Trong thời đại số thì dịch vụ công nghệ thông tin ngày càng quan trọng trong cuộc sống hàng ngày. Sự phát triển của thiết bị thông minh và dịch vụ trực tuyến đã hình thành lĩnh vực này. Để quản lý và phát triển, các quy định pháp luật đã được ban hành nhằm hỗ trợ người dùng tìm hiểu và sử dụng dịch vụ một cách an toàn và hiệu quả. Vậy pháp luật quy định về dịch vụ công nghệ thông tin như thế nào? Hãy cùng NPLaw tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Tại khoản 1 Điều 4 Luật Công nghệ thông tin 2006 có quy định công nghệ thông tin được hiểu là tập hợp các phương pháp khoa học, công nghệ và công cụ kỹ thuật hiện đại để sản xuất, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông tin số.
Trên thực tế dịch vụ công nghệ thông tin là dịch vụ cung cấp kỹ sư kỹ thuật IT xử lý các vấn đề liên quan đến công nghệ thông tin như:
Dịch vụ công nghệ thông tin là các hoạt động, giải pháp và hỗ trợ liên quan đến việc sử dụng, phát triển và quản lý công nghệ thông tin nhằm đáp ứng nhu cầu của tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong mọi lĩnh vực. Dịch vụ công nghệ thông tin không chỉ bao gồm việc cung cấp các công cụ và phần mềm mà còn bao gồm các hoạt động tư vấn, triển khai, bảo trì, an ninh thông tin, quản lý hệ thống, và hỗ trợ người dùng để đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin hoạt động ổn định, hiệu quả.
Tại Điều 52 Luật Công nghệ thông tin 2006 có quy định dịch vụ công nghệ thông tin bao gồm các loại hình sau:
- Điều tra, khảo sát, nghiên cứu thị trường về công nghệ thông tin;
- Tư vấn, phân tích, lập kế hoạch, phân loại, thiết kế trong lĩnh vực công nghệ thông tin;
- Tích hợp hệ thống, chạy thử, dịch vụ quản lý ứng dụng, cập nhật, bảo mật;
- Thiết kế, lưu trữ, duy trì trang thông tin điện tử;
- Bảo hành, bảo trì, bảo đảm an toàn mạng và thông tin;
- Cập nhật, tìm kiếm, lưu trữ, xử lý dữ liệu và khai thác cơ sở dữ liệu;
- Phân phối sản phẩm công nghệ thông tin;
- Đào tạo công nghệ thông tin;
- Chứng thực chữ ký điện tử;
- Dịch vụ khác.
Việc phân loại các dịch vụ công nghệ thông tin giúp các doanh nghiệp không chỉ có định hướng rõ ràng để triển khai hoạt động kinh doanh mà còn lựa chọn được loại dịch vụ phù hợp với chiến lược kinh doanh.
Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin trong kỷ nguyên 4.0 đã thúc đẩy việc thành lập ngày càng nhiều công ty cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin. Hiện chưa có quy định riêng cho việc này, ngoại trừ doanh nghiệp đăng ký ngành nghề có điều kiện. Các công ty thông thường chỉ cần đáp ứng yêu cầu về vốn điều lệ, đăng ký trụ sở chính và tên công ty. Dưới đây là các điều kiện cần thiết để thành lập công ty dịch vụ công nghệ thông tin:
Điều kiện sở hữu
Điều kiện chủ sở hữu công ty công nghệ thông tin được quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020. Tổ chức, cá nhân tham gia thành lập doanh nghiệp phải có năng lực hành vi và quyền công dân đầy đủ. Tổ chức phải có tư cách pháp nhân, trong khi cá nhân không được Tòa án tuyên bố mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự. Chủ sở hữu cũng không thuộc các đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp theo Điều 17.
Luật Doanh nghiệp 2020 quy định 4 loại hình doanh nghiệp: Công ty tư nhân, Công ty hợp danh, Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên hoặc hai thành viên trở lên, và Công ty cổ phần. Chủ sở hữu công ty tư nhân và công ty hợp danh chỉ có thể là cá nhân, trong khi công ty TNHH và công ty cổ phần có thể có chủ sở hữu là cá nhân hoặc tổ chức.
Điều kiện về tên công ty
Tên công ty trong lĩnh vực công nghệ thông tin có thể được đặt bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài. Trong trường hợp tên công ty sử dụng tiếng nước ngoài, tên này phải được in hoặc viết với cỡ chữ nhỏ hơn so với tên tiếng Việt tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, cũng như trên các trang thông tin điện tử, giấy tờ giao dịch, tài liệu và ấn phẩm do công ty phát hành.
Đồng thời, tên công ty không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của các doanh nghiệp khác đã được đăng ký trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Để tuân thủ các quy định pháp luật, tên công ty cần có ít nhất hai thành phần: loại hình doanh nghiệp và tên riêng.
Điều kiện đặt trụ sở chính
Công ty công nghệ thông tin có trụ sở tại Việt Nam phải có địa chỉ kinh doanh hợp pháp, có thể là tài sản của doanh nghiệp hoặc được thuê, mượn, kèm theo giấy tờ xác minh. Địa chỉ cần rõ ràng, bao gồm số nhà, ngách, hẻm, đường phố, xã, phường, huyện, thành phố và tỉnh. Công ty nên cung cấp thêm thông tin liên lạc như số điện thoại, fax và email (nếu có).
Nếu trụ sở đặt tại chung cư, tòa nhà phải có chức năng kinh doanh. Đối với các địa chỉ khác, chỉ cần ghi rõ địa chỉ và tuân thủ quy định pháp luật để đảm bảo lựa chọn hợp pháp cho trụ sở công ty.
Điều kiện về vốn
Để thành lập và duy trì hoạt động, công ty công nghệ thông tin cần đảm bảo điều kiện về vốn. Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản mà các thành viên hoặc cổ đông góp khi thành lập, bao gồm tiền và tài sản phục vụ hoạt động kinh doanh.
Vốn điều lệ cần phù hợp với thực tế; nếu đăng ký quá thấp, công ty có thể gặp khó khăn tài chính và mất niềm tin từ khách hàng. Nếu pháp luật yêu cầu vốn pháp định, vốn điều lệ phải tối thiểu bằng mức đó. Ngược lại, nếu không có quy định về vốn pháp định, công ty có thể tự do lựa chọn mức vốn điều lệ.
Điều kiện về con dấu
Theo quy định tại Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty công nghệ thông tin có thể sử dụng hai hình thức con dấu:
- Con dấu khắc tại cơ sở khắc dấu.
- Con dấu dưới dạng chữ ký số theo quy định pháp luật về giao dịch điện tử.
Công ty có quyền quyết định về loại, số lượng, hình thức và nội dung của con dấu mà không cần thông báo mẫu. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu phải tuân theo Điều lệ công ty và quy chế nội bộ liên quan, cũng như quy định về chức danh của các cá nhân được cấp con dấu.
Thành lập công ty công nghệ là thủ tục hành chính thực hiện tại Sở Kế hoạch và Đầu tư để công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hoàn thiện việc khắc dấu để công ty chính thức đi vào hoạt động trong lĩnh vực công nghệ.
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ thành lập công ty công nghệ thông tin
Căn cứ từ Điều 19 đến 22 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hồ sơ thành lập công ty công nghệ thông tin bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký thành lập công ty;
- Điều lệ công ty công nghệ thông tin;
- Danh sách thành viên đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên hoặc công ty hợp danh; Danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là người nước ngoài (nếu có) đối với công ty cổ phần;
- Bản sao hợp lệ CMND/CCCD/Hộ chiếu của chủ sở hữu công ty, người đại diện theo pháp luật, các thành viên góp vốn/cổ đông sáng lập;
- Bản sao hợp lệ của Quyết định thành lập công ty hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với thành viên góp vốn/cổ đông sáng lập là tổ chức;
- Văn bản cử người đại diện theo ủy quyền của thành viên/chủ sở hữu là tổ chức;
- Bản sao hợp lệ CMND/CCCD/Hộ chiếu của người đại diện theo ủy quyền;
- Giấy ủy quyền cho người nộp hồ sơ (nếu người đại diện pháp luật không trực tiếp nộp hồ sơ).
Bước 2: Nộp hồ sơ đến Sở Kế hoạch và Đầu tư
Doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ thành lập công ty công nghệ thông tin theo một trong hai phương thức sau:
- Nộp trực tiếp tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
- Gửi hồ sơ qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Lưu ý: Tại một số khu vực, Phòng Đăng ký kinh doanh chỉ tiếp nhận hồ sơ nộp trực tuyến và không nhận hồ sơ nộp trực tiếp. Do đó, doanh nghiệp nên liên hệ với Phòng Đăng ký kinh doanh tại tỉnh/thành phố nơi đặt trụ sở chính để xác nhận phương thức nộp hồ sơ phù hợp.
Bước 3: Nhận kết quả
Trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 ngày làm việc, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ xem xét hồ sơ và đưa ra kết quả:
- Hồ sơ hợp lệ: Doanh nghiệp sẽ nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
- Hồ sơ không hợp lệ: Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ gửi thông báo bằng văn bản yêu cầu doanh nghiệp chỉnh sửa, bổ sung và nộp lại hồ sơ theo quy trình trước đó.
Bước 4: Đăng công bố trên Cổng thông tin quốc gia
Căn cứ theo Điều 32 Luật Doanh nghiệp, trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận Giấy chứng Sau khi nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty công nghệ thông tin phải thực hiện việc công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia.
Theo khoản 1 Điều 26 Nghị định 50/2016/NĐ-CP, nếu doanh nghiệp không thực hiện thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn, sẽ bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng và phải tiến hành đăng công bố bổ sung.
Bước 5: Những việc cần làm sau khi thành lập công ty công nghệ thông tin
Sau khi hoàn thành thủ tục thành lập doanh nghiệp công nghệ thông tin, cần thực hiện các bước sau: công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia, đăng ký mã số thuế, mở tài khoản ngân hàng, khắc con dấu, đăng ký chữ ký số (nếu có giao dịch điện tử), lập sổ sách kế toán, xây dựng nội quy lao động và hợp đồng lao động (nếu có nhân viên), đăng ký bảo hiểm xã hội, và thực hiện nghĩa vụ thuế định kỳ. Những bước này đảm bảo doanh nghiệp hoạt động hợp pháp và hiệu quả.
Tại Điều 12 Luật Công nghệ thông tin 2006 có quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong công nghệ thông tin bao gồm:
(1) Cản trở hoạt động hợp pháp hoặc hỗ trợ hoạt động bất hợp pháp về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; cản trở bất hợp pháp hoạt động của hệ thống máy chủ tên miền quốc gia; phá hoại cơ sở hạ tầng thông tin, phá hoại thông tin trên môi trường mạng.
(2) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm mục đích sau đây:
- Chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân;
- Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, kích động dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc;
- Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại và những bí mật khác đã được pháp luật quy định;
- Xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân;
- Quảng cáo, tuyên truyền hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục cấm đã được pháp luật quy định.
(3) Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động công nghệ thông tin; sản xuất, lưu hành sản phẩm công nghệ thông tin trái pháp luật; Giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác; tạo đường dẫn trái phép đối với tên miền của tổ chức, cá nhân sử dụng hợp pháp tên miền đó.
Đây là những việc cá nhân/doanh nghiệp cần chú ý để không vi phạm điều cấm của luật. Trường hợp vi phạm, doanh nghiệp có thể bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý trách nhiệm hình sự nếu có vi phạm nghiêm trọng.
Thuê dịch vụ công nghệ thông tin mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, như tiết kiệm chi phí đầu tư vào hạ tầng và nhân lực, dễ dàng tiếp cận công nghệ mới, và tăng cường tính linh hoạt trong quy mô dịch vụ. Doanh nghiệp có thể tập trung vào hoạt động cốt lõi, trong khi các nhà cung cấp đảm bảo an toàn dữ liệu và hỗ trợ kỹ thuật 24/7. Việc này cũng giúp quản lý rủi ro hiệu quả và tiếp cận nguồn lực chuyên môn mà không cần tuyển dụng. Nhờ đó, thuê dịch vụ công nghệ thông tin không chỉ tối ưu hóa hoạt động mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Theo quy định tại Điều 73 Luật Công nghệ thông tin 2006 về trách nhiệm bảo vệ trẻ em và căn cứ tại điểm b khoản 2 Điều 77 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và hỗ trợ người sử dụng sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, hành vi này có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với việc cung cấp thông tin vi phạm các quy định về bảo vệ trẻ em. Ngoài ra, nhà cung cấp còn có thể bị yêu cầu khắc phục hậu quả bằng cách gỡ bỏ nội dung vi phạm hoặc thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ trẻ em khỏi những nội dung không phù hợp.
Theo khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức. Theo đó, nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin mang nội dung không có lợi cho trẻ em nhưng không có dấu hiệu cảnh báo thì bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.
Việc xử phạt cụ thể sẽ phụ thuộc vào mức độ vi phạm và các tình tiết liên quan khác
Trên đây là các thông tin liên quan đến việc kinh doanh dịch vụ công nghệ thông tin. Để nhận được sự hỗ trợ cũng như tìm hiểu rõ hơn về thông tin và quy định pháp luật trong lĩnh vực này, quý khách có thể liên hệ với NPLaw. Đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm của chúng tôi sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ quý khách.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn