QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG BOT

Hợp đồng BOT là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng, kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao không bồi hoàn công trình đó cho Nhà nước Việt Nam. Bài viết dưới đây NPLaw sẽ làm rõ các vấn đề liên quan đến hợp đồng BOT.

Tìm hiểu về hợp đồng BOT

I. Tìm hiểu về hợp đồng BOT

1. BOT là gì? Hợp đồng BOT được hiểu như thế nào?

BOT là từ viết tắt của cụm từ tiếng Anh sau đây: Build - Operate - Tranfers (nghĩa là Xây dựng - Kinh Doanh - Chuyển giao).

Theo quy định điểm a khoản 16 Điều 3 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 quy định như sau: 

“16. Hợp đồng dự án PPP là thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan ký kết hợp đồng với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP về việc Nhà nước nhượng quyền cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP thực hiện dự án PPP theo quy định của Luật này, bao gồm các loại hợp đồng sau đây:

a) Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (Build - Operate - Transfer, sau đây gọi là hợp đồng BOT)”

Đồng thời, tại điểm a khoản 1 Điều 45 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 quy định như sau: “Hợp đồng BOT là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để xây dựng, kinh doanh, vận hành công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng trong thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đó cho Nhà nước.”

Như vậy, có thể hiểu, hợp đồng BOT là từ viết tắt của hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao, là một loại hợp đồng dự án PPP.

2. Đặc điểm của  hợp đồng BOT

  • Hợp đồng BOT là một hình thức của hợp đồng thương mại. Vì vậy, tất cả các đặc điểm của hợp đồng thương mại cũng được hiểu là đặc điểm của hợp đồng BOT hay nói cách khác dù hợp đồng BOT có là một dạng đặc biệt của hợp đồng thương mại hay tồn tại một cách độc lập trong hệ thống pháp luật hợp đồng thì hợp đồng BOT vẫn mang toàn bộ đặc điểm thông thường mà trước hết nó là sự thể hiện ý chí tự do của các bên tham gia ký kết hợp đồng.
  • Đối tượng của hợp đồng BOT không bao giờ là động sản mà luôn là các công trình cơ sở hạ tầng như nhà máy, điện,  nước, cầu hầm, cống, hệ thống cấp thoát  nước… Tính đặc thù nữa về mặt đối tượng của hợp đồng BOT so với các hợp đồng khác còn thể hiện ở chỗ các cơ sở hạ tầng này thường do Nhà nước có trách nhiệm phải thực hiện.
  • Về vốn tài trợ để thực hiện hợp đồng. Các hợp đồng vay tài sản khác thường phải dựa vào cầm cố, thế chấp hoặc bảo lãnh. Còn vấn đề vay để thực hiện dự án trong hợp đồng BOT lại ngược lại. Cụ thể trong hợp đồng BOT, bên cho vay không phải dựa vào tài sản hiện hữu hoặc hình thành trong tương lai của doanh nghiệp mà bên cho vay thường xem xét tới nguồn thu của dự án để hoàn trả lại vốn vay thay vì các nguồn bảo đảm truyền thống khác như cầm cố, thế chấp, bảo lãnh tài sản của bản thân doanh nghiệp hoặc chủ đầu tư.
  • Về việc thương lượng và ký kết hợp đồng BOT. So với các hợp đồng khác thì việc ký kết hợp đồng BOT rất phức tạp và chặt chẽ. Điều này thể hiện qua việc lựa chọn nhà thầu tham gia đàm phán ký kết hợp đồng BOT. Quy trình chọn nhà thầu hết sức khắt khe cả về quy trình công nghệ, lẫn yêu cầu về nguồn vốn tài chính của nhà đầu tư để thực hiện dự án BOT. Hơn thế nữa, việc thương lượng ký kết hợp đồng BOT luôn luôn gắn liền với các hợp đồng phụ khác như hợp đồng mua bán vật tư để thực hiện dự án, hợp đồng cung cấp điện cho dự án, hợp đồng thuê đất, hợp đồng bán các sản phẩm của dự án BOT,… Vì vậy, việc ký kết hợp đồng BOT cũng thường đi kèm với việc thương lượng các điều khoản cơ bản của một số hợp đồng phụ phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện dự án.
  • Chủ thể hợp đồng BOT luôn bao gồm một bên là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và bên kia là chủ đầu tư. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tham gia hợp đồng BOT với tư cách là chủ thể đặc biệt của quan hệ pháp luật này. Tính đặc biệt này cần được chú ý bởi cơ quan Nhà  nước có thẩm quyền không chỉ tham gia với tư cách là chủ thể kinh tế mà còn tham gia với tư cách chủ thể công quyền, quản lý một số hoạt động đầu tư của nhà đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT. Trong khi, các hợp đồng thương mại khác không phải hợp đồng nào cũng có sự tham gia của Nhà  nước với vai trò chủ thể.
  • Về việc thực hiện hợp đồng BOT luôn gắn với doanh nghiệp dự án hay còn gọi là doanh nghiệp BOT. Trong quy định về hợp đồng BOT đã quy định rằng hợp đồng BOT phải có một chủ thể kinh doanh nhằm tiến hành các hoạt động kinh doanh trên cơ sở các thỏa thuận trong hợp đồng BOT. Với mục đích như vậy, nhà đầu tư có thể thành lập một doanh nghiệp mới hoặc sử dụng doanh nghiệp đang tồn tại để thực hiện dự án BOT. Doanh nghiệp BOT không tồn tại nếu không có hợp đồng dự án. Đồng thời, hợp đồng BOT sẽ không thể thực hiện được hoặc không có ý nghĩa gì nếu không có doanh nghiệp dự án để thực các quy định và cam kết trong hợp đồng BOT.

3. Vai trò của hợp đồng BOT

Vai trò của hợp đồng BOT

  • Hợp đồng BOT giúp giảm sức ép về vốn đầu tư cho ngân sách nhà nước: Với hình thức đầu tư BOT, Chính phủ có thể huy động được vốn từ các tổ chức nước ngoài. Bù lại thì Chính phủ sẽ có những chính sách ưu đãi dành cho chủ đầu tư để dự án có thể thu hồi vốn nhanh và thu lợi nhuận cao.
  • Xây dựng và phát triển hạ tầng trong nước: Các dự án BOT khi hoàn thành sẽ đóng góp vào việc mở rộng và nâng cấp hệ thống đường bộ, sân bay, bến cảng, đường sắt,... Đây là những lĩnh vực hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế vì nó thể hiện trình độ phát triển của mỗi quốc gia.
  • Phát huy năng lực của mọi thành phần trong nước: Bằng hình thức đầu tư BOT, các doanh nghiệp, cá nhân sẽ dựa trên khả năng vốn, kinh nghiệm, kỹ thuật, quản lý của mình để tìm lập và xin phép thực hiện dự án BOT.

II. Quy định pháp luật về hợp đồng BOT

1. Một số quy đ ịnh đối với hợp đồng BOT

Các văn bản pháp luật quy định về hợp đồng BOT bao gồm:

  • Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020;
  • Nghị định 35/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư;

2. Những nộ i dung cơ bản của hợp đồng BOT

Cụ thể tại Điều 47 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020, hợp đồng BOT có các nội dung cơ bản sau đây:

- Mục tiêu, quy mô, địa điểm và tiến độ thực hiện dự án; thời gian xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng; thời điểm có hiệu lực của hợp đồng; thời hạn hợp đồng;

- Phạm vi và yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ, chất lượng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ công được cung cấp;

- Tổng mức đầu tư; cơ cấu nguồn vốn; phương án tài chính, trong đó có kế hoạch thu xếp tài chính; giá, phí sản phẩm, dịch vụ công, trong đó có phương pháp và công thức để thiết lập hoặc điều chỉnh; vốn nhà nước trong dự án PPP và hình thức quản lý, sử dụng tương ứng (nếu có);

- Điều kiện sử dụng đất và tài nguyên khác; phương án tổ chức xây dựng công trình phụ trợ; yêu cầu về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường; trường hợp bất khả kháng và phương án xử lý trong trường hợp bất khả kháng;

- Trách nhiệm thực hiện các thủ tục xin cấp phép theo quy định của pháp luật có liên quan; thiết kế; tổ chức thi công; kiểm tra, giám sát, quản lý chất lượng trong giai đoạn xây dựng;...

- Trách nhiệm trong việc vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng để sản phẩm, dịch vụ công được cung cấp liên tục, ổn định; điều kiện, trình tự, thủ tục chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng;

- Bảo đảm thực hiện hợp đồng; quyền sở hữu, quyền quản lý, khai thác các loại tài sản liên quan đến dự án; quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP; thỏa thuận về việc sử dụng dịch vụ bảo lãnh của bên thứ ba đối với nghĩa vụ của cơ quan ký kết hợp đồng;

- Phương án xử lý trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo quy định của pháp luật về dân sự để tiếp tục thực hiện hợp đồng; biện pháp xử lý, bồi thường, xử phạt trong trường hợp một trong các bên vi phạm hợp đồng;

- Trách nhiệm của các bên liên quan đến bảo mật thông tin; chế độ báo cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan và giải trình việc thực hiện hợp đồng theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát;

- Các nguyên tắc, điều kiện sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn; chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ của các bên; quyền của bên cho vay; thủ tục, quyền và nghĩa vụ của các bên khi thanh lý hợp đồng;

- Ưu đãi, bảo đảm đầu tư, phương án chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, bảo đảm cân đối ngoại tệ, các loại bảo hiểm (nếu có);

- Pháp luật điều chỉnh hợp đồng và cơ chế giải quyết tranh chấp. 

III. Giải đáp những câu hỏi liên quan đến hợp đồng BOT

1. Hợp đồng  BOT có được xem là loại hợp đồng dự án PPP không?

Theo quy định điểm a khoản 16 Điều 3 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 quy định về Hợp đồng dự án PPP, thì hợp đồng BOT là một trong các loại hợp đồng dự án PPP.

Hồ sơ đề nghị chuyển giao công trình đối với dự án ký hợp đồng BOT

2. Hồ sơ đề  nghị chuyển giao công trình đối với dự án ký hợp đồng BOT

Hồ sơ đề nghị chuyển giao công trình dự án PPP áp dụng hợp đồng BOT được quy định tại Điều 79 Nghị định 35/2021/NĐ-CP bao gồm:

- Văn bản đề nghị chuyển giao công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng;

- Báo cáo về tính đáp ứng của công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đối với nguyên tắc, điều kiện quy định tại Điều 77 Nghị định 35/2021/NĐ-CP sau:

Trừ trường hợp chấm dứt hợp đồng dự án PPP trước thời hạn, công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng dự án PPP chỉ được tiếp nhận khi doanh nghiệp dự án PPP bảo đảm đáp ứng đầy đủ các nguyên tắc, điều kiện sau đây:

+ Việc xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng phù hợp quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật khác có liên quan; tuân thủ quy định hợp đồng dự án;

+ Công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dự án PPP không trong tình trạng cầm cố, thế chấp hoặc bất kỳ hạn chế về quyền sở hữu nào khác;

+ Công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng đầy đủ công năng sử dụng, công suất cần thiết và chất lượng theo đúng yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ, chất lượng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng quy định tại hợp đồng dự án tại thời điểm chuyển giao, đủ điều kiện tiếp tục sử dụng theo quy định của pháp luật;

+ Việc chuyển giao, tiếp nhận công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng bảo đảm không làm ảnh hưởng tới tính liên tục, chất lượng của việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ công.

- Tài liệu khác theo quy định tại hợp đồng và văn bản thỏa thuận theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 78 Nghị định 35/2021/NĐ-CP.

3. Việc chia sẻ  phầ n giảm doanh thu được thực hiện với dự án áp dụng loại hợp đồng BOT khi nào?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020, việc chia sẻ giảm bớt doanh thu được thực hiện với dự án áp dụng loại hợp đồng BOT khi đáp ứng các điều kiện sau:

- Dự án áp dụng loại hợp đồng BOT;

- Quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi làm giảm doanh thu;

- Đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công, điều chỉnh thời hạn hợp đồng dự án PPP theo quy định tại các điều 50, 51 và 65 của Luật này nhưng chưa bảo đảm mức doanh thu tối thiểu là 75%;

- Đã được Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán phần giảm doanh thu. 

4. Trình tự chuyển giao công trình đối với dự án PPP áp dụng loại hợp đồng BOT thực hiện như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 78 Nghị định 35/2021/NĐ-CP, như vậy trình tự chuyển giao công trình đối với dự án PPP áp dụng loại hợp đồng BOT thực hiện như sau:

- Chậm nhất 01 năm trước ngày chấm dứt hợp đồng dự án PPP theo thời hạn quy định tại hợp đồng, doanh nghiệp dự án PPP phải đăng báo công khai việc chuyển giao công trình, thủ tục, thời hạn thanh lý hợp đồng, thanh toán các khoản nợ. Đồng thời, gửi hồ sơ đề nghị chuyển giao công trình đến cơ quan ký kết hợp đồng;

- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị chuyển giao, cơ quan ký kết hợp đồng chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về tài sản, cơ quan tài chính và các cơ quan khác có liên quan (nếu cần) thực hiện:

+ Tổ chức giám định chất lượng, giá trị, tình trạng công trình theo nguyên tắc, điều kiện thỏa thuận tại hợp đồng dự án.

+ Lập danh mục tài sản chuyển giao.

+ Lập biên bản xác định các hư hại của tài sản (nếu có) để yêu cầu doanh nghiệp dự án thực hiện việc sửa chữa, bảo trì tài sản.

+ Trường hợp công trình đáp ứng các yêu cầu, cơ quan ký kết hợp đồng thực hiện ký biên bản nhận chuyển giao tài sản.

+ Báo cáo cơ quan có thẩm quyền về việc giao một cơ quan, đơn vị vận hành, kinh doanh và bảo trì công trình theo quy định. 

- Cơ quan ký kết hợp đồng có trách nhiệm đề nghị Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán giá trị tài sản của dự án PPP, làm cơ sở để hạch toán tăng tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

- Chậm nhất 30 ngày trước ngày chấm dứt hợp đồng dự án PPP theo thời hạn quy định tại hợp đồng, cơ quan ký kết hợp đồng lập hồ sơ, báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân.

Đồng thời, lập phương án xử lý tài sản, báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;

- Cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận, vận hành, kinh doanh và bảo trì công trình theo quy định. 

IV. Dịch vụ tư vấn và thực hiện các thủ tục liên quan đến hợp đồng BOT

Trên đây là những thông tin cơ bản về hợp đồng BOT. Nếu cảm thấy những thông tin trên vẫn còn gây khó khăn vướng mắc cho bạn, hãy liên hệ với chúng tôi. NPLaw luôn cung cấp cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất về pháp luật. NPLaw không chỉ tư vấn trong lĩnh vực hợp đồng, dân sự, hình sự, đầu tư mà còn nhiều dịch vụ khác. NPLaw nỗ lực trở thành đôi cánh đồng hành cùng sự thành công của khách hàng. Sự tin tưởng hôm nay của khách hàng sẽ là nền tảng giúp NPLaw phát triển hơn trong tương lai.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan