Quy định pháp luật về cho thuê mặt bằng quảng cáo

Hợp đồng thuê mặt bằng quảng cáo là một trong những loại hợp đồng thuê tài sản phổ biến hiện nay. Hiểu rõ về hợp đồng thuê mặt bằng quảng cáo là rất cần thiết để đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của các bên tham gia, tránh rủi ro pháp lý và giúp chiến dịch quảng cáo đạt hiệu quả cao. Hãy cùng NPLaw tìm hiểu trong bài viết dưới đây. 

I. Thực trạng cho thuê mặt bằng quảng cáo hiện nay

1. Cho thuê mặt bằng quảng cáo được hiểu như thế nào?

Hợp đồng cho thuê mặt bằng quảng cáo được xác định là hợp đồng thuê tài sản (Điều 472 Bộ luật Dân sự 2015) và có thể được hiểu là sự thỏa thuận giữa các bên. Theo đó, bên cho thuê giao tài sản là quyền sử dụng mặt bằng, diện tích bề mặt cho bên thuê sử dụng vào mục đích quảng cáo đã cam kết trong nội dung hợp đồng trong một thời hạn do các bên thỏa thuận. Theo hợp đồng thuê mặt bằng đặt biển quảng cáo thì bên có nhu cầu sẽ phải trả một mức phí nhất định theo thỏa thuận cho bên sở hữu vị trí đó.

2. Các hình thức cho thuê mặt bằng quảng cáo phổ biến hiện nay

Xuất phát từ sự đa dạng trong phương thức tiếp thị khách hàng, nhiều hình thức quảng cáo được ra đời nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu tiếp cận sản phẩm, dịch vụ của khách hàng. Vì thế chủ thể quảng cáo có thể lựa chọn nhiều hình thức thuê mặt bằng đặt quảng cáo.

 

Hiện nay, có các hình thức thuê mặt bằng quảng cáo phổ biến như sau:

Thuê trực tiếp từ chủ sở hữu công trình hoặc quyền sử dụng đất là một hình thức phổ biến, giúp doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ các yếu tố như thiết kế, vị trí quảng cáo và đảm bảo quyền sử dụng ổn định, lâu dài. Tuy nhiên, quy trình đàm phán với chủ sở hữu có thể phức tạp.

 

Một lựa chọn khác là thuê lại từ bên thuê trung gian. Với hình thức này, doanh nghiệp thuê qua một bên trung gian (như các công ty quảng cáo lớn), giúp tiếp cận nhanh các vị trí quảng cáo có sẵn. Tuy nhiên, chi phí thuê có thể cao hơn, và doanh nghiệp phải tuân theo một số quy định của bên trung gian về thiết kế và thời gian quảng cáo.

 

Nhiều doanh nghiệp chọn thuê qua các công ty quảng cáo (agency) để đơn giản hóa quy trình. Với hình thức này, agency cung cấp dịch vụ trọn gói từ tìm kiếm, thiết kế, đến bảo trì, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, chi phí có thể cao hơn do bao gồm cả phí dịch vụ của agency, và doanh nghiệp phụ thuộc vào điều kiện của agency.

 

Các vị trí quảng cáo công cộng, như quảng trường, trạm xe buýt, hoặc sân vận động, thường được cho thuê qua đấu giá. Hình thức này giúp tiếp cận lượng công chúng lớn, nhưng chi phí có thể tăng cao do cạnh tranh, và các yêu cầu pháp lý tại vị trí công cộng có thể khắt khe.

 

Với các chiến dịch ngắn hạn hoặc theo mùa, doanh nghiệp có thể lựa chọn thuê mặt bằng quảng cáo ngắn hạn hoặc theo mùa. Hình thức này giúp tiết kiệm chi phí và tăng tính linh hoạt cho quảng cáo ngắn ngày, nhưng không phù hợp nếu doanh nghiệp muốn quảng bá lâu dài.

 

Mỗi hình thức đều có ưu và nhược điểm riêng, và doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng để lựa chọn cách thức phù hợp nhất nhằm tối ưu chi phí và đạt hiệu quả cao cho chiến dịch quảng cáo của mình.

II. Quy định pháp luật về cho thuê mặt bằng quảng cáo

Vì các giao dịch hợp đồng cho thuê mặt bằng quảng cáo được xác lập mỗi ngày với số lượng rất lớn, để bảo đảm tính chất hợp pháp – hợp lý trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh, pháp luật về cho thuê mặt bằng mặt bằng quảng cáo được đặt ra để điều chỉnh hiệu quả hoạt động này. 

1. Cơ sở pháp lý về hoạt động cho thuê mặt bằng quảng cáo

Các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về hoạt động cho thuê mặt bằng quảng cáo hiện nay như sau: 

 

*Văn bản pháp luật điều chỉnh về cho thuê mặt bằng quảng cáo:

Bộ luật Dân sự năm 2015;

Luật Kinh doanh Bất động sản 2023;

Luật Đất đai 2024;

Luật Nhà ở 2023;

Luật Quảng cáo 2012;

Nghị định 181/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng Cáo;

Nghị định 70/2021/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 181/2013/NĐ-CP  của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng Cáo;

Công văn 2310/BVHTTDL-VHCS năm 2013 thực hiện Luật Quảng cáo.

 

* Văn bản pháp luật điều chỉnh về xử lý tranh chấp hợp đồng cho thuê mặt bằng quảng cáo:

Bộ luật Dân sự năm 2015;

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Luật Trọng tài thương mại năm 2010;

Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013;

Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại.

2. Nghĩa vụ của các bên khi thuê và cho thuê mặt bằng quảng cáo 

Để hoạt động kinh doanh cho thuê mặt bằng quảng cáo hiệu quả, hợp đồng cho thuê phải có các quy định về nghĩa vụ của các bên và các bên cần tuân thủ điều khoản được quy định trong quá trình thực hiện hợp đồng.

 

Bên cho thuê phải bảo đảm nghĩa vụ bảo đảm giá trị sử dụng của tài sản thuê tài sản thuê trong tình trạng như đã thỏa thuận, phù hợp với mục đích thuê trong suốt thời gian cho thuê, trường hợp tài sản thuê bị giảm sút giá trị sử dụng mà không do lỗi của bên thuê thì bên thuê có quyền yêu cầu bên cho thuê sửa chữa tài sản, giảm giá thuê hoặc đổi tài sản khác hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Bên cho thuê có nghĩa vụ bảo đảm quyền sử dụng tài sản cho bên thuê ổn định về mặt thời gian thuê và chất lượng tài sản hoặc dịch vụ cho thuê. 

Bên thuê mặt bằng quảng cáo phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Luật Quảng cáo và các văn bản pháp luật khác có liên quan khi kinh doanh dịch vụ quảng cáo. Trong trường hợp bên thuê kinh doanh dịch vụ này không hợp pháp, hợp đồng thuê mặt bằng quảng cáo có nguy cơ dẫn đến bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật. Điều này sẽ gây rủi ro và thiệt hại cho các bên. Vì vậy, bên thuê phải đảm bảo tính hợp pháp của việc kinh doanh dịch vụ quảng cáo khi thuê mặt bằng.

3. Mẫu hợp đồng cho thuê mặt bằng quảng cáo mới nhất hiện nay

Pháp luật không có quy định cụ thể về mẫu hợp đồng cho thuê mặt bằng quảng cáo. Theo đó các bên tự biên soạn hợp đồng dựa theo tính chất hợp đồng cho thuê tài sản có các nội dung cơ bản như: Đối tượng thuê; chủ thể thuê và cho thuê; quyền và nghĩa vụ của các bên; giá thuê; thời hạn thuê; đặt cọc; đơn phương chấm dứt hợp đồng và các điều khoản khác. Khi soạn thảo hợp đồng thuê mặt bằng quảng cáo, bạn cần chú ý đến tính hợp pháp của hợp đồng, đảm bảo rằng hợp đồng tuân thủ tất cả các quy định pháp luật liên quan.

 

III. Giải đáp các câu hỏi liên quan đến cho thuê mặt bằng quảng cáo

1. Các trường hợp chấm dứt trước thời hạn hợp đồng cho thuê mặt bằng quảng cáo

Theo Điều 428 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định một bên tham gia giao dịch dân sự có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và không phải bồi thường khi bên kia vi phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, bên thuê và bên cho thuê có thể thỏa thuận các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nếu các bên cho rằng trong trường hợp đó cần phải chấm dứt hợp đồng thuê mặt bằng. 

Cụ thể, chấm dứt trước thời hạn hợp đồng cho thuê mặt bằng quảng cáo có thể xảy ra trong một số trường hợp sau:

 

- Vi phạm điều khoản hợp đồng: Một trong hai bên vi phạm các điều khoản đã thỏa thuận trong hợp đồng, như không thanh toán đúng hạn, không đảm bảo chất lượng hoặc quy mô quảng cáo theo cam kết, hay sử dụng mặt bằng sai mục đích.

- Do yêu cầu của cơ quan chức năng: Nếu quảng cáo trên mặt bằng vi phạm quy định pháp luật về nội dung hoặc vị trí quảng cáo (ví dụ, quảng cáo sản phẩm cấm hoặc lắp đặt tại vị trí không phù hợp), các cơ quan chức năng có quyền yêu cầu chấm dứt hợp đồng.

- Bất khả kháng: Các sự kiện bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn, hoặc các tình huống khác ngoài tầm kiểm soát khiến việc thực hiện hợp đồng không thể tiếp tục hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các điều kiện hợp đồng.

- Thỏa thuận chung giữa hai bên: Hai bên có thể đồng ý chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nếu đạt được thỏa thuận về việc này, có thể bao gồm điều kiện đền bù hoặc xử lý trách nhiệm còn lại.

- Hết nhu cầu quảng cáo của bên thuê: Bên thuê có thể chấm dứt hợp đồng khi không còn nhu cầu sử dụng mặt bằng quảng cáo, với điều kiện phải báo trước cho bên cho thuê và thỏa thuận về quyền lợi còn lại.

 

Việc chấm dứt hợp đồng này chỉ được xem là hợp pháp nếu thỏa mãn các điều kiện sau:

- Có lý do chấm dứt chính đáng theo một trong các trường hợp trên.

- Thực hiện đúng trình tự thông báo và thương lượng theo hợp đồng, thường bao gồm việc thông báo trước bằng văn bản và thỏa thuận các điều kiện đền bù nếu có.

- Đảm bảo không vi phạm điều cấm pháp luật và tuân thủ các quy định pháp lý về chấm dứt hợp đồng, đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm cho cả hai bên.

2. Khi có tranh chấp cho thuê mặt bằng quảng cáo thì cơ quan nào thực hiện giải quyết

Khi xử lý tranh chấp hợp đồng thuê mặt bằng phát sinh giữa các bên thì phương thức được ưu tiên hàng đầu là thỏa thuận, tự thương lượng với nhau. Dựa trên sự tôn trọng quyền và lợi ích của bên thuê cũng như bên cho thuê.

Trong trường hợp các bên không thống nhất được cách giải quyết tranh chấp thì có thể yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền để được giải quyết theo định của pháp luật. Kết quả của quá trình tố tụng là Tòa án đưa ra bản án có giá trị pháp lý bắt buộc với các bên đương sự. Nếu các bên đương sự không tình nguyện thi hành thì sẽ được bảo đảm thi hành bằng các biện pháp cưỡng chế theo quy định. Giải quyết tranh chấp thuê mặt bằng tại Tòa án phải tuân thủ các thủ tục nghiêm ngặt do Bộ luật tố tụng quy định và có thể sẽ trải qua nhiều giai đoạn xét xử. 

IV. Dịch vụ tư vấn và thực hiện các thủ tục liên quan đến cho thuê mặt bằng quảng cáo

Trên đây là thông tin giải đáp vướng mắc về hợp đồng thuê mặt bằng quảng cáo mà NPLaw gửi đến Quý độc giả. Nếu Quý độc giả có bất kỳ vướng mắc nào liên quan đến thủ tục thực hiện cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với NPLaw theo thông tin liên hệ sau:


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan