Quy định pháp luật về gói thầu xây lắp

I. Vai trò của gói thầu xây lắp

Gói thầu xây lắp đóng vai trò quan trọng trong quá trình triển khai các dự án xây dựng, đảm bảo công trình được thực hiện đúng tiến độ, chất lượng và tuân thủ quy định pháp luật. Đây là cơ sở để lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực thực hiện, tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu quả đầu tư. Đồng thời, gói thầu xây lắp còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm và đảm bảo hạ tầng kỹ thuật phục vụ đời sống xã hội. Việc tổ chức đấu thầu minh bạch giúp nâng cao tính cạnh tranh và hạn chế thất thoát ngân sách.

II. Quy định pháp luật về gói thầu xây lắp

1. Gói thầu xây lắp là gì

Theo quy định tại khoản 22 Điều 4 Luật Đấu thầu 2023, “Gói thầu là một phần hoặc toàn bộ của một dự án, dự toán mua sắm. Gói thầu có thể bao gồm nhiều nội dung mua sắm tương tự thuộc nhiều dự án hoặc có thể là khối lượng mua sắm một lần, theo từng thời kỳ đối với mua sắm thường xuyên và tập trung.”

Xây lắp là quá trình thực hiện các công việc xây dựng, lắp đặt công trình, hạng mục công trình, cũng như cải tạo và sửa chữa.

Từ đó, có thể hiểu gói thầu xây lắp là gói thầu được hình thành trong giai đoạn triển khai dự án, có thể bao gồm một phần hoặc toàn bộ dự án liên quan đến việc xây dựng, lắp đặt công trình, hạng mục công trình, cải tạo và sửa chữa lớn.

2. Gói thầu xây lắp có được áp dụng chỉ định thầu không?

Căn cứ theo điểm b, điểm c, điểm m khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu 2023 quy định như sau:

Chỉ định thầu

1. Chỉ định thầu được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

...

b) Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại đến tính mạng và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề;

c) Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện, phương tiện, xây lắp cần triển khai ngay để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh hoặc duy trì hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cấp bách, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện để cấp cứu người bệnh trong tình trạng cấp cứu theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, linh kiện, phụ kiện; gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế chỉ có duy nhất một hãng sản xuất trên thị trường;

...

m) Gói thầu thuộc dự toán mua sắm có giá gói thầu trong hạn mức từ trên 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng; gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và dự án đầu tư theo Luật Đầu tư công, bao gồm: gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn có giá gói thầu trong hạn mức không quá 500 triệu đồng, gói thầu phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có giá gói thầu trong hạn mức không quá 01 tỷ đồng.

Theo đó, gói thầu xây lắp có thể được áp dụng chỉ định thầu nếu thuộc các trường hợp dưới đây:

- Gói thầu xây lắp cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại đến tính mạng và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề.

- Gói thầu xây lắp cần triển khai ngay để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh hoặc duy trì hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cấp bách, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân.

- Gói thầu xây lắp có giá gói thầu trong hạn mức không quá 01 tỷ đồng thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và dự án đầu tư theo Luật Đầu tư công 2019.

3. Phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ áp dụng với gói thầu xây lắp nào?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 30 Luật Đấu thầu 2023 quy định như sau:

Phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ

1. Phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

a) Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 31 của Luật này;

b) Chào hàng cạnh tranh đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, gói thầu hỗn hợp cung cấp hàng hóa và xây lắp;

c) Chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp;

d) Mua sắm trực tiếp đối với gói thầu mua sắm hàng hóa.

...

Như vậy, phương thức 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ áp dụng với gói thầu xây lắp thuộc các trường hợp sau:

- Gói thầu xây lắp áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, ngoại trừ trường hợp gói thầu xây lắp đòi hỏi kỹ thuật cao theo quy định của pháp luật về khoa học, công nghệ.

- Gói thầu xây lắp áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh.

- Gói thầu xây lắp áp dụng chỉ định thầu.

III. Giải đáp một số câu hỏi về gói thầu xây lắp

1. Gói thầu xây lắp có giá dự thầu nhỏ hơn 70% giá gói thầu thì xử lý ra sao?

Căn cứ khoản 11 Điều 131 Nghị định 24/2024/NĐ-CP hướng dẫn chủ đầu tư xử lý trường hợp hồ sơ dự thầu có giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) thấp khác thường, ảnh hưởng đến chất lượng gói thầu hoặc gói thầu xây lắp có giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) nhỏ hơn 70% giá gói thầu như sau:

Xử lý tình huống trong đấu thầu qua mạng và không qua mạng

a) Yêu cầu nhà thầu giải thích, làm rõ về tính khả thi của giá dự thầu khác thường đó và các chi phí cấu thành giá dự thầu. Nhà thầu phải chứng minh sự phù hợp giữa giá dự thầu với phạm vi công việc, giải pháp thực hiện do nhà thầu đề xuất, tiến độ thực hiện và các yêu cầu khác của hồ sơ mời thầu. Nếu sự giải thích của nhà thầu không đủ rõ, không có tính thuyết phục thì không chấp nhận giá dự thầu đó, đồng thời coi các hạng mục có giá chào thấp khác thường dẫn đến giá dự thầu thấp khác thường như là sai lệch thiếu và tiến hành hiệu chỉnh sai lệch đối với các hạng mục này theo quy định tại khoản 2 Điều 29 của Nghị định này. Việc hiệu chỉnh sai lệch chỉ nhằm mục đích so sánh, xếp hạng nhà thầu. Trường hợp sau hiệu chỉnh sai lệch nhà thầu vẫn xếp thứ nhất thì giá đề nghị trúng thầu không bao gồm giá trị hiệu chỉnh sai lệch quy định tại điểm này;

b) Trường hợp để đề phòng rủi ro, chủ đầu tư có thể quy định giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng lớn hơn 10% nhưng không quá 30% giá hợp đồng và phải được người có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản.

Như vậy, khi giá dự thầu thấp khác thường hoặc gói thầu xây lắp có giá dự thầu nhỏ hơn 70% giá gói thầu thì chủ đầu tư có thể xử lý như sau:

- Yêu cầu nhà thầu giải thích, làm rõ về tính khả thi của giá dự thầu khác thường đó và các chi phí cấu thành giá dự thầu, đồng thời chứng minh sự phù hợp giữa giá dự thầu với phạm vi công việc, giải pháp thực hiện do nhà thầu đề xuất, tiến độ thực hiện và các yêu cầu khác của hồ sơ mời thầu.

- Quy định giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng lớn hơn 10% nhưng không quá 30% giá hợp đồng và phải được người có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản.

2. Có được chỉ định thầu xây lắp dưới 5 tỷ không?

Theo điểm a khoản 1 và điểm đ khoản 2 Điều 10 Luật Đấu thầu 2023, gói thầu xây lắp có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng được dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ tham dự thầu.

Trường hợp đã tổ chức đấu thầu, nếu không có doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ đáp ứng được yêu cầu thì được phép tổ chức đấu thầu lại và cho phép các doanh nghiệp khác được tham dự thầu.

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định căn cứ vào ngành, nghề kinh doanh chính mà doanh nghiệp đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.

Việc xác định doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tham dự thầu đối với gói thầu xây lắp có giá trị không quá 5 tỷ đồng được thực hiện theo quy định nêu trên và các tiêu chí quy định tại Điều 5 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP.

Theo đó, đối với gói thầu xây lắp có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng chỉ cho phép nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp tham gia đấu thầu

3. Các hình thức đấu thầu với gói thầu xây lắp phổ biến

Căn cứ theo Luật Đấu thầu 2023, có 6 hình thức lựa chọn nhà thầu bao gồm:

  • Đấu thầu rộng rãi (Điều 21);
  • Đấu thầu hạn chế (Điều 22);
  • Chỉ định thầu (Điều 23);
  • Chào hàng cạnh tranh (Điều 24);
  • Tự thực hiện (Điều 26);
  • Lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt (Điều 29).

4. Để được tham dự thầu đối với gói thầu xây lắp dưới 01 tỷ đồng nhà thầu cần phải đáp ứng những điều kiện gì?

Căn cứ theo Điều 5 Luật Đấu thầu 2023 quy định về tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư như sau:

Tư cách hợp lệ của nhà thầu, nhà đầu tư

1. Nhà thầu, nhà đầu tư là tổ chức có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Đối với nhà thầu, nhà đầu tư trong nước: là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đối với nhà thầu, nhà đầu tư nước ngoài: có đăng ký thành lập, hoạt động theo pháp luật nước ngoài;

b) Hạch toán tài chính độc lập;

c) Không đang trong quá trình thực hiện thủ tục giải thể hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác; không thuộc trường hợp mất khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản;

d) Có tên trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trước khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;

đ) Bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu theo quy định tại Điều 6 của Luật này;

e) Không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu theo quyết định của người có thẩm quyền, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 3 Điều 87 của Luật này;

g) Không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

h) Có tên trong danh sách ngắn đối với trường hợp đã lựa chọn được danh sách ngắn;

i) Đối với nhà thầu nước ngoài, phải liên danh với nhà thầu trong nước hoặc sử dụng nhà thầu phụ trong nước, trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ phần công việc nào của gói thầu.

2. Nhà thầu là hộ kinh doanh có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật;

b) Không đang trong quá trình chấm dứt hoạt động hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; chủ hộ kinh doanh không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

c) Đáp ứng điều kiện quy định tại các điểm d, đ, e và h khoản 1 Điều này.

3. Nhà thầu, nhà đầu tư là cá nhân có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định pháp luật của nước mà cá nhân đó là công dân;

b) Có chứng chỉ chuyên môn phù hợp trong trường hợp pháp luật có quy định;

c) Đáp ứng điều kiện quy định tại điểm e và điểm g khoản 1 Điều này.

4. Nhà thầu, nhà đầu tư có tư cách hợp lệ theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này được tham dự thầu với tư cách độc lập hoặc liên danh.

Theo đó, nhà thầu là tổ chức cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định. Trường hợp là nhà thầu nước ngoài, bắt buộc phải liên danh với nhà thầu trong nước hoặc sử dụng nhà thầu phụ trong nước. Đồng thời, các bên trong liên danh phải có văn bản thỏa thuận, trong đó quy định rõ trách nhiệm của thành viên đứng đầu liên danh, cũng như trách nhiệm chung và riêng của từng thành viên, nhằm đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ và tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Trường hợp nhà thầu là cá nhân cần đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định pháp luật của nước mà cá nhân đó là công dân;

- Có chứng chỉ chuyên môn phù hợp theo quy định của pháp luật;

- Đăng ký hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật;

- Không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu.

Như vậy, nhà thầu là tổ chức hay cá nhân khi đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên thì nhà thầu có tư cách hợp lệ thì được tham dự thầu.

5. Gói thầu xây lắp điện có giá trị 2,8 tỷ thì áp dụng hình thức chỉ định thầu hay chào hàng cạnh tranh?

Theo quy định tại Điều 24 Luật Đấu thầu 2023, hình thức chào hàng cạnh tranh được áp dụng cho các gói thầu có giá trị không quá 5 tỷ đồng, bao gồm:

  • Gói thầu dịch vụ phi tư vấn thông dụng, đơn giản;
  • Gói thầu mua sắm hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường với đặc tính kỹ thuật được tiêu chuẩn hóa và tương đương nhau về chất lượng;
  • Gói thầu xây lắp công trình đơn giản đã có thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt;
  • Gói thầu hỗn hợp cung cấp hàng hóa và xây lắp, trong đó phần xây lắp đáp ứng điều kiện về công trình đơn giản.

Đối với hình thức chỉ định thầu, theo quy định tại điểm m khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu 2023, chỉ áp dụng cho các gói thầu có giá trị trong hạn mức do Chính phủ quy định. Cụ thể, theo Điều 78 Nghị định 24/2024/NĐ-CP, hạn mức này là không quá 1 tỷ đồng đối với gói thầu xây lắp.

 

Do đó, với gói thầu xây lắp điện có giá trị 2,8 tỷ đồng, không đủ điều kiện để áp dụng hình thức chỉ định thầu. Tuy nhiên, nếu gói thầu này là công trình đơn giản và đã có thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt, thì có thể áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh, vì giá trị gói thầu nằm trong hạn mức cho phép (không quá 5 tỷ đồng).

Lưu ý rằng, việc áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh cần tuân thủ các điều kiện và quy trình được quy định tại Luật Đấu thầu 2023 và Nghị định 24/2024/NĐ-CP.

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý về gói thầu xây lắp

Trên đây là những thông tin quan trọng về gói thầu xây lắp. Nếu quý khách cần tư vấn chi tiết hoặc tìm hiểu thêm về các quy định pháp luật trong lĩnh vực này, hãy liên hệ với NPLaw. Đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm của chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ, giúp quý khách giải quyết mọi vướng mắc một cách hiệu quả và chính xác.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan