Quy định pháp luật về giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh

I. Tìm hiểu về giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh

Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, hay còn được gọi là Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, là văn bản pháp lý do cơ quan có thẩm quyền cấp để xác nhận một cơ sở kinh doanh đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về an ninh, trật tự theo quy định pháp luật.

Loại giấy chứng nhận này áp dụng cho các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đặc biệt là các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro an ninh hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng, như kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang ghi âm, ghi hình, định vị. Việc sở hữu giấy chứng nhận không chỉ là điều kiện bắt buộc để hoạt động hợp pháp mà còn giúp các cơ sở đảm bảo trách nhiệm tuân thủ các tiêu chuẩn an ninh trong kinh doanh.

Thông qua giấy chứng nhận, cơ quan chức năng có thể quản lý, kiểm soát hiệu quả các hoạt động kinh doanh liên quan, đảm bảo sự ổn định và an toàn xã hội.

II. Quy định pháp luật về giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh

1. Thế nào giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh

 Quy định về Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự tại Điều 7 Nghị định 66/2017/NĐ-CP như sau:

“Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự

1. Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự là văn bản do cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cấp cho cơ sở kinh doanh quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định này.

Bộ trưởng Bộ Công an quy định cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự trong Công an nhân dân. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự trong Quân đội nhân dân.

2. Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự thực hiện theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự không quy định thời hạn sử dụng, trừ các trường hợp phải ghi rõ thời hạn dưới đây:

a) Cơ sở kinh doanh hoạt động có thời hạn theo quy định của pháp luật;

b) Giấy phép của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cấp cho cơ sở kinh doanh hoạt động có thời hạn thì thời hạn sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự không vượt quá thời hạn ghi trong các văn bản đó.

4. Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh có trách nhiệm quản lý chặt chẽ Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và phải xuất trình Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cho cơ quan Công an, Quân đội và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu.”

Theo quy định pháp luật, Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự là văn bản do cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng cấp. Văn bản này được cấp cho các cơ sở kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị nhằm đảm bảo an ninh trật tự.

2. Khi nào cần xin giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh?

Không phải tất cả các ngành, nghề kinh doanh đều phải xin Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự. Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 56/2023/NĐ-CP, chỉ những ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện liên quan đến an ninh, trật tự mới phải thực hiện thủ tục này. Cụ thể:

  • Sản xuất con dấu, gồm: Sản xuất con dấu có hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, con dấu có hình biểu tượng, con dấu không có hình biểu tượng theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng con dấu.
  • Kinh doanh công cụ hỗ trợ, gồm: Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, xuất khẩu, mua, bán công cụ hỗ trợ, đạn sử dụng cho công cụ hỗ trợ và phụ kiện của công cụ hỗ trợ; sửa chữa công cụ hỗ trợ.
  • Kinh doanh các loại pháo, gồm: Sản xuất, gia công, nhập khẩu, xuất khẩu, mua, bán các loại pháo hoa, các loại pháo khác và thuốc pháo theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng pháo.
  • Kinh doanh dịch vụ cầm đồ, gồm: Kinh doanh dịch vụ cho vay tiền mà người vay tiền phải có tài sản hợp pháp mang đến cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ để cầm cố.
  • Kinh doanh dịch vụ xoa bóp, gồm: Sử dụng phương pháp vật lý trị liệu để xoa bóp (massage), tẩm quất phục vụ sức khỏe con người. Hoạt động xoa bóp thuộc cơ sở y tế phục vụ chữa bệnh và cơ sở giải quyết việc làm cho người khuyết tật không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 96/2016/NĐ-CP.
  • Kinh doanh thiết bị phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, gồm: Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, xuất khẩu, mua, bán cờ hiệu, đèn, còi phát tín hiệu ưu tiên của xe cơ giới.
  • Kinh doanh dịch vụ bảo vệ, gồm: Dịch vụ bảo vệ con người, tài sản, mục tiêu và các hoạt động hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
  • Kinh doanh súng bắn sơn, gồm: Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, xuất khẩu, mua, bán súng bắn sơn, đạn sử dụng cho súng bắn sơn và phụ kiện của súng bắn sơn; sửa chữa súng bắn sơn; cung ứng dịch vụ sử dụng súng bắn sơn.
  • Kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài.
  • Kinh doanh casino, gồm: Các loại hình vui chơi có thưởng trong kinh doanh casino.
  • Kinh doanh dịch vụ đặt cược, gồm: Các loại hình dịch vụ đặt cược.
  • Kinh doanh khí, gồm: Các hoạt động kinh doanh khí được quy định tại Nghị định số 19/2016/NĐ-CP ngày 22 tháng 3 năm 2016 về kinh doanh khí.
  • Kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp, gồm: Sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, mua, bán, tái chế, bảo quản, vận chuyển, tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp.
  • Và các ngành nghề kinh doanh có điều kiện khác theo quy định tại Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP.

Do đó, những ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 56/2023/NĐ-CP thì cần xin giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

3. Thủ tục xin giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh

1. Hồ sơ

Căn cứ theo Điều 19 và Điều 20 Nghị định 96/2016/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 56/2023/NĐ-CP). Hồ sơ đề nghị cấp mới Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự bao gồm:

- Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh.

- Bản sao hợp lệ một trong các loại văn bản sau đây: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của chi nhánh, đơn vị trực thuộc doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Giấy chứng nhận đăng ký chi nhánh, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Giấy phép hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam; Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; văn bản thành lập hoặc cho phép hoạt động kèm theo văn bản thông báo mã số thuế đối với đơn vị sự nghiệp có thu.

- Bản sao hợp lệ các giấy tờ, tài liệu chứng minh bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với khu vực kinh doanh và kho bảo quản nguyên liệu, hàng hóa;

- Bản khai lý lịch kèm theo Phiếu lý lịch tư pháp hoặc Bản khai nhân sự của người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh.

- Ngoài các tài liệu quy định nêu trên, hồ sơ đề nghị cấp mới Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự phải có thêm tài liệu áp dụng đối với một số cơ sở kinh doanh các ngành, nghề sau đây:

+ Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ không có vốn đầu tư nước ngoài, phải có bản sao hợp lệ bằng tốt nghiệp chứng minh trình độ học vấn từ cao đẳng trở lên của người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự.

+ Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ có vốn đầu tư nước ngoài, phải có:

  • Bản sao hợp lệ bằng tốt nghiệp chứng minh trình độ học vấn từ cao đẳng trở lên của người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự (theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 96/2016/NĐ-CP)
  • Tài liệu chứng minh doanh nghiệp nước ngoài đủ điều kiện quy định tại khoản 4 Điều 11 Nghị định 96/2016/NĐ-CP.

+ Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ có chức năng đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ, phải có giáo trình và chương trình đào tạo nhân viên dịch vụ bảo vệ và đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 96/2016/NĐ-CP.

+ Đối với các cơ sở kinh doanh ngành, nghề: Sản xuất vật liệu nổ công nghiệp; kinh doanh tiền chất thuốc nổ; kinh doanh ngành, nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để thăm dò, khai thác khoáng sản, dầu khí; kinh doanh súng quân dụng cầm tay hạng nhỏ; kinh doanh casino; kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài; kinh doanh dịch vụ đặt cược, phải có văn bản cho phép hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.

2. Thủ tục

Căn cứ nội dung được quy định tại tiểu mục 1 Mục C Phần II Thủ tục hành chính ban hành kèm theo Quyết định 3191/QĐ-BCA năm 2022. Thủ tục cấp mới Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự được thực hiện như sau:

- Bước 1: Tổ chức, cá nhân có nhu cầu được cấp mới Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ  bưu chính tại một trong ba cơ quan sau:

+ Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an;

+ Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội- Công an cấp tỉnh;

+ Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an cấp huyện;

+ Hoặc nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an.

- Bước 2: Cán bộ tiếp nhận kiểm tra thông tin, thành phần, tính hợp lệ của hồ sơ.

+ Nếu hồ sơ hợp lệ và đủ thành phần thì tiếp nhận hồ sơ giải quyết và gửi Giấy biên nhận hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua tài khoản trên cổng dịch vụ công hoặc qua thư điện tử (nếu có) cho cơ sở kinh doanh hoặc người được cử đến liên hệ nộp hồ sơ.

+ Nếu hồ sơ không hợp lệ hoặc thiếu thành phần thì không tiếp nhận hồ sơ và gửi Phiếu hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua thư điện tử (nếu có) cho cơ sở kinh doanh hoặc người được cử đến liên hệ nộp hồ sơ.

+ Nếu hồ sơ không đủ điều kiện theo thì không tiếp nhận hồ sơ, nêu rõ lý do từ chối giải quyết hồ sơ và gửi Thông báo về việc hồ sơ không đủ điều kiện trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc hoặc qua tài khoản trên cổng dịch vụ công hoặc qua thư điện tử (nếu có).

- Bước 3: Căn cứ theo ngày hẹn trên Giấy biên nhận hồ sơ, tổ chức, cá nhân đến nơi nộp hồ sơ để nhận kết quả Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự hoặc nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính sau khi đã hoàn thành nộp phí thẩm định.

Cách thức nộp hồ sơ:

- Nộp hồ sơ trực tiếp tại một trong ba cơ quan sau:

+ Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an;

+ Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội- Công an cấp tỉnh;

+ Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an cấp huyện ;

- Nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính;

- Nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an.

- Trả kết quả qua dịch vụ bưu chính 

III. Một số thắc mắc về giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh

1. Cơ quan cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh

Dựa trên quy định tại Điều 7 Nghị định 66/2017/NĐ-CP, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự được phân định như sau:

Cơ quan thuộc Bộ Công an:

Các cơ quan trong lực lượng Công an nhân dân, do Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể, chịu trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đối với các cơ sở kinh doanh thuộc phạm vi quản lý.

Cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng:

Các cơ quan trong Quân đội nhân dân, do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể, đảm nhận việc cấp Giấy chứng nhận cho các cơ sở kinh doanh liên quan đến lĩnh vực quốc phòng hoặc thuộc phạm vi quản lý đặc thù của Bộ Quốc phòng.

Như vậy, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận được xác định rõ ràng theo từng lĩnh vực quản lý và thuộc sự điều hành của Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng, tùy thuộc vào tính chất hoạt động kinh doanh của cơ sở. Điều này đảm bảo việc giám sát và quản lý phù hợp với yêu cầu an ninh, trật tự xã hội và quốc phòng.

2. Thời hạn của giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh

Theo quy định tại Điều 15  Nghị định 96/2016/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 56/2023/NĐ-CP thì thời hạn của giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự được quy định như sau:

“1. Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự không quy định thời hạn sử dụng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự phải ghi rõ thời hạn sử dụng trong các trường hợp sau đây:

a) Cơ sở kinh doanh hoạt động có thời hạn theo quy định của pháp luật hoặc các văn bản quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định này hoặc giấy phép của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cấp cho cơ sở kinh doanh hoạt động có thời hạn thì thời hạn sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự không vượt quá thời hạn ghi trong các văn bản đó;

b) Cơ sở kinh doanh ngành, nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để thi công công trình, thăm dò, khai thác khoáng sản, dầu khí thì thời hạn của Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự phù hợp với thời hạn ghi trong văn bản về thi công công trình, thăm dò khai thác khoáng sản, dầu khí.

3. Trường hợp các văn bản, giấy phép quy định tại khoản 2 Điều này có thời hạn hoạt động từ 10 năm trở lên thì Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự không ghi thời hạn sử dụng.

4. Cơ sở kinh doanh có trách nhiệm cung cấp văn bản, giấy phép có quy định thời hạn hoạt động cho cơ quan Công an có thẩm quyền.”

Như vậy, theo quy định trên, thông thường Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự không quy định thời hạn sử dụng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự sẽ được xác định thời hạn cụ thể như sau:

  • Đối với cơ sở kinh doanh hoạt động có thời hạn theo quy định pháp luật hoặc các văn bản quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định 96/2016/NĐ-CP hoặc giấy phép của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cấp cho cơ sở kinh doanh hoạt động có thời hạn thì thời hạn sử dụng Giấy chứng nhận sẽ tương ứng hoặc không vượt quá thời hạn ghi trong các văn bản đó;
  • Đối với cơ sở kinh doanh ngành, nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để thi công công trình, thăm dò, khai thác khoáng sản, dầu khí thì thời hạn của Giấy chứng nhận phải phù hợp với thời hạn ghi trong văn bản về thi công công trình, thăm dò khai thác khoáng sản, dầu khí.

3. Có được gia hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh không?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 96/2016/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 56/2023/NĐ-CP thì Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự không quy định thời hạn sử dụng trong hầu hết các trường hợp. Tuy nhiên, nếu Giấy chứng nhận được cấp cho cơ sở kinh doanh hoạt động có thời hạn hoặc cơ sở kinh doanh ngành, nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để thi công công trình, thăm dò, khai thác khoáng sản, dầu khí, thì trong Giấy chứng nhận sẽ ghi nhận thời hạn cụ thể tương ứng với từng trường hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định này.

Như vậy, đối với các trường hợp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh có quy định về thời hạn thì theo khoản 1 Điều 21 Nghị định số 96/2016/NĐ-CP, khi Giấy chứng nhận hết thời hạn sử dụng thì phải thực hiện thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận mà không thực hiện gia hạn.

 4. Khi nào được cấp đổi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 96/2016/NĐ-CP như sau:

“Hồ sơ cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự

1. Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự được cấp đổi trong những trường hợp bị hư hỏng, sai thông tin, có thay đổi nội dung thông tin ghi trên Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự hoặc hết thời hạn sử dụng.

Hồ sơ đề nghị cấp đổi gồm các tài liệu sau đây:

a) Văn bản đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh (Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này) gửi cơ quan Công an có thẩm quyền;

b) Bản sao hợp lệ các tài liệu chứng minh sự thay đổi của các thông tin ghi trên Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự (nếu có);

c) Tài liệu quy định tại khoản 4 Điều 19 Nghị định này trong trường hợp thay đổi người đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh;

d) Bản chính Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đã được cấp.”

Theo quy định trên thì hiện nay, có 04 trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh được cấp đổi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự như sau:

- Giấy chứng nhận bị hư hỏng;

- Sai thông tin Giấy chứng nhận;

- Có thay đổi nội dung thông tin ghi trên Giấy chứng nhận;

- Hết thời hạn sử dụng.

Thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận được thực hiện tại cơ quan cấp phép ban đầu (Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng), với hồ sơ cần thiết bao gồm bản gốc Giấy chứng nhận (nếu còn), các giấy tờ liên quan đến thay đổi và đơn đề nghị cấp đổi. Việc tuân thủ đúng quy trình sẽ đảm bảo hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn.

5. Trường hợp nào được ủy quyền đứng tên trong giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh?

Theo Điều 16 Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định về người được ủy quyền đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự như sau:

“Người được ủy quyền đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự

Trường hợp những người quy định tại điểm a khoản 5 Điều 4 Nghị định này cư trú không ổn định tại Việt Nam hoặc không thường xuyên cư trú tại Việt Nam thì phải ủy quyền bằng văn bản cho người có thẩm quyền của cơ sở kinh doanh để đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

Nếu việc ủy quyền diễn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam thì phải có văn bản hợp pháp hóa lãnh sự của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam nơi thực hiện ủy quyền đó. Người ủy quyền và người được ủy quyền đều phải chịu trách nhiệm đối với việc thực hiện quy định về an ninh, trật tự quy định tại Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật Việt Nam.”

Như vậy, trong trường hợp người đại diện theo pháp luật, người quản lý cơ sở kinh doanh hoặc chủ cơ sở kinh doanh có tình trạng cư trú không ổn định tại Việt Nam hoặc không thường xuyên cư trú tại Việt Nam, họ bắt buộc phải ủy quyền bằng văn bản cho một cá nhân có thẩm quyền trong cơ sở kinh doanh để đứng tên trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

Văn bản ủy quyền này cần được thực hiện đúng theo quy định pháp luật, bao gồm công chứng hoặc chứng thực, và người được ủy quyền phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện pháp lý cần thiết, như có lý lịch rõ ràng, đủ năng lực hành vi dân sự, và thường xuyên cư trú tại Việt Nam để đảm bảo khả năng quản lý, chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở.

Quy định này giúp đảm bảo tính liên tục, ổn định trong hoạt động kinh doanh, đồng thời tăng cường khả năng giám sát và quản lý của cơ quan chức năng đối với các ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện liên quan đến an ninh, trật tự.

6. Kinh doanh không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh bị xử lý như thế nào?

Theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 12 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, đối với hành vi kinh doanh ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu chủ thể vi phạm là cá nhân và từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu chủ thể vi phạm là tổ chức. Ngoài ra cơ sở vi phạm còn có thể bị đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 09 tháng theo quy định tại điểm c khoản 6 Điều này, và nếu cá nhân là người nước ngoài vi phạm thì có thể bị trục xuất theo quy định tại điểm đ khoản 6 Điều này.

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh

Trên đây là những thông tin cơ bản về giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự. Nếu cảm thấy những thông tin trên vẫn còn gây khó khăn vướng mắc cho bạn, liên hệ với chúng tôi. NPLaw luôn cung cấp cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất về pháp luật. NPLaw không chỉ tư vấn trong lĩnh vực an ninh trật tự, dân sự, đầu tư mà còn nhiều lĩnh vực khác khác. Đồng thời NPLaw cũng giúp đỡ khách hàng chuẩn bị những hồ sơ, tài liệu khi khách hàng muốn xin giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự. NPLaw nỗ lực trở thành đôi cánh đồng hành cùng sự thành công của khách hàng. Sự tin tưởng hôm nay của khách hàng sẽ là nền tảng giúp NPLaw phát triển hơn trong tương lai.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan