I. Thực trạng phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Phát triển thị trường trái phiếu là một trong các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn hiện nay. Việc hoàn thiện khuôn khổ chính sách pháp lý về phát hành trái phiếu doanh nghiệp để giúp đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn qua thị trường trái phiếu vẫn đang được tiến hành thông qua việc sửa đổi các quy định pháp luật phù hợp với sự biến động của thị trường kinh tế..
II. Quy định pháp luật về trái phiếu doanh nghiệp
1. Thế nào là trái phiếu doanh nghiệp?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 4 Luật chứng khoán 2019 và khoản 1 Điều 4 Nghị định 153/2020/NĐ-CP, có thể hiểu trái phiếu doanh nghiệp là tài sản, là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành.
2. Khi nào phát hành trái phiếu doanh nghiệp?
Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp phải đảm bảo tuân thủ các điều kiện của pháp luật.
- Căn cứ tại Điều 9 Nghị định 153/2020/NĐ-CP, điều kiện phát hành trái phiếu trong nước như sau:
Đối với chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền doanh nghiệp phải là:
- Công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn theo pháp luật Việt Nam.
- Phải thanh toán đủ tiền gốc và tiền lãi của trái phiếu đã phát hành, thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong thời hạn 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu.
- Đáp ứng các tỷ lệ an toàn
- Có phương án phát hành trái phiếu
- Có báo cáo tài chính tương ứng với năm trước của năm phát hành trái phiếu tiếp theo
- Đối tượng tham gia đợt chào bán là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật chứng khoán.
Đối với chào bán trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không phải là công ty đại chúng thì doanh nghiệp phải là:
- Công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn theo pháp luật Việt Nam.
- Đáp ứng các tỷ lệ an toàn
- Có phương án phát hành trái phiếu
- Có báo cáo tài chính tương ứng với năm trước của năm phát hành trái phiếu tiếp theo
- Đối tượng tham gia đợt chào bán là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật chứng khoán.
Đối với chào bán trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền:
- Doanh nghiệp phát hành là công ty cổ phần.
- Đối tượng tham gia: nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, tối đa là dưới 100 nhà đầu tư chiến lược
- Phải thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu hiện tại;
- Trong trường hợp chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ thì các đợt chào bán trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 06 tháng.
- Trường hợp chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu cần phải đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
- Căn cứ theo quy định tại theo Điều 25 Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về điều kiện chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế như sau:
Đối với trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền:
- Doanh nghiệp phát hành là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam;
- Phương án phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chấp thuận theo quy định;
- Đáp ứng tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành;
- Tuân thủ quy định về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh và pháp luật về quản lý ngoại hối;
- Các điều kiện chào bán theo quy định tại thị trường phát hành.
Đối với trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền:
- Doanh nghiệp phát hành là công ty cổ phần đáp ứng các điều kiện phát hành quy định;
- Việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện quyền kèm theo chứng quyền phải đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật;
- Các đợt chào bán trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền phải cách nhau ít nhất 06 tháng kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán gần nhất.
Như vậy, doanh nghiệp khi thực hiện phát hành trái phiếu cần đáp ứng các điều kiện trên.
3. Các loại trái phiếu doanh nghiệp được phát hành
Hiện nay có nhiều loại trái phiếu được chào bán, việc phân loại trái phiếu dựa trên hình thức phát hành và mục đích phát hành hoặc quyền lợi của trái chủ.
(Hình ảnh: cac-loai-trai-phieu)
- Dựa trên mục đích phát hành hoặc quyền lợi của trái chủ
Theo Điều 4 Nghị định 153/2020/NĐ-CP và Khoản 1 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP, gồm:
- Trái phiếu doanh nghiệp xanh là trái phiếu doanh nghiệp được phát hành để đầu tư cho dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án mang lại lợi ích về môi trường theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường.
- Trái phiếu chuyển đổi là loại hình trái phiếu do công ty cổ phần phát hành, có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của chính doanh nghiệp phát hành theo điều kiện, điều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu.
- Trái phiếu có bảo đảm là loại hình trái phiếu được bảo đảm thanh toán toàn bộ hoặc một phần lãi, gốc bằng tài sản của doanh nghiệp phát hành hoặc tài sản của bên thứ ba theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; hoặc được bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tài chính ở nước ngoài, tổ chức tài chính quốc tế theo quy định của pháp luật.”
- Trái phiếu kèm chứng quyền là loại hình trái phiếu được công ty cổ phần phát hành kèm theo chứng quyền, cho phép người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số cổ phiếu phổ thông của doanh nghiệp phát hành theo điều kiện, điều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu.
- Dựa trên hình thức phát hành:
- Trái phiếu doanh nghiệp chào bán ra công chúng: Là việc chào bán trái phiếu theo một trong các phương thức sau:
- Chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng;
- Chào bán cho từ 100 nhà đầu tư trở lên, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;
- Chào bán cho các nhà đầu tư không xác định.
- Trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ: Là chào bán trái phiếu không thuộc trường hợp chào bán thông qua phương tiện thông tin đại chúng và theo một trong các phương thức sau đây:
- Chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;
- Chỉ chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
III. Một số thắc mắc về trái phiếu doanh nghiệp
1. Các hình thức chào bán trái phiếu doanh nghiệp?
Theo khoản 1 Điều 14 Nghị định 153/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP), Trái phiếu được phát hành theo các phương thức sau:
- Đấu thầu phát hành: là phương thức lựa chọn nhà đầu tư đủ điều kiện trúng thầu mua trái phiếu đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp phát hành.
- Bảo lãnh phát hành: là phương thức bán trái phiếu doanh nghiệp cho nhà đầu tư mua trái phiếu thông qua tổ chức bảo lãnh phát hành hoặc tổ hợp bảo lãnh phát hành.
- Đại lý phát hành: là phương thức doanh nghiệp phát hành ủy quyền cho một tổ chức khác thực hiện bán trái phiếu cho nhà đầu tư mua trái phiếu.
- Bán trực tiếp cho nhà đầu tư trái phiếu đối với doanh nghiệp phát hành là tổ chức tín dụng.
2. Mệnh giá của trái phiếu doanh nghiệp là bao nhiêu?
Theo điểm a khoản 4 Điều 6 Nghị định 153/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP), mệnh giá trái phiếu là một trăm triệu (100.000.000) đồng Việt Nam hoặc bội số của một trăm triệu (100.000.000) đồng Việt Nam. So với quy định trước đây, mệnh giá tối thiểu của trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã tăng gấp 1.000 lần.
3. Khi nào hoán đổi trái phiếu doanh nghiệp?
Căn cứ theo quy định tại Điều 23 Nghị định 153/2020/NĐ-CP, trong thời hạn 10 ngày trước ngày hoán đổi trái phiếu, doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin cho nhà đầu tư sở hữu trái phiếu về việc hoán đổi trái phiếu bao gồm: phương thức tổ chức hoán đổi; điều kiện, điều khoản của việc hoán đổi; khối lượng trái phiếu hoán đổi theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Doanh nghiệp phát hành có được mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn không?
Căn cứ khoản 1 Điều 7 Nghị định 153/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP) thì doanh nghiệp phát hành trái phiếu được mua lại trái phiếu trước hạn.
5. Công ty cổ phần không phải công ty đại chúng có được phép phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không?
Căn cứ Điều 128 Luật Doanh nghiệp 2020 thì công ty cổ phần không phải công ty đại chúng được phép phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
6. Được mua trái phiếu doanh nghiệp khi nào?
Theo khoản 1 Điều 8 Nghị định 153/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP)
- Đối với trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền: đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật chứng khoán.
- Đối với trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu kèm chứng quyền: đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, trong đó số lượng nhà đầu tư chiến lược phải đảm bảo dưới 100 nhà đầu tư.
7. Mua trái phiếu doanh nghiệp không có hợp đồng thì ngân hàng thương mại bị xử phạt vi phạm hành chính thế nào?
Theo khoản 3 Điều 16 Nghị định 88/2019/NĐ-CP (được bổ sung bởi khoản 11 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP) quy định phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi mua trái phiếu doanh nghiệp không có hợp đồng. Và căn cứ điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định này thì mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Theo đó, ngân hàng thương mại mua trái phiếu doanh nghiệp không có hợp đồng thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan trái phiếu doanh nghiệp
Trên đây là thông tin giải đáp vướng mắc về trái phiếu doanh nghiệp mà NPLaw gửi đến Quý độc giả. Nếu Quý độc giả có bất kỳ vướng mắc nào liên quan cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với NPLaw theo thông tin liên hệ sau:
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn