Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 thì góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập. Bài viết dưới đây NPLaw sẽ làm rõ các vấn đề liên quan đến góp vốn chung thành lập công ty.
Theo số liệu thống kê về đăng ký doanh nghiệp năm 2024, tổng số DN thành lập mới: 80.482, tổng số vốn đăng ký: 744.238 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy rằng số nhu cầu thành lập doanh nghiệp mới đang ngày càng tăng cao. Điều đó cũng cho thấy rằng nhu cầu góp vốn chung thành lập công ty hiện nay cũng tăng cao.
Theo khoản 3 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, trừ trường hợp sau đây:
-Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
-Đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng;
-Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;
-Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
-Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
-Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.
-Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;
-Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020, được phép góp vốn chung thành lập các loại hình công ty sau:
-Công ty TNHH hai thành viên trở lên;
-Công ty TNHH một thành viên;
-Công ty cổ phần;
-Công ty hợp danh.
Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 52 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, hành vi không cấp giấy chứng nhận góp vốn cho thành viên góp vốn chung thành lập công ty sẽ bị Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với tổ chức vi phạm. Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, mức phạt trên được quy định đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 (một phần hai) mức phạt tiền đối với tổ chức.
Ngoài ra, theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 52 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, công ty còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên công ty theo quy định.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về tài sản được góp vốn thành lập doanh nghiệp như sau: “Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.”
Như vậy, tài sản góp vốn gồm: Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
* Đối với công ty hợp danh: Theo quy định tại khoản 1 Điều 178 Luật Doanh nghiệp 2020, thời hạn góp vốn của thành viên hợp danh được quy định như sau: “Thành viên hợp danh và thành viên góp vốn phải góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết.”
* Đối với công ty cổ phần: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2020, thời hạn góp vốn của các cổ đông được quy định như sau: “Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Trường hợp cổ đông góp vốn bằng tài sản thì thời gian vận chuyển nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản đó không tính vào thời hạn góp vốn này. Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm giám sát, đôn đốc cổ đông thanh toán đủ và đúng hạn các cổ phần đã đăng ký mua.”
* Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020, thời hạn góp vốn của thành viên góp vốn được quy định như sau: “Thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết. Thành viên công ty chỉ được góp vốn cho công ty bằng loại tài sản khác với tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của trên 50% số thành viên còn lại.”
Như vậy, ngoại trừ công ty hợp danh có thời hạn góp vốn dựa vào cam kết của các thành viên thì các loại hình công ty còn lại có thời hạn góp vốn là 90 ngày kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
* Đối với công ty hợp danh: Trường hợp không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết khi đăng ký thành lập công ty hợp danh thì xử lý như sau:
- Thành viên hợp danh không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết gây thiệt hại cho công ty phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty. Thành viên hợp danh sẽ bị khai trừ khỏi công ty nếu không có khả năng góp vốn hoặc không góp vốn như đã cam kết sau khi công ty đã có yêu cầu lần thứ hai (căn cứ điểm a khoản 3 Điều 185 Luật Doanh nghiệp 2020).
- Trường hợp thành viên góp vốn không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp đủ được coi là khoản nợ của thành viên đó đối với công ty. Trong trường hợp này, thành viên góp vốn có liên quan có thể bị khai trừ khỏi công ty theo quyết định của Hội đồng thành viên.
Trong trường hợp thành viên hợp danh, thành viên góp vốn bị khai trừ khỏi công ty thì công ty tiến hành đăng ký thay đổi vốn điều lệ và đăng ký thay đổi thành viên hợp danh (căn cứ Điều 49 và khoản 1 Điều 51 Nghị định 01/2021/NĐ-CP).
* Đối với công ty cổ phần: Trường hợp sau thời hạn nêu tại khoản 1 Điều 113 Luật doanh nghiệp 2020, cổ đông chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán được một phần số cổ phần đã đăng ký mua thì thực hiện theo quy định sau đây:
- Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác.
- Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán; không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác.
- Cổ phần chưa thanh toán được coi là cổ phần chưa bán và Hội đồng quản trị được quyền bán.
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua nêu tại Mục 1, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ, trừ trường hợp số cổ phần chưa thanh toán đã được bán hết trong thời hạn này và tiến hành đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập.
- Cổ đông chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua phải chịu trách nhiệm tương ứng với tổng mệnh giá cổ phần đã đăng ký mua đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời hạn trước ngày công ty đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ. Thành viên Hội đồng quản trị, người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới về các thiệt hại phát sinh do không thực hiện hoặc không thực hiện đúng việc góp vốn và đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập.
* Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên: Sau thời hạn nêu tại khoản 1 Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020 mà vẫn có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết thì được xử lý như sau:
- Thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty.
- Thành viên chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp.
- Phần vốn góp chưa góp của các thành viên được chào bán theo nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên.
Trên đây là những thông tin cơ bản về góp vốn chung thành lập công ty. Nếu cảm thấy những thông tin trên vẫn còn gây khó khăn vướng mắc cho bạn, hãy liên hệ với chúng tôi. NPLaw luôn cung cấp cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất về pháp luật. NPLaw không chỉ tư vấn trong lĩnh vực doanh nghiệp, dân sự, hình sự, đầu tư mà còn nhiều dịch vụ khác. NPLaw nỗ lực trở thành đôi cánh đồng hành cùng sự thành công của khách hàng. Sự tin tưởng hôm nay của khách hàng sẽ là nền tảng giúp NPLaw phát triển hơn trong tương lai.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn