Quy định pháp luật liên quan đến nhãn hàng hoá nhập khẩu

Ghi nhãn hàng hóa là một quy định bắt buộc đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam hiện nay. Trong thực tế vẫn có nhiều trường hợp thương nhân bị xử phạt vì nhãn hàng hóa nhập khẩu không đúng quy định. Qua bài viết dưới đây, NPLaw sẽ giúp bạn tìm hiểu thêm một số quy định về nhãn hàng hóa nhập khẩu theo pháp luật hiện hành.

Xuất nhập khẩu hàng hóa là một hoạt động có ý nghĩa lớn đối với nhiều mục tiêu kinh tế của Việt Nam. Để kiểm soát nguồn hàng hóa nhập khẩu vào trong nước, đảm bảo tính hợp pháp, chất lượng và an toàn thì quy định về nhãn hàng hóa nhập khẩu là yếu tố đóng vai trò quan trọng. Việc tuân thủ các quy định này là trách nhiệm của người bán, góp phần đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Pháp luật cũng đã đưa ra quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm về đến nhãn hàng hóa nhập khẩu.

Theo khoản 1 Điều 32 Luật thương mại năm 2005: “1. Nhãn hàng hoá là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá hoặc trên các chất liệu khác được gắn lên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá.

2. Hàng hóa lưu thông trong nước, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải có nhãn hàng hóa, trừ một số trường hợp theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, có thể hiểu nhãn hàng hóa nhập khẩu là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được thể hiện trực tiếp trên hàng hoá, bao bì theo quy định trên hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.

Nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa nhập khẩu?

Theo Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP), nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt khi làm thủ tục thông quan:

  • Tên hàng hóa;
  • Xuất xứ hàng hóa.

Trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này;

  • Tên hoặc tên viết tắt của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài.

Như vậy, có 3 nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định trên.

Về vị trí:

  • Nhãn hàng hóa phải được thể hiện trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa ở vị trí khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa.
  • Trường hợp không được hoặc không thể mở bao bì ngoài thì trên bao bì ngoài phải có nhãn và nhãn phải trình bày đầy đủ nội dung bắt buộc. 

Về ngôn ngữ trình bày:

  • Những nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa lưu thông tại thị trường Việt Nam phải ghi bằng tiếng Việt, trừ hàng hóa xuất khẩu không tiêu thụ trong nước và trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
  • Hàng hóa được sản xuất và lưu thông trong nước, ngoài việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này, nội dung thể hiện trên nhãn có thể được ghi bằng ngôn ngữ khác. Nội dung ghi bằng ngôn ngữ khác phải tương ứng nội dung tiếng Việt. Kích thước chữ được ghi bằng ngôn ngữ khác không được lớn hơn kích thước chữ của nội dung ghi bằng tiếng Việt.
  • Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.
  • Các nội dung theo khoản 4 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP được phép ghi bằng các ngôn ngữ khác có gốc chữ cái La tinh như tên quốc tế hoặc tên khoa học của thuốc dùng cho người; tên và địa chỉ doanh nghiệp nước ngoài có liên quan đến sản xuất hàng hóa.

Các thắc mắc liên quan đến nhãn hàng hóa nhập khẩu

Theo Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP), nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung theo quy định, trong đó bao gồm nội dung về: “Tên hoặc tên viết tắt của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài”.

Như vậy, trên nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam phải có tên hoặc tên viết tắt của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài.

Hiện nay không có quy định về việc đăng ký nhãn hàng hóa. Nhãn hàng hóa là yếu tố bắt buộc phải thể hiện trên một sản phẩm. Việc ghi nhãn hàng hóa là trách nhiệm của chủ thể kinh doanh.

Theo khoản 4 Điều 9 Nghị định 43/2017/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP) về trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa: “Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam phải ghi nhãn theo quy định về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa nhập khẩu tại Nghị định này”.

Như vậy, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam phải ghi nhãn theo quy định và thể hiện các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa nhập khẩu.

 Hàng hóa nhập​​​​​​​ khẩu ghi sai nhãn hàng hóa sẽ bị xử phạt như thế nào?

Khoản 2 Điều 22 Nghị định 128/2020/NĐ-CP, hành vi nhập khẩu hàng hóa có nhãn hàng hóa ghi sai các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa đối với hàng hóa nhập khẩu (trừ trường hợp hàng giả, hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam) thì bị xử phạt như sau:

  • Thấp nhất là Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 5.000.000 đồng; 
  • Cao nhất là phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

Mức phạt tiền nêu trên là đối với tổ chức, mức phạt tiền đối với cá nhân bằng ½ mức phạt tiền đối với tổ chức.

Như vậy, hàng hóa nhập khẩu ghi sai nhãn hàng hóa sẽ bị xử phạt tiền thấp nhất là từ 500.000 đồng và cao nhất là 30.000.000 đồng.

Khoản 2, 3 Điều 15 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định về xuất xứ hàng hóa như sau: 

“2. Xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn thể hiện bằng một trong các cụm từ sau: “sản xuất tại”; “chế tạo tại”; “nước sản xuất”; “xuất xứ”; “sản xuất bởi”; “sản phẩm của” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa.

3. Trường hợp hàng hóa không xác định được xuất xứ theo quy định tại khoản 1 Điều này thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa...”.

Như vậy, hàng hóa nhập khẩu phải ghi tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó mà không được ghi xuất xứ là nơi nhập khẩu lại. Nếu không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định trên.

Với đội ngũ Luật sư, chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm, NPLaw cung cấp các dịch vụ pháp lý liên quan đến kinh doanh thương mại; Tư vấn, giải đáp các vấn đề liên quan đến nhãn hàng hoá nhập khẩu; Tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng trong vụ việc tranh chấp.

Để được tư vấn và hỗ trợ pháp lý, vui lòng liên hệ NPLaw theo thông tin dưới đây:

 


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan