Hợp đồng dịch vụ là một loại hợp đồng dân sự, trong đó một bên (bên cung ứng dịch vụ) cam kết thực hiện công việc hoặc cung cấp dịch vụ nhất định theo yêu cầu của bên còn lại (bên sử dụng dịch vụ). Đổi lại, bên sử dụng dịch vụ có nghĩa vụ thanh toán thù lao hoặc chi phí tương ứng theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Hợp đồng dịch vụ có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau như tư vấn pháp lý, kỹ thuật, vệ sinh, vận tải, hoặc du lịch.
Căn cứ Điều 513 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hợp đồng dịch vụ:
Hợp đồng dịch vụ
Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.
Theo quy định, hợp đồng dịch vụ là một thỏa thuận pháp lý ràng buộc giữa hai bên, trong đó bên cung ứng dịch vụ cam kết thực hiện dịch vụ theo yêu cầu, còn bên sử dụng dịch vụ đồng ý thanh toán đầy đủ cho những gì đã được cung cấp.
Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng dịch vụ quy định từ Điều 515 đến Điều 518 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:
Đối với bên sử dụng dịch vụ
- Nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ
+ Cung cấp cho bên cung ứng dịch vụ thông tin, tài liệu và các phương tiện cần thiết để thực hiện công việc, nếu có thỏa thuận hoặc việc thực hiện công việc đòi hỏi.
+ Trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ theo thỏa thuận.
- Quyền của bên sử dụng dịch vụ
+ Yêu cầu bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc theo đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và thỏa thuận khác.
+ Trường hợp bên cung ứng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Đối với bên cung ứng dịch vụ
- Nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ
+ Thực hiện công việc đúng chất lượng, số lượng, thời hạn, địa điểm và thỏa thuận khác.
+ Không được giao cho người khác thực hiện thay công việc nếu không có sự đồng ý của bên sử dụng dịch vụ.
+ Bảo quản và phải giao lại cho bên sử dụng dịch vụ tài liệu và phương tiện được giao sau khi hoàn thành công việc.
+ Báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ về việc thông tin, tài liệu không đầy đủ, phương tiện không bảo đảm chất lượng để hoàn thành công việc.
+ Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong thời gian thực hiện công việc, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
+ Bồi thường thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, nếu làm mất, hư hỏng tài liệu, phương tiện được giao hoặc tiết lộ bí mật thông tin.
- Quyền của bên cung ứng dịch vụ
+ Yêu cầu bên sử dụng dịch vụ cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện để thực hiện công việc.
+ Được thay đổi điều kiện dịch vụ vì lợi ích của bên sử dụng dịch vụ mà không nhất thiết phải chờ ý kiến của bên sử dụng dịch vụ, nếu việc chờ ý kiến sẽ gây thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ, nhưng phải báo ngay cho bên sử dụng dịch vụ.
+ Yêu cầu bên sử dụng dịch vụ trả tiền dịch vụ.
Nội dung cơ bản của hợp đồng dịch vụ thường bao gồm các điều khoản chính sau:
1. Thông tin về các bên:
+ Tên, địa chỉ, và thông tin liên hệ của bên cung ứng dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ.
+ Thông tin về giấy phép kinh doanh (nếu có) hoặc các tài liệu pháp lý cần thiết.
2. Nội dung dịch vụ:
+ Mô tả chi tiết về dịch vụ sẽ được cung cấp (phạm vi công việc, tiêu chuẩn chất lượng).
+ Thời gian thực hiện dịch vụ (thời điểm bắt đầu và kết thúc).
+ Địa điểm thực hiện dịch vụ (nếu áp dụng).
3. Giá cả và phương thức thanh toán:
+ Giá dịch vụ: Tổng chi phí, có thể kèm điều kiện điều chỉnh giá (nếu có).
+ Phương thức thanh toán: Tiền mặt, chuyển khoản hoặc hình thức khác.
+ Thời hạn thanh toán: Các mốc thời gian cụ thể hoặc điều kiện thanh toán theo tiến độ.
4. Quyền và nghĩa vụ của các bên:
+ Bên cung ứng dịch vụ: Đảm bảo chất lượng, thời gian thực hiện, và tuân thủ các yêu cầu đã thỏa thuận.
+ Bên sử dụng dịch vụ: Thanh toán đúng hạn, cung cấp thông tin và hỗ trợ cần thiết cho bên cung ứng.
5. Thời hạn hợp đồng:
+ Ghi rõ thời gian hợp đồng có hiệu lực và các trường hợp kéo dài hoặc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn
6. Điều khoản về trách nhiệm:
+ Quy định cụ thể trách nhiệm bồi thường hoặc khắc phục nếu một bên vi phạm hợp đồng.
7. Giải quyết tranh chấp:
+ Các phương thức giải quyết tranh chấp như thương lượng, hòa giải, hoặc thông qua cơ quan tài phán (tòa án, trọng tài).
8. Các điều khoản khác (nếu có):
+ Quy định bảo mật thông tin.
+ Cam kết không cạnh tranh.
+ Các điều kiện đặc biệt tùy theo thỏa thuận giữa hai bên.
Hợp đồng dịch vụ càng chi tiết và rõ ràng, quyền lợi của các bên càng được bảo vệ, hạn chế tối đa các rủi ro và tranh chấp phát sinh.
Theo quy định tại Điều 520 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ
1. Trường hợp việc tiếp tục thực hiện công việc không có lợi cho bên sử dụng dịch vụ thì bên sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, nhưng phải báo cho bên cung ứng dịch vụ biết trước một thời gian hợp lý; bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền công theo phần dịch vụ mà bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện và bồi thường thiệt hại.
2. Trường hợp bên sử dụng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên cung ứng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Theo đó, đối với hợp đồng dịch vụ, các bên được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trước hạn trong các trường hợp sau đây:
- Trường hợp việc tiếp tục thực hiện công việc không có lợi cho bên sử dụng dịch vụ thì bên sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, nhưng phải báo cho bên cung ứng dịch vụ biết trước một thời gian hợp lý; bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền công theo phần dịch vụ mà bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện và bồi thường thiệt hại.
- Trường hợp bên sử dụng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên cung ứng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng trước hạn và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Như vậy, nếu một bên muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng dịch vụ trước hạn thì phải đáp ứng điều kiện về thời gian báo trước và hoàn trả cho nhau những gì đã nhận trong quá trình thực hiện hợp đồng (BTTH nếu có).
Pháp luật hiện hành không có quy định bắt buộc hợp đồng dịch vụ phải lập thành văn bản. Tuy nhiên, đối với một số loại hợp đồng cung cấp các dịch vụ đặc biệt thì theo quy định pháp luật bắt buộc phải được lập thành văn bản. Ví dụ: Hợp đồng dịch vụ tổ chức đấu giá hàng hoá (Điều 193 Luật Thương mại 2005); Hợp đồng dịch vụ quá cảnh (Điều 249, Điều 251 Luật Thương mại 2005) phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
Như vậy, hợp đồng dịch vụ là hợp đồng xác lập dựa trên sự thỏa thuận và không bắt buộc phải lập thành văn bản, tuy nhiên các bên có thể lập thành văn bản để bảo đảm tính chính xác của thỏa thuận nếu có yêu cầu.
Các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ, gồm:
Thương lượng
Thương lượng là cách giải quyết tranh chấp dựa trên sự tự nguyện của các bên mà không cần đến sự can thiệp của cơ quan nhà nước hoặc bất kỳ bên thứ ba nào. Đây là phương thức thể hiện quyền tự do thỏa thuận và tự quyết định của các bên, giúp giải quyết mâu thuẫn một cách linh hoạt và nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Hòa giải
Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua sự hỗ trợ của một hòa giải viên đóng vai trò trung gian để giúp các bên đạt được thỏa thuận chung. Phương thức này thường áp dụng trong hòa giải thương mại, nơi hòa giải viên không có quyền tài phán mà chỉ hỗ trợ các bên đối thoại, tháo gỡ bất đồng.
Nếu hòa giải diễn ra tại Trung tâm Hòa giải Thương mại, các bước thực hiện sẽ tuân theo quy định tại Điều 14 Nghị định 22/2017/NĐ-CP. Tuy nhiên, hiện nay không có quy định bắt buộc các bên phải hòa giải tại trung tâm này, mà hoàn toàn phụ thuộc vào sự đồng thuận của các bên.
Trọng tài
Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp dựa trên sự thỏa thuận của các bên và được tiến hành theo quy định của pháp luật trọng tài. Điều kiện tiên quyết để trọng tài có thẩm quyền giải quyết là các bên phải có thỏa thuận trọng tài (được lập trước hoặc sau khi phát sinh tranh chấp). Phán quyết của trọng tài mang tính chung thẩm, nghĩa là không thể kháng cáo hoặc xem xét lại tại Tòa án hay bất kỳ cơ quan nào khác.
Quyết định trọng tài có giá trị cưỡng chế thi hành, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên thông qua hệ thống pháp luật.
Tòa án
Khi các bên không thể tự thương lượng hoặc hòa giải, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết tranh chấp theo yêu cầu của các bên. Để Tòa án thụ lý, tranh chấp phải thuộc thẩm quyền xét xử theo quy định pháp luật.
Phán quyết của Tòa án (bản án hoặc quyết định) mang danh nghĩa Nhà nước và được đảm bảo thi hành bằng sức mạnh cưỡng chế của quyền lực nhà nước.
Phương thức này thường được áp dụng khi các tranh chấp có tính phức tạp, giá trị lớn, hoặc khi một trong các bên không tuân thủ các thỏa thuận trước đó.
Trên đây là tất cả các thông tin chi tiết mà NPLaw của chúng tôi cung cấp để hỗ trợ quý khách hàng về vấn đề hợp đồng dịch vụ. Trường hợp Quý Khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề nêu trên hoặc các vấn đề pháp lý khác thì hãy liên hệ ngay cho NPLaw để được đội ngũ chúng tôi trực tiếp tư vấn và hướng dẫn giải quyết.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn