Quy định pháp luật về đấu thầu quốc tế

Xuất phát từ sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp đang dần mở rộng quy mô cạnh tranh quốc tế. Đó là nguyên nhân tất yếu để ra đời lĩnh vực “Đấu thầu quốc tế”, nơi các nhà thầu cạnh tranh lành mạnh trong phạm vi quốc tế. Để điều tiết sự cạnh tranh lành mạnh, các quy định liên quan đến đấu thầu quốc tế đã được ban hành để đáp ứng nhu cầu quản lý và thúc đẩy sự phát triển.

Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải hiểu biết rõ về đấu thầu quốc tế, bằng cách có những hiểu biết các quy định về đấu thầu quốc tế để tham gia vào quá trình đấu thầu một cách hiệu quả, công bằng, lành mạnh và minh bạch.

I. Thực trạng liên quan đến đấu thầu quốc tế

Bản chất của hành vi đấu thầu là một hình thức cạnh tranh văn minh trong nền kinh tế thị trường phát triển, bởi thông qua hoạt động này, những nhà thầu đáp ứng các yêu cầu kinh tế kỹ thuật và chi phí của chủ đầu tư sẽ được lựa chọn. Cùng với sự mở rộng nền kinh tế đến với thị trường, đấu thầu không còn gò bó trong môi trường nội địa mà được mở rộng hơn đến thị trường quốc tế, cho phép các nhà thầu nước ngoài tham gia đấu thầu. Chính vì vậy, các quy định pháp luật về đấu thầu quốc tế ra đời và tồn tại với mục tiêu nhằm thực hiện tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch đó.

II. Các quy định liên quan đến đấu thầu quốc tế 

1. Đấu thầu quốc tế là gì?

Căn cứ khoản 10, Điều 4 Luật Đấu thầu 2023, đấu thầu quốc tế được định nghĩa là hoạt động đấu thầu mà nhà thầu, nhà đầu tư trong nước, nước ngoài được tham dự thầu. 

Đấu thầu quốc tế được áp dụng trong các trường hợp sau:

  • Đối với gói thầu mà không có nhà thầu trong nước nào đáp ứng các yêu cầu của gói thầu.
  • Đối với các dự án sử dụng vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế hoặc của nước ngoài có quy định trong Điều ước là phải đấu thầu quốc tế.

Khác với đấu thầu trong nước là chỉ nhà thầu, nhà đầu tư trong nước được tham dự mà nhà thầu nước ngoài cũng tham dự. Đây là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết, thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, lựa chọn nhà đầu tư để ký kết, thực hiện hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình.

2. Điều kiện tổ chức đấu thầu quốc tế 

Chúng ta cùng tìm hiểu điều kiện nào để phải đấu thầu quốc tế, cụ thể theo Điều 11 Luật Đấu thầu 2023 thì có 01 trong 04 điều kiện để thực hiện gói thầu theo hình thức đấu thầu quốc tế đó là:

  • Nhà tài trợ vốn cho dự án, gói thầu có yêu cầu tổ chức đấu thầu quốc tế trong điều ước quốc tế, thỏa thuận vay;
  • Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp, hỗn hợp mà nhà thầu trong nước không có khả năng đáp ứng yêu cầu thực hiện gói thầu hoặc gói thầu được sơ tuyển, mời quan tâm hoặc đấu thầu rộng rãi trong nước trước đó nhưng không có nhà thầu tham gia;
  • Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn mà người có thẩm quyền xét thấy cần có sự tham gia của nhà thầu nước ngoài để nâng cao chất lượng của gói thầu, dự án; người có thẩm quyền chịu trách nhiệm về quyết định tổ chức đấu thầu quốc tế;
  • Gói thầu mua sắm hàng hóa mà hàng hóa đó trong nước không sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng không đáp ứng một trong các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, giá. Trường hợp hàng hóa thông dụng đã được nhập khẩu và chào bán tại Việt Nam thì không tổ chức đấu thầu quốc tế.

3. Các lưu ý đối với đấu thầu quốc tế 

Ngoài các trường hợp pháp luật cho phép tổ chức đấu thầu quốc tế đã nêu ở trên thì cần lưu ý các trường hợp không được tổ chức đấu thầu quốc tế. Đối với việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thì cần lưu ý những trường hợp sau không được tổ chức đấu thầu quốc tế:

  • Dự án thuộc danh mục ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư; 
  • Dự án cần thực hiện đấu thầu trong nước do yêu cầu về bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội;
  • Dự án thực hiện tại khu vực hạn chế sử dụng đất, khu vực biển hạn chế sử dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan; 
  • Dự án có tổng vốn đầu tư dưới 800 tỷ đồng;
  • Dự án không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này đã công bố và thông báo mời quan tâm hoặc đã tổ chức đấu thầu quốc tế nhưng không có nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

Bên cạnh các trường hợp được quy định ở trên thì cần lưu ý chỉ khi nhà thầu Việt Nam không thể thực hiện được gói thầu thì mới tổ chức đấu thầu quốc tế.

III. Các thắc mắc liên quan đấu thầu quốc tế 

1. Đối với đấu thầu quốc tế thì có bắt buộc sử dụng ngôn ngữ là tiếng Anh không?

Ngôn ngữ sử dụng trong đấu thầu quốc tế được quy định tại khoản 1, Điều 12 Luật Đấu thầu 2023. Theo đó, luật pháp quy định khi đấu thầu quốc tế thì ngôn ngữ sử dụng trong đấu thầu là tiếng Anh hoặc tiếng Việt và tiếng Anh không được phép dùng ngôn ngữ khác.

Trường hợp ngôn ngữ sử dụng trong hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu là tiếng Việt và tiếng Anh thì nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn tiếng Việt hoặc tiếng Anh để tham dự thầu. 

Do đó, không hoàn toàn bắt buộc phải sử dụng tiếng Anh trong đấu thầu quốc tế theo quy định trên.

2. Nhà thầu trong nước tham dự đấu thầu quốc tế với tư cách độc lập thì có được hưởng ưu đãi không?

Nhà thầu trong nước tham dự đấu thầu quốc tế với tư cách độc lập thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi lựa chọn nhà thầu, được quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 10 Luật Đấu thầu 2023. 

Cụ thể, nhà thầu trong nước khi tham dự gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp, hỗn hợp tổ chức đấu thầu quốc tế với tư cách độc lập thì có thể hưởng một trong những ưu đãi sau:

  • Cộng thêm điểm vào điểm đánh giá của nhà thầu thuộc đối tượng được ưu đãi đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá cố định, dựa trên kỹ thuật, kết hợp giữa kỹ thuật và giá để so sánh, xếp hạng.
  • Cộng thêm số tiền vào giá dự thầu hoặc vào giá đánh giá của nhà thầu không thuộc đối tượng được ưu đãi đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất hoặc phương pháp giá đánh giá để so sánh, xếp hạng.

3. Ưu đãi đấu thầu quốc tế đối với gói thầu dịch vụ tư vấn gồm những gì?

Căn cứ vào khoản 1, Điều 6 Nghị định 24/2024/NĐ-CP thì ưu đãi đấu thầu quốc tế đối với gói thầu dịch vụ tư vấn được quy định như sau:

  • Trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất: nhà thầu không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi phải cộng thêm một khoản tiền bằng 7,5% giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) vào giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) của nhà thầu đó để so sánh, xếp hạng;
  • Trường hợp áp dụng phương pháp dựa trên kỹ thuật: nhà thầu thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi được cộng thêm 7,5% điểm kỹ thuật của nhà thầu vào điểm kỹ thuật của nhà thầu đó để so sánh, xếp hạng;
  • Trường hợp áp dụng phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá: nhà thầu thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi được cộng thêm 7,5% điểm tổng hợp của nhà thầu vào điểm tổng hợp của nhà thầu đó để so sánh, xếp hạng.

Theo đó, khi thực hiện đấu thầu quốc tế thì những gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn sẽ áp dụng ưu đãi theo quy định trên.

4. Trường hợp nào việc tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư không được thực hiện?

Căn cứ theo khoản 2, Điều 11 Luật Đấu thầu 2023, có 05 trường hợp không được tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn nhà thầu bao gồm:

  • Dự án thuộc danh mục ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư;
  • Dự án cần thực hiện đấu thầu trong nước do yêu cầu về bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội;
  • Dự án thực hiện tại khu vực hạn chế sử dụng đất, khu vực biển hạn chế sử dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan;
  • Dự án có tổng vốn đầu tư dưới 800 tỷ đồng;
  • Dự án không thuộc các trường hợp trên và đã công bố, thông báo mời quan tâm tổ chức đấu thầu quốc tế nhưng không có nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

5. Có buộc thực hiện đấu thầu quốc tế khi sử dụng nguồn vốn nước ngoài?

Căn cứ Khoản 1, Điều 11 Luật Đấu thầu 2023 về đấu thầu quốc tế quy định, đối với các gói thầu có nhà tài trợ vốn cho gói thầu có yêu cầu tổ chức đấu thầu quốc tế hoặc gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, xây lắp, hỗn hợp mà nhà thầu trong nước không có khả năng đáp ứng yêu cầu thực hiện gói thầu thì gói thầu mà doanh nghiệp tham gia đấu thầu mới thực hiện đấu thầu quốc tế.

Vì vậy, với trường hợp nhà tài trợ vốn gói thầu có yêu cầu tổ chức đấu thầu quốc tế thì mới cần thực hiện đấu thầu quốc tế. Trong trường hợp nhà tài trợ vốn không có yêu cầu thực hiện đấu thầu quốc tế mà các đơn vị trong nước có thể đáp ứng được các yêu cầu thì không phải thực hiện đấu thầu quốc tế.

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan đấu thầu quốc tế

Trên đây là thông tin giải đáp vướng mắc về đấu thầu quốc tế mà NPLaw gửi đến Quý độc giả. Nếu Quý độc giả có bất kỳ vướng mắc nào liên quan đến thủ tục cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với NPLaw theo thông tin liên hệ sau:


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan