QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ THẨM MỸ KHÔNG XÂM LẤN

I. Nhu cầu thực hiện thẩm mỹ không xâm lấn hiện nay

Làm đẹp luôn là nhu cầu rất lớn đối với mọi người đặc biệt là chị em phụ nữ, và phương pháp thẩm mỹ không xâm lấn là xu hướng được sử dụng phổ biến hiện nay khi không phải sử dụng đến dao kéo. Vậy thì quy định pháp luật liên quan đến các thủ tục kinh doanh thẩm mỹ và điều kiện đối với người thực hiện thẩm mỹ như thế nào? Hãy cùng NPLaw tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

II. Các quy định liên quan đến thẩm mỹ không xâm lấn

1. Thẩm mỹ không xâm lấn là gì?

Hiện nay pháp luật không có quy định cụ thể thế nào là thẩm mỹ không xâm lấn. Đây là cách gọi nhằm phân biệt với thẩm mỹ xâm lấn hay còn gọi là phẫu thuật thẩm mỹ, tức là sử dụng các phương pháp xâm lấn, có can thiệp phẫu thuật như sửa chữa, tái tạo hình thể con người bằng cách tác động trực tiếp lên các mô, xương, cơ và hệ thống dây thần kinh bằng việc sử dụng các công cụ dao kéo và sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm.

Như vậy, thẩm mỹ không xâm lấn được hiểu là làm đẹp mà không cần can thiệp phẫu thuật, không phải đụng đến dao kéo để xâm lấn, can thiệp vào các bộ phận trên cơ thể như da, xương, máu… làm thay đổi hình dạng hoặc khiếm khuyết trên cơ thể và không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm.

2. Cơ sở thực hiện thẩm mỹ không xâm lấn phải xin các loại giấy phép nào?

Căn cứ khoản 12 Điều 40 Nghị định 96/2023/NĐ-CP, quy định cơ sở có cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ dưới đây hoặc có sử dụng sản phẩm có tác dụng dược lý phải được thành lập theo một trong các hình thức tổ chức là bệnh viện hoặc phòng khám đa khoa hoặc phòng khám chuyên khoa:

a) Dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) nhằm:

- Làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, tăng cân nặng, giảm cân nặng (giảm béo, giảm mỡ cơ thể);

- Khắc phục khiếm khuyết hoặc tạo hình theo ý muốn đối với các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người);

- Tái tạo, phục hồi tế bào hoặc bộ phận hoặc chức năng cơ thể người.

b) Dịch vụ xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm.

Theo quy định trên thì cơ sở thực hiện thẩm mỹ không xâm lấn không thuộc lĩnh vực khám, chức bệnh và không thuộc quy định nêu trên nên không cần xin giấy phép đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại Sở Y tế mà chỉ cần làm thủ tục đăng ký kinh doanh dưới loại hình là hộ kinh doanh hoặc doanh nghiệp và đáp ứng các điều kiện liên quan chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề (nếu có).

Như vậy, cơ sở thực hiện thẩm mỹ không xâm lấn không cần phải có giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại Sở Y tế mà chỉ cần có giấy đăng ký kinh doanh và các chứng chỉ đào tạo, dạy nghề liên quan như chứng chỉ đào tạo, dạy nghề về phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp, chứng chỉ về chăm sóc da do cơ quan có thẩm quyền cấp và các chứng chỉ liên quan khác.

3. Thủ tục xin mở cơ sở kinh doanh thẩm mỹ không xâm lấn?

Thủ tục xin thành lập cơ sở kinh doanh thẩm mỹ không xâm lấn được thực hiện theo Luật Doanh nghiệp 2020 và Nghị định 01/2021/NĐ-CP, cụ thể:

Chuẩn bị hồ sơ bao gồm:

  • Điều lệ công ty kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ;
  • Giấy đề nghị đăng ký thành lập doanh nghiệp (có đăng ký mã ngành nghề kinh doanh thẩm mỹ viện);
  • Danh sách thành viên đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần;
  • CMND/CCCD/hộ chiếu của người đại diện pháp luật, các thành viên, người ủy quyền (bản sao còn hiệu lực);
  • Giấy ủy quyền (nếu có).

Đối với loại hình hộ kinh doanh:

  • Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ (có đăng ký mã ngành nghề kinh doanh thẩm mỹ viện);
  • CMND/CCCD/hộ chiếu chủ hộ, các thành viên đăng ký mở thẩm mỹ viện (bảo sao hợp lệ);
  • Bản sao hợp đồng thuê nhà (mượn nhà/sổ đỏ) hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đặt phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ;
  • Văn bản ủy quyền (nếu người nộp hồ sơ không phải đại diện pháp luật);
  • Biên bản thỏa thuận của các thành viên hộ gia đình đại diện cho 1 thành viên làm chủ cơ sở thẩm mỹ viện;
  • Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề (nếu có).

Nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền

  • Đối với hộ kinh doanh: Nộp tại cơ quan đăng ký kinh doanh thuộc UBND cấp huyện nơi đặt địa chỉ thẩm mỹ viện;
  • Đối với doanh nghiệp: Nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh, thành phố nơi đặt cơ sở thẩm mỹ.

Có thể chọn hình thức nộp hồ sơ trực tiếp, nộp online hoặc nộp hồ sơ qua dịch vụ chuyển phát nhanh bưu điện.

- Chờ nhận kết quả

Tối đa từ 3 - 5 ngày làm việc (tính từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ), cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thẩm mỹ.

Lưu ý mã ngành đăng ký kinh doanh thẩm mỹ:

  • Mã ngành 9610: Các dịch vụ thẩm mỹ nhằm chăm sóc sức khỏe. Nhóm này bao gồm các hoạt động như: massage, tắm hơi, thẩm mỹ trị liệu không can thiệp xâm lấn…;
  • Mã ngành 9631: Dịch vụ về thẩm mỹ tóc. Nhóm này bao gồm các hoạt động như: massage mặt, làm nail, phun thêu thẩm mỹ chân mày - mí mắt - môi, cắt tóc, gội đầu…

III. Các thắc mắc thường gặp liên quan đến thẩm mỹ không xâm lấn

1. Người thực hiện thẩm mỹ không xâm lấn có bắt buộc là bác sĩ không?

Người thực hiện thẩm mỹ không xâm lấn không bắt buộc phải là bác sĩ, tức là phải có giấy phép hành nghề khám chữa bệnh. Vì thẩm mỹ không xâm lấn không có bác sĩ phẫu thuật, không thuộc diện khám, chữa bệnh, không can thiệp phẫu thuật hay sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm theo khoản 12 Điều 40 Nghị định 96/2023/NĐ-CP. Như vậy, người thực hiện thẩm mỹ không xâm lấn chỉ cần có chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp.

2. Xăm môi có phải là thẩm mỹ không xâm lấn không?

Căn cứ khoản 12 Điều 40 Nghị định 96/2023/NĐ-CP, đối với kinh doanh hoạt động xăm, phun, thêu thẩm mỹ trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm thì cơ sở phải thành lập một trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là bệnh viện hoặc phòng khám đa khoa hoặc phòng khám chuyên khoa. Như vậy, xăm môi là thẩm mỹ xâm lấn khi cơ sở kinh doanh có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm và là thẩm mỹ không xâm lấn khi không sử dụng loại thuốc này.

3. Cơ sở thực hiện thẩm mỹ không xâm lấn có cần xin giấy phép hoạt động không?

Căn cứ khoản 12 Điều 40 Nghị định 96/2023/NĐ-CP, cơ sở thực hiện thẩm mỹ không xâm lấn không cần phải có giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại Sở Y tế mà chỉ cần có giấy đăng ký kinh doanh và các chứng chỉ đào tạo, dạy nghề liên quan.

4. Cơ sở mở dịch vụ thẩm mỹ thực hiện xăm da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm thì có cần giấy chứng nhận đào tạo nghề hay không?

Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn thay thế về vấn đề này, nên căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 33a Nghị định 109/2016/NĐ-CP được bổ sung bởi khoản 10 Điều 11 Nghị định 155/2018/NĐ-CP như sau:

Đối với dịch vụ thẩm mỹ như tiệm phun, xăm trên da thì người thực hiện xăm, phun thêu trên da mà không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại cơ sở thẩm mỹ thì phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề về phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp.

5. Cơ sở thẩm mỹ không xâm lấn cố tình thực hiện dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn khi không đăng ký thì bị xử lý như thế nào?

Theo khoản 5 Điều 4 và khoản 6, điểm c khoản 7 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, cơ sở hoạt động thẩm mỹ không có giấy phép hoạt động sẽ bị phạt hành chính từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Bên cạnh đó còn bị đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng.

Lưu ý: Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (khoản 5 Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP)

Ngoài ra, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 315 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung 2017) về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác với khung hình phạt từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, cơ sở thẩm mỹ không xâm lấn cố tình thực hiện dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn khi không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để cấp giấy phép hoạt động thì bị xử lý như trên.

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan đến thẩm mỹ không xâm lấn

Trên đây là thông tin giải đáp vướng mắc về thẩm mỹ không xâm lấn mà NPLaw gửi đến Quý độc giả. Nếu Quý độc giả có bất kỳ vướng mắc nào liên quan cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với NPLaw theo thông tin liên hệ sau:


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan