QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TĂNG VỐN ĐIỀU LỆ

Vốn điều lệ là gì? Đối với từng loại hình doanh nghiệp thì sẽ tăng vốn điều lệ trong những trường hợp nào? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu. 

Khái niệm tăng vốn điều lệ

I. Khái niệm tăng vốn điều lệ

Căn cứ khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.

Tăng vốn điều lệ tức là tăng trách nhiệm tài sản của doanh nghiệp, tăng trách nhiệm pháp lý về phần vốn góp của các thành viên,cổ đông trong doanh nghiệp. 

II. Quy định pháp luật về tăng vốn điều lệ

Quy định pháp luật về tăng vốn điều lệ như sau: 

1. Các trường hợp tăng vốn điều lệ

Đối với tăng vốn điều lệ công ty TNHH hai thành viên trở lên

Căn cứ Điều 68 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định trường hợp tăng vốn điều lệ như sau: 

- Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị phần vốn góp của các thành viên cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty.

- Công ty TNHH hai thành viên trở lên có thể tăng vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:

+ Tăng vốn góp của thành viên;

+ Tiếp nhận thêm vốn góp của thành viên mới.

Đối với tăng vốn điều lệ công ty TNHH một thành viên

Căn cứ Điều 87 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu công ty cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty.

- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tăng vốn điều lệ thông qua việc chủ sở hữu công ty góp thêm vốn hoặc huy động thêm vốn góp của người khác. Chủ sở hữu công ty quyết định hình thức tăng và mức tăng vốn điều lệ.

Đối với tăng vốn điều lệ công ty cổ phần

Căn cứ Điều 123 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định Công ty cổ phần có thể tăng vốn điều lệ bằng cách chào bán cổ phần.

Chào bán cổ phần có thể thực hiện theo các hình thức sau đây:

+ Chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu;

+ Chào bán cổ phần riêng lẻ;

+ Chào bán cổ phần ra công chúng.

2. Thủ tục tăng vốn điều lệ

Tại Điều 51 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về đăng ký thay đổi vốn điều lệ, phần vốn góp, tỷ lệ phần vốn góp như sau:

Trường hợp 1

Trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh đăng ký thay đổi vốn điều lệ, công ty gửi hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đặt trụ sở chính. Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây:

- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;

- Nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; nghị quyết, quyết định và biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc thay đổi vốn điều lệ;

- Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư.

Trường hợp 2

Trường hợp công ty đăng ký thay đổi phần vốn góp, tỷ lệ phần vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, của thành viên hợp danh công ty hợp danh, công ty gửi hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đặt trụ sở chính. Hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây:

- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;

- Danh sách thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; danh sách thành viên công ty hợp danh, trong đó không bao gồm nội dung kê khai về thành viên góp vốn.

Các danh sách phải bao gồm chữ ký của các thành viên có phần vốn góp thay đổi, không bắt buộc phải có chữ ký của thành viên có phần vốn góp không thay đổi;

- Hợp đồng chuyển nhượng hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng trong trường hợp chuyển nhượng phần vốn góp; Hợp đồng tặng cho trong trường hợp tặng cho phần vốn góp;

- Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư.

Trường hợp 3

Trường hợp Đại hội đồng cổ đông thông qua việc chào bán cổ phần để tăng vốn điều lệ, đồng thời giao Hội đồng quản trị thực hiện thủ tục đăng ký tăng vốn điều lệ sau khi kết thúc mỗi đợt bán cổ phần, kèm theo Thông báo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 51 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký tăng vốn điều lệ phải có các giấy tờ sau đây:

- Nghị quyết và bản sao biên bản họp Đại hội đồng cổ đông về việc chào bán cổ phần để tăng vốn điều lệ, trong đó nêu rõ số lượng cổ phần chào bán và giao Hội đồng quản trị thực hiện thủ tục đăng ký tăng vốn điều lệ sau khi kết thúc mỗi đợt bán cổ phần;

- Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp Hội đồng quản trị công ty cổ phần về việc đăng ký tăng vốn điều lệ công ty sau khi kết thúc mỗi đợt bán cổ phần.

Thời điểm tăng vốn điều lệ

3. Thời điểm tăng vốn điều lệ

Căn cứ Điều 47, Điều 75, Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định Doanh nghiệp sẽ căn cứ vào tình hình hoạt động kinh doanh của công ty để chủ động thực hiện việc tăng vốn điều lệ của công ty. Theo quy định của pháp luật thì thời hạn góp vốn khi tăng vốn điều lệ là 90 ngày kể từ ngày có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

III. Một số thắc mắc về tăng vốn điều lệ

1. Có cần thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi tăng vốn điều lệ không?

Theo quy định tại khoản 4 Điều 28 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về nội dung đăng ký doanh nghiệp thì bao gồm vốn điều lệ đối với công ty, vốn đầu tư đối với doanh nghiệp tư nhân.

Như vậy, khi doanh nghiệp tăng vốn điều lệ cần phải thông báo thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lên Phòng đăng ký kinh doanh. 

2. Doanh nghiệp không thực hiện việc thông báo tăng vốn điều lệ có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Căn cứ khoản 5 Điều 44 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm thời hạn đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như sau: 

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.

Ngoài ra căn cứ khoản 2 Điều 4 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định:

- Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ mức phạt quy định tại điểm c khoản 2 Điều 28; điểm a và điểm b khoản 2 Điều 38; Điều 62 và Điều 63 Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với cá nhân). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 (một phần hai) mức phạt tiền đối với tổ chức."

Như vậy, không đăng ký khi thay đổi vốn điều lệ thì sẽ bị phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức, đối với cá nhân bằng 1/2 (một phần hai) mức phạt tiền đối với tổ chức tức là từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Ngoài ra buộc đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

3. Khi công ty muốn tăng vốn điều lệ thì các thành viên góp vốn trước khi làm thủ tục tăng có trái quy định không?

Căn cứ Điều 68 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định thì trong thời hạn 10 ngày kể từ khi góp đủ vốn, chị thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi vốn điều lệ tại Điều 51 Nghị định 01/2021/NĐ-CP đăng ký doanh nghiệp.

Như vậy, các thành viên góp vốn đủ trước khi thực hiện thủ tục thay đổi vốn điều lệ là phù hợp với quy định.

4. Thời điểm phải thực hiện góp vốn khi tăng vốn điều lệ là trước hay sau khi điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp?

Căn cứ khoản 2 Điều 30 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như sau:

- Doanh nghiệp chịu trách nhiệm đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.

Theo quy định trên, trong trường hợp tăng vốn điều lệ của công ty thì nguyên tắc sẽ phải thay đổi thực hiện góp vốn trước (tăng vốn), sau đó mới làm thủ tục đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với cơ quan đăng ký kinh doanh

5. Có được tăng vốn điều lệ bằng việc đánh giá lại tài sản cố định không?

Tại Mục II Thông tư 19/2003/TT-BTC quy định về việc điều chỉnh tăng vốn điều lệ trong công ty Cổ phần như sau:

- Vốn điều lệ của công ty cổ phần được điều chỉnh tăng trong các trường hợp sau:

+ Phát hành cổ phiếu mới để huy động thêm vốn theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp cơ cấu lại nợ của doanh nghiệp theo hình thức chuyển nợ thành vốn góp cổ phần theo thoả thuận giữa doanh nghiệp và các chủ nợ.

+ Chuyển đổi trái phiếu đã phát hành thành cổ phần: Việc tăng vốn điều lệ chỉ được thực hiện khi đã đảm bảo đủ các điều kiện để trái phiếu chuyển đổi thành cổ phần theo qui định của pháp luật và phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi.

+ Thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu.

+ Phát hành cổ phiếu mới để thực hiện sáp nhập một bộ phận hoặc toàn bộ doanh nghiệp khác vào công ty.

+ Kết chuyển nguồn thặng dư vốn để bổ sung tăng vốn điều lệ.

- Việc kết chuyển thặng dư vốn để bổ sung vốn điều lệ của công ty cổ phần (theo quy định tại điểm 1 mục A phần II) phải tuân thủ các điều kiện sau:

+ Đối với khoản chênh lệch tăng giữa giá bán và giá vốn mua vào của cổ phiếu quỹ, công ty được sử dụng toàn bộ chênh lệch để tăng vốn điều lệ. Trường hợp chưa bán hết cổ phiếu quỹ thì công ty chỉ được sử dụng phần chênh lệch tăng giữa nguồn thặng dư vốn so với tổng giá vốn cổ phiếu quỹ chưa bán để bổ sung tăng vốn điều lệ. Nếu tổng giá vốn cổ phiếu quỹ chưa bán bằng hoặc lớn hơn nguồn thặng dư vốn thì công ty chưa được điều chỉnh tăng vốn điều lệ bằng nguồn vốn này.

+ Đối với khoản chênh lệch giữa giá bán với mệnh giá cổ phiếu được phát hành để thực hiện các dự án đầu tư thì công ty cổ phần chỉ được sử dụng để bổ sung vốn điều lệ sau 3 năm kể từ khi dự án đầu tư đã hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng.

Đối với khoản chênh lệch giữa giá bán với mệnh giá cổ phiếu được phát hành để cơ cấu lại nợ, bổ sung vốn kinh doanh thì công ty cổ phần chỉ được sử dụng để bổ sung tăng vốn điều lệ sau 1 năm kể từ thời điểm kết thúc đợt phát hành.

+ Những nguồn thặng dư nêu tại tiết a, b điểm 2 được chia cho các cổ đông dưới hình thức cổ phiếu theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của từng cổ đông.

- Số lượng cổ phần dự kiến phát hành thêm trong trường hợp quy định tại tiết c và điểm 1 mục A phần II của Thông tư này được xác định theo công thức:

Số lượng cổ phần dự kiến phát hành

=

Nguồn vốn dự kiến dùng để tăng vốn điều lệ

Mệnh giá 1 cổ phần

- Công ty không được sử dụng các khoản chênh lệch giá từ việc tự đánh giá lại tài sản (khi không có chủ trương của nhà nước) để tăng vốn điều lệ.

Theo đó, công ty không được sử dụng các khoản chênh lệch giá từ việc tự đánh giá lại tài sản (khi không có chủ trương của nhà nước) để tăng vốn điều lệ. Như vậy, việc bạn muốn thực hiện đánh giá lại tài sản cố định để tăng vốn điều lệ là không phù hợp và không có cơ sở để thực hiện.

Công ty đã niêm yết muốn tăng vốn điều lệ nhưng chỉ bán cổ phiếu cho 1 công ty nước ngoài thôi thì có được không?

6. Công ty đã niêm yết muốn tăng vốn điều lệ nhưng chỉ bán cổ phiếu cho 1 công ty nước ngoài thôi thì có được không?

Theo Điều 31 Luật Chứng khoán 2019 quy định về việc Chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty đại chúng như sau:

- Điều kiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ của công ty đại chúng bao gồm:

+ Có quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án phát hành và sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán; xác định rõ tiêu chí, số lượng nhà đầu tư;

+ Đối tượng tham gia đợt chào bán chỉ bao gồm nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;

+ Việc chuyển nhượng cổ phiếu chào bán riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiểu là 03 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và tối thiểu là 01 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán, trừ trường hợp chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của Trọng tài hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật;

+ Các đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 06 tháng kể từ ngày kết thúc đợt chào bán gần nhất;

+ Việc chào bán cổ phiếu, chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện chứng quyền phải đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật.

- Điều kiện chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm:

+ Có quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị thông qua phương án phát hành và sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán; xác định rõ tiêu chí, số lượng, nhà đầu tư;

+ Đối tượng tham gia đợt chào bán chỉ bao gồm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;

+ Việc chuyển nhượng trái phiếu chào bán riêng lẻ chỉ được thực hiện giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trừ trường hợp thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của Trọng tài hoặc thừa kế theo quy định của pháp luật;

+ Thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã chào bán hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt chào bán trái phiếu (nếu có), trừ trường hợp chào bán trái phiếu cho các chủ nợ là tổ chức tài chính được lựa chọn;

+ Có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận;

+ Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật (nếu có).

- Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không phải là công ty đại chúng chào bán cổ phiếu riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ phải đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này.

- Điều kiện chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không phải là công ty đại chúng và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này bao gồm:

+ Có quyết định của Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua phương án phát hành và sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán; xác định rõ tiêu chí, số lượng nhà đầu tư;

+ Đáp ứng quy định tại các điểm b, c, đ và e khoản 2 Điều này.

- Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không phải là công ty đại chúng chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ sở hữu hiện có phải đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a và điểm d khoản 1 Điều này.

- Chính phủ quy định chi tiết việc chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán quy định tại Điều này và các trường hợp chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ khác của công ty đại chúng.

Theo đó, Công ty của bạn vẫn được chào bán chứng khoán riêng lẻ, tuy nhiên phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 trên.

Trên đây là những thông tin xoay quanh đề tài tăng vốn điều lệ. Để có thể được hỗ trợ cũng như tìm hiểu thông tin, quy định của pháp luật về tăng vốn điều lệ, Quý khách có thể liên hệ NPLaw để được tư vấn bởi đội ngũ luật sư, chuyên viên pháp lý dày dặn kinh nghiệm.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan