Hiện nay, dịch vụ cho thuê tài sản ở các thành phố và thị xã phát triển rộng rãi, đa dạng. Nhờ có dịch vụ này mà nhân dân và các tổ chức tiết kiệm được nhiều thời gian và tiền của. Với một khoản chi phí có hạn nhưng bên thuê có thể được sử dụng một tài sản có giá trị lớn đáp ứng nhu cầu cần thiết của mình. Việc mua bán tốn nhiều tiền mà không sử dụng hết công suất của tài sản gây lãng phí tiền của cá nhân, tổ chức, của Nhà nước. Vậy pháp luật dân sự quy định như thế nào về hợp đồng thuê tài sản? Bài viết dưới đây, NPLaw làm rõ hơn về vấn đề liên quan đến lĩnh vực này nhé.
I. Hợp đồng thuê tài sản là gì?
1. Khái niệm
Theo quy định tại Điều 472 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng thuê tài sản như sau: “Hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê”.
Hợp đồng thuê tài sản thường được sử dụng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Trong hợp đồng thuê tài sản, bên cho thuê chuyển quyền sử dụng tài sản cho bên thuê trong một thời gian nhất định. Hết hạn của hợp đồng, bên thuê phải trả lại tài sản mà mình đã thuê. Vì vậy, đối tượng của hợp đồng thuê tài sản phải là vật đặc định, không tiêu hao.
Đặc điểm của hợp đồng thuê tài sản:
- Hợp đồng thuê tài sản là hợp đồng có đền bù: Mục đích của bên thuê là nhằm được sử dụng tài sản của người khác trong một thời hạn nhất định. Ngược lại, bên cho thuê hướng tới việc thu được một khoản tiền khi cho người khác sử dụng tài sản của mình. Vì vậy, khi hợp đồng thuê được xác lập thì mỗi bên đều chuyển giao cho nhau những lợi ích, trong đó, bên cho thuê chuyển giao cho bên thuê quyền khai thác công dụng của tài sản, bên thuê chuyển giao cho bên cho thuê một khoản tiền (tiền thuê tài sản).
- Hợp đồng thuê tài sản là hợp đồng song vụ: Bên thuê tài sản có nghĩa vụ trả lại tài sản thuê và tiền thuê như đã thỏa thuận. Bên thuê có quyền yêu cầu bên cho thuê giao tài sản để sử dụng. Bên cho thuê có quyền yêu cầu bên thuê sử dụng tài sản thuê đúng mục đích, công dụng, thời hạn, phương thức và trả lại tài sản thuê, tiền thuê.
- Có thể là hợp đồng ưng thuận, có thể là hợp đồng thực tế: Nếu các bên không có thỏa thuận khác về thời điểm có hiệu lực thì hợp đồng thuê tài sản là một hợp đồng ưng thuận bởi tại thời điểm giao kết, hợp đồng đã phát sinh hiệu lực dù tài sản thuê chưa được chuyển giao thực tế. Nếu các bên đã thỏa thuận hợp đồng chỉ có hiệu lực khi bên cho thuê đã chuyển giao tài sản thuê cho bên thuê thì hợp đồng đó là một hợp đồng thực tế.
Đối tượng của hợp đồng thuê tài sản: Tài sản thuê phải tồn tại ở dạng vật và phải là vật không tiêu hao.
2. Quyền của các bên trong hợp đồng thuê tài sản
a. Quyền của bên thuê:
Quyền được bảo đảm giá trị sử dụng của tài sản thuê theo quy định tại Điều 477 Bộ luật Dân sự 2015:
Trường hợp tài sản thuê bị giảm sút giá trị sử dụng mà không do lỗi của bên thuê thì bên thuê có quyền yêu cầu bên cho thuê thực hiện một hoặc một số biện pháp sau đây:
- Sửa chữa tài sản;
- Giảm giá thuê;
- Đổi tài sản khác hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu tài sản thuê có khuyết tật mà bên thuê không biết hoặc tài sản thuê không thể sửa chữa được mà do đó mục đích thuê không đạt được.
Trường hợp bên cho thuê đã được thông báo mà không sửa chữa hoặc sửa chữa không kịp thời thì bên thuê có quyền tự sửa chữa tài sản thuê với chi phí hợp lý, nhưng phải báo cho bên cho thuê và có quyền yêu cầu bên cho thuê thanh toán chi phí sửa chữa.
- Quyền được bảo đảm quyền sử dụng tài sản cho người thuê: Bên cho thuê phải bảo đảm quyền sử dụng tài sản ổn định cho bên thuê theo quy định tại khoản 1 Điều 478 Bộ luật Dân sự 2015.
- Quyền được đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê tài sản: Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với tài sản thuê mà bên thuê không được sử dụng tài sản ổn định thì bên thuê có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 2 Điều 478 Bộ luật Dân sự 2015.
- Quyền tu sửa và làm tăng giá trị tài sản thuê: Bên thuê có thể tu sửa và làm tăng giá trị tài sản thuê, nếu được bên cho thuê đồng ý và có quyền yêu cầu bên cho thuê thanh toán chi phí hợp lý theo quy định tại khoản 2 Điều 479 Bộ luật Dân sự 2015.
b. Quyền của bên cho thuê tài sản:
- Bên cho thuê có quyền yêu cầu trả tiền thuê đúng thời hạn;
- Yêu cầu bên thuê trả lại tài sản thuê;
- Nếu giá trị của tài sản thuê bị giảm sút so với tình trạng ban đầu khi nhận thì có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ những hao mòn tự nhiên.
- Có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu bên thuê có một trong các hành vi sau:
- Không trả tiền thuê trong 3 kỳ liên tiếp trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác;
- Sử dụng tài sản thuê không đúng mục đích và công dụng của tài sản;
- Làm tài sản thuê mất mát, hư hỏng;
- Sửa chữa, đổi hoặc cho người khác thuê lại một phần hoặc toàn bộ tài sản mà không có sự đồng ý của bên cho thuê;
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật;
3. Nghĩa vụ của các bên hợp đồng thuê tài sản
a. Nghĩa vụ của bên thuê tài sản:
- Nghĩa vụ bảo quản tài sản thuê của người thuê tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 479 Bộ luật Dân sự 2015:
- Bên thuê phải bảo quản tài sản thuê, phải bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ; (Nếu làm mất, hư hỏng thì phải bồi thường)
- Bên thuê không chịu trách nhiệm về những hao mòn tự nhiên do sử dụng tài sản thuê.
- Nghĩa vụ sử dụng tài sản thuê đúng công dụng, mục đích của người thuê tài sản theo quy định tại Điều 480 Bộ luật Dân sự 2015:
- Bên thuê phải sử dụng tài sản thuê theo đúng công dụng của tài sản và đúng mục đích đã thỏa thuận.
- Trường hợp bên thuê sử dụng tài sản không đúng mục đích, không đúng công dụng thì bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại
- Nghĩa vụ trả tiền thuê của người thuê tài sản theo quy định tại Điều 481 Bộ luật Dân sự 2015
Bên thuê phải trả đủ tiền thuê đúng thời hạn đã thỏa thuận;
- Nếu không có thỏa thuận về thời hạn trả tiền thuê thì thời hạn trả tiền thuê được xác định theo tập quán nơi trả tiền;
- Nếu không thể xác định được thời hạn theo tập quán thì bên thuê phải trả tiền khi trả lại tài sản thuê.
Trường hợp các bên thỏa thuận việc trả tiền thuê theo kỳ hạn thì bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, nếu bên thuê không trả tiền trong ba kỳ liên tiếp
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác
Nghĩa vụ trả lại tài sản thuê của người thuê tài sản theo quy định tại Điều 482 Bộ luật Dân sự 2015:
- Bên thuê phải trả lại tài sản thuê trong tình trạng như khi nhận, trừ hao mòn tự nhiên hoặc theo đúng như tình trạng đã thỏa thuận;
- Nếu giá trị của tài sản thuê bị giảm sút so với tình trạng khi nhận thì bên cho thuê có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ hao mòn tự nhiên.
Khi bên thuê chậm trả tài sản thuê thì bên cho thuê có quyền yêu cầu bên thuê trả lại tài sản thuê, trả tiền thuê trong thời gian chậm trả và phải bồi thường thiệt hại;
- Bên thuê phải trả tiền phạt vi phạm do chậm trả tài sản thuê, nếu có thỏa thuận.
- Bên thuê phải chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản thuê trong thời gian chậm trả.
b. Nghĩa vụ của bên cho thuê tài sản:
- Theo quy định tại khoản 1 Điều 477 Bộ luật Dân sự 2015: Bên cho thuê phải bảo đảm tài sản thuê trong tình trạng như đã thỏa thuận, phù hợp với mục đích thuê trong suốt thời gian cho thuê;
- Phải sửa chữa những hư hỏng, khuyết tật của tài sản thuê, trừ hư hỏng nhỏ mà theo tập quán bên thuê phải tự sửa chữa.
- Bên cho thuê có nghĩa vụ giao tài sản thuê theo quy định tại khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự 2015;
- Cung cấp những thông tin cần thiết về việc sử dụng tài sản;
- Bảo đảm giá trị sử dụng của tài sản thuê;
- Bảo đảm quyền sử dụng tài sản thuê ổn định sau khi thuê theo quy định tại khoản 1 Điều 478 Bộ luật Dân sự 2015;
II. Nội dung của hợp đồng thuê tài sản
Theo quy định tại Điều 398 Bộ luật Dân sự quy định về nội dung cơ bản của hợp đồng dân sự, hợp đồng thuê tài sản phải đảm bảo các nội dung sau:
- Thông tin các bên: Các bên tham gia bao gồm bên thuê và bên cho thuê. Tùy từng hợp đồng mà có thể có thêm bên thứ ba bảo đảm cho bên thuê như bên bảo lãnh hoặc bên thế chấp. Thông tin các bên thông thường là thông tin cá nhân, địa chỉ. Nếu chủ thể là tổ chức thì phải ghi nhận thông tin của người đại diện theo pháp luật.
- Thông tin về tài sản thuê: Mô tả cụ thể các chi tiết về tài sản thuê và giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền thuê của bên thuê đối với tài sản thuê.
- Mục đích thuê: Bên thuê nêu rõ mục đích thuê đối với tài sản thuê.
- Giá thuê và phương thức thanh toán: Hai bên thỏa thuận cụ thể gái thuê (có thể theo tháng hoặc giá tổng thời gian thuê). Phương thức thanh toán có thể là trả bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản
- Thời gian và phương thức giao, trả tài sản: Quy định rõ ngày giao, trả tài sản thuê; Phương thức giao, trả tài sản và địa điểm giao, trả.
- Quyền và nghĩa vụ của các bên: Các bên tự do thỏa thuận quyền và nghĩa vụ cho mình cũng như bên còn lại, tuy nhiên cần lưu ý một số quyền và nghĩa vụ đã được pháp luật dân sự quy định như: Nghĩa vụ bảo đảm giá trị sử dụng của tài sản thuê; Nghĩa vụ bảo đảm quyền sử dụng tài sản cho bên thuê; Nghĩa vụ bảo quản tài sản thuê; Nghĩa vụ sử dụng tài sản thuê đúng công dụng, mục đích;…
- Các điều khoản khác.
III. Giải đáp thắc mắc về hợp đồng thuê tài sản
1. Tôi làm dịch vụ cho thuê xe máy, trong lúc thuê xe máy thì khách hàng của tôi chạy xe và té ngã làm hư hao xe thì tôi có quyền yêu cầu bồi thường chi phí sửa xe từ khách hàng hay không?
Theo quy định tại Điều 482 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc trả lại tài sản thuê, thì bên thuê phải trả lại tài sản thuê trong tình trạng như khi nhận, trừ hao mòn tự nhiên hoặc theo đúng như tình trạng đã thỏa thuận; nếu giá trị của tài sản thuê bị giảm sút so với tình trạng khi nhận thì bên cho thuê có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ hao mòn tự nhiên. Như vậy, trong trường hợp của bạn cho thuê xe máy mà người thuê xe té ngã gây hư hỏng, thiệt hại đối với tài sản thuê thì bạn có quyền yêu cầu bên thuê bồi thường thiệt hại đối với phần hư hỏng của xe cần phải sửa chữa theo quy định tại Điều 584 và Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015.
2. Công ty tôi có hợp đồng thuê tài sản 5 năm (2018-2022) với một công ty khác, đang đề nghị mua lại tài sản đó, nếu thỏa thuận không được bên tôi muốn kết thúc hợp đồng có được không?
Điều 422 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về các trường hợp chấm dứt hợp đồng có quy định trường hợp hợp đồng dân sự chấm dứt theo thỏa thuận của các bên;
Tuy nhiên, nếu việc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng không được, bên bạn có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định tại Điều 428 Bộ luật Dân sự 2015 hoặc hủy bỏ hợp đồng theo quy định tại Điều 423 Bộ luật Dân sự 2015
V. Luật sư tư vấn soạn thảo hợp đồng thuê tài sản
NPLaw cung cấp dịch vụ tư vấn về soạn thảo hợp đồng thuê tài sản bao gồm:
- Tư vấn về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng thuê tài sản;
- Hỗ trợ khách hàng soạn thảo hợp đồng thuê tài sản;
- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng khi có tranh chấp xảy ra nếu được khách hàng ủy quyền;
- Bên cạnh đó, NPLaw còn cung cấp nhiều dịch vụ tư vấn khác về hợp đồng thuê tài sản
.jpg)
Trên đây là những thông tin cơ bản về hợp đồng thuê tài sản. Nếu cảm thấy những thông tin trên vẫn còn gây khó khăn vướng mắc cho bạn, hãy liên hệ với chúng tôi. NPLaw luôn cung cấp cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất về pháp luật. NPLaw không chỉ tư vấn trong lĩnh vực dân sự mà còn nhiều lĩnh vực khác. Đồng thời NPLaw cũng giúp đỡ khách hàng chuẩn bị những hồ sơ, tài liệu khi khách hàng khởi kiện và tham gia tranh tụng tại phiên tòa nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng khi được ủy quyền. NPLaw nỗ lực trở thành đôi cánh đồng hành cùng sự thành công của khách hàng. Sự tin tưởng hôm nay của khách hàng sẽ là nền tảng giúp NPLaw phát triển hơn trong tương lai.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn