QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ MÔI GIỚI CHO NGƯỜI KHÁC XUẤT CẢNH

Môi giới là hành vi làm trung gian cho các bên tiếp xúc, đàm phán và thiết lập các quan hệ để hưởng thù lao. Tuy nhiên, không phải hành vi môi giới nào để hưởng thù lao cũng là hợp pháp đặc biệt là môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép. Vậy hành vi môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép sẽ bị xử lý như thế nào? Bài viết dưới đây NPLaw sẽ làm rõ vấn đề này.

Thực trạng môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép hiện nay

I. Thực trạng môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép hiện nay

Hiện nay Việt Nam đang trong thời kỳ mở cửa hội nhập kinh tế, quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam ra nước ngoài và người nước ngoài vào Việt Nam. Thực tế cho thấy bên cạnh một số trường hợp xuất nhập cảnh thực hiện các thủ tục đúng quy định của pháp luật vẫn còn nhiều trường hợp công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép ra nước ngoài lao động, tìm kiếm việc làm, kết hôn và cũng có những trường hợp đứng ra môi giới cho người khác xuất cảnh trái pháp luật. Lợi dụng sự nhẹ dạ, mất cảnh giác của một bộ phận người dân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, thu nhập thấp; thiếu hiểu biết, thiếu thông tin về chính sách xuất khẩu lao động, pháp luật về xuất nhập cảnh; một số tổ chức, cá nhân đã hình thành đường dây tổ chức môi giới đưa người khác xuất cảnh trái phép. Họ tiếp cận, dụ dỗ, lôi kéo, những người có nhu cầu xuất khẩu lao động, chi phí thấp, lương cao, thủ tục đơn giản (Chủ yếu các nước Trung Quốc, Campuchia, Malaysia, Singapore, Đài Loan, Lào…)  Một số đối tượng chỉ tổ chức đưa người xuất nhập cảnh trái phép để lấy chi phí thù lao, một số đối tượng bán cho chủ sử dụng lao động làm việc bất hợp pháp trong các nhà máy, nhà hàng, cơ sở giải trí, trung tâm cá cược, sòng bạc, cơ sở trồng cần sa… 

Trong năm 2022, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh đã tiếp nhận xác minh thông tin 163 trường hợp Công dân Việt Nam tại tỉnh Sóc Trăng không được Trung Quốc cho cư trú do nhập cảnh trái phép và vi phạm pháp luật nước ngoài. Qua công tác phối hợp, quản lý, phát hiện 69 trường hợp công dân Việt Nam và người nước ngoài nhập cảnh trái phép. Tuy nhiên trong 04 tháng đầu năm 2023, số lượng xuất nhập cảnh trái phép có chiều hướng tăng lên.

Thời gian qua, tình trạng công dân Việt Nam xuất, nhập cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động làm thuê bất hợp pháp có những diễn biến phức tạp. Hành vi xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc của những đối tượng này đã gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự của địa phương và vi phạm pháp luật về xuất - nhập cảnh. Dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt và hiệu quả của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh, các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Lai Châu trong đó nòng cốt là lực lượng Công an xã đã tăng cường tuyên truyền đến người dân nắm, hiểu những thủ đoạn của các đối tượng tội phạm. Đồng thời không tin, nghe theo lời dụ dỗ, hứa hẹn để xuất cảnh trái phép. Thống kê của Công an tỉnh Lai Châu cho thấy, từ năm 2020 đến nay, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Lai Châu đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn 121 lượt công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc với mục đích lao động, làm thuê.

Qua đó có thể thấy, tình trạng xuất cảnh trái phép và môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép đang diễn ra ngày càng phức tạp và đặc biệt là đối với những đồng bào dân tộc thiểu số, những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn

II. Môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép là gì?

1. Thế nào là môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép?

Xuất cảnh trái phép là hành vi ra khỏi biên giới Việt Nam không có giấy phép theo quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh. … Tội phạm này có thể là công dân Việt Nam, người nước ngoài hoặc không quốc tịch có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định.

Môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép là hành vi của một người vì vụ lợi mà tổ chức môi giới cho người khác ra khỏi biên giới Việt Nam hoặc vào hoặc ở lại lãnh thổ Việt Nam không có giấy phép theo quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh.

2. Phân biệt hành vi môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài và hành vi môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép

Giống nhau: Cả hai hành vi đều môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài và môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép đều là môi giới nhằm mục đích đưa người khác sang nước ngoài trái phép.

Khác nhau: 

Căn cứ Mục 2.1 Công văn 1557/VKSTC-V1 năm 2021 hướng dẫn về việc phân biệt hành vi “tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép” (Điều 348 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017) với hành vi “tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài” (Điều 349 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau:

“Hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép quy định tại Điều 348 BLHS là vì động cơ vụ lợi mà tổ chức, môi giới cho người khác từ Việt Nam ra nước ngoài trái phép chỉ với mục đích đưa người khác qua biên giới. Ví dụ: A được trả tiền để dẫn 03 người qua đường mòn khu vực biên giới Việt Nam sang Trung Quốc.

Còn hành vi tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài quy định tại Điều 349 BLHS là tổ chức, môi giới cho người khác ra khỏi lãnh thổ Việt Nam với mục đích để người đó trốn ra nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Tổng kết thực tiễn thấy, người trốn đi nước ngoài chủ yếu nhằm trốn tránh pháp luật Việt Nam (trốn truy nã, trốn nợ,...) hoặc để lao động, cư trú trái phép ở nước ngoài...; người phạm tội thường thực hiện một chuỗi hành vi, như: Thỏa thuận với khách (chi phí, thời gian, địa điểm đi, đến, phương tiện, thủ đoạn trốn,...).

Ví dụ 1: A biết B đang bị cấm xuất cảnh, đã thuê người dẫn B qua đường mòn, lối mở để trốn sang Trung Quốc.

Ví dụ 2: C có mục đích đưa D đi Hàn Quốc để lao động bất hợp pháp nên đã làm thủ tục (thành lập Công ty, làm hồ sơ để D là nhân viên của Công ty, làm Visa cho D,...) để D đi Hàn Quốc và ở lại lao động bất hợp pháp."

Như vậy, hành vi môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép là hành vi chỉ với mục đích đưa người khác qua biên giới.

Còn việc môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài là nhằm mục đích để người khác trốn ra nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép nhằm trốn tránh pháp luật Việt Nam khì người đó đang phạm tội (truy nã, trốn nợ,...)

III. Hành vi môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép sẽ bị xử phạt như thế nào?

Theo Điều 348 Bộ luật Hình sự 2015, người có hành vi môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép sẽ bị xử lý như sau:

Hành vi môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép sẽ bị xử phạt như thế nào?

  • Bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với người vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép;
  • Phạt tù từ  05 năm đến 10 năm đối với hành vi phạm tội thuộc một trong số các trường hợp sau:
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
  • Phạm tội 02 lần trở lên;
  • Đối với từ 05 người đến 10 người;
  • Có tính chất chuyên nghiệp;
  • Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
  • Tái phạm nguy hiểm.
  • Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với hành vi phạm tội thuộc một trong số các trường hợp sau:
  • Đối với 11 người trở lên;
  • Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
  • Làm chết người.
  • Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

IV. Giải đáp một số thắc mắc thường gặp về môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép

1. Làm thế nào để xác định được số tiền thu lợi bất chính từ hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép?

Căn cứ Mục 2.9 Công văn 1557/VKSTC-V1 năm 2021 hướng dẫn về việc xác định nguồn lợi bất chính từ việc môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép như sau: “Trường hợp người phạm tội thu tiền để tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép, nhập cảnh trái phép, ở lại Việt Nam trái phép hoặc trốn đi nước ngoài, đã chi phí một số khoản tiền thì tùy trường hợp cụ thể để xem xét, xác định là thu lợi bất chính quy định tại các điều 348 và 349 BLHS. Đối với số tiền đã chi thực tế và hợp lý cho việc tổ chức, môi giới như: Chi phí làm visa, mua vé máy bay, thuê dịch vụ vận tải,... thì không tính vào số tiền đã thu lợi bất chính.”

Do đó, việc xác định tiền thu lợi bất chính thu được từ việc môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép được xác định như trên.

2. Người được môi giới xuất cảnh trái phép có bị xử lý hình sự hay không?

Theo quy định tại Điều 347 Bộ luật Hình sự 2015 về tội vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội ở lại Việt Nam trái phép, thì người nào xuất cảnh trái phép hoặc  đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Do đó, người được môi giới xuất cảnh trái phép vẫn sẽ bị xử lý hình sự .
Tố cáo cá nhân, tổ chức có hành vi môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép ở đâu?

3. Tố cáo cá nhân, tổ chức có hành vi môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép ở đâu?

Căn cứ Điều 146 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự 2021, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận tố giác cá nhân, tổ chức có hành vi môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép bao gồm: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an. Sau đó, các cơ quan này sẽ lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. 

4. Nếu vi phạm quy định về hành vi môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép thì cần phải làm gì?

Nếu bản thân vi phạm quy định về hành vi môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép thì cần phải tìm kiếm một công ty Luật hoặc Văn phòng Luật sư có uy tín để được tư vấn về mức phạt khi vi phạm  quy định về hành vi môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép.

Nếu phát hiện người khác vi phạm quy định về hành vi môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép cần phải tố giác ngay đến cơ quan có thẩm quyền để các cơ quan này có biện pháp ngăn chặn và xử lý

V. Dịch vụ tư vấn và bảo vệ, bào chữa cho Khách hàng liên quan đến vấn đề môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép

Đến với NPLaw, đội ngũ luật sư sẽ cung cấp các dịch vụ tốt nhất khi bạn muốn tư vấn các vấn đề liên quan đến môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép:

  • Tư vấn về mức phạt khi thực hiện hành vi môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép;
  • Tham gia bào chữa tại phiên tòa khi khách hàng có hành vi vi phạm về môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép;

Trên đây là những thông tin cơ bản về môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép. Nếu cảm thấy những thông tin trên vẫn còn gây khó khăn vướng mắc cho bạn, hãy liên hệ với chúng tôi. NPLaw luôn cung cấp cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất về pháp luật. NPLaw không chỉ tư vấn trong lĩnh vực hình sự, đầu tư mà còn nhiều dịch vụ khác. NPLaw nỗ lực trở thành đôi cánh đồng hành cùng sự thành công của khách hàng. Sự tin tưởng hôm nay của khách hàng sẽ là nền tảng giúp NPLaw phát triển hơn trong tương lai.

Công ty Luật TNHH Ngọc Phú 

Hotline: 0913 449968

Email: legal@nplaw.vn


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan