Quy định pháp luật về cổ đông sáng lập

Công ty cổ phần là một doanh nghiệp có tư cách pháp nhân. Vốn điều lệ của công ty cổ phần được chia thành các phần bằng nhau được gọi là cổ phần. Người sở hữu cổ phần gọi là cổ đông, cổ đông có thể là cá nhân hoặc tổ chức. 

Vậy cổ đông sáng lập trong công ty cổ phần là gì? Sau đây, NPLAW sẽ tư vấn những vấn đề pháp lý liên quan đến cổ đông sáng lập. 

I. Tìm hiểu về cổ đông sáng lập

Luật doanh nghiệp 2020 chia cổ đông thành 3 loại chính tương ứng với các loại cổ phần hiện nay bao gồm: Cổ đông sáng lập, cổ đông phổ thông và cổ đông ưu đãi. Trong đó, cổ đông sáng lập là cổ đông sở hữu ít một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần. Nói cách khác, cổ đông sáng lập chính là người ban đầu đứng ra góp vốn thành lập công ty cổ phần, sở hữu những cổ phần phổ thông đầu tiên trong công ty cổ phần.

Công ty cổ phần mới thành lập phải có ít nhất 03 cổ đông sáng lập. Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp.

II. Quy định pháp luật về cổ đông sáng lập

1. Thế nào là cổ đông sáng lập

Khái niệm thế nào là cổ đông sáng lập được quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020 và theo Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, theo đó cổ đông sáng lập là người góp cổ phần, tham gia xây dựng, thông qua và ký tên vào bản Điều lệ đầu tiên của Công ty cổ phần.

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020:

"4. Cổ đông sáng lập là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần."

Đồng thời theo khoản 1 Điều 57 Nghị định 01 quy định:

“Điều 57. Thông báo thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập công ty cổ phần chưa niêm yết

1. Cổ đông sáng lập quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Doanh nghiệp là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong Danh sách cổ đông sáng lập nộp cho Phòng Đăng ký kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp.”

Như vậy, một cổ đông được coi là cổ đông sáng lập khi khỏa mãn 02 điều kiện:

  • Thứ nhất, cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông;
  • Thứ hai, được kê khai và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập được nộp cho Phòng đăng ký kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp.

2. Quyền của cổ đông sáng lập

Cổ đông sáng lập là người sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông. Nên cũng có các quyền giống cổ đông phổ thông.

Tuy nhiên, cổ đông sáng lập cũng có các quyền riêng. Cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết. Theo Điều 116 Luật Doanh nghiệp thì cổ phần ưu đãi biểu quyết là cổ phần phổ thông có nhiều hơn phiếu biểu quyết so với cổ phần phổ thông khác; số phiếu biểu quyết của một cổ phần ưu đãi biểu quyết do Điều lệ công ty quy định.Như vậy, cổ đông sáng lập có số phiếu biểu quyết cao hơn so với các cổ đông phổ thông khác. Theo đó, cổ đông sáng lập nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết có các quyền như sau:

 

Thứ nhất, biểu quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông;

Thứ hai, các quyền khác như cổ đông phổ thông, trừ việc chuyển nhượng cổ phiếu đó cho người khác.

3. Điều kiện để trở thành cổ đông sáng lập?

Cổ đông sáng lập quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Doanh nghiệp là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong Danh sách cổ đông sáng lập nộp cho Phòng Đăng ký kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Như vậy, một cổ đông được coi là cổ đông sáng lập khi khỏa mãn các điều kiện:

  • Số lượng cổ phần tối thiểu để trở thành cổ đông sáng lập là một cổ phần phổ thông.
  • Phải ký tên trong Danh sách cổ đông sáng lập nộp cho Phòng Đăng ký kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Ngoài ra, Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020 còn quy định công ty cổ phần mới thành lập phải có ít nhất 03 cổ đông sáng lập. Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán khi đăng ký thành lập doanh nghiệp. 

III. Một số thắc mắc về cổ đông sáng lập

1. Các trường hợp chấm dứt tư cách cổ đông sáng lập

Theo Điều 120 Luật Doanh nghiệp năm 2020, các trường hợp chấm dứt tư cách cổ đông sáng lập, gồm:

  • Thứ nhất, trường hợp cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (trừ trường hợp có quy định khác) thì đương nhiên sẽ mất tư cách là thành viên của công ty, và cũng không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác.
  • Thứ hai, Chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác: việc chuyển nhượng cổ phần có thể bị hạn chế trong một số trường hợp nhất định. Hoặc Công ty mua lại cổ phần của cổ đông:
  • Thứ ba, Cổ đông là cá nhân chết, là tổ chức bị giải thể, phá sản. Hậu quả pháp lý của các trường hợp này đều làm cho cá nhân hoặc pháp nhân đó không còn là cổ đông của CTCP.
  • Thứ tư, Tặng cho cổ phần cho người khác hoặc Dùng cổ phần để trả nợ cho người khác. Bản chất của việc tặng cho cổ phần hay dùng cổ phần để trả nợ chỉnh là đổi chủ sở hữu đối với số cổ phần đó. Và đương nhiên, người tặng cho và người dùng cổ phần để trả nợ sẽ không còn là chủ sở hữu của số cổ phần đó. Hay nói cách khác, họ cũng không còn tư cách thành viên của CTCP.

2. Cổ đông sáng lập chuyển nhượng cổ phần có cần ưu tiên chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác trước không?

Việc chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập được quy định tại khoản 3 Điều 120 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:

“Cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập

...

3. Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông sáng lập dự định chuyển nhượng cổ phần phổ thông thì không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng cổ phần đó.”

Theo quy định trên, trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác.

Trường hợp cổ đông sáng lập muốn chuyển nhượng cổ phần của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập thì phải được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.

Khi đã có sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông thì cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cổ phần của mình, không cần ưu tiên chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác trước.

3. Cổ đông sáng lập có được mua cổ phần ưu đãi không

Theo khoản 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định cổ phần ưu đãi bao gồm những loại sau đây:

"Điều 114. Các loại cổ phần

1. Công ty cổ phần phải có cổ phần phổ thông. Người sở hữu cổ phần phổ thông là cổ đông phổ thông.

2. Ngoài cổ phần phổ thông, công ty cổ phần có thể có cổ phần ưu đãi. Người sở hữu cổ phần ưu đãi gọi là cổ đông ưu đãi. Cổ phần ưu đãi gồm các loại sau đây:

a) Cổ phần ưu đãi cổ tức;

b) Cổ phần ưu đãi hoàn lại;

c) Cổ phần ưu đãi biểu quyết;

d) Cổ phần ưu đãi khác theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật về chứng khoán.

3. Người được quyền mua cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại và cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định hoặc do Đại hội đồng cổ đông quyết định."

Như vậy, cổ đông sáng lập có được mua cổ phần ưu đãi không phụ thuộc vào quy định trong Điều lệ công ty quy định hoặc do Đại hội đồng cổ đông quyết định.

4. Cổ đông sáng lập có cần phải ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần theo quy định pháp luật hay không?

Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:

“Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

...

4. Cổ đông sáng lập là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần.”

Theo đó, theo quy định hiện nay thì cổ đông sáng lập là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và phải ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần.

5. Cổ đông sáng lập có là thành viên trong công ty cổ phần hay không?

Cổ đông sáng lập là cổ đông sở hữu ít nhất 01 cổ phần phổ thông và ký tên trong danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần (theo khoản 4 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020). Do đó, đây được xác định là thành viên trong công ty cổ phần.

6. Việc bán lại cổ phần của cổ đông sáng lập khi công ty mới thành lập như thế nào?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 120 Luật doanh nghiệp 2020 quy định về cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập như sau: “Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông”.

Như vậy, khi công ty mới được thành lập, cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác. Nếu chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập thì phải được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan cổ đông sáng lập

Trên đây là tất cả các thông tin chi tiết mà NPLaw của chúng tôi cung cấp để hỗ trợ quý khách hàng về vấn đề cổ đông sáng lập. Trường hợp Quý Khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề nêu trên hoặc các vấn đề pháp lý khác thì hãy liên hệ ngay cho NPLaw để được đội ngũ chúng tôi trực tiếp tư vấn và hướng dẫn giải quyết.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan