Định giá tài sản là hoạt động cần thiết trong các giao dịch thông thường cũng như trong các hoạt động tố tụng, do đó nhu cầu tìm hiểu về định giá tài sản vô cùng lớn. Thông qua bài viết này, NPLaw sẽ đồng hành cùng Quý bạn đọc tìm hiểu các quy định pháp luật có liên quan đến định giá tài sản.
Do nhu cầu giao dịch tài sản ngày càng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, doanh nghiệp,… nên nhu cầu định giá tài sản cũng tăng cao. Theo thống kê của Bộ Tài chính, giá trị tài sản được thẩm định giá trong năm 2021 đạt hơn 4.000 tỷ đồng và số lượng báo cáo thẩm định giá được lập trong năm 2021 đạt hơn 01 triệu bản. Trong năm 2023, tổng giá trị tài sản được thẩm định tăng 10% so với năm 2022, loại tài sản được thẩm định nhiều nhất là bất động sản, chiếm khoảng 70% tổng giá trị tài sản được thẩm định. Dự báo nhu cầu thẩm định giá sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.
Có thể nói thị trường thẩm định giá tài sản tại Việt Nam đang có tiềm năng phát triển lớn, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức cần được giải quyết.
Hiện nay chưa có một định nghĩa pháp lý cụ thể về định giá tài sản, tuy nhiên, căn cứ khoản 11 Điều 4 Luật Giá năm 2023 quy định: “Định giá là quá trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện xác định giá của hàng hóa, dịch vụ”.
Như vậy, có thể hiểu, định giá tài sản là việc tư vấn, xác định giá trị của một tài sản cụ thể tại một thời điểm nhất định nhằm phục vụ các mục đích sử dụng, đánh giá giá trị của tài sản đó.
Căn cứ theo Điều 4 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP quy định về nguyên tắc định giá tài sản như sau:
- Phù hợp với giá thị trường của tài sản cần định giá hoặc tài sản tương tự với tài sản cần định giá tại thời điểm và nơi tài sản được yêu cầu định giá.
- Trung thực, khách quan, công khai, kịp thời.
Căn cứ theo Chương III Nghị định số 30/2018/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục định giá tài sản, có thể thấy trình tự tiến hành định giá tài sản thực hiện như sau:
Bước 01: Gửi Văn bản yêu cầu định giá tài sản kèm theo các tài liệu, hồ sơ liên quan đến yêu cầu định giá tài sản được gửi đến Hội đồng định giá tài sản được yêu cầu đối với Hội đồng định giá thường xuyên hoặc được gửi đến cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng đối với Hội đồng định giá theo vụ việc.
Bước 02: Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng định giá thường xuyên hoặc theo vụ việc có trách nhiệm yêu cầu các cơ quan chuyên môn liên quan đến tài sản cần định giá lựa chọn và cử những người am hiểu về loại tài sản cần định giá, có kiến thức chuyên môn để tham gia thành viên Hội đồng định giá theo quy định của Nghị định này.
Bước 03: Hội đồng định giá tài sản tổ chức phiên họp định giá tài sản và kết luận về giá của tài sản theo ý kiến đa số của những thành viên Hội đồng có mặt tại phiên họp. Trường hợp không đồng ý với giá của tài sản do Hội đồng quyết định thì thành viên của Hội đồng định giá có quyền bảo lưu ý kiến của mình; ý kiến bảo lưu đó được ghi vào Biên bản phiên họp định giá tài sản.
- Kết quả thẩm định giá được coi là chứng cứ nếu việc thẩm định giá được tiến hành đúng theo quy định của pháp luật.
Điều 3 Thông tư liên tịch 02/2014/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BTC quy định thỏa thuận về việc xác định giá tài sản đang tranh chấp. Tuy nhiên, văn bản pháp luật này đã hết hiệu lực thi hành từ năm 2016.
Văn bản pháp luật điều chỉnh việc định giá tài sản hiện hành là Nghị định số 30/2018/NĐ-CP nhưng không có quy định ghi nhận quyền thỏa thuận khi tiến hành định giá tài sản.
Như vậy, có thể hiểu pháp luật hiện hành không đồng ý việc thỏa thuận khi tiến hành định giá tài sản.
Theo quy định của điểm d khoản 2 Điều 17 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP, trường hợp không còn tài sản định giá thì việc định giá tài sản áp dụng theo phương pháp sau:
“1. Căn cứ vào loại tài sản; thông tin và đặc điểm của tài sản; tình hình khảo sát giá, thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần định giá; Hội đồng định giá thực hiện định giá tài sản theo tiêu chuẩn về thẩm định giá, phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ và các tiêu chuẩn, phương pháp định giá quy định tại pháp luật chuyên ngành liên quan đến tài sản cần định giá.
2. Đối với một số trường hợp cụ thể, việc định giá tài sản thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này, đồng thời tiến hành như sau:
…
d) Tài sản bị mất, thất lạc; tài sản bị hủy hoại, hư hỏng toàn bộ và không có khả năng khôi phục lại tình trạng của tài sản trước khi bị hủy hoại, hư hỏng: Hội đồng định giá xác định giá của tài sản theo hồ sơ của tài sản trên cơ sở các thông tin, tài liệu thu thập được về tài sản cần định giá.”
Như vậy, trường hợp tài sản định giá không còn thì việc định giá được thực hiện theo phương pháp nêu trên, căn cứ theo hồ sơ của tài sản trên cơ sở các thông tin, tài liệu thu thập được về tài sản cần định giá.
Căn cứ theo điểm đ khoản 1 Điều 11 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP quy định về quyền của thành viên Hội đồng định giá tài sản như sau:
1. Thành viên của Hội đồng định giá có quyền:
a) Tìm hiểu tài liệu của vụ án có liên quan đến tài sản cần định giá;
b) Đưa ra nhận định, đánh giá độc lập của mình về tính chất, đặc điểm của tài sản cần định giá; về cách thức thực hiện nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá và giá của tài sản cần định giá;
c) Biểu quyết để xác định giá của tài sản; ghi ý kiến của mình vào biên bản phiên họp định giá tài sản nếu không thống nhất với kết luận của Hội đồng định giá;
d) Được hưởng chế độ bồi dưỡng theo quy định của pháp luật khi tham gia định giá;
đ) Từ chối tham gia định giá tài sản nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 13 của Nghị định này;
e) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, nếu thuộc một trọng những trường hợp được quy định tại Điều 13 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP thì thành viên Hội đồng định giá được quyền từ chối tham gia định giá tài sản.
Theo khoản 7 Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về nguồn chứng cứ gồm:
“7. Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản…”
Căn cứ theo khoản 8 Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định về chứng cứ như sau:
“8. Kết quả định giá tài sản, kết quả thẩm định giá tài sản được coi là chứng cứ nếu việc định giá, thẩm định giá được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định”.
Như vậy, kết quả định giá tài sản, kết quả thẩm định giá tài sản được coi là chứng cứ nếu việc định giá, thẩm định giá được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
Theo điểm b khoản 3 Điều 46 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
“… Cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị”.
Theo đó, người cố ý định giá tài sản không đúng giá trị có bị xử phạt vi phạm hành chính theo khung hình phạt mà pháp luật hiện hành quy định.
Hiểu được nhu cầu tìm hiểu pháp lý liên quan định giá tài sản của Quý Khách hàng, Hãng Luật NPLaw với bề dày kinh nghiệm trong đa dạng lĩnh vực sẽ hỗ trợ, tư vấn cho Quý Khách hàng các vấn đề liên quan định giá tài sản. Quý độc giả có thể liên hệ ngay tới NPLaw để được các luật sư dày dặn kinh nghiệm của NPLaw tư vấn tận tình và nhanh chóng với thông tin liên hệ dưới đây:
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn