Quy định pháp luật về kinh doanh đặt cược

Kinh doanh đặt cược là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đây là lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ của nhà nước nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng, cũng như hạn chế các tác động tiêu cực đến xã hội. Vậy khi kinh doanh đặt cược, cần lưu ý những quy định pháp lý nào? 

Trong bài viết này, NPLAW sẽ tư vấn những vấn đề pháp lý liên quan đến kinh doanh đặt cược. 

I. Thực trạng kinh doanh đặt cược hiện nay

Kinh doanh đặt cược là một lĩnh vực nhạy cảm, có tiềm năng phát triển nhưng cũng đi kèm nhiều rủi ro về xã hội và pháp lý. Tại Việt Nam, hoạt động này đã có sự thay đổi tích cực sau khi Chính phủ ban hành các văn bản pháp luật quản lý chặt chẽ, đặc biệt là Nghị định 06/2017/NĐ-CP về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế. 

Mặc dù pháp luật đã mở cửa cho kinh doanh đặt cược từ năm 2017, nhưng số lượng doanh nghiệp được cấp phép còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do yêu cầu về vốn đầu tư cao (tối thiểu 1.000 tỷ đồng đối với đặt cược bóng đá) và quy trình cấp phép nghiêm ngặt.

II. Tìm hiểu về kinh doanh đặt cược

1. Kinh doanh đặt cược là gì?

“Đặt cược” là trò chơi giải trí có thưởng mà người tham gia đặt cược thực hiện dự đoán về kết quả có thể xảy ra trong các sự kiện thể thao, giải trí được sử dụng để kinh doanh đặt cược. Người tham gia dự đoán đúng sẽ được trả thưởng bằng tiền hoặc bằng hiện vật, dịch vụ có thể quy ra thành tiền dựa trên kết quả của sự kiện đó khi kết thúc theo Thể lệ đặt cược.

Theo Khoản 2 Điều 2 Nghị định 06/2017/NĐ-CP, “Kinh doanh đặt cược” là việc tổ chức, cung cấp sản phẩm đặt cược cho người chơi theo nguyên tắc người chơi bỏ tiền ra mua vé đặt cược và được doanh nghiệp kinh doanh đặt cược trả thưởng khi trúng thưởng theo quy định. 

2. Các loại hình kinh doanh đặt cược

Căn cứ tại Điều 5 Nghị định 06/2017/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 151/2018/NĐ-CP quy định về các loại hình đặt cược như sau:

1. Đặt cược đua ngựa.

2. Đặt cược đua chó.

3. Đặt cược bóng đá quốc tế.

Như vậy, hiện nay ở nước ta, pháp luật cho phép được tổ chức kinh doanh 03 loại hình đặt cược đó là: Đặt cược đua ngựa; Đặt cược đua chó; Đặt cược bóng đá quốc tế.

3. Kinh doanh đặt cược ở Việt Nam được không?

Đặt cược là hoạt động kinh doanh có điều kiện, không khuyến khích phát triển, chịu sự quản lý chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để đảm bảo tuân thủ đúng quy định. Hiện nay, kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó, đặt cược bóng đá quốc tế là hoạt động được phép kinh doanh tại Việt Nam nhưng cần đáp ứng các điều kiện và xin giấy phép theo quy định.

III. Quy định pháp luật về kinh doanh đặt cược

1. Điều kiện kinh doanh đặt cược tại Việt Nam

Là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, tương ứng với phạm vi hoạt động đặt cược mà cá nhân, tổ chức kinh doanh phải đáp ứng đủ các điều kiện tương ứng.

Trường hợp đặt cược đua ngựa, đua chó (Điều 30 Nghị định 06/2017/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 151/2018/NĐ-CP):

  • Hình thức kinh doanh: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần;
  • Vốn pháp định: 1.000 tỷ đồng (một nghìn tỷ đồng) đối với đặt cược đua ngựa và 300 tỷ đồng (ba trăm tỷ đồng) đối với đặt cược đua chó;
  • Trường đua: phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương nơi xây dựng;
  • Cơ sở vật chất: trang bị đầy đủ hệ thống công nghệ, thiết bị kỹ thuật, phần mềm kinh doanh vận hành chính xác, an toàn, ổn định;
  • Phương án tổ chức hoạt động kinh doanh đặt cược phù hợp với quy định của pháp luật;
  • Cam kết hỗ trợ cộng đồng.

Trường hợp đặt cược bóng đá quốc tế (Điều 38 Nghị định 06/2017/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 151/2018/NĐ-CP)

  • Vốn pháp định: 1.000 tỷ đồng (một nghìn tỷ đồng);
  • Cơ sở vật chất: trang bị đầy đủ hệ thống công nghệ, thiết bị kỹ thuật, phần mềm kinh doanh vận hành chính xác, an toàn, ổn định;
  • Phương án tổ chức hoạt động kinh doanh khả thi, phương thức phân phối vé đặt cược, địa bàn phát hành vé đặt cược phù hợp;
  • Cam kết hỗ trợ cộng đồng.

2. Thủ tục kinh doanh đặt cược

Trường hợp đặt cược đua ngựa, đua chó (Điều 30, 31 Nghị định 06/2017/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 151/2018/NĐ-CP)::

  • Thành lập doanh nghiệp kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
  • Xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án đầu tư trường đua ngựa, đua chó, trong đó có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó
  • Doanh nghiệp sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 30 của Nghị định này trước khi tổ chức hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó phải xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược.

Trường hợp đặt cược bóng đá quốc tế (Điều 38, 39 Nghị định 06/2017/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 151/2018/NĐ-CP):

  • Doanh nghiệp được lựa chọn thí điểm kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế;
  • Trước khi tổ chức hoạt động kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế phải xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế.

3. Hồ sơ kinh doanh đặt cược bao gồm những gì

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó theo Khoản 2 Điều 31 Nghị định 06/2017/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 151/2018/NĐ-CP gồm các tài liệu sau:

a) Đơn xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược;

b) Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản quyết định chủ trương đầu tư trường đua ngựa, đua chó, trong đó có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc bản sao không có chứng thực và xuất trình kèm theo bản chính để đối chiếu;

c) Phiếu lý lịch tư pháp đối với người quản lý, điều hành doanh nghiệp;

d) Tài liệu, hồ sơ chứng minh doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều này;

đ) Giấy chứng nhận sự phù hợp về chất lượng đối với công trình xây dựng trường đua ngựa, đua chó do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp;

e) Phương án kinh doanh, bao gồm các nội dung chủ yếu sau: Mục tiêu, loại hình sản phẩm, phương thức phân phối vé đặt cược, địa bàn phát hành vé đặt cược, tần suất tổ chức đặt cược, đánh giá hiệu quả kinh doanh (doanh thu, chi phí, lợi nhuận và các khoản nộp ngân sách nhà nước), đánh giá tác động môi trường, giải pháp đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, kế hoạch triển khai thực hiện và thời hạn kinh doanh;

g) Dự thảo Thể lệ đặt cược, Điều lệ đua và quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền.

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế theo Khoản 3 Điều 39 Nghị định 06/2017/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 151/2018/NĐ-CP gồm các tài liệu sau:

a) Đơn xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược;

b) Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc bản sao không có chứng thực và xuất trình kèm theo bản chính để đối chiếu;

c) Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản quyết định chủ trương đầu tư kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc bản sao không có chứng thực và xuất trình kèm theo bản chính để đối chiếu;

d) Phiếu lý lịch tư pháp đối với người quản lý, điều hành doanh nghiệp;

đ) Tài liệu, hồ sơ chứng minh doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều này;

e) Dự thảo Thể lệ đặt cược và quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền.

4. Cơ quan thẩm quyền cấp giấy chứng nhận kinh doanh đặt cược thuộc cơ quan nào?

Theo Điều 32, Điều 40 Nghị định 06/2017/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 151/2018/NĐ-CP, Bộ Tài chính là cơ quan cấp giấy chứng nhận kinh doanh đặt cược. 

IV. Giải đáp các câu hỏi liên quan đến kinh doanh đặt cược

1. Tổ chức kinh doanh đặt cược khi chưa có giấy phép thì xử phạt như thế nào?

Việc xử phạt đối với hành vi kinh doanh đặt cược khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 9 Nghị định 137/2021/NĐ-CP.

Theo quy định trên thì hành vi kinh doanh đặt cược khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược sẽ bị phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.

Ngoài ra, theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 9 Nghị định 137/2021/NĐ-CP thì cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi kinh doanh đặt cược khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược sẽ có thể phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi này..

Lưu ý, mức phạt tiền nên trên áp dụng đối với tổ chức, nếu cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1/2 so với tổ chức.

2. Dùng kết quả sự kiện đặt cược để tổ chức kinh doanh đặt cược trái phép có bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược không?

Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 137/2021/NĐ-CP, khoản 3 Điều 10 Nghị định 137/2021/NĐ-CP và khoản 4 Điều 10 Nghị định 137/2021/NĐ-CP, hành vi dùng kết quả sự kiện đặt cược để tổ chức kinh doanh đặt cược trái phép sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược từ 06 tháng đến 12 tháng đối với vi phạm lần đầu và phạt tiền từ 180.000.000 đến 200.000.000 đồng.

Từ những lần vi phạm sau, thời gian tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược được nâng lên từ 01 năm đến 02 năm. Ngoài ra, còn buộc phải nộp lại số lợi bất chính từ hành vi vi phạm mà có.

Lưu ý, các quy định trên chỉ áp dụng đối với trường hợp đặt cược đua chó, đua ngựa và bóng đá quốc tế.

3. Doanh nghiệp kinh doanh đặt cược vượt quá phạm vi được phép kinh doanh thì bị phạt bao nhiêu tiền?

Theo điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị định 137/2021/NĐ-CP, khoản 3 Điều 10 Nghị định 137/2021/NĐ-CP và khoản 4 Điều 10 Nghị định 137/2021/NĐ-CP thì doanh nghiệp kinh doanh đặt cược vượt quá phạm vi được phép kinh doanh có thể bị phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng. 

Đồng thời, doanh nghiệp còn phải đối diện với việc bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược từ từ 06 tháng đến 12 tháng trong trường hợp vi phạm lần đầu. Nếu tái phạm, doanh nghiệp kinh doanh đặt cược sẽ bị tước Giấy chứng nhận từ 01 năm đến 02 năm.

Đồng thời, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

4. Doanh nghiệp kinh doanh đặt cược xây dựng tỷ lệ trả thưởng thấp hơn mức 65% trên doanh thu bán vé đặt cược có được không?

Theo Điều 11 Nghị định 06/2017/NĐ-CP, tỷ lệ trả thưởng phải được xây dựng ở mức tối thiểu là 65% trên doanh thu bán vé. Việc xây dựng tỷ lệ trả thưởng thấp hơn mức 65% trên doanh thu bán vé là hành vi vi phạm về tỷ lệ trả thưởng. 

5. Doanh nghiệp kinh doanh đặt cược chậm hoặc không trả thưởng cho khách hàng trúng thưởng bị phạt ra sao?

Theo khoản 1 Điều 20 Nghị định 137/2021/NĐ-CP, điểm a khoản 4 Điều 20 Nghị định 137/2021/NĐ-CP, hành vi chậm trả thưởng cho khách hàng trúng thưởng bị phạt như sau:

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;

- Buộc thực hiện trả thưởng cho người chơi theo đúng quy định.

V. Dịch vụ tư vấn và thực hiện các thủ tục liên quan đến kinh doanh đặt cược

Trên đây là tất cả các thông tin chi tiết mà NPLaw của chúng tôi cung cấp để hỗ trợ quý khách hàng về vấn đề kinh doanh đặt cược. Trường hợp Quý Khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề nêu trên hoặc các vấn đề pháp lý khác, hãy liên hệ ngay cho NPLaw để được đội ngũ Luật sư chúng tôi trực tiếp tư vấn và hướng dẫn giải quyết.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan