Chữ ký số công cộng là một dạng chữ ký điện tử được sử dụng trong hoạt động công cộng trong các giao dịch điện tử nhằm đảm bảo tính xác thực, toàn vẹn và không thể chối bỏ của thông tin. Chữ ký số công cộng được cấp bởi các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (CA) và được pháp luật công nhận. Chữ ký số công cộng giúp xác thực danh tính của người ký và đảm bảo rằng nội dung của tài liệu không bị thay đổi sau khi ký.
I. Tìm hiểu về chữ ký số công cộng
Chữ ký số công cộng là một dạng của chữ ký điện tử, được sử dụng để xác thực danh tính và đảm bảo tính toàn vẹn của thông tin trong các giao dịch trực tuyến. Mỗi chữ ký số là duy nhất và liên kết với một cá nhân hoặc tổ chức, giúp xác minh rằng thông điệp hoặc tài liệu điện tử được ký là hợp pháp và không bị thay đổi trong quá trình truyền tải.
Về mặt pháp lý, chữ ký số công cộng có giá trị tương đương với chữ ký tay truyền thống. Tại Việt Nam, chữ ký số được pháp luật công nhận và bảo vệ, giúp người sử dụng có thể yên tâm khi thực hiện các giao dịch điện tử. Điều này không chỉ giúp tăng cường bảo mật cho các giao dịch mà còn góp phần vào việc giảm thiểu giấy tờ và thúc đẩy môi trường làm việc không giấy tờ.
II. Quy định pháp luật về chữ ký số công cộng
1. Thế nào là chữ ký số công cộng
Theo điểm b khoản 1 Điều 22 Luật Giao dịch điện tử 2023, Chữ ký số công cộng là chữ ký số được sử dụng trong hoạt động công cộng và được bảo đảm bởi chứng thư chữ ký số công cộng.

2. Giá trị pháp lý của chữ ký số công cộng
Căn cứ Điều 23 Luật Giao dịch điện tử 2023 quy định, giá trị pháp lý của chữ ký số công cộng như sau:
- Chữ ký điện tử không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì được thể hiện dưới dạng chữ ký điện tử.
- Trường hợp pháp luật quy định văn bản phải được cơ quan, tổ chức xác nhận thì yêu cầu đó được xem là đáp ứng đối với một thông điệp dữ liệu nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bằng chữ ký điện tử chuyên dùng bảo đảm an toàn hoặc chữ ký số của cơ quan, tổ chức đó.
3. Quy định về Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng
Căn cứ khoản 3 Điều 33 Luật Giao dịch điện tử 2023 quy định về Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng thực hiện các hoạt động sau đây:
- Phát hành chứng thư chữ ký số công cộng để xác nhận và duy trì trạng thái hiệu lực chứng thư chữ ký số công cộng của chủ thể ký thông điệp dữ liệu;

- Thu hồi chứng thư chữ ký số công cộng;
- Kiểm tra hiệu lực chữ ký số công cộng và duy trì trạng thái hiệu lực của chứng thư chữ ký số công cộng; không sử dụng rào cản kỹ thuật, công nghệ để hạn chế việc kiểm tra hiệu lực chữ kỹ số công cộng;
- Cung cấp thông tin cần thiết để chứng thực chữ ký số công cộng;
- Liên thông với tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử quốc gia để bảo đảm cho việc kiểm tra hiệu lực chữ ký số công cộng.
Theo Điều 11 Nghị định 130/2018/NĐ-CP, Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng được cung cấp dịch vụ khi đáp ứng các điều kiện sau:
- Có giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.
- Có chứng thư số do Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia cấp.
4. Quy định khi có vi phạm, khiếu nại, giải quyết tranh chấp chữ ký số công cộng
- Vi phạm và xử lý vi phạm: Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chữ ký số công cộng, cụ thể:
- Vi phạm quy định về an toàn, an ninh trong giao dịch điện tử sử dụng chữ ký số công cộng sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng theo quy định tại Điều 79 Nghị định này.
- Vi phạm các quy định về điều kiện hoạt động sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng theo quy định tại Điều 107 Nghị định này. Ngoài ra còn có các hình phạt bổ sung như Đình chỉ cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số chuyên dùng từ 01 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này; Tước quyền sử dụng Giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng,... từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 3, 4 và 6 Điều này.

- Vi phạm các quy định về quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng theo quy định tại Điều 108 Nghị định này.
- Vi phạm quy định về cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số và chứng thư số sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng theo quy định tại Điều 109 Nghị định này.
- Vi phạm quy định về sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số và chứng thư số sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng theo quy định tại Điều 110 Nghị định này.
- Vi phạm quy định về phí, lệ phí sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng theo quy định tại Điều 112 Nghị định này. Ngoài ra còn có các hình phạt bổ sung như Đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng từ 01 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này; Tước quyền sử dụng giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng từ 8 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.
- Khiếu nại: Căn cứ Điều 7 Luật Khiếu nại 2011 quy định,
- Người sử dụng chữ ký số công cộng có quyền khiếu nại nếu họ cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm. Khiếu nại có thể được thực hiện bằng văn bản hoặc trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền.
- Quy trình giải quyết khiếu nại bao gồm việc tiếp nhận, thẩm tra, và ra quyết định giải quyết khiếu nại. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu, người khiếu nại có thể tiếp tục khiếu nại lên cấp cao hơn.
- Giải quyết tranh chấp: Tranh chấp liên quan đến chữ ký số công cộng có thể được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải, hoặc đưa ra tòa án có thẩm quyền.
III. Một số thắc mắc về chữ ký số công cộng
1. Giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng bị tạm đình chỉ thì có được tiếp tục cấp chứng thư số mới cho thuê bao không
Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 17 Nghị định 130/2018/NĐ-CP, Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng phải tạm dừng cấp chứng thư số mới cho thuê bao thuộc một trong các trường hợp sau: Giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng bị tạm đình chỉ theo khoản 1 Điều này;
Căn cứ điểm d khoản 5 Điều 109 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Không tạm dừng việc cấp chứng thư số mới khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo đó, khi giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng bị tạm đình chỉ thì không được tiếp tục cấp chứng thư số mới cho thuê bao. Trường hợp vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng theo quy định nêu trên.
2. Hiện nay, cơ quan nào cấp chữ ký số công cộng
Danh sách một số đơn vị cung cấp chữ ký số công cộng hiện nay như sau:
- VNPT-CA
- CA2
- Bkav-CA
- Viettel-CA
- FPT-CA
- Newtel-CA…
IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan chữ ký số công cộng
Trên đây là thông tin giải đáp vướng mắc về chữ ký số công cộng mà NPLaw gửi đến Quý độc giả. Nếu Quý độc giả có bất kỳ vướng mắc nào liên quan đến thủ tục thực hiện cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với NPLaw theo thông tin liên hệ sau:
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn