Quy định pháp luật về đứng tên sổ đỏ

Sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) là giấy tờ pháp lý quan trọng chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp của cá nhân, tổ chức tại Việt Nam. Việc đứng tên sổ đỏ không chỉ xác định quyền sở hữu đất mà còn ảnh hưởng đến các giao dịch như mua bán, chuyển nhượng, thế chấp hoặc thừa kế. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể đứng tên sổ đỏ, và việc đứng tên phải tuân thủ theo các quy định pháp luật. 

Trong bài viết này, NPLAW sẽ cung cấp những vấn đề pháp lý liên quan đến việc đứng tên sổ đỏ. 

I. Khi nào được đứng tên sổ đỏ

Luật Đất đai 2024 đã đưa ra nhiều quy định cụ thể về quyền sử dụng và sở hữu đất đai tại Việt Nam, nhằm đảm bảo tính công bằng và rõ ràng trong việc quản lý và sử dụng tài nguyên đất, một tài sản quan trọng của quốc gia. Theo đó, khái niệm về "người sử dụng đất" được làm rõ tại Điều 4 của Luật Đất đai 2024, bao gồm nhiều nhóm đối tượng khác nhau như tổ chức, cá nhân trong nước và người nước ngoài. Việc phân chia các nhóm người sử dụng đất này nhằm tạo cơ sở pháp lý để quản lý và quy hoạch đất đai một cách chặt chẽ, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người dân cũng như các tổ chức sở hữu tài sản gắn liền với đất.

  • Trong Luật Đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn, không có quy định cụ thể về độ tuổi tối thiểu để đứng tên trên sổ đỏ. Điều này có nghĩa là về nguyên tắc, bất kỳ ai dù độ tuổi nào cũng có thể đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nếu họ có quyền sử dụng hợp pháp đất đai hoặc tài sản gắn liền với đất.
  • Quy định này đã được thể hiện rõ qua Điều 134 của Luật Đất đai 2024 về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Theo đó, Giấy chứng nhận này được cấp cho những người có quyền sử dụng hợp pháp về đất đai, quyền sở hữu nhà ở hoặc tài sản gắn liền với đất mà không phân biệt độ tuổi.

Như vậy, các tổ chức, cá nhân khi có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất thì được đứng tên trên sổ đỏ.

II. Quy định pháp luật về đứng tên sổ đỏ

1. Khái niệm về đứng tên sổ đỏ

Sổ đỏ hay còn gọi với tên đầy đủ là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. 

Theo Khoản 21 Điều 3 Luật Đất đai năm 2024, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất theo quy định của pháp luật. 

Như vậy, đứng tên sổ đỏ là việc cá nhân, hộ gia đình, tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ). Người đứng tên sổ đỏ là chủ thể có quyền sử dụng đất hợp pháp, được pháp luật công nhận và bảo vệ.

2. Người không đứng tên trên sổ đỏ đương nhiên không phải là người sử dụng đất theo quy định pháp luật hiện hành đúng không?

Người đứng tên trên sổ đỏ là người được pháp luật công nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, có những trường hợp dù không đứng tên trên sổ đỏ, một cá nhân/tổ chức vẫn có thể được xem là người sử dụng đất hợp pháp theo quy định tại Điều 4 Luật Đất đai năm 2024, như:

  • Hộ gia đình sử dụng đất: Khi sổ đỏ được cấp cho hộ gia đình, thì tất cả thành viên trong hộ có chung quyền sử dụng đất, kể cả khi họ không trực tiếp đứng tên trên sổ. Các thành viên có quyền và nghĩa vụ đối với mảnh đất theo quy định pháp luật.
  • Người nhận thừa kế quyền sử dụng đất nhưng chưa sang tên: Khi một người thừa kế quyền sử dụng đất từ cha mẹ hoặc người khác, nhưng chưa hoàn tất thủ tục sang tên sổ đỏ, họ vẫn có quyền lợi hợp pháp với mảnh đất đó.
  • Vợ/chồng có quyền sử dụng đất chung nhưng sổ đỏ chỉ đứng tên một người: Nếu quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng (hình thành trong thời kỳ hôn nhân), nhưng chỉ có một người đứng tên trên sổ đỏ, thì người còn lại vẫn có quyền sử dụng hợp pháp đối với đất. Khi xảy ra tranh chấp, người không đứng tên vẫn có quyền yêu cầu chia tài sản.
  • Người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng chưa sang tên: Nếu một cá nhân đã mua đất nhưng chưa làm thủ tục sang tên trên sổ đỏ, họ vẫn có quyền sử dụng đất theo hợp đồng chuyển nhượng hợp pháp.

3. Người đứng tên trên sổ đỏ thì có quyền gì?

Người đứng tên sổ đỏ sẽ được sẽ có các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật như sau:

  • Quyền chung đối với người sử dụng đất theo Điều 26 Luật Đất đai 2024: Hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất sử dụng hợp pháp; Hưởng các lợi ích khi Nhà nước đầu tư để bảo vệ, cải tạo và phát triển đất nông nghiệp; Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, phục hồi đất nông nghiệp; Được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình;...
  • Quyền sử dụng: Người có quyền sử dụng đất được sử dụng theo ý chí riêng của mình, nhưng phải đảm bảo không gây thiệt hại hoặc ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
  • Quyền định đoạt: Người có quyền sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 27 Luật Đất đai 2024.

Tuy nhiên, cần lưu ý đối với trường hợp chỉ có một người đứng tên trên sổ đỏ nhưng quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng của nhiều người thì khi thực hiện quyền của người sử dụng đất phải có sự thỏa thuận của tất cả những người có quyền sử dụng đất chung.

Còn trường hợp, quyền sử dụng đất chỉ thuộc của một người đứng tên sổ đỏ thì người đứng tên sẽ hưởng đầy đủ các quyền nêu trên, người này có thể toàn quyền định đoạt đối với quyền sử dụng đất mà không cần thông qua ý kiến, sự đồng ý của bất kỳ ai.

III. Một số thắc mắc về đứng tên sổ đỏ

1. Một nhóm người có chung quyền sử dụng đất thì có được cùng ghi tên trên Sổ đỏ không?

Theo khoản 2 Điều 135 Luật Đất đai 2024 quy định về nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong trường hợp một nhóm người có chung quyền sử dụng đất như sau:

- Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung tài sản gắn liền với đất thì cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; 

- Trường hợp những người có chung quyền sử dụng đất, chung quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất có yêu cầu thì cấp chung 01 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và trao cho người đại diện.

2. Trẻ em có được đứng tên trên sổ đỏ không?

  • Như đã phân tích, hiện nay bất kỳ ai dù độ tuổi nào cũng có thể đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nếu họ có quyền sử dụng hợp pháp đất đai hoặc tài sản gắn liền với đất. Pháp luật hiện không quy định việc cấm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho trẻ em hay người dưới 18 tuổi.

  • Như vậy, trẻ em cũng được đứng tên trên sổ đỏ khi có quyền sử dụng đất hợp pháp hoặc được thừa kế quyền sở hữu đất từ cha mẹ. 
  • Tuy nhiên, theo Điều 21 BLDS 2015 quy định về độ tuổi thực hiện các giao dịch. Trường hợp muốn cho trẻ đứng tên sổ đỏ phải có sự tham gia của người đại diện theo pháp luật của đứa trẻ đó. Trong trường hợp trẻ được nhận tặng cho, khi làm thủ tục phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật và trong giấy chứng nhận phải có tên của người đại diện, ghi rõ là đại diện cho người chưa thành niên.

3. Pháp luật hiện hành có giới hạn số lượng đứng tên của một cá nhân trên sổ đỏ không?

Luật Đất đai 2024 không có quy định giới hạn số lượng sổ đỏ mà một cá nhân có thể đứng tên. Một người có thể đứng tên nhiều sổ đỏ, miễn là họ đáp ứng đủ điều kiện pháp lý về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất.

4. Con lấy trộm sổ đỏ của ba mẹ đứng tên đem bán thì có bán được không, hành vi này bị xử lý như thế nào?

Theo Luật Đất đai 2024, để đứng tên trên sổ đỏ, người đó phải có quyền sử dụng đất hợp pháp và được sự đồng ý của chủ sở hữu. Việc lấy trộm sổ đỏ của ba mẹ rồi tự ý đứng tên và đem bán là hành vi vi phạm pháp luật, không có giá trị pháp lý và có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Căn cứ theo quy định tại Điều 15 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi này có thể bị xử phạt hành chính về hành vi trộm cắp tài sản với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Ngoài ra, nếu như người con lấy sổ đỏ của bố mẹ để bán dẫn đến khả năng không thể trả lại tài sản hoặc dùng thủ đoạn gian dối và bỏ trốn nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thực hiện các hành vi khác thỏa mãn cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

5. Chồng đứng tên sổ đỏ khi ly hôn vợ có được chia bất động sản đó không?

Để xác định vợ có được chia bất động sản mà chồng là người đứng tên sổ đỏ khi ly hôn hay không, cần làm rõ tài sản này là tài sản chung hay riêng. 

Căn cứ theo Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng gồm: tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân. Như vậy, nếu các tài sản được tạo ra bằng các hoạt động nêu tại Điều 33 trong thời kỳ hôn nhân thì được xem là tài sản chung của vợ chồng.

Nếu bất động sản do chồng đứng tên là tài sản chung của vợ chồng, vợ sẽ được chia bất động sản đó và được chia theo nguyên tắc quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Trường hợp bất động sản do chồng đứng tên là được thừa kế, được tặng, là tài sản riêng, tài sản không phải tài sản chung thì vợ không được chia bất động sản khi ly hôn

Như vậy chồng đứng tên sổ đỏ khi ly hôn, vợ sẽ được chia bất động sản nếu đó tài sản chung của vợ, chồng. 

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan đến đứng tên sổ đỏ

Trên đây là tất cả các thông tin chi tiết mà NPLaw của chúng tôi cung cấp để hỗ trợ quý khách hàng về vấn đề đứng tên sổ đỏ. Trường hợp Quý Khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề nêu trên hoặc các vấn đề pháp lý khác, hãy liên hệ ngay cho NPLaw để được đội ngũ Luật sư chúng tôi trực tiếp tư vấn và hướng dẫn giải quyết.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan