QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ NỘI DUNG QUẢNG CÁO

Quảng cáo là một hoạt động mà các doanh nghiệp, cá nhân sử dụng nhằm giới thiệu, mang sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà mình kinh doanh đến với công chúng, để nhiều người biết đến. Tuy nhiên, nội dung quảng cáo như thế nào là đúng quy định pháp luật, hãy cùng NPLAW tham khảo thông qua bài viết dưới đây nhé!

nội dung quảng cáo

I. Nội dung quảng cáo là gì?

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Quảng cáo 2012 quy định quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân.

Theo đó, nội dung quảng cáo được hiểu là các thông tin về hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như thương hiệu, loại sản phẩm, tính ưu việt, tiện ích… của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc thông tin về tổ chức, cá nhân mà chủ quảng cáo muốn thể hiện nhằm thông báo, giới thiệu rộng rãi tới công chúng. Nội dung quảng cáo được thể hiện thông qua sản phẩm quảng cáo.

II. Yêu cầu đối với nội dung quảng cáo

Căn cứ Điều 19 Luật Quảng cáo 2012 quy định về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo như sau:

  • Nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo.
  • Chính phủ quy định về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt.

III. Những nội dung quảng cáo nào được coi là quảng cáo có các nội dung gây hiểu lầm cho người tiêu dùng?

Tại khoản 1 Điều 9 Quy tắc ứng xử trong hoạt động quảng cáo ban hành kèm theo Quyết định 4149/QĐ-BVHTTDL năm 2017 quy định về việc tôn trọng lợi ích của công chúng và người tiêu dùng, trong đó quảng cáo không có các nội dung gây hiểu lầm cho người tiêu dùng về:

nội dung gây hiểu lầm

  • Các đặc điểm của sản phẩm có thể ảnh hưởng tới sự lựa chọn của người tiêu dùng, bao gồm: bản chất, thành phần, phương pháp sản xuất và ngày sản xuất, phạm vi sử dụng, sự hiệu quả và hiệu suất, số lượng, nguồn gốc thương mại hoặc địa lý, ảnh hưởng tới môi trường;
  • Giá trị của sản phẩm;
  • Tổng giá tiền mà người tiêu dùng phải trả khi mua sản phẩm;
  • Điều khoản giao hàng, đổi hàng, trả hàng, sửa chữa và bảo trì;
  • Điều khoản bảo hành;
  • Bản quyền và quyền sở hữu công nghiệp như bằng sáng chế, 
  • Sự tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn;
  • Sự công nhận hoặc chấp thuận chính thức, các giải thưởng như huy chương, danh hiệu và bằng cấp;
  • Mức độ đóng góp cho các mục đích từ thiện.

Như vậy, những nội dung quảng cáo chứa yếu tố gây hiểu lầm về các nội dung trên thì được coi là quảng cáo có các nội dung gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

IV. Nội dung quảng cáo dành cho đối tượng trẻ em không được thể hiện những nội dung nào?

Tại khoản 1 Điều 10 Quy tắc ứng xử trong hoạt động quảng cáo ban hành kèm theo Quyết định 4149/QĐ-BVHTTDL năm 2017 quy định về việc quảng cáo dành cho đối tượng trẻ em không được thể hiện những nội dung như sau:

  • Chứa các nội dung có thể gây hại về mặt thể chất, tinh thần, tâm lý hoặc đạo đức;
  • Khai thác sự ngây thơ hoặc cả tin của trẻ em với mục đích dụ dỗ trẻ em mua sản phẩm, dịch vụ hoặc ép buộc cha mẹ phải mua sản phẩm, dịch vụ;
  • Làm trẻ em mất tự tin về dáng vóc, tính cách, năng lực hiện tại; khuyến khích trẻ em sử dụng lời nói hoặc cách diễn đạt làm cản trở sự phát triển ngôn ngữ và tính cách;
  • Chứa các nội dung khiếm nhã thể hiện tính yếu đuối, những cảnh mô tả hành vi tàn nhẫn về thể chất và tinh thần, các hành vi bạo lực hoặc đáng bị chỉ trích theo cách khiến trẻ em hiểu và thực hiện các hành vi đó như hành vi thông thường được xã hội chấp nhận;
  • Mô tả các hành động bạo lực hoặc cổ vũ tính bạo lực, có hàm ý để trẻ em hiểu rằng bạo lực là phương thức để giải quyết mâu thuẫn, xung đột.

Nội dung quảng cáo dành cho đối tượng trẻ em

  • Cơ quan nào có thẩm quyền kết luận nội dung quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến trẻ em?

Tại điểm g khoản 2 Điều 4 Quy tắc ứng xử trong hoạt động quảng cáo ban hành kèm theo Quyết định 4149/QĐ-BVHTTDL năm 2017 quy định về cơ quan có thẩm quyền kết luận nội dung quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến trẻ em thì: Khi phát hiện những hành vi không thực hiện Quy tắc ứng xử này, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo đưa ra kết luận trong trường hợp: Quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em.

Theo quy định trên thì Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo là cơ quan có thẩm quyền kết luận nội dung quảng cáo nào sẽ gây ảnh hưởng xấu đến trẻ em.

V. Một số câu hỏi về nội dung quảng cáo

Đối với nội dung quảng cáo thường gặp phải một số câu hỏi phổ biến như sau: 

Câu hỏi về nội dung quảng cáo

1. Trước khi quảng cáo sản phẩm thì có phải đăng ký nội dung quảng cáo với cơ quan cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm không?

Căn cứ khoản 1 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định về đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm thì: “Việc đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm ngoài việc phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo còn phải tuân thủ các quy định sau: Trước khi quảng cáo, tổ chức, cá nhân có sản phẩm quảng cáo phải đăng ký nội dung quảng cáo với cơ quan cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm theo quy định hiện hành.

Theo đó, trước khi quảng cáo sản phẩm, tổ chức, cá nhân có sản phẩm quảng cáo phải đăng ký nội dung quảng cáo với cơ quan cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm.

2. Nội dung quảng cáo thuốc thú y trên bảng có cần phải thể hiện đầy đủ những nội dung bắt buộc phải có trong quảng cáo thuốc thú y hay không?

Căn cứ khoản 1 Điều 41 Thông tư 13/2016/TT-BNNPTNT quy định về những nội dung bắt buộc phải có trong quảng cáo thuốc thú y như sau:

"Điều 41. Nội dung quảng cáo thuốc thú y

1. Quảng cáo thuốc thú y bắt buộc phải có các nội dung sau trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này:

a) Tên thương phẩm, công thức bào chế của thuốc thú y;

b) Công dụng và những Điều lưu ý khi sử dụng, bảo quản thuốc thú y;

c) Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân đăng ký, phân phối."

Qua quy định trên có thể thấy rằng khi quảng cáo thuốc thú y phải thể hiện đầy đủ các nội dung nêu trên. Tuy nhiên, quy định này cũng có ngoại lệ. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 41 Thông tư 13/2016/TT-BNNPTNT quy định như sau: Đối với nội dung quảng cáo thuốc thú y trên bảng, biển, panô, kệ giá kê hàng, các vật dụng khác, vật thể trên không, dưới nước, vật thể di động, thiết bị điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác, phương tiện giao thông, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo không nhất thiết phải chứa đầy đủ các nội dung bắt buộc.

Và tại khoản 3 Điều 41 Thông tư 13/2016/TT-BNNPTNT quy định nội dung quảng cáo thuốc thú y phải được cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 42 Thông tư 13/2016/TT-BNNPTNT xác nhận.

Như vậy, theo các quy định trên thấy rằng quảng cáo thuốc thú y phải thể hiện đầy đủ các nội dung bắt buộc mà pháp luật quy định. Tuy nhiên, đối với việc quảng cáo thuốc thú y bằng bảng thì không quy định bắt buộc phải thể hiện đầy đủ những nội dung này.

3. Nội dung quảng cáo thuốc bôi ngoài da bắt buộc phải có những thông tin gì?

  • Theo khoản 2 Điều 125 Nghị định 54/2017/NĐ-CP quy định về nội dung quảng cáo thuốc phải có các thông tin bắt buộc sau:
  • Tên thuốc;
  • Thành phần dược chất hoặc dược liệu ghi trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc đã được phê duyệt. Đối với dược liệu phải viết tên tiếng Việt, trường hợp không có tên tiếng Việt thì ghi tên La - tin;
  • Chỉ định;
  • Cách dùng;
  • Liều dùng;
  • Chống chỉ định, những khuyến cáo cho đối tượng đặc biệt (phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú, trẻ em, người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính);
  • Thận trọng và những điều cần tránh, lưu ý khi sử dụng thuốc;
  • Tác dụng phụ và phản ứng có hại;
  • Tên, địa chỉ của cơ sở sản xuất thuốc;
  • Lời dặn "Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng";
  • Cuối trang đầu nội dung quảng cáo thuốc phải ghi rõ: Số Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thuốc của Bộ Y tế: .../XNQC..., ngày ... tháng ... năm...;
  • Đối với những nội dung quảng cáo gồm nhiều trang phải đánh số trang, ở trang đầu phải ghi rõ tài liệu này có bao nhiêu trang, phần thông tin chi tiết về sản phẩm xem ở trang nào;
  • Nội dung quảng cáo thuốc phải ghi chú thích rõ ràng tài liệu chứng minh đồng thời phải chỉ rõ phần thông tin được trích dẫn trong tài liệu chứng minh. Việc trích dẫn phải đảm bảo truyền đạt chính xác thông tin, không suy diễn hoặc cắt xén thông tin theo hướng gây hiểu sai về tính an toàn, hiệu quả của thuốc.

4. Kênh chương trình nước ngoài được cung cấp trên dịch vụ truyền hình trả tiền có được phát nội dung quảng cáo từ nước ngoài không?

Căn cứ khoản 6 Điều 17 Nghị định 06/2016/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Nghị định 71/2022/NĐ-CP quy định về yêu cầu đối với các kênh chương trình nước ngoài cung cấp trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền tại Việt Nam như sau:

Điều 17. Kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền

Các kênh chương trình nước ngoài cung cấp trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền tại Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu sau: 

6. Không bao gồm nội dung quảng cáo được cài đặt sẵn từ nước ngoài. Các nội dung quảng cáo (nếu có) phải được cài đặt tại Việt Nam. Cơ quan báo chí được cấp Giấy phép biên tập là đầu mối thực hiện cài đặt quảng cáo, chịu trách nhiệm về thời lượng, nội dung quảng cáo bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về quảng cáo như đối với kênh truyền hình trả tiền. 

Theo đó, các nội dung quảng cáo trên kênh chương trình nước ngoài được cung cấp trên dịch vụ truyền hình trả tiền không được bao gồm nội dung quảng cáo được cài đặt sẵn từ nước ngoài. Các nội dung quảng cáo (nếu có) phải được cài đặt tại Việt Nam.

5. Nội dung quảng cáo trang thiết bị y tế có mức độ rủi ro cao trên báo nói phải phù hợp với những tài liệu gì?

Căn cứ khoản 1 Điều 62 Nghị định 98/2021/NĐ-CP quy định về quảng cáo trang thiết bị y tế như sau:

Quảng cáo trang thiết bị y tế

1. Nội dung quảng cáo trang thiết bị y tế phải phù hợp với một trong các tài liệu sau đây:

a) Hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với trang thiết bị y tế thuộc loại A, B;

b) Hồ sơ đăng ký lưu hành đối với trang thiết bị y tế thuộc loại C, D.

Tại Điều 4 Nghị định 98/2021/NĐ-CP quy định loại trang thiết bị y tế như sau:

Điều 4. Loại trang thiết bị y tế

Trang thiết bị y tế được phân làm 4 loại dựa trên mức độ rủi ro tiềm ẩn liên quan đến thiết kế kỹ thuật và sản xuất các trang thiết bị y tế đó:

1. Trang thiết bị y tế thuộc loại A là trang thiết bị y tế có mức độ rủi ro thấp.

2. Trang thiết bị y tế thuộc loại B là trang thiết bị y tế có mức độ rủi ro trung bình thấp.

3. Trang thiết bị y tế thuộc loại C là trang thiết bị y tế có mức độ rủi ro trung bình cao.

4. Trang thiết bị y tế thuộc loại D là trang thiết bị y tế có mức độ rủi ro cao.

Theo đó, trang thiết bị y tế thuộc loại D là trang thiết bị y tế có mức độ rủi ro cao. Như vậy, nội dung quảng cáo trang thiết bị y tế có mức độ rủi ro cao phải phù hợp với hồ sơ đăng ký lưu hành đối với trang thiết bị y tế thuộc loại D.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan