Trước khi thành lập doanh nghiệp, Quý Khách hàng cần có sự tìm hiểu nhất định đối với các vấn đề xoay quanh loại hình doanh nghiệp mình thành lập, trong đó có vấn đề về góp vốn điều lệ. Vậy pháp luật quy định như thế nào về góp vốn điều lệ khi thành lập Doanh nghiệp? Quý Khách hàng hãy cùng NPLaw tìm hiểu qua nội dung bài viết sau đây.
Theo quy định tại khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 thì vốn điều lệ được định nghĩa như sau:
Trong trường hợp thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty hợp danh, vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh.
Đối với trường hợp thành lập công ty cổ phần, vốn điều lệ là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty.
Như vậy, vốn điều lệ được hiểu khác nhau tùy thuộc vào loại hình công ty được thành lập.
Từ định nghĩa vốn điều lệ, ta có thể hiểu góp vốn điều lệ là việc những thành viên sẽ mang tài sản của mình đầu tư (góp) vào cùng nhau để tạo thành tổng tài sản mà mình đã cam kết để trở thành chủ sở hữu công ty (trường hợp đóng góp 100% vốn điều lệ) hoặc đồng sở hữu (trường hợp không đóng góp hoàn toàn vốn điều lệ).
Như vậy, việc góp vốn sẽ tạo nên vốn điều lệ, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập.
(1) Góp vốn bằng tiền mặt, vàng
Tiền mặt hay vàng là những tài sản phổ biến trong việc kinh doanh, mua bán, thành lập doanh nghiệp,... Tiền mặt là tiền giấy hoặc tiền kim loại, được phát hành bởi Ngân hàng Nhà nước và được lưu thông theo quy định pháp luật. Cá nhân có thể góp vốn thông qua tiền mặt hoặc tiền trong tài khoản ngân hàng qua hình thức chuyển khoản.
(2) Góp vốn bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, quyền sở hữu trí tuệ
Hình thức góp vốn bằng quyền tài sản như quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, quyền sở hữu trí tuệ chỉ áp dụng đối với cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hợp pháp theo Luật Đất đai. Người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty theo quy định của pháp luật.
Quyền sở hữu trí tuệ là những quyền của chủ sở hữu đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ bao gồm: Quyền tác giả và quyền liên quan, nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý,… Điều kiện và thủ tục góp vốn quyền sở hữu trí tuệ cũng giống như quyền sử dụng đất, nghĩa là người góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ phải là chủ sở hữu hợp pháp của quyền và các thủ tục được thực hiện đúng theo quy định pháp luật điều chỉnh quyền đó.
(3) Góp vốn bằng công nghệ và bí quyết kỹ thuật
Bí quyết kỹ thuật là là thông tin được tích lũy, khám phá trong quá trình nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh có ý nghĩa quyết định chất lượng, khả năng cạnh tranh của một sản phẩm hay thậm chí là cả một doanh nghiệp. Còn công nghệ nói chung là những phát minh các công cụ để thay thế máy móc kỹ thuật nhằm đạt hiệu quả cao hơn trong sản xuất, kinh doanh nói riêng.
Việc góp vốn bằng công nghệ và bí quyết kỹ thuật chính là chuyển giao các quyền tài sản khác cho doanh nghiệp, có thể là quyền hưởng dụng, quyền định đoạt các tài sản đó.
(4) Góp vốn bằng các tài sản khác định giá được bằng Đồng Việt Nam
Các hình thức góp vốn khác có thể định giá như góp vốn bằng tri thức, bằng hoạt động hay công việc cũng được xem là hình thức góp vốn vào công ty. Lao động tri thức để tạo ra giá trị có thể quy đổi bằng tài sản. Góp vốn bằng tri thức hay các hình thức hợp pháp khác cần phải tạo được lợi ích cho doanh nghiệp.
Việc góp vốn bằng hoạt động hay công việc là việc cam kết thực hiện những hành vi cụ thể có thể trị giá được bằng tiền. Khi góp vốn bằng hoạt động hay công việc, sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới cho vấn đề về nghĩa vụ của doanh nghiệp.
Thời hạn góp vốn điều lệ được pháp luật quy định khác nhau tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp mà các thành viên góp vốn vào. Theo quy định tại khoản 2 Điều 47, khoản 2 Điều 75, khoản 1 Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2020, đối với hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty cổ phần, thời hạn góp vốn điều lệ là 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần có quy định khác trong trường hợp công ty cổ phần. Trong thời hạn nói trên, thành viên có trách nhiệm góp vào đúng và đủ số vốn mà mình đã cam kết trước đó.
Đối với công ty hợp danh, tại khoản 1 và khoản 3 Điều 178 Luật Doanh nghiệp 2020, pháp luật chỉ đề cập đến nghĩa vụ góp vốn đầy đủ và đúng hạn như đã cam kết của các thành viên hợp danh. Như vậy, trong trường hợp thành lập công ty hợp danh, việc góp vốn điều lệ không được pháp luật quy định cụ thể, nghĩa là thời hạn góp vốn của các thành viên phụ thuộc vào thỏa thuận và cam kết giữa họ.
Khi đã hết thời hạn theo quy định pháp luật mà các thành viên vẫn chưa góp đủ vốn điều lệ thì doanh nghiệp phải thực hiện điều chỉnh vốn điều lệ, thay đổi thành viên hoặc cổ đông sáng lập. Do đó, nếu doanh nghiệp không thực hiện thủ tục này sẽ dẫn đến hậu quả là bị xử phạt hành chính với mức tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 46 Nghị định 122/2021/NĐ-CP.
Trong các hình thức góp vốn điều lệ thì tài sản được sử dụng bằng vốn góp chỉ phân loại theo hình thức tài sản, không phân biệt tài sản cố định hay không cố định. Tài sản chỉ cần có thể trị giá được bằng tiền thì đều có thể dùng để góp vốn.
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 45/2013/TT-BTC, tài sản cố định là tài sản chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó; có thời gian sử dụng trên 01 năm trở lên và nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy và có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên. Cổ đông chỉ cần thực hiện nghĩa vụ góp vốn của mình đầy đủ như cam kết và đúng thời hạn theo quy định của pháp luật, hoàn toàn có thể sử dụng tài sản cố định để góp vốn vào công ty cổ phần.
Theo quy định tại khoản 7 Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC (sửa đổi bởi khoản 1 Điều 3 Thông tư 119/2014/TT-BTC), một trong các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng là góp vốn thành lập doanh nghiệp. Tài sản góp vốn vào doanh nghiệp (không phân biệt loại tài sản) chỉ cần có đầy đủ các tài liệu như biên bản góp vốn sản xuất kinh doanh, hợp đồng liên doanh, liên kết; biên bản định giá tài sản của Hội đồng giao nhận vốn góp của các bên góp vốn (hoặc văn bản định giá của tổ chức có chức năng định giá theo quy định của pháp luật), kèm theo bộ hồ sơ về nguồn gốc tài sản và không yêu cầu phải xuất hóa đơn.
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-BTC, nhà đầu tư là doanh nghiệp thì không được sử dụng tiền mặt để thanh toán giao dịch góp vốn hoặc mua bán, chuyển nhượng phần góp vốn vào doanh nghiệp khác.
Do đó, theo quy định tại khoản 8 và khoản 10 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 15 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP) trường hợp nhà đầu tư là doanh nghiệp góp vốn sai về mặt hình thức nói trên sẽ bị phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm và không cho mở rộng phạm vi, quy mô và địa bàn hoạt động trong thời gian chưa khắc phục xong vi phạm đối với hành vi vi phạm này.
Lưu ý: Mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân.
Để tránh bị xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp góp vốn điều lệ không đủ như đã cam kết trước đó, doanh nghiệp cần thực hiện một số việc như sau:
(1) Doanh nghiệp cần tìm hiểu hoặc được tư vấn về quy định đối với thời hạn góp vốn điều lệ;
(2) Khi thời hạn góp vốn điều lệ sắp kết thúc, doanh nghiệp cần đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ góp vốn của các thành viên;
(3) Trong trường hợp không thể góp đủ vốn điều lệ như cam kết ban đầu, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục điều chỉnh giảm vốn điều lệ, thay đổi thành viên hoặc cổ đông sáng lập.
Các vấn đề liên quan đến góp vốn điều lệ có vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp. Thực hiện tốt quy định pháp luật về góp vốn khi thành lập doanh nghiệp giúp doanh nghiệp bước đầu hoạt động thuận lợi, tiếp theo là hạn chế những rủi ro pháp lý hoặc trách nhiệm tài chính phát sinh từ việc không thực hiện đúng quy định. Do đó, khi giải quyết các vấn đề này, Quý Khách hàng cần có sự tư vấn từ những đơn vị hoặc người có chuyên môn trong lĩnh vực luật nói chung và pháp luật về doanh nghiệp nói riêng.
Công ty Luật TNHH Ngọc Phú (Hãng luật NPLaw) là một công ty chuyên về luật uy tín, hiện có cung cấp dịch vụ tư vấn các vấn đề về góp vốn điều lệ cũng như các vấn đề pháp lý trong lĩnh vực pháp luật về doanh nghiệp. Quý Khách hàng có mong muốn được tư vấn vui lòng liên hệ hotline 0913 449 968 hoặc truy cập trang web nplaw.vn để được đội ngũ Luật sư, chuyên viên pháp lý dày dặn kinh nghiệm hướng dẫn về các thủ tục. Với nghiệp vụ chuyên môn cao, NPLaw hứa hẹn sẽ mang lại trải nghiệm dịch vụ pháp lý chất lượng và uy tín đến với Quý Khách hàng.
Trên đây là nội dung tư vấn của NPLaw về góp vốn điều lệ. Quý Khách hàng khi cần được tư vấn về việc thực hiện các thủ tục hoặc giải quyết công việc liên quan đến góp vốn điều lệ hãy lưu ý các nội dung trên. Trong trường hợp Quý Khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề này hoặc có vấn đề pháp lý khác vui lòng liên hệ NPLaw để được tư vấn giải quyết. Trân trọng cảm ơn Quý Khách hàng.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ - HÃNG LUẬT NPLAW
Hotline: 0913449968
Email: legal@nplaw.vn
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn