhập khẩu dây chuyền sản xuất đã qua sử dụng NPLAW gửi đến Quý độc giả. Nếu Quý độc giả có bất kỳ vướng mắc nào liên quan cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với NPLAW theo thông tin liên hệ sau:
Thông tin liên hệ với CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Hotline: 0913449968
Email: legal@nplaw.vn
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn