QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TÁC PHẨM PHÁI SINH

Quyền tác giả không chỉ bảo hộ đối với những tác phẩm gốc mà còn áp dụng kể cả với loại hình tác phẩm phái sinh. Bản chất của loại hình tác phẩm này là dựa trên nền tảng của một tác phẩm có sẵn mà có những thay đổi nhất định về mặt hình thức. Vậy pháp luật quy định như thế nào về tác phẩm phái sinh? Bài viết dưới đây NPLaw sẽ làm rõ vấn đề này.

/upload/images/so-huu-tri-tue/tac-pham-min.jpg

I. Tác phẩm phái sinh là gì?

Theo khoản 8 Điều 4 Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH Luật Sở hữu trí tuệ, tác phẩm phái sinh được quy định là tác phẩm được sáng tạo trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã có thông qua việc dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, phóng tác, biên soạn, chú giải, tuyển chọn, cải biên, chuyển thể nhạc và các chuyển thể khác.

II. Đặc điểm của tác phẩm phái sinh?

  • Tác phẩm phái sinh chính là hình thành trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã có từ trước. Chính vì vậy việc sử dụng tác phẩm đó vẫn phải đảm bảo tôn trọng các quyền nhân thân của tác giả đối với tác phẩm gốc đó.
  • Tác phẩm phái sinh phải có sự sáng tạo mà không được sao chép từ những tác phẩm gốc. Sự sáng tạo ở đây có thể hiểu là thay đổi một phần trong nội dung sự khác biệt về mặt hình thức thể hiện so với tác phẩm gốc.
  • Tác phẩm phái sinh đó cũng cần phải mang dấu ấn của tác phẩm gốc để việc nhận biết tác phẩm phái sinh, công chúng có thể liên tưởng đến tác phẩm gốc thông qua nội dung vốn có của tác phẩm.

III. Một số quy định của pháp luật về tác phẩm phái sinh

1. Điều kiện để tác phẩm phái sinh được bảo hộ quyền tác giả?

Để tác phẩm phái sinh được bảo hộ quyền tác giả thì cần thỏa mãn điều kiện sau:

  • Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh theo khoản 2 Điều 14 Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH Luật Sở hữu trí tuệ:

Các tác phẩm dùng để làm tác phẩm phái sinh bao gồm: Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác; Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác; Tác phẩm báo chí; Tác phẩm âm nhạc; Tác phẩm sân khấu; Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh); Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng; Tác phẩm nhiếp ảnh; Tác phẩm kiến trúc; Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học; Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian; Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.

  • Tác phẩm phái sinh được bảo hộ quyền tác giả phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác theo quy định tại Khoản 3 Điều 14 Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH Luật Sở hữu trí tuệ. 
  • Tác phẩm phái sinh phải không xâm phạm quyền tác giả theo quy định tại Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ. Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH Luật Sở hữu trí tuệ. Có nghĩa là, ngoài trường hợp chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị, thì bất kể hành động làm tác phẩm phái sinh nào cũng phải được sự cho phép của tác giả/chủ sở hữu tác phẩm gốc.

Do đó, để tác phẩm phái sinh được bảo hộ quyền tác giả thì cần thỏa mãn những điều kiện trên.

2. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm phái sinh là bao lâu?

/upload/images/so-huu-tri-tue/tai-min.jpg

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 20, quyền làm tác phẩm phái sinh thuộc quyền tài sản. Do đó, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH Luật Sở hữu trí tuệ, thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm phái sinh có hai loại thời hạn bao gồm:

  • Tác phẩm phái sinh là tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là bảy mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn hai mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là một trăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình; đối với tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả xuất hiện thì thời hạn bảo hộ được tính theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 27 Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH Luật Sở hữu trí tuệ;
  • Tác phẩm phái sinh không thuộc loại hình quy định tại điểm a khoản 2 Điều 27 Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH Luật Sở hữu trí tuệ có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết;

Do đó, tùy vào loại hình của tác phẩm phái sinh mà thời hạn bảo hộ có thể khác nhau theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH Luật Sở hữu trí tuệ.

3. Trình tự, thủ tục bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm phái sinh?

a. Hồ sơ

Theo quy định tại Điều 50 Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH Luật Sở hữu trí tuệ, hồ sơ để đăng ký bảo hộ quyền tác giả bao gồm:

  • Tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan: Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt có đầy đủ thông tin về người nộp hồ sơ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan; thời gian hoàn thành; tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng; tên tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; thông tin về cấp lại, cấp đổi (nếu có), cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong tờ khai. Tờ khai do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ký tên hoặc điểm chỉ, trừ trường hợp không có khả năng về thể chất để ký tên hoặc điểm chỉ.
  • Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan;
  • Giấy ủy quyền, nếu người nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan là người được ủy quyền;
  • Tài liệu chứng minh là chủ sở hữu quyền do tự sáng tạo hoặc do giao nhiệm vụ sáng tạo, giao kết hợp đồng sáng tạo, được thừa kế, được chuyển giao quyền;
  • Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
  • Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.

b. Thủ tục

Ngày 27/12/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định 3684/QĐ-BVHTTDL về việc công bố thủ tục hành chính chuẩn hóa năm 2022 thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 38 Nghị định 17/2023/NĐ-CP, thủ tục đăng ký bảo hộ quyền tác giả của tác phẩm phái sinh được thực hiện như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ:

  • Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có thể trực tiếp hoặc uỷ quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp 01 hồ sơ đăng ký quyền tác giả tại trụ sở Cục Bản quyền tác giả hoặc Đại diện Phòng đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Hồ Chí Minh, Đại diện Phòng đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Đà Nẵng..
  • Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan là cá nhân nước ngoài không thường trú tại Việt Nam, tổ chức nước ngoài không có trụ sở, văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại Việt Nam nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan trực tiếp qua Cổng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 hoặc thông qua ủy quyền cho tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam.

Bước 2: Trả kết quả:

Theo quy định tại Điều 52 Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH Luật Sở hữu trí tuệ: 

  • Trong thời hạn mười lăm ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan cho người nộp hồ sơ. 
  • Trong trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người nộp hồ sơ.

IV. Một số câu hỏi thường gặp về bảo hộ quyền tác giả của tác phẩm phái sinh

1. Nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả của tác phẩm phái sinh tại đâu?

/upload/images/so-huu-tri-tue/tacpham-phaisinh-min.jpg

Theo quy định tại khoản 8 Điều 2 Quyết định 912/QĐ-BVHTTDL năm 2023, Cục Bản quyền tác giả có nhiệm vụ: “Cấp, cấp lại, cấp đổi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan. Lập và quản lý sổ đăng ký quốc gia về quyền tác giả, quyền liên quan; chứng thực bản quyền.”

Do đó, cá nhân, tổ chức sẽ nộp hồ sơ đăng ký bản quyền tại  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cụ thể là Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả đặt tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng.

2. Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả của tác phẩm phái sinh là bao lâu?

Theo quy định tại Điều 52 Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH Luật Sở hữu trí tuệ thì thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả của tác phẩm phái sinh là 15 ngày kể từ ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.

3. Có được quyền làm tác phẩm phái sinh khi chưa được tác giả cho phép không?

Theo quy định tại Điều 20 Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH Luật Sở hữu trí tuệ, cụ thể tại khoản 2 quy định như sau: “Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả và trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, các điều 25, 25a, 26, 32 và 33 của Luật này. Trường hợp làm tác phẩm phái sinh mà ảnh hưởng đến quyền nhân thân quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật này còn phải được sự đồng ý bằng văn bản của tác giả.

Do đó, cá nhân hoặc tổ chức muốn làm phái sinh tác phẩm phải được sự đồng ý của tác giả.

4. Hành vi xâm phạm quyền làm tác phẩm phái sinh bị xử phạt như thế nào?

Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 131/2013/NĐ-CP,  hành vi xâm phạm quyền làm tác phẩm phái sinh sẽ bị xử phạt như sau:

  • Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
  • Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số đối với hành vi vi phạm.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, mức phạt quy định tại Điều 12 Nghị định 131/2013/NĐ-CP là mức phạt đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm, khung phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần khung phạt tiền đối với cá nhân. Do đó, tổ chức có hành vi xâm phạm quyền làm tác phẩm phái sinh sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. 

V. Dịch vụ tư vấn về đăng ký quyền tác giả của tác phẩm phái sinh

Đến với NPLaw, đội ngũ luật sư sẽ cung cấp các dịch vụ tốt nhất khi bạn muốn thực hiện các thủ tục liên quan đến đăng ký quyền tác giả của tác phẩm phái sinh:

  • Tư vấn về hồ sơ, thủ tục đăng ký quyền tác giả của tác phẩm phái sinh;
  • Tư vấn về các quy định pháp luật về về đăng ký quyền tác giả của tác phẩm phái sinh;
  • Hỗ trợ khách hàng thực hiện thủ tục cần thực hiện liên quan đến đăng ký quyền tác giả của tác phẩm phái sinh;

CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan