Quy định pháp luật hiện nay về kinh doanh dịch vụ định danh và xác thực điện tử

Trong thời đại công nghệ số hiện nay, các dịch vụ định danh và xác thực điện tử đang ngày càng trở nên quan trọng. Tuy nhiên, để đảm bảo tính hợp pháp và bảo vệ quyền lợi người dùng, các dịch vụ này cần phải tuân thủ những quy định pháp luật nghiêm ngặt. 

Trong bài viết này, NPLAW sẽ phân tích các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến việc kinh doanh dịch vụ định danh và xác thực điện tử tại Việt Nam, giúp các tổ chức, cá nhân nắm rõ các yêu cầu và trách nhiệm khi kinh doanh ở lĩnh vực này.

I. Nhu cầu kinh doanh dịch vụ định danh và xác thực điện tử hiện nay

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số và xu hướng chuyển đổi số trên toàn cầu, nhu cầu về các dịch vụ định danh và xác thực điện tử ngày càng tăng cao. Các dịch vụ này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ an toàn thông tin cá nhân và tài sản trong môi trường trực tuyến, đồng thời hỗ trợ các giao dịch điện tử diễn ra nhanh chóng, minh bạch và an toàn.

Tại Việt Nam, các cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp đang đẩy mạnh việc triển khai các dịch vụ này để nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu gian lận, và nâng cao trải nghiệm của người dùng. 

Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, ngân hàng số và các dịch vụ trực tuyến, nhu cầu về việc xác thực danh tính điện tử càng trở nên thiết yếu hơn bao giờ hết. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các công ty cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử, đồng thời tạo ra thị trường tiềm năng cho các nhà đầu tư trong ngành công nghệ thông tin và an ninh mạng.

II. Các quy định liên quan đến kinh doanh dịch vụ định danh và xác thực điện tử

1. Kinh doanh dịch vụ định danh và xác thực điện tử là gì?

Theo Khoản 3 và khoản 6 Điều 3 Nghị định 69/2024/NĐ-CP, Định danh điện tử là hoạt động đăng ký, đối soát, tạo lập và gắn danh tính điện tử với chủ thể danh tính điện tử. Xác thực điện tử là hoạt động xác thực, xác nhận, khẳng định, chứng nhận, cung cấp danh tính điện tử, tài khoản định danh điện tử hoặc thông tin khác thuộc Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh qua Hệ thống định danh và xác thực điện tử, nền tảng định danh và xác thực điện tử.

Như vậy, có thể hiểu: Kinh doanh dịch vụ định danh và xác thực điện tử là hoạt động cung cấp các dịch vụ liên quan đến việc đăng ký, tạo lập, và gắn kết danh tính điện tử với chủ thể danh tính, đồng thời thực hiện các hoạt động xác thực, xác nhận, và chứng nhận danh tính điện tử, tài khoản định danh điện tử hoặc các thông tin khác liên quan đến cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước, và xuất nhập cảnh.

2. Điều kiện kinh doanh dịch vụ định danh và xác thực điện tử

Theo Điều 22 Nghị định 69/2024/NĐ-CP, dịch vụ xác thực điện tử là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử phải bảo đảm điều kiện quy định tại Điều 23, cụ thể:

  • Điều kiện về tổ chức, doanh nghiệp: Đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp trong Công an nhân dân.
  • Điều kiện về nhân sự: Người đứng đầu tổ chức, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là công dân Việt Nam, thường trú tại Việt Nam; Tổ chức, doanh nghiệp phải có nhân sự có bằng đại học trở lên chuyên ngành an toàn thông tin hoặc công nghệ thông tin hoặc điện tử viễn thông chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ, quản trị hệ thống, vận hành hệ thống, bảo đảm an toàn thông tin của hệ thống.
  • Điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, quy trình quản lý cung cấp dịch vụ và phương án bảo đảm an ninh, trật tự: Tổ chức, doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử phải có Đề án hoạt động cung cấp dịch vụ bao gồm các nội dung sau: Phương án, quy trình hoạt động cung cấp dịch vụ xác thực điện tử bao gồm thuyết minh hệ thống công nghệ thông tin; thuyết minh phương án kỹ thuật về giải pháp công nghệ; phương án lưu trữ, bảo đảm tính toàn vẹn dữ liệu, bảo đảm an ninh an toàn thông tin của hệ thống cung cấp dịch vụ; phương án bảo vệ dữ liệu cá nhân, tổ chức; phương án bảo đảm an ninh, trật tự; phương án phòng cháy và chữa cháy, dự phòng thảm họa và bảo đảm vận hành ổn định, thông suốt dịch vụ xác thực điện tử; trang thiết bị kỹ thuật phải được đặt tại Việt Nam và được kiểm định an ninh an toàn thông tin theo quy định của pháp luật.

3. Thủ tục, hồ sơ mở doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ định danh và xác thực điện tử

Về hồ sơ:

Theo khoản 1 Điều 24 Nghị định 69/2024/NĐ-CP, hồ sơ mở doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ định danh và xác thực điện tử gồm:

  • Tờ khai đề nghị cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử theo mẫu XT01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
  • Đề án và các giấy tờ, tài liệu chứng minh việc đáp ứng điều kiện về nhân sự và điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, quy trình quản lý cung cấp dịch vụ và phương án bảo đảm an ninh, trật tự.

Về thủ tục:

Theo khoản 2 Điều 24 Nghị định 69/2024/NĐ-CP, thủ tục mở doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ định danh và xác thực điện tử gồm:

  • Tổ chức, doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính về Bộ Công an hoặc nộp hồ sơ qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của Bộ Công an;
  • Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Công an có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho tổ chức, doanh nghiệp để bổ sung hồ sơ;
  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Công an có trách nhiệm lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan bằng văn bản;
  • Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ Công an, bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm kiểm tra, thẩm định và có ý kiến trả lời bằng văn bản gửi Bộ Công an;
  • Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Công an thực hiện việc thẩm định, kiểm tra thực tế tại tổ chức, doanh nghiệp và cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử theo mẫu XT03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này cho tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện; trường hợp từ chối phải có thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do.

III. Các thắc mắc thường gặp liên quan đến kinh doanh dịch vụ định danh và xác thực điện tử

1. Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài có được kinh doanh dịch vụ định danh và xác thực điện tử tại Việt Nam không?

Theo Khoản 1 Điều 23 Nghị định 69/2024/NĐ-CP, kinh doanh dịch vụ định danh và xác thực điện tử tại Việt Nam chỉ do Đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp trong Công an nhân dân.

Như vậy, Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài không được kinh doanh dịch vụ định danh và xác thực điện tử tại Việt Nam.

2. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ định danh và xác thực điện tử phải gửi báo cáo hoạt động cho cơ quan quản lý khi nào?

Theo điểm e Khoản 1 Điều 33 Nghị định 69/2024/NĐ-C, tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử phải gửi báo cáo định kỳ 06 tháng, 01 năm về hoạt động xác thực điện tử theo mẫu XT05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này cho cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử hoặc khi cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử có yêu cầu.

3. Kinh doanh dịch vụ định danh và xác thực điện tử có phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện không?

Theo Khoản 1 Điều 22 Nghị định 69/2024/NĐ-CP, dịch vụ xác thực điện tử là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

4. Kinh doanh dịch vụ định danh làm tiết lộ thông tin khách hàng thì bị xử lý như thế nào?

Đối với việc làm lộ thông tin khách hàng là hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng theo quy định tại Điều 46 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 1 Nghị định 24/2025/NĐ-CP. 

Trường hợp vi phạm thuộc một trong các hành vi dưới đây sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng:

  • Không có biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng khi thu thập, lưu trữ, sử dụng hoặc không có biện pháp ngăn ngừa các hành vi vi phạm an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng theo quy định;
  • Chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của người tiêu dùng theo quy định

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan đến kinh doanh dịch vụ định danh và xác thực điện tử

Trên đây là tất cả các thông tin chi tiết mà NPLaw cung cấp để hỗ trợ quý khách hàng liên quan đến kinh doanh dịch vụ định danh và xác thực điện tử.

 Trường hợp Quý Khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề nêu trên hoặc các vấn đề pháp lý khác, hãy liên hệ ngay cho NPLaw để được đội ngũ của chúng tôi trực tiếp tư vấn và hướng dẫn giải quyết.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan
  • THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP DỄ DÀNG HƠN CÙNG NPLAW

    THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP DỄ DÀNG HƠN CÙNG NPLAW

    Mục lục Ẩn I. Tìm hiểu về thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam 1.1 Thành lập doanh nghiệp là gì? 1.2 Loại hình doanh nghiệp 1.3 Lưu ý khi đặt tên doanh nghiệp 1.4 Ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp 1.5 Vốn điều lệ...
    Đọc tiếp
  • KHI NÀO CẦN THAY ĐỔI ĐĂNG KÝ KINH DOANH?

    KHI NÀO CẦN THAY ĐỔI ĐĂNG KÝ KINH DOANH?

    Trong quá trình hoạt động kinh doanh, đôi lúc doanh nghiệp sẽ có nhu cầu thay đổi một số một dung đăng ký doanh nghiệp. Vậy trường hợp nào cần nộp hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp đến cơ quan có thẩm quyền, trường...
    Đọc tiếp
  • Quy định pháp luật về visa doanh nghiệp

    Quy định pháp luật về visa doanh nghiệp

    I. Thực trạng xin visa doanh nghiệp hiện nay Hiện nay, thủ tục xin visa doanh nghiệp tại Việt Nam ngày càng chặt chẽ do các chính sách quản lý xuất nhập cảnh được siết chặt nhằm kiểm soát lao động nước ngoài. Doanh nghiệp bảo lãnh...
    Đọc tiếp
  • Quy định về thành lập trung tâm gia sư

    Quy định về thành lập trung tâm gia sư

    Trong xã hội hiện đại, nhu cầu nâng cao kiến thức và kỹ năng cho học sinh ngày càng tăng cao, dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của các trung tâm gia sư. Tuy nhiên, việc thành lập và hoạt động của các trung tâm này cần tuân thủ các quy...
    Đọc tiếp