QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ CHỦ TỌA CUỘC HỌP

I. Vai trò của chủ tọa cuộc họp

Chủ tọa cuộc họp trong công ty là người giữ vai trò điều khiển cuộc họp, giúp cuộc họp diễn ra có trật tự, đúng theo chương trình đã được thông qua và phản ánh mong muốn của đa số người dự họp. Chủ tọa đóng một vai trò quan trọng trong mỗi kỳ họp của Công ty và tùy theo tính chất cuộc họp mà quyền và nghĩa vụ của chủ tọa sẽ khác nhau. Hãy cùng NPLaw tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

II. Quy định pháp luật về chủ tọa cuộc họp

1. Chủ tọa cuộc họp là gì?

Pháp luật hiện hành không có quy định về chủ tọa cuộc họp, tuy nhiên dựa trên các quy định pháp luật doanh nghiệp liên quan, chúng ta có thể hiểu chủ tọa là người đứng ra để điều khiển các cuộc họp về các vấn đề liên quan đến việc quản lý và hoạt động của công ty.

Chủ tọa có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết và hợp lý để điều khiển cuộc họp một cách có trật tự, đúng theo chương trình đã được thông qua và phản ánh được mong muốn của đa số người dự họp.

2. Chủ tọa cuộc họp đội đồng quản trị là ai?

Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 156 Luật Doanh nghiệp 2020 thì chủ tọa trong cuộc họp hội đồng quản trị là Chủ tịch hội đồng quản trị.

3. Chủ tọa cuộc họp Hội đồng quản trị không ký vào biên bản họp thì biên bản có hiệu lực hay không?

Căn cứ khoản 2 Điều 158 Luật Doanh nghiệp 2020 (sửa đổi bởi khoản 6 Điều 7 Luật sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự 2022) có quy định như sau:

Trường hợp chủ tọa của cuộc họp Hội đồng quản trị từ chối ký vào biên bản họp mà được tất cả thành viên khác của Hội đồng quản trị tham dự đồng ý thông qua biên bản họp ký và có đầy đủ nội dung biên bản theo quy định thì biên bản họp vẫn có hiệu lực.

Biên bản họp ghi rõ lý do chủ tọa từ chối ký biên bản họp. Người ký biên bản họp chịu trách nhiệm liên đới về tính chính xác và trung thực của nội dung biên bản họp Hội đồng quản trị.

Chủ tọa chịu trách nhiệm cá nhân về thiệt hại xảy ra đối với công ty đại chúng do từ chối ký biên bản họp theo quy định của Luật này, Điều lệ công ty và pháp luật có liên quan.

III. Giải đáp một số câu hỏi về chủ tọa cuộc họp

1. Việc bầu chủ tọa cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành trong khoảng thời gian nào tại cuộc họp?

Căn cứ tại khoản 2 Điều 146 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định trong trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì việc bầu chủ tọa của cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được hiện ngay sau khi khai mạc cuộc họp Đại hội đồng cổ đông.

2. Chủ tịch Hội đồng quản trị có được quyền làm Chủ tọa cuộc họp Đại hội đồng cổ đông hay không?

Theo điểm đ khoản 3 Điều 156 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng quản trị, theo đó Chủ tịch Hội đồng quản trị có quyền làm Chủ tọa cuộc họp Đại hội đồng cổ đông.

3. Việc bầu chủ tọa cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được thực hiện theo quy trình như thế nào?

Theo khoản 2 Điều 146 Luật Doanh nghiệp 2020, Chủ tọa cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được thực hiện theo quy trình như sau:

Đối với cuộc họp Đại hội đồng cổ đông do hội đồng quản trị triệu tập: 

  • Chủ tịch HĐQT làm chủ tọa hoặc ủy quyền thành viên HĐQT khác làm chủ tọa cuộc họp;
  • Nếu chủ tịch vắng mặt hoặc tạm thời không có khả năng làm việc thì các thành viên còn lại trong HĐQT bầu ra 1 trong số họ để làm chủ tọa theo nguyên tắc đa số; 
  • Nếu không bầu được người làm chủ tọa thì đại hội đồng cổ đông sẽ bầu chủ tọa cuộc họp và chủ tọa sẽ là người có phiếu bầu cao nhất.

Trừ trường hợp cuộc họp do hội đồng quản trị triệu tập ở trên, người ký tên triệu tập họp đại hội đồng cổ đông điều hành mục đích để đại hội đồng cổ đông bầu chủ tọa cuộc họp và chủ tọa là người có số phiếu bầu cao nhất.

4. Chủ tọa cuộc họp Đại hội đồng cổ đông có thể cử tối đa bao nhiêu thư ký cuộc họp Đại hội đồng cổ đông?

Căn cứ tại điểm c khoản 2 Điều 146 Luật Doanh nghiệp 2020 có thể thấy rằng, pháp luật không quy định số lượng thư ký cuộc họp Đại hội đồng cổ đông tối đa mà chỉ quy định rằng Chủ tọa có thể cử một hoặc một số người làm Thư ký cuộc họp.

Như vậy, tùy thuộc vào tình hình thực tế, Chủ tọa cuộc họp Đại hội đồng cổ đông có thể cử nhiều hơn 02 thư ký cuộc họp Đại hội đồng cổ đông.

5. Kết quả kiểm phiếu được Chủ tọa cuộc họp Đại hội đồng cổ đông công bố khi nào theo quy định của pháp luật?

Căn cứ tại khoản 5 Điều 146 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định kết quả kiểm phiếu được Chủ tọa cuộc họp Đại hội đồng cổ đông công bố ngay trước khi bế mạc cuộc họp, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.

6. Chủ tịch Hội đồng quản trị có ủy quyền cho Phó Chủ tịch làm chủ tọa cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được không?

Theo Điều 146 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định trong trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì Chủ tịch Hội đồng quản trị làm chủ tọa hoặc ủy quyền cho thành viên Hội đồng quản trị khác làm chủ tọa cuộc họp Đại hội đồng cổ đông do Hội đồng quản trị triệu tập. Do đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể ủy quyền cho Phó chủ tịch làm chủ tọa được.

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý về chủ tọa cuộc họp

Trên đây là thông tin giải đáp vướng mắc về chủ tọa cuộc họp mà NPLaw gửi đến Quý độc giả. Nếu Quý độc giả có bất kỳ vướng mắc nào liên quan cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với NPLaw theo thông tin liên hệ sau:


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan